Hoài cảm một tài năng pop sớm ra đi

Nhớ mãi tiếng guitar thùng và các tình ca buồn của Jim Croce
Jim Croce (ảnh: Charlie Gillett/Redferns/Getty Images)

Có lẽ không sai khi nói rằng hầu hết bạn trẻ sống tại Sài Gòn những năm đầu 1970 đều yêu thích các ca khúc folk-rock nhẹ nhàng mà trầm buồn của Jim Croce. Ngày 20 Tháng Chín vừa qua là kỷ niệm 48 năm ngày ông vĩnh viễn ra đi.

Gần nửa thế kỷ trước, chiều ngày 24 Tháng Chín, sau khi kết thúc buổi đàn hát trên sân khấu Prather Coliseum của trường Northwestern State University ở thành phố Natchitoches, tiểu bang Louisiana, nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn Jim Croce ra sân bay cùng êkíp nhạc công (trong đó có Maury Muehleisen, một tài năng đa dụng cụ âm nhạc) lên chiếc máy bay nhỏ Beechcraft E18S để bay đến Sherman, tiểu bang Texas và rồi không bao giờ hạ cánh nữa. Do lỗi phi công, chiếc máy bay đâm mạnh vào vật cản ven đường băng, cả sáu hành khách và phi công đều tử nạn. Năm ấy Jim Croce mới 30 tuổi, đang bắt đầu tỏa sáng nhờ các sáng tác của anh – You don’t mess around with Jim; Bad Bad Leroy Brown Time in a bottle – được các radio trên đất Mỹ thi nhau phát tỏa.

Tháng Chín 1973 ấy, Jim Croce đang trên hành trình du diễn những show nhỏ để như chính thức ra mắt khán giả đã yêu thích album rất hay You Don’t Mess Around With Jim năm 1972 và quảng bá cho album Life And Times, tung ra hồi đầu năm 1973.

Hồi những năm đầu thập niên 1970, các bạn trẻ Sài Gòn biết khẩy guitar thường hay chơi How can I tell her, I’d love you to want me, Imagine, Heart of Gold… nhưng ít ai chơi Operator, I’ll have to say I love you in a song. Không phải vì không thích hai bài tình ca rất buồn, rất hiền dịu này mà vì khó mà bắt chước được cách chơi guitar thùng của Jim Croce. Nó luyến láy, thướt tha, mượt mà, réo rắt rất cuốn hút. Mà đó lại là hai ca khúc hay nhất của Jim Croce.

Nếu như Tom Jones từng mô tả anh chàng cuồng điên sát hại người yêu ngoại tình (bài Delilah); Glenn Frey của nhóm The Eagles mỉa mai khi biết thừa người yêu lừa dối mình (bài Lying eyes) thì Jim Croce chỉ rụt rè nhờ tổng đài viên nối kết cho điện thoại của người yêu cũ đã bỏ anh đi với thằng bạn thân của anh. Đó là bài Operator (That’s not the way it feels). Anh còn hiền lành, nhút nhát, đáng yêu hơn nữa khi tâm sự như bị câm điếc khi đối diện người yêu nên chỉ còn cách tỏ bày tình yêu của mình qua bài ca I’ll have to say I love you in a song! Hay quá, đáng yêu quá.

Ngày 21 Tháng Chín 1973, tức chỉ một ngày sau khi tin buồn Jim Croce đã bay về cõi vĩnh hằng được loan đi thì một single mới của anh được tung ra, như ghi dấu rằng anh đã từng sống và thành danh. Đó là bài I got a name mà rồi đã được ghi vào album cuối cùng của Jim Croce, tung ra vào cuối năm 1973.

Jim Croce gia nhập câu lạc bộ những tài năng nhạc trẻ sớm từ giã cõi trần. Giả như đã không hề xảy ra tai nạn máy bay ngày 20 Tháng Chín 1973 ấy thì chắc chắn nay trong bảng thành tích ghi họ tên của anh cũng đã có những giải Grammy, Billboard, những vinh danh của Rolling Stone… Nhân đây không thể không nhắc đến một bạn học của anh ở Đại học Villanova cũng đã nổi lên cùng năm như anh, thành danh, khá giả là Don McLean (ai yêu nhạc trẻ mà lại không nhớ hai tuyệt tác American PieVincent!).

Roberta Sorge/Unsplash

Jim Croce, thuộc một gia đình Mỹ gốc Ý, chào đời ngày 10 Tháng Một 1943 tại Nam Philadelphia. Anh say mê sáng tác, ngày đêm tập đàn, tập hát và chính tài vừa đàn vừa hát hay tất cả loại nhạc blues, rock, acapella, folk, pop, country của anh đã giúp anh được các chủ hãng đĩa biết đến. Thời gian chưa có hợp đồng ghi âm, ngoài việc đàn hát với Ingrid Jacobson, vợ của anh, anh làm đủ thứ việc lặt vặt để có tiền sống qua ngày. Những ngày lao động đủ thứ lung tung ấy, anh gặp đủ loại người, hiểu được khó khăn của họ và rồi đã kể lại trong những sáng tác của mình.

Đĩa nhạc đầu tay của anh, Facets ghi âm năm 1966 được thực hiện với $500 là quà của bố mẹ mừng Jim và Ingrid nên vợ chồng (họ quen nhau Tháng Mười Một 1963). Họ cho Jim tiền với lời nhắn nhủ “dùng tiền này mà làm đĩa nhạc” và hy vọng đĩa nhạc sẽ… chẳng có ai mua, khiến thằng con trai mở mắt mà “chấn chỉnh cuộc đời”, bỏ nhạc, học nghề nào cao quý hơn trong xã hội. Và bố mẹ của anh đã… thất vọng vì album ấy bán hết sạch 500 bản đã in! Năm 1966 cũng là năm anh đăng ký vào lực lượng Vệ binh quốc gia tiểu bang để tránh không bị gọi đi quân dịch sang chiến trường Việt Nam.

Năm 1968, hai vợ chồng Croce đến New York City, trọ ở Kingsbridge trong khu phố Bronx và ghi âm album đầu tiên của nhau. Trong hai năm sau đó, họ lái xe tổng cộng gần 300,000 dặm rong ruổi mọi nơi kiếm sống bằng đàn hát ở bar, club, các buổi hòa nhạc địa phương để quảng bá album Jim & Ingrid Croce.

Thời thử thách bắt đầu chấm dứt khi anh bắt tay làm việc với hai nhà sản xuất nhạc là Terry Cashman và Tommy West, rồi ký được hợp đồng với hãng ABC Records. Năm 1972, hai ca khúc Operator (That’s not the way it feels)You Don’t mess around with Jim trong album cùng tên nhanh chóng đưa anh lên hàng ngũ những songwriter-singer được yêu mến. Nên không ngạc nhiên khi đầu năm 1973, album Life and Times của anh đã có ca khúc xếp hạng nhất Billboard Hot 100 là bài Bad Bad Leroy Brown. Sau khi anh qua đời, album I got a name trình làng vào đầu Tháng Mười Hai 1973 và lại có ca khúc cùng tên với alum vọt lên hàng những hit song cùng với bài tình ca I’ll have to say I Love you in a song. Không thể quên một bài hay khác là Time in a Bottle, trích album đầu tay của Jim Croce, rồi cũng vọt lên hạng nhất!

Ngày nay vẫn có nhiều người tìm nghe lại nhạc của Jim Croce. Con trai của anh, Adrian James “A.J.” Croce, còn là em bé sơ sinh khi anh ra đi mãi mãi, nay cũng là nhạc sĩ sáng tác và ca sĩ. Năm 2018, người con đã cover lại ca khúc của bố, I got a name… Lâu nay, mỗi khi cảm thấy buồn, tôi lại mở nghe một bài đầy chất kỷ niệm của Jim Croce là Photographs and Memories! Đó cũng là tựa album Greatest Hits của Jim Croce, phát hành hồi đầu năm 1974 và được tạp chí Billboard nhận định thế này: “Thật khó mà tưởng tượng được rằng chỉ trong vòng chưa trọn hai năm mà một nghệ sĩ đã có thể tuôn ra những sáng tác xuất sắc như thế”. Năm 1990, Jim Croce đã được lưu danh vào Songwriters Hall of Fame (Vinh danh những nghệ sĩ sáng tác ca khúc).

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: