Khi thím Trấn Thành “khóc” mợ Đàm Vĩnh Hưng

Màn khóc “xúc động” của Trấn Thành dành cho “The King” Đàm Vĩnh Hưng (báo Thanh Niên)

Tại sự kiện công bố dự án điện ảnh về tiểu sử Đàm Vĩnh Hưng vào ngày 21 Tháng Ba, ở Thiso Sala Center, phường Thủ Thiêm, Thủ Đức, Sài Gòn, nghệ sĩ Trấn Thành đã bật khóc khi chia sẻ cảm xúc dành cho Đàm Vĩnh Hưng. Màn khóc sụt sùi của Trấn Thành khiến cộng đồng mạng, giới văn nghệ sĩ, truyền thông trong nước quan tâm đến “chóng mặt”.

Trên sân khấu, sau khi giới thiệu kế hoạch làm phim “Hào quang rực rỡ – The King” của Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành bỗng “xúc động mạnh” và khóc sướt mướt khi giãi bày: “Đời nghệ sĩ khó nuốt. Hãy nếm hào quang rực rỡ để biết nó là cái gì”. Có vẻ như Trấn Thành “đồng cảm” với “đời nghệ sĩ lắm thị phi”, tương tự Đàm Vĩnh Hưng, nên bật khóc. Tuy nhiên, dường như Trấn Thành dễ khóc quá, và đụng cái gì cũng khóc, khóc như thật, khóc tận đáy lòng. Và việc Trấn Thành “khóc hoài” cuối cùng dẫn đến phản tác dụng. Bây giờ khi thấy “thím” Trấn Thành khóc, người ta không xúc động nữa. Người ta thấy Trấn Thành giả. Trấn Thành làm tuồng. Trấn Thành “diễn sâu”.

“Đời nghệ sĩ khó nuốt thì đừng nuốt” – đó là một trong những phản ứng phổ biến trước “sự kiện” thím Trấn Thành khóc mợ Đàm Vĩnh Hưng, khóc cho đời nghệ sĩ lắm nỗi truân chuyên. Dư luận khó chịu không chỉ vì Trấn Thành khóc mà còn là màn kể khổ của Trấn Thành. Thành thử, có người nói “Khi thành công thì ai sung sướng hộ, tiền ai tiêu hộ?”; “Bước chân lên thuyền thì phải chịu sóng”, “Người làm công ăn lương cũng có áp lực”, “Đời nghệ sĩ khó nuốt nhưng không ai ép cả”, “Khó quá thì mình về quê, mình câu cá và trồng thêm rau”…

Bất luận thế nào, việc “Trấn Thành khóc Đàm Vĩnh Hưng” đã biến thành một “sự kiện thời sự” của báo chí lẫn mạng xã hội trong nước. Còn rất nhiều trang báo điện tử làm nguyên bài “essay” về màn khóc lóc của Trấn Thành dành cho “The King” Đàm Vĩnh Hưng. Bản thân sự kiện giới thiệu một bộ phim về “The King” đã lố. Màn drama khóc lóc càng lố bội phần. Tất cả cho thấy thế giới showbiz Việt ngày càng trở nên nhảm nhí và giới celebrity Việt ngày càng cạn cợt đến mức họ diễn sâu thế nào thì cũng không lấp nổi lỗ hổng khiếm khuyết trong con người họ.

Về “sự kiện” này, bà Lê Huyền Ái Mỹ, cựu Tổng biên tập tờ Phụ Nữ TP.HCM, viết trên Facebook cá nhân (dẫn lại nguyên văn):

“Vừa coi Tar xong, đoạn xúc động nhất là khi đã mất mọi thứ, Lydia Tar (Cate Blanchett) trở về ngôi nhà ấu thơ, mở cuộn băng cũ, ngồi nghe người thầy – nhạc trưởng vĩ đại Leonard Bernstein của mình nói về sự kỳ diệu của âm nhạc, nó “vô ngôn” trong cảm xúc sâu lắng của riêng mình, nó chỉ trong chừng ấy nốt nhưng là sự xoay chuyển không ngừng. Và sau giọt nước mắt của cô học trò nhỏ, Tar lên đường, cô bắt đầu cho một sự thay đổi, vẫn bước lên bục, cầm chiếc đũa thần sau cái cúi đầu khẽ chào bè trưởng đàn dây…

Giọt nước mắt của người nghệ sĩ đúng nghĩa, nó luôn đẹp và thanh lọc, cho chính họ và cho tha nhân. Tar khóc như một sự thừa nhận mọi sai lầm, những vết trượt dài trong hố thẳm của quyền lực, nhục dục, danh vọng. Nhưng để nước mắt rơi, thì chính cái đẹp nguyên bản (của âm nhạc) lại là sự thức tỉnh.

Còn khóc nấc, khóc tức tưởi, khóc vì “đời nghệ sĩ khó nuốt”, khóc vì bốn chữ “hào quang rực rỡ”… thì có lẽ nước mắt ấy nên dành cho chốn… riêng tư. Mà nghĩ cho cùng, như Tar, chìm đắm trong ánh hào quang, quyền lực – dù cô xứng đáng với nó bởi tài năng tột đỉnh – song, nó vẫn phản chiếu một sự yếu đuối, sợ hãi, hoang mang trong con người thực của Tar.

Sợ bị lu mờ, sợ không còn sai khiến, áp chế người khác, sợ mất đi những người, những thứ mà nếu không có và giữ cho bằng được vị thế, quyền năng này thì sẽ tiêu tan. Và người xem nhận ra nỗi sợ, hơn thế, nỗi ám ảnh ấy sau mỗi thước phim nên nó thăng hoa từng cung bậc.

Còn chỉ mới công bố dự án, đã “ngự” ngay một chữ “the king” thật là kinh. Chả trách thế không “khó nuốt” mới lạ. Tar cũng là phim về tiểu sử, nhưng không chỉ là về một con người. Tài năng trác tuyệt của Lydia Tar là phần đẹp nhất của phim. Đi vào “mê cung” sai lầm, tội lỗi và thất bại của Lydia Tar là phần hay nhất của phim. Và ta nhận ra mình cũng đầy những ngóc ngách trong Tar, để có lúc, có khi ta rơi nước mắt cho những điều đẹp đẽ còn sót lại, ngay trong mình.

Còn…

Tôi từng đọc đâu đó, anh phân bua rằng cái danh “ông hoàng nhạc Việt” không do anh tự nhận. Nhưng với cái corona ngạo nghễ, thêm hai chữ “the king” thì quả thật, anh đúng là “hero”, nhưng có khi lại “from hero to… zero” – mà chẳng thể, không thể, không được “chút éc” của Lydia Tar – khi cô đã mất tất cả”.

________

Trở lại với câu chuyện khóc. Thật ra, theo nhiều cách khác nhau, giới showbiz Việt nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung bây giờ rất dễ khóc. Báo chí đã vô số lần “khóc òa” với những chiến thắng bóng đá. “Khóc òa” đã trở thành một bệnh lý của con bệnh xã hội Việt Nam ngày nay.

Tuy nhiên, tương tự “thím” Trấn Thành, hiện tượng khóc của Việt Nam, dù cá nhân hay tập thể, cũng thường là khóc giả, khóc không đúng chỗ. Việt Nam ngày nay có hàng vạn điều, hàng vạn chuyện, hàng vạn sự kiện thương tâm thật sự rất cần nước mắt nhưng có ai thèm bận tâm. Trong khi có quá nhiều người rất rảnh để khóc những chuyện ruồi bu thì chẳng thấy “thím” hay “mợ” nào động lòng thương cảm vô vàn bất công đang xảy ra hàng ngày trên đất nước này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: