LACMA lại mở cửa, mà không chỉ Picasso và Nara ở đó

Share:

Từ trung tuần Tháng Sáu, LACMA (Los Angeles County Museum of Art) – viện bảo tàng nghệ thuật lớn nhất miền Tây Hoa Kỳ, và là một trong 10 bảo tàng nghệ thuật hàng đầu của nước Mỹ, đã mở cửa đón khách sau một năm đóng cửa vì dịch bệnh.

Chúng tôi đến đó vào tuần đầu tiên Los Angeles áp dụng trở lại qui định mang khẩu trang trong nhà nơi công cộng, với tất cả người chưa tiêm lẫn đã tiêm ngừa. Thành phố này là nơi đầu tiên ở California đưa ra yêu cầu về khẩu trang trở lại sau thời gian mở cửa. Thành phố của nghệ thuật và bảo tàng ấy lại tiếp tục cuộc sống bình-thường-mới cùng sự ở lại của chiếc khẩu trang.

Xếp hàng đo thân nhiệt, trình vé (đặt trước hẹn giờ) ở lối vào bảo tàng LACMA
Tác giả bài viết trước bức tranh Head of a Woman in Profile của Picasso
Bức tranh Woman With Blue Veil của danh họa Picasso tại Bảo tàng nghệ thuật Los Angeles (LACMA) vừa mở cửa trở lại từ trung tuần Tháng Sáu 2021

Nhưng có hề gì. Dòng người mang khẩu trang vẫn tuần tự xếp hàng, đo thân nhiệt, trình vé (mua sẵn online), bước qua khung cửa màu đỏ, để vào các khu triển lãm của LACMA. Cảm giác sắp được gặp những tác phẩm-tác giả, sắp được gặp những bất ngờ, những ngóng đợi… ở họ chắc cũng chẳng khác gì cảm giác của bao dòng người không mang khẩu trang đổ về đây, từ hơn nửa thế kỷ trước.

Có quá nhiều thứ để xem, chỉ riêng tầng ba (trong ba tầng lầu triển lãm) trưng bày Bộ Sưu tập Nghệ thuật đương đại Broad (BCAM) cũng đủ làm bạn choáng ngợp với 250 tác phẩm của gần 200 nghệ sĩ- như một chuyến du hành lịch sử hội hoạ bao quát từ trước Thế chiến thứ Nhất cho đến ngày nay. Tất cả được trưng bày trong không gian triển lãm tràn ngập ánh sáng do kiến trúc sư lừng danh Frank O Gehry thiết kế.

Nơi trưng bày tác phẩm của các danh họa Modigliani, Matisse…
Bức tranh khổ lớn Mulholland Drive: The Road to the Studio của David Hockney

Ở đó, lần đầu tiên, chúng tôi được tận mắt ngắm 17 bức tranh và ba tác phẩm điêu khắc của Picasso (sáng tác từ 1903- 1970) trong phòng trưng bày dành riêng cho danh hoạ này. Đó là Picasso qua những thời kỳ rực rỡ, cả thời trẻ trung Xanh (Blue) ám ảnh đến thời cuối đời với bức “Man and Woman” (1969) gây tranh cãi được ông vẽ trước khi mất bốn năm.

Thông tin giới thiệu về tác phẩm và tác giả được cập nhật cạnh bức tranh Head of a Woman in Profile (Jacqueline) của Picasso
Phòng tranh Picasso với 17 bức tranh và ba tác phẩm điêu khắc của nhà danh họa.
Bức tranh Man And Woman (1969) gây tranh cãi của Picasso

Bức sơn dầu này có kích cỡ lớn nhất (162x130cm) trong phòng tranh Picasso, mà theo lời giới thiệu, nó mô tả một người đàn ông và một người đàn bà trong một khoái cảm tình dục mang tính bạo lực đáng sợ. Người đàn ông có hình tượng như người lính ngự lâm với chiếc mũ và thanh kiếm (một chủ đề lặp đi lặp lại trong tác phẩm của Piasso từ năm 1965 do ảnh hưởng tiểu thuyết “Ba chàng ngự lâm pháo thủ” của Alexander Dumas).

Trong bức tranh, thanh kiếm ở ngay vị trí trung tâm, chĩa thẳng vào bộ phận sinh dục của người phụ nữ khi quần áo của cô ấy rơi xuống để lộ bộ ngực phóng đại. Sự hung bạo về tình dục trong các tác phẩm cuối đời của Picasso như tác phẩm này đã bị nhiều nhà phê bình thời ấy phủ nhận. Chỉ sau khi ông qua đời, bức tranh mới được công nhận và trở lại là chủ đề của học thuật và nghiên cứu. Đọc và biết được những thông tin về tác phẩm và tác giả như thế là một điều thú vị ở triển lãm này khi tất cả các tác phẩm trưng bày đều đính kèm lời giới thiệu những thông tin học thuật đã cập nhật.

Bước ra khỏi phòng Picasso, chỉ vài bước chân bạn đã có thể gặp bức chân dung đẹp thăm thẳm “Young woman of the people” của Amedeo Modigliani và “Tea”- bức tranh lớn nhất được Henri Matisse thực hiện trong những năm sau Thế chiến thứ Nhất. Tác phẩm điêu khắc “Guitarist”(1915) của Cecil Howard chỉ cao 10 inch được đặt cạnh “Tea” của Matisse, như một phát hiện lạ lùng với hình thức điêu khắc lập thể bằng các khối hình sơn màu đỏ, xanh lá cây, xanh lam và đen. Khi xem, ta phải đi vòng quanh vật thể nhỏ bé ấy để có thể nhìn ra hình dáng người chơi guitar đang gảy đàn một cách hứng khởi, một ảo ảnh về sự chuyển động, chủ nghĩa lập thể dường như bắt người xem không được chỉ đứng yên một chỗ mà nhìn.

Tác phẩm điêu khắc Guitarist của Cecil Howard

Chín tác phẩm điêu khắc bằng đồng của Alberto Giacometti (Thuỵ Sĩ) được trưng bày trước một bức tường sơn màu aubergine cũng là một phần quan trọng của bộ sưu tập nghệ thuật đương đại ở tầng Ba. Tầng Ba còn là nơi giới thiệu những tên tuổi của trường phái Biểu hiện trừu tượng như Jackson Pollock, Mark Rothko, Ruth Asawa; của phong cách Pop Art và Nam California Assemblage đại diện bởi Roy Lichtenstein, Judy Chicago, Kienholz; của chủ nghĩa siêu thực Bắc Mỹ và Mỹ Latinh với các tác phẩm của Georgia O’Keeffe, Diego Rivera…

Và đặc biệt là tour nghệ thuật sắp đặt “The Garage” của Michael McMillen như một cỗ máy thời gian đưa người xem ra khỏi bảo tàng đến một không gian khác. Đó là ba căn phòng tối mờ gồm hàng nghìn hiện vật phủ bụi thời gian từ đầu đến giữa thế kỷ XX. Phần lớn chúng được McMillen tích lũy từ hành trình lùng sục khắp hẻm hóc thành phố Los Angeles và các địa điểm khác trước khi chúng bị bỏ vào các nhà máy tái chế rác thải.

Bảng quảng cáo, thùng dầu nhớt, đồ nghề sửa xe, đinh ốc, bao bị, máy thu hình những năm 1950, cuộn dây Tesla từ nhà để xe của người hàng xóm, những cánh tay búp bê bị vứt bỏ sau một nhà máy nhựa, một chiếc Dodge Dart năm 1964, các dụng cụ phòng thí nghiệm như trong một dự án bị bỏ dở, kệ nhỏ chứa sách hướng dẫn kỹ thuật và tiểu thuyết phiêu lưu từ đầu thế kỷ, bảng điều khiển máy bơm xăng với cả nùi dây điện và công tắc… Không chỉ là đồ thu lượm, McMillen còn là một nhà chế tạo siêu đẳng với không ít những món đồ cũ mèm là do ông tự làm ra. Ông sắp đặt và tóm tất cả chúng lại dưới tên gọi “các nguyên nhân của xã hội”.

Khi chúng tôi mở cánh cửa cũ kỹ để bước ra khỏi “The Garage” và nghe thấy tiếng cọt kẹt từ bản lề cánh cửa, bỗng nhớ lời gợi ý của McMillen với người xem về tác phẩm sắp đặt này của mình: “Như thể bạn đang 11-12 tuổi và bước vào garage của một người hàng xóm nào đó khi anh ấy đi vắng, đây là cơ hội để bạn xem xét mọi thứ và tự đặt những câu hỏi, về một con người”.

Một phòng triển lãm nghệ thuật thị giác ở tầng Một của LACMA
Mô hình kiến trúc và nội thất trong suốt của Do Ho Suh ở Khu triển lãm Resnick Pavilion
Phòng tranh nghệ thuật đương đại Trung Quốc
Bộ ảnh Vera Lutter: Bảo Tàng Nhìn Từ Ống Kính tại khu triển lãm Resnick Pavilion
Các tác phẩm của Yoshimoto Nara
Một tác phẩm điêu khắc với phong cách quen thuộc của Nara

Hai đứa con gái tôi, 10-14 tuổi, rõ ràng thích xem tranh Yoshimoto Nara hơn xem cái Garage của McMillen. Nara- họa sĩ Nhật Bản có tầm ảnh hưởng nhất hiện nay, cũng là hoạ sĩ Nhật có tranh đắt nhất thế giới (bức Knife Behind Back trị giá 25 triệu đô) được bảo tàng LACMA dành trọn tầng Hai để giới thiệu Bộ sưu tập năm mươi bức sơn dầu và khoảng 700 bức vẽ tay, cùng mô hình phòng làm việc của người họa sĩ 61 tuổi này.

Bọn trẻ thích Nara vì lối tạo hình nhân vật như hoạt hình trong tranh ông. Bộ sưu tập tranh gồm cả những tờ vẽ nháp bị xé nham nhở, cho thấy những biến hóa vô tận trong gần 40 năm sự nghiệp hội họa của Nara xoay quanh hình ảnh một cô bé cau có, suy tư, hứng khởi, giận dữ, cô độc…

Nara đã phát triển phong cách đặc trưng này của mình từ những năm 1990, khi còn học ở một trường nghệ thuật, khi ông bắt đầu vẽ những bức tranh được nhà xuất bản nghệ thuật gọi là “những cô gái đầu to”. Với khuôn miệng khẽ mở và đôi mắt to kỳ dị, các nhân vật trong tranh mang lại cảm giác vừa đáng yêu vừa đáng ghét cho người xem, nhưng quan trọng nhất là họ có thể thấy được một phần cảm giác của chính mình trong đó. Mọi người hay cho rằng chúng là chân dung các cô gái hoặc bé gái. Nhưng các nhà phê bình nghệ thuật lại nhìn nhận tranh Nara thực sự là những bức chân dung tự họa.

Cô con gái 14 tuổi của tôi trước khi rời LACMA đã móc túi mua một poster tranh Nara giá $25 ở cửa hàng bán đồ lưu niệm của bảo tàng- là một gương mặt hờn dỗi quen thuộc của hoạ phẩm Nara. Đó chỉ là điểm qua hai trong số bốn khu triển lãm của LACMA mà chúng tôi đã “ngốn” suốt một buổi chiều.

LACMA còn tầng Một trưng bày bộ sưu tập của Cauleen Smith “Cho đi hay bỏ lại” phản ánh những khả năng của trí tưởng tượng qua những triển lãm phim, video và tác phẩm sắp đặt liên quan đến tâm linh, sáng tạo và chủ nghĩa không tưởng…

Và khu triển lãm Resnick Pavilion của LACMA gồm các bộ sưu tập: Nghệ thuật đương đại Trung Quốc từ Quỹ Yuz; Mô hình kiến trúc và nội thất trong suốt của Do Ho Suh- 348 West 22nd Street; Bộ ảnh Vera Lutter: Bảo tàng nhìn từ ống kính…

Nếu có thể, bạn chớ bỏ qua cuộc dạo chơi với LACMA quá thú vị trong ngày hè này nhé.

***

Bảo tàng Nghệ thuật Los Angeles (LACMA)

5905 Wilshire Blvd., L.A, CA 90036

– Đóng cửa vào các ngày Thứ Tư.

– Giá vé $ 25 cho người lớn/ $10 cho trẻ em từ – 13- 17 tuổi.

– Miễn phí trẻ em dưới 12 tuổi

– Giảm giá cho cư dân, sinh viên và người cao niên của Los Angeles.

– Cần đặt vé hẹn giờ.

www.lacma.org

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: