Hotel California

Góc nhạc xưa

“Hotel California” nằm trong album cùng tên ra đời năm 1976 của ban Eagles. Đây là thời điểm nhóm nhạc rock huyền thoại này ở đỉnh cao danh vọng. Mỗi bài trong album xoay quanh cuộc sống những ngôi sao danh tiếng, ở đó có những mối quan hệ được tính toán, những cuộc tình nhanh như điện, đầy rẫy cô đơn và cả những mất mát.

“Hotel California” bắt đầu bằng khúc song tấu guitar gần một phút: Đoạn nhạc ngọt ngào, bâng khuâng, lúc bắt đầu thì chậm và càng lúc càng dồn dập; để rồi trên nền âm thanh ấy, Eagles cất lên những lời nhức buốt:

“… On a dark desert highway

Cool wind in my hair

Warm smell of colitas

Rising up through the air…”

“… Trên xa lộ sa mạc u tối

Gió mát lùa vào mái tóc tôi

Mùi hương của colitis thơm nồng

Vút lên trên không trung…”

The Eagles, 1979 – trái sang: Glenn Frey, Don Henley, Joe Walsh và Don Felder (ảnh: Fotos International/Getty Images)

“Hotel California” dẫn đầu Billboard Hot 100 trong một tuần vào Tháng Năm 1977. Ba tháng sau khi phát hành, nó được chứng nhận “Vàng” bởi RIAA (Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ) khi đạt một triệu bản tiêu thụ! Với “Hotel California”, Eagles cũng thắng giải Grammy 1978 cho hạng mục “Thu âm của năm”. Năm 1994, The Eagles thể hiện ca khúc này trong album “Hell Freezes Over” với phiên bản mới được thể hiện với… tám cây guitar. Trong “Farewell 1 Tour-Live from Melbourne”, bài hát được thể hiện lại gần giống với bản gốc nhưng có thêm trumpet ở phần mở đầu.

Năm 1998, đoạn coda guitar của “Hotel California” được bình chọn là độc tấu guitar hay nhất mọi thời. Năm 2009, bài hát được RIAA chứng nhận “Bạch kim” cho doanh số tải với ba triệu lượt download. Năm 2015, nó được tạp chí Guitar World xếp vị trí số một trong danh sách những ca khúc thể hiện bằng guitar 12 dây hay nhất mọi thời. “Hotel California” đã được trình diễn khoảng 2,204 lần bởi 167 nghệ sĩ khác nhau tính đến cuối năm 2021; trong đó có ít nhất 1,057 buổi biểu diễn trực tiếp của Eagles… Tạp chí Rolling Stone xếp “Hotel California” vị trí 49 trong danh sách “500 ca khúc hay nhất mọi thời”; và nó cũng là một trong 500 bài hát của ”Rock and Roll Hall of Fame”.

__________

Eagles – trái sang: Don Felder, Bernie Leadon, Don Henley, Glenn Frey, Randy Meisner trong một buổi diễn khoảng năm 1974/1975 (ảnh: RB/Redferns)

Có vô số “huyền thoại” về sự ra đời của “Hotel California”. Tuy nhiên, câu chuyện thật ra khá đơn giản, theo bài viết của Jordan Runtagh trên chuyên san âm nhạc uy tín Rolling Stone ngày 8 Tháng Mười Hai 2016. Thời điểm đó, Don Felder thuê một ngôi nhà bên bờ biển ở Malibu, và đang tận hưởng làn gió biển trong khi thong thả gảy guitar. Kể với Guitar World năm 2013, Don Felder thuật: “Tôi mặc bộ đồ tắm, ngồi trên ghế bành, ướt sũng, với cây guitar thùng 12 dây và bắt đầu khảy, và thế là những hợp âm của ‘Hotel California’ cứ thế tuôn ra.”

Sau khi hoàn thành phần giai điệu cơ bản, Don Felder lấy máy ghi âm TEAC 4 rãnh để lưu, chèn thêm tiếng đệm của máy đánh trống và bass. Bản phác thảo này mang phong cách nhạc reggae. Mùa Xuân 1976, khi nhóm Eagles gặp nhau để thực hiện album thứ năm, Don Felder gom các băng cassette ghi lại phác thảo demo bằng nhạc cụ (của ca khúc tương lai “Hotel California”) để nhóm cùng soạn lời. Cả Don Henley lẫn Glenn Frey đều rất thích bản nháp của Don Felder. Thoạt đầu, nhóm đặt tên ca khúc là “Mexico Reggae” và sau đó đổi thành “Hotel California”.

Kể từ khi ra đời, “Hotel California” luôn là một bí ẩn mà người hâm mộ tìm kiếm. Xung quanh tựa đề ca khúc này là nhiều câu chuyện kỳ lạ được thêu dệt từ trí tưởng tượng của người hâm mộ. Một số người cho rằng, ca khúc viết về một khách sạn có thật mang tên Hotel California. Có một Hotel California thật ở thị trấn nhỏ Todos Santos nằm tại bán đảo Baija California (Mexico) nhưng chỉ là sự trùng hợp không liên quan.

Eagles – trái sang: Glenn Frey, Don Felder, Don Henley, Joe Walsh và Timothy B.Schmitt (ảnh: GAB Archive/Redferns)

Một số người nói bài hát này có liên quan bệnh viện tâm thần Camarillo, vì “Khách sạn California” là biệt danh của bệnh viện này. Người ta còn đồn rằng bài hát liên quan một quán trọ ma mị bị ám bởi quỷ Satan. Cũng có lời đồn rằng bài hát nói tới những kẻ lập dị mua một nhà thờ cũ và đổi tên thành… “Khách sạn California”… Tuy nhiên, “Hotel California” đơn giản là một bài hát phản ánh chủ nghĩa vật chất tồn tại ở miền Nam California những năm 1960, là câu chuyện về một thời điểm khủng hoảng có thật của nước Mỹ, tác động mạnh đến giới nghệ sĩ Mỹ, khiến họ lao vào lối sống thực dụng…

Một cách chính xác, “Hotel California” không chứa nhiều ẩn ý sâu xa gì như những thêu dệt tưởng tượng của người hâm mộ. Chính Glenn Frey cũng nói: “We decided to create something strange, just to see if we could do it”. Nói cách khác, bất kỳ ý nghĩa nào được gợi lên trong đầu người hâm mộ khi họ nghe và “hiểu” “Hotel California” theo cách của họ cũng đều là ngoài ý muốn (unintended) chứ không mang ý nghĩa ẩn chìm (hidden) mà (tác giả) Eagles muốn đề cập. Glenn Frey nói rõ rằng, cái không khí mà người đàn ông trong bối cảnh thôn dã lạ lẫm khiến anh ta có cảm giác mơ hồ không rõ rệt với những gì mình đang chứng kiến cũng giống như những gì được kể trong tiểu thuyết The Magus năm 1965 của nhà văn người Anh John Fowles…

Eagles (trái sang): Don Felder, Don Henley, Joe Walsh, Glenn Frey, Randy Meisner (ảnh: RB/Redferns)

______

Những ai thuộc thế hệ sinh vào thập niên 1950 đến 1970 chắc chắn không thể quên tuyệt khúc “Hotel California”. Giới thanh niên Sài Gòn sau 1975 đặc biệt chết mê chết mệt với “Hotel California”. Khắp các ngõ hẻm, người ta thấy các cậu biết khảy đàn chút đỉnh cũng đánh “Hotel California”. Nhiều sân khấu ca nhạc ngoài trời ở Sài Gòn thời đó như Trống Đồng, 126, Phú Thọ… cũng thường xuyên chơi solo guitar “Hotel California” khi ca sĩ chạy “sô” chưa đến kịp. Đến tận nay, “Hotel California” vẫn được khảy tại các… bàn nhậu, với sự say mê thuần khiết và trong lành…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: