Lật tẩy “Nhiếp ảnh gia nhiều giải thưởng quốc tế nhất Việt Nam”

Điện ảnh không phải chuyên môn của tôi, nên từ khi vụ phim “Vị” xôn xao, tôi hầu như chỉ đóng vai khán giả theo dõi tranh luận. Nhưng đến hôm nay, khi đại diện tờ Lao Động đứng ra “cãi tay đôi” với tờ Thanh Niên để bênh vực thành viên Hội đồng kiểm duyệt Trần Việt Văn [1] – người cho rằng những giải thưởng của “Vị” hay “Ròm” chỉ là hạng C, hạng D, và là một chiêu trò PR “khôn lỏi” nhằm tạo sức ép cho ban kiểm duyệt [2a,b], tôi mới thấy tò mò và tìm hiểu kỹ hơn về lý lịch nhà báo này – và có một sự choáng váng không hề nhẹ.

Tương tự như trường hợp Phạm An Hải [3] trong giới mỹ thuật, nhà báo Trần Việt Văn xuất hiện dày đặc trên truyền thông trong nước với danh xưng “Nhiếp ảnh gia nhiều giải thưởng quốc tế nhất Việt Nam” với hơn 80 giải, và trang giật tít kêu nhất là Lao Động, tờ báo sân nhà của đương sự [4]. Anh chia sẻ “Không phải cuộc thi nào tôi cũng tham gia. Những cuộc thi tôi chọn tham gia là cuộc thi có tính chuyên nghiệp cao. Đó là những cuộc thi mà người chấm đều là chuyên gia nhiếp ảnh, giám đốc nghệ thuật, giám đốc sáng tạo, những nhà xuất bản, những tên tuổi lớn trong các tập đoàn lớn về nhiếp ảnh thế giới.”

Từ những bài báo và trang lý lịch về anh Trần Việt Văn này [5a,b,c], tôi có tổng hợp được một danh sách tương đối những giải thưởng anh đạt được, bao gồm:

The Prix de la Photographie Paris (Px3) – Pháp (đoạt giải 9 năm)

International Photography Awards (IPA) – Mỹ (đoạt giải 9 năm)

London International Creative Competition (LICC) – UK (đoạt giải 5 năm)

Moscow International Foto Awards (MIFA) – Nga (đoạt giải 5 năm)

Tokyo International Foto Awards (TIFA) – Nhật

ND Awards

Eyewin Awards – Ấn Độ

Donkey Art Prize – Ý

Pollux Awards – UK (đoạt giải 4 năm)

Photo Master’s Cup – US (đoạt giải 5 năm)

Photo Master’s Cup – UK (đoạt giải 2 năm)

Art of Photography Show – Mỹ

Photoannual Awards – Czech (đoạt giải 3 năm)

TZPAC Awards (18 giải)

Pink Lady Food Photographer of the Year

Bạn có choáng giống tôi không? Hãy dành một phút trấn tĩnh lại, rồi cùng thẩm định nhé.

Năm giải thưởng đầu tiên nhìn có vẻ to, và không thể “quốc tế” hơn. Nhưng sau khi nghiên cứu thêm, tôi phát hiện ra cả năm giải này đều trực thuộc một công ty mẹ là tập đoàn Farmani ở Mỹ, chuyên tạo giải để kiếm lời! Suốt mấy chục năm qua, cứ một vài năm họ lại đẻ ra thêm một giải thưởng, đến nay đã có tổng cộng 26 giải, từ nhiếp ảnh đến thiết kế, kiến trúc, thậm chí là giày dép [6]! Trong 26 giải này, ngoại trừ giải uy tín nhất là Lucie Awards – lập năm 2003, phi lợi nhuận, chỉ dành cho các thành tựu trọn đời, thì toàn bộ các giải còn lại đều vì lợi nhuận: IPA lập năm 2004, LICC 2006, Px3 2007, MIFA 2014, TIFA 2016. Tất cả các giải này đều có chung một công thức kinh doanh:

Trang web thiết kế copy từ cùng một template, với nội dung, cách thức tổ chức giống hệt nhau như nhân bản vô tính.

Người dự thi sẽ mất 15-60 USD một lần gửi bài dự thi. Nghe thì ít nhưng thống kê mới thấy họ tính quá giỏi! Ví dụ, IPA có 15,000 bài đăng ký thường niên, thì doanh thu sẽ là xấp xỉ $500,000 chưa kể tiền tài trợ và bán sách ảnh. Bạn cứ nhân lên 25 giải.

Ban tổ chức sẽ trích ra 5-10% số tiền này làm tiền thưởng cho những người thắng.

Số lượng những người thắng là rất rất nhiều. Có khoảng trên dưới 10 hạng mục, mỗi hạng mục có một người thắng chung cuộc, một người về nhì, sau đó là chục giải Vàng, chục giải Bạc, vài chục giải Đồng cho MỖI hạng mục, và thêm nhiều giải khuyến khích nữa (nhưng việc đặt tên Vàng, Bạc, Đồng đã là rất mập mờ đánh lận con đen – trúng tâm lý giải bé xé ra to). Tức là tổng cộng lên tới vài trăm (có khi gần nghìn) người được tưởng thưởng MỖI giải mỗi năm. Chỉ có những người được giải chung cuộc mới được in triển lãm, còn tất cả Vàng, Bạc, Đồng đều là giải phụ, chỉ được chiếu trên máy chiếu.

Vì chi phí tổ chức thấp như vậy, đây là một bài toán lãi quá lớn! Nôm na, cứ 1,000 người nộp bài thì họ hòa vốn, còn lại là lãi ròng. Doanh thu tỉ lệ thuận theo số lượng người đăng ký.

Do quảng cáo chéo, thường là cùng một nhóm thí sinh đăng ký nhiều giải cùng một lúc – để trượt giải này thì còn có giải kia! Và họ luôn phân đều ra mỗi nước đều có người được giải.

Anh Trần Việt Văn đã thắng các giải Vàng, Bạc, Đồng, ở Px3, MIFA, TIFA, và được giải khuyến khích ở IPA, LICC, và năm nào cũng thắng một vài giải nào đó. Mỗi bài báo địa phương đăng tin là một bài quảng cáo miễn phí cho các giải thưởng đó, và vòng xoay tiếp diễn.

Năm giải thưởng đầu tiên nhìn có vẻ to nhưng cả năm giải này đều trực thuộc một công ty mẹ là tập đoàn Farmani ở Mỹ, chuyên tạo giải để kiếm lời

Một số giải sau còn tệ hơn nhiều. ND Awards là một giải bê bối, nằm trong nhóm chín giải cùng được tổ chức bởi một người Ba Lan tên Martin Stavars nhưng dùng tên giả là Sebastian Stavars [7a,b,c]. Với thủ đoạn tinh vi, anh này bắt chước công thức tập đoàn Farmani ở trên, một mình tạo ra tận chín giải thưởng khác nhau: ND Awards, International Photographer of the Year (IPOTY), MonoVisions, Mono Awards, Monochrome, Fine Art Photography, Photo Contest Guru, Photo Grvphy, và See That Art.

ND Awards là một giải bê bối, nằm trong nhóm chín giải cùng được tổ chức bởi một người Ba Lan tên Martin Stavars
Các bạn cứ vào xem website Giải Photo Master’s Cup thì biết giải này lôm côm như thế nào

Anh ta cũng mời khống ban giám khảo, và chỉ điền tên họ vào cho có, hoặc chỉ đạo cho họ chấm đại, phiên phiến. Người ta chỉ xâu chuỗi ra những điều này khi phát hiện cả chín website đều có chung một server từ Ba Lan. Các website đều xào nấu lại nội dung của nhau đến từng chữ, thậm chí các bài phỏng vấn người thắng cuộc cũng có chung một danh sách câu hỏi mẫu! Người ta tính ra, anh Martin kia phải thu được gần $100,000 mỗi năm từ MỖI giải – lạm thu từ sự lạm danh của thiên hạ!

Còn giải Eyewin Awards? Đây là một giải của Ấn Độ, lập ra từ năm 2018, nhưng đã website đã sập từ 2020 giữa mùa chạy giải, khiến nhiều thí sinh phải lên trang Facebook của giải thắc mắc với tâm trạng hoang mang và bất mãn [8]. Tương tự, Donkey Art Prize của Ý cũng đã sập từ 2016 [9].

Và khi anh Việt Văn nặng lời chỉ trích “Vị” lợi dụng hình ảnh lõa thể để lấy giải từ giám khảo Tây thì chính anh cũng nộp dự thi một loạt hình phụ nữ Việt Nam lõa thể hở bộ phận kín không che và đàn ông lõa thể ngồi trong chuồng xí

Giải Pollux Awards là một giải thương mại dưới FotoNostrum gallery, và chỉ có nhõn một giám khảo là ông giám đốc Julio Hirsch-Hardy (?!). Giải Photo Master’s Cup là dưới khuôn khổ The International Color Awards. Giải này, cùng các giải Art of Photography Show (Mỹ), Photoannual Awards (Czech) và TZPAC Awards [10a,b,c,d,e] – các bạn cứ vào xem website thử thì biết chúng lôm côm như thế nào. Nếu theo cách anh Việt Văn phân loại giải thưởng ra A, B, C, D – thì các giải này chắc là E hay F?

Và khi anh Việt Văn nặng lời chỉ trích phim “Vị” lợi dụng hình ảnh lõa thể để lấy giải từ giám khảo Tây – thì chẳng phải chính anh cũng nộp dự thi một loạt hình phụ nữ Việt Nam lõa thể hở bộ phận kín không che (thắng giải Px3) [11a] và đàn ông lõa thể ngồi trong chuồng xí (theo lời tác giả là thắng giải ở Pháp và Mỹ) [11b], rồi sau đó đem bán trên trang Saatchi Art ngay cạnh loạt anh chụp các sư thầy và tượng Phật hay sao (bức lộ liễu nhất đã bị anh Việt Văn gỡ xuống ngay sau bài viết của anh Phan Đăng Di) [11a,b]? Chúng ta không nói ảnh như vậy là dung hay tục, đẹp hay xấu. Mà chúng ta nói những tiêu chuẩn kép anh đang đặt ra cho riêng mình, và cho cộng đồng nghệ thuật, cùng những tuyên huấn giáo điều và phản tiến bộ.

Tôi xin lấy tinh thần xây dựng của một khán giả, đề nghị Hội đồng kiểm duyệt xem xét lại tư cách chuyên môn cùng tư cách đạo đức của thành viên này.

__________________

Tác giả Ace Lê là thạc sĩ về Nghiên cứu Bảo tàng và Thực hành Giám tuyển tại Nanyang Technological University (NTU, Singapore). Anh là đồng sáng lập nhóm giám tuyển độc lập Of Limits.

Nguồn:

[1] Theo Lao Động: https://bit.ly/3aoTJsp

[2a] Theo Lao Động: https://bit.ly/3DpC4NO

[2b] Theo Thể Thao Văn Hóa: https://bit.ly/3oIqXLJ

[3] Xem bài viết “NFT và ba chữ “lạm””: https://bit.ly/3mG2pAt

[4] Theo Lao Động: https://bit.ly/3ApCL7G

[5a] Theo PX3: https://bit.ly/2YvjdBM

[5b] Theo Tzipac: https://bit.ly/3mHO3zA

[5c] Theo Lensculture: https://bit.ly/3ApjdAr

[6] Theo Insideimaging: https://bit.ly/3iH9mjy

[7a] Theo Insideimaging: https://bit.ly/3BrOTGI

[7b] Theo PDN: https://bit.ly/3uVdZuZ

[7c] Theo PDN: https://bit.ly/2YBvm8w

[8] Trang Facebook của Eyewin: https://bit.ly/3BsnG6D

[9] Trang Facebook của Donkey Art Prize: https://bit.ly/3Dn27oH

[10a] The Pollux Awards: https://bit.ly/3ajoDSS

[10b] The International Color Awards: https://bit.ly/3akDLiK

[10c] Art of Photography Show: https://bit.ly/3FsVx1R

[10d] Photoannual Awards: https://bit.ly/30egGwJ

[10e] TZPAC Awards: https://bit.ly/3anVsOK

[11a] Chuỗi ảnh phụ nữ lõa thể đoạt giải của anh Việt Văn: https://bit.ly/3AtyXCm

[11b] Ảnh đàn ông lõa thể đi vệ sinh đoạt giải của anh Việt Văn: https://bit.ly/3lnnoIz

[12a] Theo Facebook anh Phan Đăng Di: https://bit.ly/3DpMNaR

[12b] Trang bán ảnh của anh Việt Văn trên Saatchi Art: https://bit.ly/304wq57

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: