Huyền thoại hoa Tiên Ông 

Ảnh: annie-spratt-unsplash

Hoa Tiên Ông là một loại hoa lan trồng bằng củ, có lá to, hoa mọc thành chùm vươn thẳng lên với nhiều màu sắc tươi đẹp: Hồng, tím, trắng, đỏ, xanh lam,…Hoa chỉ nở về đêm nên còn được gọi là “Dạ Lan Hương”, có tên tiếng Anh là Hyacinth. Hoa Tiên Ông tuy mang một vẻ đẹp thanh cao đầy hương sắc, nhưng lại có một huyền thoại đầy bi thương trong thần thoại Hy Lạp cổ xưa. 

Apollo là vị thần của ánh sáng, mang sứ mệnh bảo vệ chân lý, truyền bá âm nhạc, nghệ thuật và thi ca. Apollo yêu thích kết bạn với Hyacinthus, con trai của vua Amyclos, thành Sparte thuộc Hy Lạp. Đôi bạn thân thiết thích những môn thể dục thể thao như đấu quyền, bắn cung, ném đĩa, phóng lao,… Apollo còn dạy Hyacinthus chơi đàn Lyre. Cả hai cùng vui đùa, học tập và rèn luyện, họ quấn quít bên nhau như hình với bóng.

Zephyr là vị thần gió Tây tươi mát của mùa Xuân, chàng cũng đem lòng yêu mê vị hoàng tử Hyacinthus đẹp trai, khỏe mạnh của kinh thành Sparte. Một hôm khi Apollo và Hyacinthus chơi ném đĩa. Vì ghen tuông nên thần gió Zephyr đã thổi cho chiếc dĩa bay chệch hướng, lao đi và rơi trúng đầu của Hyacinthus, khiến chàng ngã lăn ra chết không một lời trăn trối. Apollo cho rằng chính mình đã gây ra cái chết của người bạn thân thương.

Thần Apollo ôm thi hài của Hyacinthus khóc than thảm thiết. Apollo nguyện sẽ ghi nhớ mãi hình bóng của Hyacinthus, nên từ vũng máu đổ ra trên cánh đồng cỏ xanh đã cho mọc lên những bông hoa thơm ngát, xinh đẹp với cánh hoa cuốn như những lọn tóc mang màu xanh lam tim tím, màu của sự buồn thảm, nhớ nhung. 

Ảnh: brie-odom-mabey-unsplash

Người Hy Lạp cổ xưa cho rằng cánh hoa Tiên Ông có hình dáng giống chữ “ai oán” hay tiếng kêu than thống khổ trong lòng như “hỡi ôi” (“Ai Ai” hay “Alas” của tiếng Hy Lạp). Apollo đau đớn khắc chữ H dưới mỗi cánh hoa để tưởng nhớ người mình yêu thương. Hoa Tiên Ông tươi vui, rạng rỡ và thơm ngát ngọt ngào được nhiều người  ngưỡng mộ, yêu thích vào mỗi độ xuân về. Theo truyền thuyết, Hyacinthus được người dân thành Sparte tôn thờ, yêu quý đặt bên cạnh ngai vị của thần Apollo.

Có rất nhiều mối tình thắm thiết giữa thần nhân và thường nhân trong thần thoại Hy Lạp. Apollo và Hyacinthus yêu thương nhau, Apollo là thần nhân, Hyacinthus là thường nhân. Nhưng đau khổ thay, thần thì bất tử mà người thường thì phải chết đi, để lại bao nỗi niềm thương nhớ không nguôi trong lòng của thần nhân.

Vì thế có người cho rằng huyền thoại về cái chết được thần thánh tái sinh thành những bông hoa chính là sự hồi sinh để được tồn tại và sinh sôi nảy nở trong thiên nhiên. Khi Hyacinthus chết đi, sáu tháng mùa Đông, chàng trai trẻ phải sống nơi âm phủ buồn tẻ, tối tăm, lạnh lẽo, cô đơn. Vào mùa Xuân, Hyacinthus về lại dương gian, sống dưới hình dáng bông hoa tươi thắm để hoài nhớ tình yêu của thần Apollo.

Ảnh: brie-odom-mabey-unsplash

Vào thời đại mới, câu chuyện tình của Apollo và Hyacinthus được nhắc nhở và bàn cãi vì liên quan đến tình luyến ái trong cộng đồng của người đồng tính (LGBTQ). Vài thế kỷ gần đây, chuyện tình yêu của những người đồng tính đã tạo nhiều đỉnh cao tranh cãi trong thần thoại, trong tôn giáo và văn hóa của người Hy Lạp và La Mã. 

Người ta có thể thấy trong nhạc kịch Mozart, mối tình tay ba đồng tính đã trở thành một “vấn nạn”, nên Hoàng tử đẹp trai Hyacinthus được thay thế bằng nàng công chúa xinh đẹp Melia. Hyacinthus thủ vai là anh của Melia. Apollo và Zephyr đều yêu và muốn cưới Công chúa Melia. Thần gió Zephyr tức tối giết chết Hyacinthus để trả thù thần Apollo vì đã ngăn cản cha của Melia gả nàng cho Zephyr. Thần gió Zephyr muốn vu tội cho Apollo đã giết Hyacinthus nhưng thất bại. Apollo cưới Melia và bảo vệ kinh thành Sparte. Bi kịch đã bị “biến chất” và thay đổi.

Với sự phát triển và tiến bộ của xã hội, dường như những mẩu chuyện thần thoại như Apollo và Hyacinthus đôi khi bị viết lại hay bị bóp méo “nguyên bản” của một huyền thoại đã được ghi chép và truyền tụng từ lâu đời.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: