Sắp ‘nóng’ lại vụ Đại học Harvard bị kiện

Một trong nhiều cổng vào khuôn viên đại học Harvard ở ngoại ô Boston. (ảnh: Paul Marotta / Getty Images)

Vào ngày 31 Tháng Mười sắp tới, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ sẽ xét xử vụ kiện gây tranh cãi trên khắp nước Mỹ, đặc biệt trong cộng đồng người Mỹ gốc Á.

Đó là hai vụ: Students For Fair Admissions (Sinh viên Ủng hộ Tuyển sinh Công bằng – SFFA) kiện Harvard và SFFA kiện Đại học University of North Carolina (UNC). Cả hai vụ kiện tập hợp các trường đại học, các tổ chức dân quyền và các nhà hoạt động sinh viên ủng hộ chính sách tuyển sinh có ý thức về chủng tộc và cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng cho sinh viên da màu.

Vụ kiện này được coi là cuộc thăm dò về chính sách “affirmative action” (chính sách đặc cách dành cho những nhóm sắc dân hay chủng tộc thiểu số), và có thể có ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình tuyển sinh đại học cho các nhóm thiểu số.

Tại cuộc hội thảo qua Zoom do tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức hôm 14 Tháng Mười, với sự tham dự của hơn 80 người, trong đó hầu hết là giới truyền thông báo chí, ông John C. Yang, Chủ tịch kiêm CEO của Tổ chức Người Mỹ gốc Á Advance Justice-AAJC cho biết: “Tôi nghĩ còn quá sớm để bàn về chuyện Tòa án Tối cao sẽ làm gì đối với vụ Harvard bị kiện. Dù khá lo ngại, nhưng chúng tôi cũng biết rằng trong vài năm nay, các vụ kiện vẫn được ghi vào sổ sách và có tiền lệ rõ ràng về cuộc chạy đua trong chính sách tuyển sinh.”

Ông Yang lưu ý, cả tòa án quận và tòa phúc thẩm đều kết luận không có bằng chứng về sự phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Á. “Số người Mỹ gốc Á tại Harvard tăng lên đáng kể, gần đây chiếm tỷ lệ gần 28% trong số sinh viên trúng tuyển, mặc dù người Mỹ gốc Á chỉ chiếm khoảng 7% dân số Mỹ,” ông Yang nêu ra con số.

Những người biểu tình bên ngoài Tòa thị chính kêu gọi các thành viên Hội đồng thành phố Los Angeles từ chức sau khi một bản ghi âm bị rò rỉ, tiết lộ các bình luận phân biệt chủng tộc vào ngày 12 Tháng Mười năm 2022 tại Los Angeles, California. (ảnh: Mario Tama / Getty Images)

Cũng theo CEO của AAJC, từ năm 2010, một số cuộc khảo sát cho thấy hai phần ba người Mỹ gốc Á ủng hộ chính sách “affirmative action” nhằm chống nạn phân biệt đối xử giữa những người nộp đơn, khắc phục hậu quả của sự phân biệt đối xử trước đó và ngăn chặn tình trạng này xảy ra trong tương lai. Ông nói rằng nếu Harvard không xem xét rốt ráo vấn đề này trong tuyển sinh, số lượng sinh viên da đen sẽ giảm từ 14% xuống còn 6%, sinh viên Latino sẽ giảm từ 14 % xuống 9%. Một nghiên cứu của Đại học Georgetown cũng đưa ra kết luận tương tự.

Tại hội thảo, David Hinojosa thuộc Ủy ban Luật sư về Quyền Dân sự theo Pháp luật, người sẽ tham gia tranh luận về vụ kiện UNC trước Tòa án Tối cao vào ngày 31 Tháng Mười, cho biết: “Có nhiều người chống lại affirmative action, họ đang đánh cược với sự công bằng và cơ hội. Nhưng lịch sử đứng về phía chúng ta; Hiến pháp đứng về phía chúng ta; Luật pháp đứng về phía chúng ta, và sự thật cũng vậy,” Hinojosa nói.

Michaele Turnage-Young, Cố vấn cấp cao của Quỹ bảo vệ pháp lý (LDF) nói tại hội thảo của EMS, rằng tất cả sinh viên đều xứng đáng được vào đại học, bất kể thu nhập của họ là bao nhiêu, nơi họ lớn lên, hay thuộc chủng tộc, dân tộc nào. Cô cho biết các sinh viên thiểu số thường thuộc tầng lớp dân cư có thu nhập thấp hơn các bạn da trắng, có ít cơ hội để tích lũy các chứng chỉ mà các trường cao đẳng xem xét trong tuyển sinh. Họ phải học ở các trường dân tộc thiểu số, có ít giáo viên giàu kinh nghiệm, cơ sở vật chất thiếu thốn, ít hoạt động ngoại khóa, ít dạy nghệ thuật hơn, ít giờ giải lao hơn.

“Đặc biệt, nhiều người lo ngại rằng việc xóa bỏ chủng tộc khỏi quy trình tuyển sinh sẽ khiến các ứng viên da màu không thể trình bày bản thân thật của họ trong đơn xin vào đại học,” Turnage-Young nói.

Một cựu sinh viên Harvard, cô Sally Chen là người được mời tham dự hội thảo, nói về gia cảnh của mình: “Tôi là con gái của những người nhập cư thuộc tầng lớp lao động ít dùng tiếng Anh, tôi sẽ không được hưởng lợi ích của nền giáo dục Harvard nếu không nhờ các chính sách tuyển sinh có ý thức về chủng tộc của Harvard.”

Chen là một trong số sinh viên giỏi của Harvard, cùng hàng trăm người ký vào bản tóm tắt do LDF đệ trình trong vụ án. Quỹ này đại diện cho 25 tổ chức sinh viên và cựu sinh viên Harvard.

Chen kể, bố của cô là một đầu bếp, làm việc trong một nhà hàng Trung Quốc, mẹ cô làm việc trong một tiệm bánh ở Khu Phố Tàu (China Town). Gia đình sáu người của họ lớn lên trong một căn nhà một phòng ngủ chật hẹp ở San Francisco. “Chúng tôi phải vật lộn hàng ngày để kiếm sống. Chen nói. “Nhỏ đến lớn tôi đều học trường công, và từ khi còn nhỏ, tôi thường thay mặt cha mẹ dịch thuật và vận động chính sách.”

Chen ghi danh vào Harvard, mặc cho các cố vấn trung học khuyên, với lý lịch như cô thì “không có cửa”. Chen nói cô vẫn quyết định, vì điều đó rất quan trọng để họ “nhận ra tôi là ai, tại sao tôi muốn làm công việc mà tôi làm ngày hôm nay, và bối cảnh này đã khiến tôi trở thành một ứng viên mạnh mẽ hơn nhiều.”

Từ trái, hàng trên: Ông John C. Yang, ông David Hinojosa. Từ trái, hàng dưới: Cô Michaele Turnage-Young, cô Sally Chen. (ảnh chụp qua màn hình Zoom)

Chen đang làm việc tại Chinese for Affirmative Action ở San Francisco, tổ chức chuyên ủng hộ các chính sách mở ra cơ hội giáo dục cho tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là cho các gia đình nhập cư không rành tiếng Anh. “Có những quan điểm đa dạng thực sự làm cho nền giáo dục của chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn và đó là công việc mà tôi làm ngày hôm nay, để xây dựng liên minh giữa các chủng tộc,” Chen nói.

Vào ngày 12 Tháng Mười Một, 2020, tòa kháng án liên bang ra phán quyết rằng trường không cố ý phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Á trong quá trình tuyển sinh và chính sách tuyển sinh của trường cũng không vi phạm Hiến pháp.

Tòa kháng án lưu ý, đối với 1,600 sinh viên năm thứ nhất, Đại học Harvard nhận được khoảng 35,000 đơn xét tuyển và trường không chỉ xem xét thành tích học tập mà còn về nhiều phương diện khác của sinh viên. Tuy nhiên, cuộc chiến pháp lý vẫn chưa kết thúc trong bối cảnh Hoa Kỳ đang giải quyết các vấn đề kỳ thị chủng tộc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Tự sửa máy may
Máy may là một vật dụng vô cùng hữu ích, nhưng thường bị bỏ xó trong tủ vì ít sử dụng nhiều hoặc có phần nào của máy bị hư.…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Trồng khoai lang
Khoai lang rất tốt cho sức khỏe nhờ cung cấp nhiều chất xơ và vitamin, là loại củ có rất nhiều công dụng trong chế biến ẩm thực. Ngoài việc…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: