Hơn 80 tuổi, Cung Tích Biền vẫn còn chưa “biết mệt”…

Nhà văn Cung Tích Biền trong buổi ra mắt sách ngày 16 Tháng Mười 2021

Sau nhiều năm im hơi lặng tiếng, nói theo cách gọi của ông là “một thời nên vắng mặt”, nhà văn Cung Tích Biền lại vừa xuất hiện, trình làng cùng một lúc ba tập truyện ngắn: Bạch Hóa, Mùa Xuân Cô Mơ Bay, Nhịp Điệu Của Bầy Ong và một cuốn in các bài ông được phỏng vấn với tựa là Đành Lòng Sống Trong Phòng Đợi Của Lịch Sử. Tất cả đều do Thao Thao, nhà xuất bản riêng của gia đình ông, chịu trách nhiệm.

Cung Tích Biền tên thật Trần Ngọc Thao. Sinh ngày 8 Tháng Hai 1937 [tháng 12 năm Bính Tý], khai sinh ghi 1938, dưới chân Nỗng Ông Tào, Thăng Bình, Quảng Nam. Sống tám năm thời Pháp thuộc [1937-1945]. Chín năm trong vùng Kháng chiến Liên khu V [1945-1954]. Hai mươi mốt năm Việt Nam Cộng Hòa [1954-1975]. Sau năm 1975 ở lại Việt Nam cho đến 2015 thì đoàn tụ gia đình tại Mỹ. Sau 1954 học trường Diên Hồng [Phố Cổ Hội An], Quốc Học Huế, Đại học Văn khoa Huế, Đại học Luật Sài Gòn. Không tiếp tục học đại học. Khởi nghiệp văn khá sớm. Năm 1961 dạy Anh văn và Việt văn tại các trường trung học ở Quảng Nam. Năm 1963 động viên vào trường Võ Bị Thủ Đức, khóa 17.

Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Hành chánh Tài chánh khóa 10, thuộc Bộ Quốc phòng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Từng phục vụ qua các đơn vị 211 Pháo Binh [Sư đoàn 21 Bộ binh, Bạc Liêu], Trung đoàn 10 Kỵ binh [Đức Hòa] và Tiểu đoàn 251 Pháo Binh [Sư đoàn 25 Bộ Binh, Tây Ninh]. Từ 1970 là giảng viên Trường Sĩ quan Hành chánh. Lập gia đình năm 1972. Giải ngũ năm 1973, cấp bậc Đại úy. Giáo sư Thỉnh giảng Viện Đại học Cộng đồng Quảng Đà [Đà Nẵng].

Là một nhà văn độc lập. Có truyện và thơ đăng trên các báo từ 1958, với nhiều bút hiệu lúc ban đầu [Chương Dương, Việt Điểu, Uyên Linh] trước khi có bút hiệu Cung Tích Biền là tên của các anh chị gộp lại. Bút hiệu Cung Tích Biền xuất hiện lần đầu tiên tên tuần báo Nghệ Thuật [tháng 3-1966] tại Sài Gòn, với truyện ngắn Ngoại Ô Dĩ AnLinh Hồn Tôi. Có tác phẩm dịch sang ngoại ngữ, in chung với nhiều tác giả.

Nhà văn Cung Tích Biền trong buổi ra mắt sách ngày 16 Tháng Mười 2021

Cuộc chiến tranh Nam, Bắc Việt Nam là một bi bịch lớn, ảnh hưởng đến hầu như mọi người. Gia đình Cung Tích Biền là một tiêu biểu đậm nét. Ông có hai người anh tham gia hai miền Nam, Bắc, đều có chức vị thuộc hàng trung cấp của hai chế độ. Bản thân ông, thời tuổi trẻ, đã sống với Việt Minh đến tám năm. Nhưng lớn lên ông không bị “đỏ” và cho đến ngày nay, khó có ai tìm thấy dấu vết của một Cung Tích Biền “đỏ”. Cung Tích Biền viết truyện ngắn Ngoại Ô Dĩ An và Linh Hồn Tôi năm 1965, đăng trên báo Nghệ Thuật năm 1966, với giọng văn vừa hằn học vừa chua xót, đôi khi lại hết sức dửng dưng. Truyện ngắn Bạch Hóa viết năm 1968 là một bản án tố cáo sự phi lý của chiến tranh, lên án sự giết người tàn bạo, vô luân đầy hận thù nấp dưới chiêu bài cách mạng.

“Sáu Vu trả lời: Ông là cha của riêng tôi chứ không phải cha của cả dân tộc này, ông chết một mình để cả dân tộc này sống, ông không đáng được gọi rằng chết nữa, chính ông bị đền tội, ông bị loại trừ, cái chết là danh từ dành riêng cho các chiến sĩ, các con của nòi giống; ông ạ, tôi không còn cha, không có cha nào nữa ngoài một người cha là cuộc Cách Mạng vĩ đại trường cửu này” (Bạch Hóa).

Cái chết do chiến tranh tàn nhẫn đến phũ phàng xảy ra cùng khắp khiến cho con người cạn khô nước mắt, đến chai đá, đến dửng dưng. Văn chương Cung Tích Biền theo chiều hướng đó đã từ giận dữ, hằn học đến thành ra dửng dưng, biệt lệ. “Hồi nãy có đứa nào chịu khó chôn lão già không bây”. Câu hỏi mà Cung Tích Biền không đánh dấu hỏi. Và cũng không là một tiếng than. Nó chỉ như một sự vô tâm trước một xác chết thảm thiết, nằm trong bùn dòng suối cạn.

Một đất nước chia đôi, một xóm làng chia đôi, một gia đình cũng chia đôi Quốc-Cộng, dẫn đến việc nền tảng xã hội bị phân hóa, đạo đức suy đồi; một thanh niên nhiệt huyết, một nhà văn chân chính; tất cả những điều này đều đè nặng trong tâm hồn nhà văn Cung Tích Biền, tạo ra cho ông một sức viết bền bỉ, những dòng tư tưởng mang tính phản kháng quyết liệt. Từ Ngoại Ô Dĩ An, Linh Hồn Tôi, Thằng Bắt Quỷ đến Mùa Xuân Cô Mơ Bay đều là những chương khúc lên án chiến tranh, bất công xã hội của “loài người không còn đất sống” (Erich Maria Remarque). Tình yêu trong truyện Người Bắt Quỷ là một thứ tình không trong sáng. Nó ma mị, lẩn khuất trong những cái tôi bệnh hoạn của Chiêu, như bó chặt trong tủi cực nghèo hèn được giải thích là vô ngôn của thiền. Chung chung tình tiết trong những truyện ngắn của Cung Tích Biền đều nghiệt ngã đến khốn nạn, đều bất thường nằm trong cái vô thường của đời sống.

Tuổi thượng thọ (85), Cung Tích Biền vẫn còn mê sáng tác. Năm tới ông sẽ trình làng bốn đầu sách. Ông lững thững nhưng chắc nịch bước tới, không mỏi mệt, trên hành trình sáng tác trong đời và nghiệp văn chương của mình.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: