Hoa hậu và “nhiệm vụ chính trị”

Truyền thông trong nước đang ào ạt “đánh động” “hiện tượng lạm phát” thi hoa hậu. Tuy nhiên, không bài viết nào đặt vấn đề tình trạng “lạm phát hoa hậu” thật ra bắt đầu từ đâu…
Share:
Các thí sinh cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam – chung kết 16 Tháng Bảy (Facebook Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam)

Loạn các cuộc thi người đẹp

Một tờ báo trong nước vừa giới thiệu những hoa khôi các sắc dân thiểu số, trong đó có một cô 25 tuổi đang là Đại biểu Hội đồng nhân dân một huyện miền núi ở Lai Châu. Ảnh người đẹp cho thấy nàng nở nụ cười xinh mộng, cùng niềm hy vọng đoạt vương miện hoa hậu trong cuộc thi nhan sắc có tên “Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam”, với đêm chung kết tổ chức ngày 16 Tháng Bảy tại Sài Gòn. Người đăng quang sẽ được thưởng 300 triệu đồng tiền mặt (khoảng $12,800) và giành được suất thi Miss Earth 2022.

Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam không phải là cuộc thi người đẹp duy nhất được tổ chức ở Việt Nam trong năm 2022. Truyền thông trong nước liệt kê hàng loạt cuộc thi được thực hiện từ giờ đến cuối năm:

Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam (chung kết 16 Tháng Bảy),

Hoa hậu Áo dài Việt Nam (30 Tháng Bảy),

Hoa hậu Thể thao Việt Nam (31 Tháng Bảy),

Hoa hậu Thế giới Việt Nam (12 Tháng Tám),

Hoa hậu Hòa bình Việt Nam (11 Tháng Chín),

Nữ hoàng trang sức Việt Nam (20 Tháng Mười),

Hoa hậu Biển đảo Việt Nam (22 Tháng Mười),

Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam (22 Tháng Mười),

Hoa hậu Việt Nam (dự kiến ngày 15 Tháng Mười Hai)…

Thí sinh NGUYỄN THỊ QUỲNH TRANG – cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam (Facebook Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam)
Thí sinh LỤC KHÁNH CHI – cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam (Facebook Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam)

Đối tượng dự thi các cuộc thi nhan sắc cũng đa dạng, từ những cô gái e ấp thẹn thùng tuổi 18 đôi mươi, đến những phụ nữ trung niên 40-50 khi mà đời đã “hoa tàn úa xanh xao, phong ba dập vùi”, miễn đủ tự tin mình đẹp và nhiều tiền, thật nhiều tiền. Có không ít đàm tiếu về việc một số mệnh phụ nạ dòng đua đòi bỏ tiền mua giải hay chuyện những cô “chân dài đến nách” được đại gia chống lưng. Đó là chưa kể những gương mặt “gà chọi” quen thuộc “cày” hết thi cuộc hoa hậu này đến đấu trường nhan sắc khác…

Các cuộc thi hoa hậu hấp dẫn không? Hẳn nhiên là có. Ai mà chẳng thích ngắm người đẹp!? Tuy nhiên, các cuộc thi hoa hậu Việt Nam không chỉ là “đấu trường nhan sắc”. Chúng còn là sân khấu của những chương trình “người đẹp tấu hài”, khi họ làm trò cười cho khán giả, trước những ứng xử và phát biểu ngô nghê hết cuộc thi này đến cuộc thi khác. Trong cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2014, Thu Phương – thí sinh lúc đó đang học tại một trường cao đẳng ở Sài Gòn sau khi nhận được câu hỏi: “Trước việc xâm phạm chủ quyền Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc với việc đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, em có suy nghĩ thế nào?”, người đẹp 21 tuổi này trả lời:

“Khi biết về việc Trung Quốc đặt giàn khoan 981 tại vùng biển Việt Nam mình, em cảm thấy rất là bức xúc, nó xâm phạm về lãnh thổ, về vùng kinh tế của đất nước Việt Nam mình. Em muốn người Trung Quốc hãy mở giàn khoan đó ra, và để cho đất nước Việt Nam của em ngày càng xinh đẹp hơn”.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn cuộc thi Hoa hậu Siêu Quốc gia 2022, Á hậu Kim Duyên – một người đẹp “Tây Đô” – đã trả lời MC rằng nhân vật truyện tranh Doreamon là sản phẩm của hãng Disney (Mỹ) thay vì của Nhật. Và trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022, hàng loạt thí sinh (Lệ Nam, Hương Ly, Bùi Thanh Thủy, Huỳnh Phạm Thủy Tiên – người được đánh giá là “dân chuyên ngoại ngữ”) đều nói tiếng Anh quá kém, trong khi đây là phần thi bắt buộc và là một trong những phần quan trọng của một cuộc “đọ nhan, thi sắc” gọi là “Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam”.

Á hậu (Nguyễn Huỳnh) Kim Duyên (ảnh: Facebook nhân vật)

Em đẹp, em có quyền… dốt chút nha!

Nhiều người hẳn còn nhớ hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên đoạt vương miện Hoa hậu Miss Grand International (Hoa hậu Hòa bình quốc tế) hồi năm ngoái tổ chức tại Thái Lan. Sau khi trả lời câu hỏi của Ban giám khảo, Thùy Tiên đã giơ ba ngón tay gợi đến hình ảnh biểu tượng cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự Myanmar. Biểu tượng này cũng được người biểu tình Thái Lan dùng trước đó. Đó là một sự kiện hiếm hoi mà một người đẹp Việt Nam thể hiện quan điểm chính trị trên đấu trường nhan sắc. Trong khi đó, đa số người đẹp Việt Nam thi hoa hậu từ trong nước đến quốc tế dường như không có chút kiến thức gì về chính trị xã hội, theo cách như các người đẹp thế giới luôn thể hiện trong các cuộc thi hoa hậu.

Nguyễn Thúc Thùy Tiên (ảnh: Facebook nhân vật)
Nguyễn Thúc Thùy Tiên (ảnh: Facebook nhân vật)
Nguyễn Thúc Thùy Tiên (ảnh: Facebook nhân vật)

Điều tréo nghoe là dù các em xinh đẹp có kiến thức chính trị tổng quát “hơi bị mỏng” lại luôn được trao trách nhiệm “gánh vác sơn hà” khi tham gia đấu trường thế giới, với những “nhiệm vụ chính trị đặc biệt”. Mỗi khi có người đẹp đại diện Việt Nam tham gia các cuộc thi hoa hậu ở nước ngoài, cái gọi là ban tuyên giáo hoặc các quan chức lãnh đạo ngành văn hóa luôn bắt các em truyền tải “thông điệp ý nghĩa” gì đó cho bạn bè năm châu biết “tự hào lắm Việt Nam ơi” là gì. Vụ Đỗ Thị Hà là điển hình.

Đỗ Thị Hà (ảnh: Facebook nhân vật)

Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2021 diễn ra ở Puerto Rico, hoa hậu Đỗ Thị Hà đã trình diễn tài năng bằng việc đàn Cô gái vót chông trên đàn T’rưng. Tuy nàng Hoa hậu Việt Nam chỉ biểu diễn nhạc cụ nhưng âm vang của “giặc Mỹ cọp beo” với “mũi chông sẵn sàng đây chờ bọn bay, diệt bọn bay…” – lời trong ca khúc – đã khiến người ta lập tức nghĩ ngay đến yếu tố “tính Đảng”, “tính dân tộc” được định dạng theo “format” tư duy cộng sản khi ca khúc Cô gái vót chông được chọn, thay vì những ca khúc thuần túy dân tộc như Trống Cơm chẳng hạn.

“Tính dân tộc” theo “format” cộng sản còn thể hiện ở việc lựa chọn trang phục. Chỉ Việt Nam mới có những thí sinh mặc trang phục được “biến tấu” với những ổ bánh mì và cả những chiếc mẹt, được gọi méo mó là “trang phục dân tộc” – như người đẹp H’Hen Niê thể hiện trong chương trình “H’Hen Niê – Road To Miss Universe”. Tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 mới đây, nhà thiết kế Nguyễn Quốc Việt đã lấy “cảm hứng” từ chiếu Cà Mau để “xây dựng hình tượng” cho một thí sinh. Ấy thế mà “Chiếu Cà Mau” đã đoạt giải nhất “trang phục dân tộc” trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 tổ chức giữa Tháng Sáu.

H’Hen Niê trong trang phục… bánh mì (ảnh: Facebook nhân vật)
H’Hen Niê trong “trang phục dân tộc” (ảnh: Facebook nhân vật)
Tình… em bán chiếu (cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 – ảnh: VNE)
Trang phục… ngư ông (cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 – ảnh: VNE)
Trang phục… bánh tráng (cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 – ảnh: VNE)

__________

Và mặc dù kiến thức xã hội kém, vốn liếng hiểu biết chính trị “hơi bị nghèo”, tương phản với nhan sắc lộng lẫy yêu kiều cùng ba số đo hấp dẫn, khiến họ thường xuyên “nói lộn, cho nói lại, làm gì dữ vậy” nhưng các thí sinh luôn làu làu những câu rỗng tuếch được mớm thuộc lòng.

“Tôi đang nỗ lực làm hết trách nhiệm với cử tri. Tôi tâm niệm bản thân phải làm mọi việc để người dân quê hương tôi có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, vui vẻ hơn” – đây là phát biểu của thí sinh Hoàng Thị Lả, 24 tuổi (dự cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam) – một đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Than Uyên (Lai Châu). Ái chà chà, nghe xôm hung!

Thí sinh Hoàng Thị Lả – cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam (ảnh: VNE)

Nhan sắc một thời

Khi nhắc đến những cuộc thi hoa hậu bát nháo từ Bắc đến Nam, người miền Nam bỗng nhớ đến những tượng đài nhan sắc một thời. Người phụ nữ Việt Nam Cộng Hòa đầu tiên đăng quang hoa hậu là bà Công Thị Nghĩa (tên gọi khác là Thu Trang). Bà sinh năm 1932, người Hà Nội nhưng đăng quang ở Sài Gòn năm 1955. Bà từng tham gia phim Chúng tôi muốn sốngLục Vân Tiên trước 1975, sau đó, bà sang Pháp học và trở thành tiến sĩ sử học tại Đại học Paris VII.

Thời Việt Nam Cộng Hòa, người ta không tổ chức hàng chục cuộc thi hoa hậu mỗi năm nhưng nhan sắc của những người đẹp một thời chưa bao giờ biến mất trong ký ức thời gian. Người ta vẫn nhớ vẻ đẹp dịu dàng của nghệ sĩ Thanh Nga hoặc nét sắc sảo của tài tử Kiều Chinh. Họ không chỉ đẹp mà còn có học thức và có tư cách.

Minh tinh Kiều Chinh (MXH)

Trong khi đó, không ít người đẹp quốc nội bước lên “vũ đài nhan sắc” từ những vụ bê bối phẫu thuật thẩm mỹ, dùng tiền mua giải dàn xếp kết quả, được đại gia chống lưng hoặc thậm chí là bồ nhí của những “thiếu gia công tử” – chẳng hạn Lê Trương Hiền Hoà, con của Lê Thanh Hải, tay (cựu) bí thư TP.HCM một thời hét ra lửa xịt ra khói. Ở Sài Gòn, ai mà không biết Hiền Hoà là tên hám gái; và người đẹp nào mà không qua tay hắn, trong đó có Nguyễn Thị Trang Phương, người đoạt giải Hoa khôi Duyên dáng Truyền hình TP.HCM lần 4 (2009), vốn là vợ của một đại gia tên Lê Anh Văn. Người đẹp Lý Nhã Kỳ cũng một thời là người tình của Lê Trương Hiền Hoà, một chuyện tình hậu cung bí mật mà… ai cũng biết.

Bất luận thế nào, các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam vẫn cứ thế sáng đèn. Hoa hậu vẫn trả lời ngây ngô. Báo chí vẫn đăng nhan nhản ảnh người đẹp với số đo ba vòng tuyệt hảo – trừ “vòng” kiến thức là èo uột khiêm tốn. Ngoài việc tổ chức hoa hậu giúp hốt bộn bạc khiến người ta lao vào kinh doanh các cuộc thi nhan sắc, việc các cuộc thi hoa hậu “phủ sóng” thường trực cũng tạo ra cho dân chúng một cảm giác giả tạo, rằng đất nước đang êm đẹp, đời sống đang phát triển, kinh tế đang ổn định. Bật tivi lên coi hoa hậu đi, mọi thứ đã có Đảng và Nhà nước lo, đời vui vậy thôi, muốn sao nữa, than phiền cái gì!

__________

ĐỌC LẠI:

Khi hoa hậu đi… vót chông

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: