Không khí Tết

Share:
Minh họa: Pixaby

Hai mươi ba Tháng Chạp đưa ông Táo về Trời xong là chỉ còn một tuần lễ cuối cùng trong năm. Lúc này không khí đón Tết bắt đầu chộn rộn hơn với đủ thứ việc. Nào là đi chợ mua nếp, đậu xanh, lá dong chuẩn bị gói bánh; nào là dọn dẹp nhà cửa cho sach sẽ rồi dựng nêu; nào là sắp sẵn nhang đèn trên bàn thờ cho đầy đủ, đem chân đèn, lư hương xuống đánh bóng… Trong đó không thể không nói đến tục đi tảo mộ.

Minh họa: Pixaby

Làm lụng cả năm, có ba ngày Tết cả nhà quây quần, không lý gì mà không nhớ đến các bậc sinh thành. Thế là tay đùm tay nải kéo nhau đi viếng mộ ông bà cha mẹ. Đến nơi, con cháu chia nhau người xách nước lau rửa mộ, người dẫy cỏ xung quanh, người soạn đồ cúng…

Thường thì ngoài hoa trái nhang đèn, còn có thêm mâm cơm chay hoặc mặn tùy gia đình, mỗi món một ít như xôi, chả; đặc biệt lúc nào cũng có dĩa tam sên gồm thịt luộc, tôm hay cua luộc, và trứng luộc. Thêm vài thứ khác như vàng mã, trầu cau, trà rượu… Bày biện tươm tất rồi thì mọi người tề tựu thắp nhang khấn vái mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cũng như cầu xin độ trì cho con cháu được may lành trong năm tới.

Đi một vòng vài phần mộ láng giềng gần đấy, chia sẻ mấy nén nhang chào hỏi cho ấm cúng. Xong mọi người vây quanh nơi an nghỉ của tiền nhân chụp hình, chuyện vãn với người quá cố, nhắc nhớ kỷ niệm xưa lúc người thân còn sinh tiền. Tàn tuần nhang là đến lúc đốt vàng mã, đốt thêm vài phong pháo trừ tà rồi thụ lộc.

Đa phần những món ăn này để lại cho gia đình người quản trang dùng xem như lời cám ơn họ bỏ công chăm sóc cả năm, thêm phong bì lì xì chúc Tết vui tình người ngày cuối năm. Uống nước nhớ nguồn là nét đẹp văn hóa của dân tộc mình từ ngàn xưa. Người sống và chết như chẳng hề có ranh giới.

Minh họa: Pixaby

Những ngày kế tiếp, nhà nhà đi chợ Tết sắm sanh quần áo mới cho xấp nhỏ, kiếm những chậu hoa ưng ý về chưng Tết, thêm vài bức tranh hay câu đối nói lên ước muốn của mình. Tất nhiên phải có các loại thịt cá, rau củ quả, dưa hấu, trái cây và rất nhiều vật phẩm khác cho những món ăn ngày Tết. À, không quên bàn bầu cua cá cọp, loto giải trí nữa chớ… Đặc biệt cành mai hay đào là linh hồn của Tết.

Ai cũng có việc làm. Trong nhà thì dọn bàn thờ chuẩn bị rước ông bà, đem chén dĩa trong buýp phê ra rửa úp lên cho khô, ngắm nghía chỗ nào treo tranh cho hợp. Ngoài sân thì lau lá, lặt củ kiệu, xắt củ cải đem phơi để làm dưa món; bào dừa, thái gừng sên mứt. Kế là vo nếp, ngâm đậu, ướp thịt để hôm sau gói bánh.

Thấy người lớn bận rộn nhiều việc mà ngày thường không có, đám trẻ con nôn nao không kém, chạy ra chạy vào, vừa vui vừa có người sai vặt: Lôi cái ghế ra, kiếm cái khăn lau, lấy cái rổ, múc miếng nước, xếp củi cho gọn lại… Tiếng nói chuyện, tiếng sai bảo, tiếng nhắc nhớ công việc, tiếng dao thớt, tiếng nồi soong, tiếng thăm hỏi trong nền nhạc Xuân… bọn con nít xếp hàng rồng rắn hát bài Auld Lang Syne: “Tò te con ve đánh đu, thằng tây nhảy dù, ma le bắn súng…” Tất cả làm nên một không gian Tết rộn ràng nô nức.

Minh họa: Pixaby

Đến ngày gói bánh, có ba thau gồm gạo nếp, đậu xanh và thịt đã ướp tiêu với gia vị, một mâm lá thiệt to và bó dây lạt để chính giữa. Mọi người ngồi xung quanh gói rồi trao cho người bên ngoài xếp vào nồi lớn. Ai đang làm gì cũng ngưng để phụ việc gói bánh cho hoàn tất trong ngày. Khuya đó là nổi lửa nấu bánh. Cánh thanh niên thường tình nguyện thức canh lửa và đảo bánh cho đều. Họ chén thù chén tạc cả đêm tán gẫu rất vui chuyện. Bánh chín thì vớt ra treo lên sào cho ráo.

Mấy ngày cuối cùng, ông táo phải làm việc hết công suất để cho ra những món ăn cổ truyền như chân giò hầm măng, thịt kho hột vịt, khổ qua dồn thịt, miến xào lòng gà, gà trống luộc nguyên con, xôi vò, xôi gấc, giò thủ, thịt đông, cá lóc kho riềng… Trên kệ nào là củ kiệu, tôm khô, củ hành, dưa món, nào là dưa cải muối, dưa giá, đậu phộng rang, hạt dưa, mứt kẹo…

Xưa thường cất nhà ngó ra hướng Nam để đón gió và tránh nắng. Bàn thờ đặt giữa phòng lớn hướng ra cửa. Gia chủ theo truyền thống Đông bình Tây quả nên bài trí bàn thờ với bình hoa bên phải và mâm ngũ quả bên trái. Trước lư hương có ba chung rượu và dĩa trầu cau. Ngày Tết có thêm bánh chưng. Tùy theo ý thích hoặc thói quen gia đình, có thể chưng hoa vạn thọ, cúc, huệ hay lay ơn.

Minh họa: Pixaby

Phía trước dưới bàn thờ kê thêm chiếc bàn dài, trải khăn với bình hoa ngày Tết như đào hoặc mai ngay giữa. Cặp dưa đại hai bên kế dĩa bánh chưng hoặc bánh tét, chai rượu, hộp mứt Tết và bộ ấm tách uống trà. Đến giờ cúng thì sắp các món đồ cúng lên bàn này, hai bên có sáu chén cơm xới lưng, với sáu đôi đũa.

Ngoài cùng đàng trước có thêm bát nhang nhỏ. Nước ta thuộc vùng nhiệt đới gió mùa nên có rất nhiều loại trái cây đa dạng. Có người khéo tay kết trái cây thành hình rồng phượng tuyệt đẹp giúp khung cảnh ngày Tết tươi vui trang trọng hẳn lên.

Ngày cuối năm, việc đã xong, cả nhà sửa soạn thay quần áo mới chờ tới giờ đốt pháo Giao thừa đón năm mới. Bắt đầu những ngày nghỉ Tết vui Xuân.

Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ

Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường

Mồng Một Tết Cha, mồng Hai Tết Mẹ, mồng Ba Tết Thầy. Sáng mồng Một Tết đi lễ chùa cầu an xong về nhà bắt đầu chúc Tết và lì xì. Ba ngày Xuân không có ai phải làm gì, thức ăn có sẵn chỉ bày mâm ra ăn uống rồi chuyện vãn tưng bừng. Ai đi chúc Tết hay xem hội thì đi, còn ai ở nhà thì lấy tam cúc, cá ngựa, bầu cua giải trí, gọi lô tô là vui nhất vì có thể chơi đông người, nhất là ai biết gọi số theo vần theo thơ càng vui.

Lúc đó phải nói là ngập tiếng cười sảng khoái. Trưa mồng Ba cúng hóa vàng đưa ông bà về lại tiên cảnh, người người sẵn sàng trở lại công việc thường ngày bắt đầu con đường trước mặt của một năm mới.

Minh họa: Pixaby

Tuy vậy, đôi khi thức ăn vẫn còn nhiều nên những ngày sau đó vẫn chưa phải nổi lửa, có chút thời gian rảnh bàn việc năm mới sao cho tốt đẹp. Mồng Bảy mới hạ nêu, mồng Mười cúng vía Thần Tài, rồi đón rằm tháng Giêng còn gọi là Tết Nguyên Tiêu. Khi còn là nước nông nghiệp, thời gian này không phải mùa vụ, ông bà ta có nhiều thời gian rảnh rỗi, ăn Tết kéo dài cho vui. Ngày nay, ít ai có điều kiện kéo dài như thế nên lệ này cũng hiếm dần đi.

Hoa Xuân nở rộ nơi nơi, xin chúc quý bà con thân hữu,

Năm Mới An Khang Thịnh Vượng, Vạn Sự Hoan Hỉ, Sức Khỏe Như Ý

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: