Sinh viên California chật vật vì chỗ ở

Chỗ ở ngày càng trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với nhiều sinh viên California (minh họa: element5-digital-unsplash)

Tại Đại học California ở Santa Cruz (UCSC) thuộc tiểu bang California, 44% sinh viên xem tiền thuê nhà là gánh nặng. Nhiều sinh viên tuyệt vọng tìm kiếm chỗ ở phải tranh giành một xuất trong Công viên Xe kéo (Trailer) do trường quản lý.

Bài toán không giải được

Wall Street Journal thuật: Laura Chappell sống với sáu người bạn cùng phòng trong một ngôi nhà xuống cấp gần UCSC. Ngôi nhà bị mối mọt, chuột bọ hoành hành và các hang chuột khắp sân sau. Hai trong số bảy phòng họ sử dụng làm phòng ngủ không có hệ thống sưởi và không được phép lắp đặt. Nhưng cô phải trả $963 một tháng, gần nửa tổng chi tiêu, cho phần không gian nhỏ nhất của ngôi nhà.

“Tôi có cảm giác mình bị móc túi!” – cô gái 31 tuổi đang học năm thứ sáu chương trình tiến sĩ sinh học bức bối nói. Từ lâu, California đã tự hào có một số trường đại học công lập được đánh giá cao nhất của nước Mỹ. Một số trường nằm trong các cộng đồng giàu có, ven biển tuyệt đẹp như Berkeley, Santa Barbara và Santa Cruz. Nhưng chi phí nhà ở tại tiểu bang đã tăng vọt trong thập niên qua do thiếu nhà mới xây dựng, khiến một số sinh viên nghèo khó sống gần trường họ theo học bị ảnh hưởng mạnh.

Steven McKay, giáo sư xã hội học tại UCSC nhận định: “Lời hứa về một nền giáo dục công lập dễ tiếp cận đang bị đe dọa vì chi phí nhà ở quá cao. Điều đó thực sự gây khó khăn cho các sinh viên thuộc tầng lớp lao động!”. Từ Tháng Bảy, 2021 đến Tháng Tư, 2022, UCSC đã hỗ trợ khoảng 3,165 sinh viên gặp khó khăn về thức ăn và nhà ở; tăng 15% so với năm trước (theo báo cáo trường được gửi đến các nhà lập pháp tiểu bang). 10 cơ sở thuộc hệ thống đại học của tiểu bang tuyển sinh gần 300,000 sinh viên.

Ở Santa Cruz, vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn do làn sóng nhân viên từ xa đến làm việc tại các công ty công nghệ phất lên trong mùa đại dịch. Trận cháy rừng năm 2020 đã phá hủy 900 đơn vị nhà ở trên toàn quận hạt. Một nghiên cứu năm 2020 của các nhà nghiên cứu của Đại học California ở Los Angeles cho thấy khoảng 9% sinh viên UCSC chưa tốt nghiệp phải trải qua tình trạng vô gia cư, chiếm tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ đại học nào ở California.

Theo nhóm vận động Liên minh Nhà ở Thu nhập thấp toàn quốc (National Low Income Housing Coalition), Santa Cruz là thị trường đắt đỏ thứ hai đối với người thuê nhà trên toàn quốc, chỉ sau San Francisco. Dữ liệu do UCSC tổng hợp cho thấy các phòng đơn trong các ngôi nhà bên ngoài khuôn viên trường có giá thuê trung bình từ $1,300 đến $1,500 một tháng.

McKay dẫn đầu một nghiên cứu năm 2021 phát hiện nhiều sinh viên UCSC buộc phải vay nợ để trả tiền thuê nhà và sống trong những căn phòng tạm bợ bất hợp pháp như trong nhà để xe, phòng khách và nhà kho chứa hồ bơi. Khảo sát các sinh viên chưa tốt nghiệp tại UCSC cho thấy có đến 80% phải chịu gánh nặng về tiền thuê nhà và chi ít nhất 30% thu nhập cho khoản này.

McKay và các nhà nghiên cứu tạo ra một danh mục mới gọi là “tiền thuê nhà quá sức chịu đựng” dành cho những người phải bỏ ra 70% tiền lương hàng tháng trở lên cho tiền thuê nhà. Khoảng 44% sinh viên đại học được khảo sát rơi vào danh mục đó. Ký túc xá của UCSC hiện chỉ còn đủ giường cho khoảng một nửa trong gần 20,000 sinh viên theo học, con số cao nhất so với bất kỳ ký túc xá đại học nào tại California.

Một số sinh viên California đã chấp nhận bỏ học vì đối mặt sức ép từ việc không kham nổi chi phí chỗ ở (minh họa: inbal-marilli-unsplash)

Công viên xe kéo là chọn lựa của nhiều sinh viên

Một trong những lựa chọn sau khi không tìm được chỗ ở được nghĩ đến nhiều nhất tại UCSC là Camper Park, một công viên cắm trại xe kéo có 42 xe kéo do trường đại học sở hữu và điều hành. Với chi phí thấp hơn một căn phòng trong căn hộ chung trên thị trường tư nhân, sinh viên có được chiếc xe của riêng mình, được trang bị tủ lạnh mini, bếp gas và nếu may mắn có thêm một lò nướng!

Damien Stoffel, sinh viên năm cuối chuyên ngành văn học đã sống ở đó hai năm nhận xét: “Bỏ ra khoảng $800 một tháng và bạn có toàn bộ không gian của riêng mình. Làm sạch bể nước hàng tuần có thể vất vả và chứng kiến giun đất thỉnh thoảng bò vào vòi hoa sen là điều không hay nhưng sống ở đây đã giúp giảm chi phí dành cho nhà ở thấp hơn mức tối đa mà cha mẹ tôi, cả hai đều là giáo viên tiểu học, đồng ý trợ giúp”.

Công viên cắm trại cũng là lựa chọn đầu tiên của Leobardo Hernandez trong năm tới. Sinh viên đại học 33 tuổi này kiếm tiền bằng hái trái cây và làm xây dựng trước khi trở lại trường để học tâm lý học. Hiện anh ở chung một nhà xe di động một phòng ngủ với ba người họ hàng ở thị trấn Watsonville, cách Santa Cruz khoảng 20 dặm. Hernandez trả khoảng $600 một tháng, gồm cả tiện ích điện nước, internet và tin rằng anh sẽ không bao giờ đủ khả năng thuê một căn phòng bên ngoài khuôn viên trường. “Tôi chỉ cần một nơi để tắm và ngủ. Đó là nơi rẻ nhất để có thể theo đuổi ước mơ của mình”.

Hernandez cho biết hầu như mọi ngày anh chỉ ăn hai thanh granola, uống một ly trà xanh, cà phê espresso và bột đồ uống có chứa caffein để chờ bữa trưa. Đôi khi anh ăn tối tại phòng ăn chung nếu một người bạn mời vào. Mariah Lyons, giám đốc một chương trình giúp sinh viên gặp khủng hoảng cho biết UCSC có hai căn hộ trong khuôn viên trường có thể dùng làm nhà ở khẩn cấp cho tối đa sáu sinh viên trong tối đa một tháng. Chương trình cũng cấp phiếu giảm giá khách sạn, quỹ khẩn cấp để đặt cọc hoặc tiền thuê nhà và giúp đăng ký hỗ trợ thực phẩm. Các quan chức của trường đại học hy vọng sẽ sớm có nhà ở thêm 3,700 sinh viên vào mùa thu năm… 2028!

Gặp khó với cộng đồng cư dân địa phương

Ở một số thị trấn đại học tại California, các cư dân cộng đồng địa phương luôn phản đối những dự án nhà ở sinh viên gần nơi họ sinh sống vì họ sợ ồn ào và phức tạp an ninh. Một dự án dự kiến bổ sung thêm 3,000 giường trong khuôn viên trường vẫn chưa được động thổ sau bốn năm kiện tụng của cư dân Santa Cruz.

Tương tự, Đại học California ở Berkeley đã chuẩn bị cắt giảm tuyển sinh mới vào mùa xuân năm ngoái chỉ vì phán quyết của thẩm phán trong một vụ kiện liên quan đến nhà ở. May mắn quyết định đã được đảo ngược sau khi các nhà lập pháp tiểu bang mất 11 giờ để thông qua bản thay đổi.

Chappell chuyển nhà 13 lần trong 13 năm học đại học và sau khi tốt nghiệp USCS. Cô cho biết, vào Tháng Chín năm ngoái khi những người bạn cùng nhà của cô rao cho thuê một căn phòng trống với giá $900 họ đã nhận được hơn 260 phản hồi trong hai tuần. Trước đây cô muốn tiếp tục học tập sau khi nhận bằng Tiến sĩ để trở thành giáo sư. Nhưng nay cô quyết định từ bỏ nó cũng vì khó khăn chỗ ở. “Tôi không thể tưởng tượng được việc phải vật lộn thêm bốn, năm năm nữa để tìm chỗ ở với tài chính eo hẹp. Tôi muốn đi làm và bắt đầu cuộc sống của mình. Tôi muốn đảm bảo tài chính và không muốn căng thẳng về nhà ở nữa!”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: