Lá thư trong viện bảo tàng

Share:
Tranh chân dung tự họa của Chuck Close (1940-2021) tại Walker Art Center

Tôi có cơ hội đến Mỹ nhiều lần – khi thì vì công việc, lúc thăm thân nhân, gần đây nhất là dự lễ tốt nghiệp đại học của con trai. Ở Mỹ có lúc nhiều ngày, có lúc ngắn ngày, nhưng bao giờ tôi cũng dành thời gian để đến với một trong những nơi mình yêu thích nhất tại đất nước rộng lớn này, đó là các bảo tàng mỹ thuật hay các phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật.

1/ Tôi không nhớ đầy đủ mình đã xem tranh tượng ở bao nhiêu bảo tàng tại nhiều thành phố từ bờ Đông sang bờ Tây Hoa Kỳ. Nhiều nhất là gần như tất cả bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật thuộc Viện Smithsonian những lần đến Washington D.C. Có nơi như National Gallery of Art và Hirshorn Museum and Sculpture Garden tôi còn trở lại xem lần nữa cho mãn nhãn! 

Điều hết sức thích thú là toàn bộ không gian nghệ thuật ở thủ đô Hoa Kỳ đều free, chẳng những không tốn tiền mua vé mà còn tha hồ lấy các loại brochure, catalogue… tất cả đều in ấn tuyệt đẹp. Với một người viết về lĩnh vực fine-art thì những tư liệu đó thật cần thiết, nhất là vào thời kỳ chưa có mạng xã hội để tìm kiếm thông tin về tác giả – tác phẩm. Nên có những lần trở về, tôi mang theo bao nhiêu là ấn phẩm lấy được từ các bảo tàng Mỹ, đến giờ vẫn còn lưu giữ trong tủ sách.

Tượng Henry Moore trong khuôn viên Đại học Harvard

Đến New York, tôi không thể bỏ qua các bảo tàng khổng lồ như MoMA (Museum of Modern Art), Metropolitan và Whitney Museum of American Art dù vé vào cửa khá cao. Ba lần đến với MoMA, lần đầu tiên năm 1998, tôi thật sự choáng ngợp khi đi hết phòng trưng bày này sang phòng trưng bày khác của MoMA, thấy thời gian sao qua nhanh quá.

Có những nơi chỉ có thể xem lướt qua, dành nhiều thời gian hơn cho những kiệt tác mà bao lâu nay chỉ biết trên sách báo, và dành nhiều thời gian hơn cho những tác giả mình yêu mến từ thuở còn học trung học nhưng đã sớm say mê thế giới nghệ thuật kỳ ảo và thiêng liêng. 

Lần thứ hai đến MoMA năm 2008, tôi sững sờ khi tận mắt ngắm bức The Persistence of Memory (Sự dai dẳng của ký ức) của Salvador Dalí, một trong vài tác giả tôi hâm mộ nhất. Cuối năm 1972, tôi mua được tại một cửa hàng sách cũ ở Sài Gòn cuốn A Concise History of Modern Painting của Herbert Read, phần viết về Dalí có in bức tranh này. Ôi trời, bức tranh thật trước mặt tôi chỉ nhỏ vậy sao! 

Được vẽ cách đây đã trên 90 năm (1931), The Persistence of Memory có kích thước chỉ hơn một tờ A4 (9 1/2 x 13″; hay 24.1 x 33 cm). Thế mới biết sự vĩ đại của tác phẩm nghệ thuật không tỉ lệ thuận với kích thước. Đến năm 2019, tôi sang Úc dự đám cưới đứa cháu gái lấy chồng bản xứ sống ở Melbourne, có thời gian rảnh để đi thăm Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia bang Victoria, tôi mừng rỡ như gặp lại một người thân sau bao năm xa cách: Bức tranh khiêm tốn của Dalí được trưng bày ở đó trong một triển lãm các tác phẩm nổi tiếng của MoMA.

Tác phẩm Concentric của Frank Stella tại Hirshorn Museum and Sculpture Garden

Năm 2015, trở lại New York, lần này tôi cùng một người bạn thân rảo khắp khu Soho và Chelsea để xem các gallery đủ loại, có cái to lớn và sang trọng gần như một bảo tàng, có cái bé xíu, chỉ nằm trong một hành lang cũ kỹ, song tất cả đều đem đến những xúc cảm thẩm mỹ tuyệt diệu và nhớ lâu. 

Lần đến thủ phủ của Texas năm 1998, tôi được một bạn văn nghệ hướng dẫn đi thăm Houston Museum of Fine Arts. Đó là lần đầu tiên đến với một bảo tàng mỹ thuật ở Mỹ và lần đầu tiên xem tranh Van Gogh, bức Rocks with Oak Tree (Đá và cây sồi), được ông vẽ năm 1888 ở Arles, hai năm trước khi tự vẫn.

Hòa sắc thật ngọt ngào, vẫn những nét cọ quen thuộc trong tranh Van Gogh nhưng không ảm đạm như nhiều tác phẩm vẽ vào thời gian ông khủng hoảng tâm trí, trầm cảm đến độ phải vào sống ở dưỡng trí viện tại Auvers-sur-Oise cho đến những ngày cuối đời bi thảm. 

Cũng năm đó ở Cali, tôi đến LACMA (Los Angeles County Museum of Art), một không gian nghệ thuật khổng lồ, rồi Bảo tàng Mỹ thuật của quận Cam (Orange County Museum of Art) và Bảo tàng Mỹ thuật Bowers ở Santa Ana, nơi lúc đó đang diễn ra một triển lãm tranh của các họa sĩ từ Việt Nam nên có gây ít nhiều ồn ào buổi khai mạc. Năm 2008 thêm một lần đến LACMA, được xem bộ sưu tập tranh một tác giả Mexico mà tôi rất ngưỡng mộ: Diego Rivera, đẹp nhất là bức Ngày hoa (Flower Day) đã thành huyền thoại. 

Năm 2015, được cậu em chở ra vùng biển Laguna, tôi vào xem Laguna Art Museum, một bảo tàng có kiến trúc đặc sắc, nhìn ra Thái Bình Dương bao la và chỉ trưng bày tác phẩm của các họa sĩ California từ thế kỷ 19 đến đương đại. Thích nhất là những tranh phong cảnh của Edwin Deakin, Thomas Hill, Anna Althea Hills… vẽ vùng đất California thời còn hoang sơ từ giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, được tả thực đến từng chi tiết sống động và tình cảm.

Tranh tường của James Rosenquist (1933-2017) tại Weisman Art Museum

Minnesota mùa thu 2015. Tôi từ Arizona bay đến Minneapolis theo lời rủ rê của một người bạn họa sĩ. Và bất ngờ trước hàng loạt địa chỉ mỹ thuật ở thành phố này. Mineapolis Institute of Art, Walker Art Center và Weisman Art Museum sở hữu rất nhiều tranh, tượng và tác phẩm đương đại. Đặc biệt là những tranh tường khổng lồ của Lichtenstein và James Rosenquist.

Trong vườn tượng của Walker Art Center có mấy tác phẩm của Claes Oldenburg, mà bất kỳ du khách nào đến đây cũng sẽ phải có ảnh lưu niệm với tác phẩm Spoonbridge and Cherry 2 ngộ nghĩnh, độc đáo, chỉ tác giả mới có thể hình dung được và tạo nên.  

Rồi từ Mineapolis chúng tôi lái xe đi Chicago để đắm mình vào Art Institute of Chicago đầy ắp tác phẩm của những bậc thầy từ Picasso tới Chagall, từ Mondrian tới de Kooning, từ Monet đến Gustave Caillebotte, từ Henry Moore đến Calder…, không thể kể hết và không thể xem tường tận chỉ trong một ngày!

2/ Không chỉ thưởng ngoạn, khám phá những giá trị nghệ thuật trường cửu, việc thăm các bảo tàng mỹ thuật còn là dịp để biết đến ngọn nguồn, lai lịch của tác phẩm và chúng đến đây từ khi nào, do ai. Tác phẩm có thể được bảo tàng mua từ nhiều nguồn, chẳng hạn qua đấu giá. Nhưng kinh phí để mua có thể từ những nguồn hiến tặng. 

Chẳng hạn với bức tranh khổ rất lớn Where Do We Come From? What Are We? Where Are We Going? của họa sĩ người Pháp Paul Gauguin (1848–1903), được ông sáng tác hai năm 1897-1898, hiện là báu vật trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Boston (Boston Museum of Fine Arts – BMFA).

Bức tranh sơn dầu kích thước 139.1 x 374.6 cm này được mua từ Quỹ mang tên Arthur Gordon Tompkins, một doanh nhân ngành sản xuất thép ở Boston. Arthur Gordon Tompkins qua đời năm 1892, để lại $100,000 cho BMFA với mong muốn khoản tiền này sẽ giúp bảo tàng có thể mở cửa đón khách miễn phí nhiều nhất cũng như để bảo tàng có thể mua được nhiều tác phẩm có giá trị. Tác phẩm của Gauguin đã về với BMFA nhờ tiền hiến tặng của Arthur Gordon Tompkins. 

Một trong những bộ sưu tập tranh các họa sĩ Pháp (hay sống tại Pháp) thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 phong phú nhất thuộc về tài sản của ông bà John Hay Whitney –  Betsey Cushing Whitney, với Camille Corot, Édouard Manet, Edgar Degas, Pablo Picasso, Odilon Redon…

Khi ông John H. Whitney mất năm 1982, gần như toàn bộ sưu tập quý giá này được hiến tặng cho ba nơi: MoMA, The National Gallery of Art và Yale University Art Gallery. Nhiều tặng phẩm mỹ thuật quan trọng khác tiếp tục được hiến tặng cho ba thiết chế mỹ thuật nói trên sau khi bà Betsey C. Whitney từ trần vào năm 1998. 

Người viết với bức Where Do We Come From?…

Tháng Hai 2019, Bảo tàng MoMA nhận được khoản hiến tặng $200 triệu từ nguồn thu qua các cuộc đấu giá tác phẩm nghệ thuật của tỷ phú David Rockefeller. Nhưng đó chỉ là một phần trong những gì mà David Rockefeller đã dành riêng cho MoMA trong gần 70 năm ông gắn bó bảo tàng cho tới ngày ông qua đời vào năm 2017.

Mối quan hệ giữa MoMA và gia tộc Rockefeller vượt lên trên các khoản tiền hiến tặng. Rất nhiều tranh của Picasso, Paul Cezanne và Henri Matisse đang trưng bày tại MoMA là từ bộ sưu tập của ông David Rockefeller hiến tặng vĩnh viễn cho bảo tàng. Và MoMA đã không thể tồn tại, phát triển đến ngày hôm nay nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ lớn lao của thân mẫu ông David, một trong những người sáng lập MoMA từ thập niên 1920.

Hầu hết tỷ phú Mỹ hôm nay là những nhà sưu tập ngoại hạng, có thể kể David Geffen, David H. Koch, Stephen Schwarzman… Tên tuổi họ đã gắn chặt với các khối kiến trúc, các phòng trưng bày, hành lang… của MoMA và Metropolitan. Họ đóng góp hàng chục triệu đôla để tân trang, mở rộng, làm đẹp hơn các địa chỉ mỹ thuật hàng đầu tại Mỹ. 

Dễ nhận thấy khi vào xem tác phẩm ở các bảo tàng mỹ thuật tại Mỹ là các tấm biển chỉ dẫn bên cạnh, cho ta biết đó là tặng phẩm của ai. Rất nhiều tỷ phú Mỹ, những người sở hữu các bộ sưu tập tác phẩm quý giá, có thể vô giá, đã đưa tranh tượng của các bậc thầy, các nghệ sĩ lớn đến với công chúng bằng cách đó. 

3/ Cuối Tháng Sáu 2009 tại Bảo tàng Mỹ thuật Boston (BMFA), công nhân xây dựng Rick Brendemuehl, khi đang đập bỏ một bức tường cũ để xây một khu trưng bày mới, đã phá một lỗ trên bức tường và phát hiện một phong bì dày trong lỗ thủng ấy.

Thư trong phong bì được viết từ năm 1926, người viết là một công nhân đã xây chính bức tường mà Rick đang đập bỏ. Bức thư của Thomas F. Crowley, qua đời năm 1979, đã mê hoặc bà Maureen Melton, nhà sử học mỹ thuật đồng thời là quản thủ thư viện và văn khố của BMFA, không phải vì nội dung mà vì cách “gửi thư” mà theo bà Melton: “Rất có thể hàng ngàn năm nữa lá thư mới được khám phá hoặc có thể là mãi mãi chẳng ai đọc được nó”.

Làm sao Thomas F. Crowley biết được rồi sẽ có ngày lá thư của ông đến tay “người nhận” nhưng ông vẫn gửi và có lẽ vẫn chờ đợi ngày ấy, bởi cho đến lúc lìa đời ông đã sống cách BMFA không xa. Bà Melton nói: 

“Thomas F. Crowley không ném hú họa một mảnh giấy vào bên trong bức tường đang xây. Ông suy nghĩ về việc mình làm. Ông kể cho chúng ta những gì những người thợ đã làm ở bảo tàng này. Ông cho chúng ta một thoáng nhìn về những người cùng thời với ông. Rõ ràng là khi làm điều ấy ông đang nghĩ về lịch sử”.

Chiều Chủ nhật trên đảo Grande Jatte (A Sunday on La Grand Jatte) – tranh sơn dầu của Georges Seurat (1859-1891) tại Art Institute of Chicago. Năm 1924, Frederic Bartlett đã mua bức tranh này tại Paris. Năm 1926 khi trở về Mỹ ông đã hiến tặng cho bảo tàng sau khi bà Helen Bartlett vợ ông qua đời

Trong thư, Thomas F. Crowley ghi lại rành mạch những sự việc diễn ra trong ngày ông viết thư 21 Tháng Bảy 1926, và những chi tiết công việc ông đang làm tại bảo tàng cùng những người thợ khác, chẳng hạn: “Hôm nay là ngày nóng nhất của mùa hè này…”.

Hôm ấy nhiệt độ lên đến 35 độ C (95 độ F), quá nóng đối với Boston nhưng những người thợ xây dựng phải làm việc dưới ánh nắng mùa hè gay gắt để nới rộng hơn một tòa nhà đã được hình thành từ năm 1870, khi ấy đã lưu giữ nhiều kiệt tác nghệ thuật. Họ được trả lương thế nào cho công việc ấy? Thomas F. Crowley ghi rõ: Người cao nhất là $1.50/giờ còn người thấp nhất $0.74/giờ.

Từ đó có thể hình dung câu chuyện kể trong thư là của một người dân Boston bình thường, một người lao động ở khu phố Dorchester đã sống qua hai cuộc thế chiến và cuộc Đại khủng hoảng. Lá thư và tiểu sử người viết, theo bà Melton, còn kể lại “câu chuyện của chính thành phố Boston và Bảo tàng Mỹ thuật Boston… cũng như cách mà những công nhân xây dựng tác động tới công trình này…”. BMFA không chỉ hình thành và phát triển bởi những nguồn quyên góp, hiến tặng lớn lao từ các tổ chức và cá nhân mà còn có vai trò không thể thiếu của những con người bình thường như Thomas F. Crowley. 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: