Khu Vườn Quốc Văn

Share:
Minh họa: pexels-tiểu-bảo-trương

Lớp năm lên lớp sáu (trước kia gọi là lớp nhất tiểu học lên đệ thất trung học) là một bước ngoặt thật đặc biệt trong đời học trò. Từ những đứa con nít lóc chóc ở tiểu học, chúng tôi tập tành khoác vẻ yểu điệu của thiếu nữ. Thi đậu vào lớp sáu trường Trung học công lập của tỉnh Quảng Ngãi là niềm hãnh diện lớn của học trò thuở ấy. Niên khóa 1971-1972, với niềm vui choáng ngợp trong tim, tôi hân hoan mang bảng tên thêu trên áo, Hoàng Thị Ngọc Thúy, lớp Sáu Bốn, trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi. Ngày ấy, học sinh phải thêu tên trường vào bảng tên, để nhìn vào, biết, học sinh của trường nào. Nữ sinh thường thêu bảng tên bằng mũi thụt lùi hoặc thêu theo kiểu chữ x.

Chúng tôi bắt đầu làm quen thế giới học đường của người lớn. Ngoài những môn đã có ở tiểu học: Việt Ngữ, Toán, Sử Ký, Ðịa Lý, Khoa Học Thường Thức, Thủ Công, Dưỡng Nhi, Đức Dục và Công Dân Giáo Dục, chúng tôi học nhiều môn mới như Lý Hóa, Vạn Vật, Sinh Ngữ (Anh Văn hoặc Pháp Văn). Môn Nhiệm Ý của nữ sinh là Nữ Công.

Ở trường Nữ Tiểu Học, suốt niên học chúng tôi chỉ học một thầy giáo hoặc một cô giáo. Điều thay đổi lớn ở trung học là, chúng tôi học với nhiều thầy cô, dạy từng môn học khác nhau. Tôi mê học từ bé tí. Hầu như môn học nào cũng đem đến cho tôi niềm yêu thích. Lên trung học, tôi mê nhất môn Việt Văn hay còn gọi là Quốc Văn, bao gồm Cổ Văn và Kim Văn.

Hình minh họa

Giáo sư Việt Văn đầu tiên của tôi là cô Nguyễn Thị Thu. Cô Thu người Huế, theo chồng vào Quảng Ngãi. Chồng cô là Giám đốc Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp. Trong mắt tôi ngày ấy, cô Thu đẹp như tiên giáng trần. Khuôn mặt cô tươi tắn, má hồng, môi thắm. Tôi yêu những giờ học với cô Thu. Có lẽ một phần vì cô nói giọng Huế. Nghe cô nói, tôi liên tưởng đến giọng ru, giọng hò của Mạ tôi. Cô Thu dạy những bài ca dao, tục ngữ, bài vè… Bao nhiêu năm qua, tôi vẫn mường tượng được giọng đọc êm mượt của cô Thu. Trí tôi còn giữ lại nhiều câu ca dao, được nghe, được học từ thuở mới vào trung học. 

Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

Ông ơi ông vớt tôi nao

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con

Hoặc bài: 

Bớ thảm ơi, bớ thiết ơi,

Thân em như trái hồng đào trên cây

Gió đông gió tây gió nam gió bắc

Nó đánh lúc la lúc lắc trên cành

Một mai rụng xuống biết vào tay ai

Sáng lần nhớ trưa lần thương

Anh thương em nhưng bác mẹ họ hàng chẳng thương

Cô Thu tập cho chúng tôi ca:

O tròn như ông trăng thu 

O tròn như ô che mưa

Mẹ ơi mua bánh trung thu o tròn…

Giờ đây bài hát có lẽ đã tuyệt chủng. Tôi đã nhờ ông thám tử Gồ tìm khắp, mà chẳng thấy bài hát này. Chỉ mấy câu hát đơn sơ, nhớ đến cô giáo, lòng tràn đầy những kỷ niệm ngọt ngào.

Sau đó, chúng tôi học với cô giáo Phan Ái Đông một thời gian ngắn. Cô Ái Đông xinh ơi là xinh, dễ thương như búp bê. Đôi mắt cô tròn xoe, đen láy. Cô nói giọng Huế nghe thiệt ngọt ngào, êm dịu. Cuối giờ, cô giáo, học trò có màn văn nghệ bỏ túi. Cô hát, Anh sẽ về, em ơi anh sẽ về, về nơi ngôi nhà vách đất với hàng cây xanh… Anh sẽ về, em ơi anh sẽ về (em ơi anh về), Về nơi ngôi nhà, vách đất với hàng hoa thơm… Thuở ấy, tôi còn nhỏ lắm, chẳng hiểu nội dung bài hát. Nhưng tôi vẫn thích, vẫn yêu bài hát. Có lẽ đơn giản, chỉ vì lời ca trở nên rõ ràng từ đôi môi duyên dáng của cô Ái Đông. Mãi về sau, tôi mới biết, đó là bài Anh Sẽ Về , thơ Khê Kinh Kha, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa trong chương trình du ca phổ nhạc. 

Minh họa: pexels-tiểu-bảo-trương

Năm lớp Tám, sự xuất hiện của giáo sư Việt Văn trẻ, với kính mát màu trà nhạt, kiểu gọng phi công, cộng thêm hàng ria mép bí hiểm đã gây xôn xao trong đám học trò. Đến nhận lớp, thầy viết tên thầy lên bảng đen, cắt nghĩa bằng giọng Huế đặc sệt, “Tôi, Trần Duy Kiêm Ái, tức là người duy nhất biết yêu và ngưỡng mộ cái đẹp”. Thầy Ái thường mặc áo sơ-mi màu nhạt ở trong, ngoài thêm áo len trắng ngà, hoặc xám, cổ trái tim, có khi, kèm khăn quàng cổ nhỏ kiểu cao-bồi. Đối với các chị lớn trung học đệ nhị cấp, có lẽ thầy mang hình ảnh anh hippie trẻ trong bài Bình Ca Số Một của Phạm Duy:

Này em đã tới giờ

Mẹ đưa em đi chợ

Từ sáng mãi tới trưa, còn lưa

Rồi khi đưa nhau về

Gặp anh hippie trẻ …

Thầy Ái đưa ra vài luật lệ, nhắc nhở học trò tuân thủ. Ví dụ như “không nói chuyện trong giờ học, không ăn vụng trong lớp.” Thầy Ái đã tưởng tượng một tai nạn hãi hùng. Một trò ăn me xong, nhả hột ra giữa lối đi. Trò khác đi qua, trợt té, chiếc guốc văng xa, trúng đầu một trò ngồi đầu bàn, trò té nghiêng người, kéo theo hai ba trò nữa… Thầy nói:

-Cho nên, tôi sẽ cho năm điểm xấu và đuổi ra khỏi lớp, nếu bắt gặp ai ăn vụng.

Nhiều trò đã từng bị thầy “trục xuất” ra khỏi lớp vì tay… viết, hàm nhai trong lớp. Thầy Ái thổi vào trường Nữ Trung Học ngọn gió trẻ trung, mới lạ. Có những bài Kim Văn đã in sâu vào trí nhớ tôi như bài Đất Mẹ: 

Đất mẹ là gì, Đất Mẹ là một mảnh đất hoang vu, có khi lầy lội… Thôi, mang về đi, đất Mẹ không nhận đâu, đâu có phải là con của Mẹ

Hoặc bài Hoa Học Trò của Xuân Diệu

Phượng không thơm, phượng chưa hẳn đã là đẹp, nhưng phượng đỏ và phượng nhiều, phượng cả khung trời đỏ rực mênh mông… Học trò đã về hết, hoa phượng rơi, hoa phượng khóc… 

Sài Gòn trước 1975 (hình minh họa)

Thầy Ái ra đề bài luận văn, “Ước mơ nghề nghiệp tương lai”. Một bạn, có chị là cô giáo Ngọc Bích, chắc hẳn là thần tượng lớn nhất của bạn. Bởi vậy, bạn xuất thần, viết bài văn ước mơ trở thành cô giáo, là “tuyệt tác”, được điểm rất cao. Có bạn ước mơ làm chính khách ngoại giao, có bạn mơ làm phi công. Đặc biệt, một bạn có “nghề” ăn vụng trong lớp, nghịch ngợm, ước mơ đi buôn lậu, lúc nào cũng thủ sẵn xoài xanh, cốc, ổi, huê mít, ô mai, xí muội, để lỡ bị bắt, có sẵn quà, hòng hối lộ quan chức. Bài luận không được điểm cao nhất, nhưng ngộ nghĩnh, được thầy Ái đọc trước lớp cho mọi người cùng nghe. 

Thường cuối giờ học, các thầy cô dạy chúng tôi tập hát. Với thầy Ái, chúng tôi nghêu ngao bài hát thật dễ thương:

Từ đàng xa nơi xa tít xa 

Cây đàn yêu dấu vác trên bờ vai

Về nơi đây lang thang phất phơ 

Đi tìm cô bé trót yêu lâu rồi 

Trời ào mưa hôm tôi bước đi

Qua ngày sau đó nắng khô tạnh ngay

Mặt trời lên nung tôi chín quay

Hỡi người yêu có thấu cho thân này 

Em yêu dấu hỡi, cớ sao em không nhìn tôi…

Nhìn ra em chao ôi ngất ngây

Tôi mừng tôi bỗng ngã quay ra đường. 

Trong lớp, nhiều trò nghịch phá dữ lắm. Có lần, bắt gặp học trò ăn vụng, thầy Ái phạt 5 điểm xấu, nghĩa là bị trừ thành 25 điểm học. Như vậy, cuối tháng sẽ đội sổ. Thấy trò rầu rĩ, thầy Ái tội nghiệp, xuống giọng từ bi:

-Tôi tha. Lần sau không được tái phạm nghe chưa.

Giáo sư Việt Văn năm lớp chín là thầy Nguyễn Đức Tập. Thầy Tập người tầm thước. Có lẽ thầy là một trong những giáo sư lớn tuổi nhất trong trường. Thầy rất nghiêm, nói năng chậm rãi, kỹ càng từng lời, từng chữ, đúng phương châm nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy. Thầy Tập dạy chúng tôi các bài thơ phú của Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương. Trích giảng những bài thơ của Cao Bá Quát, cũng như những bài thơ xướng họa của Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị. Trong giờ Kim Văn, chúng tôi học thêm nhiều bài văn nghị luận của Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim.

Những niên học cuối của trung học đệ nhất cấp, chúng tôi học thuyết trình. Đề tài là các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn. Nhóm thuyết trình bốn, năm trò, chia nhau công việc: Người làm sơ lược tiểu sử, tác giả, tóm tắt nội dung tác phẩm, phân tích bố cục, chủ đề, nhân vật… Cảm giác đứng trên bục giảng trình bày, nhìn xuống thấy thầy, cô, bạn bè, ngồi dưới lắng nghe, vừa hồi hộp lo lắng, xen lẫn chút hãnh diện với cảm tưởng rằng mình thành người lớn.

Qua lời giảng dạy của các giáo sư Việt Văn, chúng tôi được biết bài thơ Hán văn thất ngôn tứ tuyệt nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam: 

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên phận định tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Hình minh họa

Chúng tôi được nghe những vần thơ của Nguyễn Công Trứ, dẫu được viết đã gần hai thế kỷ trước, mà ý tứ vẫn hợp thời, chữ nghĩa vẫn mạch lạc trong suy nghĩ ngày nay. Sắp sửa thi cử, chúng tôi có thể mượn đôi lời trong Đi Thi Tự Vịnh để dặn lòng mình:  

Đi không há lẽ trở về không?

Cái nợ cầm thư phải trả xong.

Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông.

Hoặc, khi lòng bâng khuâng, chúng tôi ngâm nga mấy câu trong bài Cây Thông:

Ngồi buồn mà trách ông xanh,

Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.

Kiếp sau xin chớ làm người,

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.

Chúng tôi được học Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi. Mấy chục năm sau, khi được làm mẹ, mặc dù con tôi ra đời ở Âu châu, tôi vẫn nghiêm chỉnh ru con:

Dạy từ thủa hãy còn trứng nước,

Yêu cho đòn bắt chước lấy người,

Trình thưa, vâng dạ, đứng ngồi,

Những câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn luôn là trải nghiệm trong cuộc sống, bất kể lúc nào, nơi nao: 

Thế gian biến đổi vũng nên đồi

Mặn nhạt, chua cay lẫn ngọt bùi

Còn bạc, còn tiền còn đệ tử

Hết cơm, hết rượu hết ông tôi

Xưa nay đều trọng người chân thực

Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi

Trong trí chúng tôi vẫn còn văng vẳng những câu thơ trong bài Qua Đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Dừng chân đứng lại trời non nước

Một mảnh tình riêng ta với ta

Bạn bè gặp nhau, chúng tôi có thể mượn đôi câu thơ Bạn Đến Chơi Nhà của Nguyễn Khuyến, để đưa đẩy chọc ghẹo cho vui: 

Đã bấy lâu nay bác tới nhà,

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.

…. 

Bác đến chơi đây, ta với ta

Hồi tưởng thuở học trò, nào ai quên được đoạn văn Tôi Đi Học, trong Quê Mẹ, tập truyện đầu tay của Thanh Tịnh, viết năm 1941.

Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn mang của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. (…) Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học

Tôi như nghe được giọng run run của người vợ trong truyện Anh Phải Sống của Nhất Linh và Khái Hưng:

– Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé!… Không!… Anh phải sống! 

Hoặc tiếng reo của đứa trẻ trong Nhặt Lá Bàng của Nhất Linh:

– Gió lên… lạy giời gió nữa lên.

Tôi như thấy cảnh khốn cùng của gia đình nghèo trong truyện Nhà Mẹ Lê, tập truyện ngắn Gió đầu mùa của Thạch Lam:

Nhà mẹ Lê là một gia đình một người mẹ với mười một người con… Mùa rét thì giải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúc.

Nhiều năm rồi, chúng tôi vẫn còn nhớ đôi câu đặc biệt trong bài nghị luận Xét Tật Mình của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, phần nói về tật Gì cũng cười

An Nam ta có một thói lạ là gì cũng cười. Người ta khen cũng cười, chê cũng cười… Hay cũng hì, mà dở cũng hì, quấy cũng hì, phải cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang…

Minh họa: Pexels

Bốn năm trung học đệ nhất cấp ở Nữ Trung Học (niên khóa 1971-1975), chúng tôi thật may mắn, đã được những giáo sư Việt Văn tuyệt vời dìu dắt chúng tôi vào khu vườn Quốc Văn. Giữa muôn vàn hoa thắm, lá xanh của văn chương, của chữ nghĩa tiếng Việt, chúng tôi đã được học hỏi, được thưởng thức biết bao nhiêu lời hay, ý đẹp. Qua lời giảng của các thầy cô Việt Văn, chúng tôi được nghe, được đọc, được hiểu những áng văn, vần thơ diệu kỳ.

Thật tiếc, biến cố 1975 đã đến như cơn lốc dữ, khi chúng tôi đang học lớp chín, năm cuối của trung học đệ nhất cấp. Chúng tôi vuột mất cơ may được làm quen, được tìm hiểu những kiệt tác văn học, tác phẩm bất hủ trong văn chương Việt Nam dưới sự hướng dẫn của các giáo sư quốc văn của nền Đệ nhị cộng hòa. Bởi vì, Chinh Phụ Ngâm Khúc, Cung Oán Ngâm khúc, Hoa Tiên Truyện, Đoạn Trường Tân Thanh… thuộc chương trình quốc văn của trung học Đệ nhị cấp.

Đó cũng là một trong những thiệt thòi, mất mát lớn của đời học trò chúng tôi. Sau 1975, giờ quốc văn nặng nề như những giờ chính trị, nhồi nhét vào đầu óc học trò chúng tôi những thơ văn khẩu hiệu, tuyên truyền, thiếu tính chất văn chương. Thật ra, chúng tôi có giờ học về Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nhưng các thầy cô phải giảng dạy chúng thôi theo chiều hướng bó buộc gượng ép, áp đặt những tư tưởng lạ lẫm vào văn chương của thi hào Nguyễn Du. Bởi thế, có thể chúng tôi hiểu lệch lạc về kiệt tác của văn học Việt Nam. 

Tôi được biết thầy Tập hiện sống ở Quảng Ngãi. Những dịp hội ngộ trường, thầy đến dự được. Thật tiếc, đến nay tôi chưa có dịp gặp lại thầy. Cô Ái Đông và thầy Ái thì biệt vô âm tín. 

Tôi có duyên gặp lại cô Thu ở Sài Gòn vào năm 1980. Lên đại học, tôi là học trò của thầy Nghệ, giáo sư chủ nhiệm khoa Anh Văn của Đại học Sư phạm. Cô Thu là em của thầy Nguyễn Văn Nghệ. Về sau, gia đình cô Thu qua Tây Đức. Vợ chồng cô Thu là thân hữu của Ba Mạ tôi cũng như của cả gia đình chúng tôi. Nhờ duyên lành đưa đẩy, đầu hè năm nay 2022, cô Thu cùng chị em tôi du lịch ở miền Nam nước Ý. Lúc nhẩn nha dạo chơi những làng quê, hoặc ngồi nghỉ chân ngắm trời mây của vùng Puglia, cô trò ôn chuyện cũ của nửa thế kỷ trước. Cũng với giọng Huế ngọt ngào, cô nhắc lại thuở cô còn là cô giáo trẻ, theo chồng về xứ Quảng, gặp con bé học trò đồng hương. Cả cô lẫn trò đều bồi hồi cảm động.

Minh họa: amy-humphries-unsplash

Năm 2015, nhân Họp mặt Liên trường ở Hoa Kỳ, vợ chồng tôi cùng đi với chị tôi, chị Hoàng Thanh Tâm, đến thăm cô Lê Thị Đường tại tư gia. Chúng tôi được thưởng thức bữa ăn đậm đà hương vị quê nhà. Được nghe giọng nói nhỏ nhẻ rất Huế của cô. Khi chúng tôi bịn rịn từ giã, cô Đường trao cho một giỏ thức ăn với lời nói đầy ắp tình thương, “Cho các em đi đường. Thì cứ nghĩ giống như con về thăm mẹ. Lên đường, mẹ bới xách làm quà cho con.” Tuy không học môn quốc văn với cô Đường, nhưng tình yêu thương của các cô dành cho học trò, cũng như những lời văn, vần thơ rất đẹp vậy.

Thầy cô kính yêu, học trò chúng con luôn khắc ghi trong tâm lời dạy bảo của thầy cô, tiên học lễ, hậu học văn. Giờ đây, đã gần năm thập niên rời xa mái trường Nữ Trung Học, nhưng những giờ học Việt Văn, hình bóng các thầy cô vẫn thật kỳ diệu trong ký ức hoa mộng thời niên thiếu của chúng con. Kỷ niệm thời học trò là hành trang quý giá, dễ thương cho chúng con mang trên vai.

Giữa những bận rộn của cuộc sống, khi chúng con chậm bước, dừng lại, mở những trang sách kỷ niệm, lòng bồi bồi nhớ một thời đã qua. Những khoảnh khắc hạnh phúc êm đềm thật sự thăng hoa cuộc sống của chúng con. Giữ cho chúng con được niềm tin yêu sáng mãi trong tim, được nụ cười tươi mãi trên môi.

Chúng con xin gởi đến thấy cô những lời tri ân chân thành. Cầu mong thầy cô luôn được dồi dào sức khỏe, thân tâm an lạc, để chúng con có thêm được nhiều dịp hội ngộ cùng thầy cô kính mến.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: