Lê Hựu Hà – Niềm đau của một loài chim gãy cánh

20 năm ngày mất nhạc sĩ Lê Hựu Hà
Nhạc sĩ Lê Hựu Hà (ảnh: Trần Quốc Bảo)
Muôn Nẻo Đường Đời
Muôn Nẻo Đường Đời
Lê Hựu Hà – Niềm đau của một loài chim gãy cánh
/

Khi nhắc chuyện âm nhạc thời mới lớn, người viết nhớ đến ngay những ngày đi học ở ngôi trường Lasan Mossard tận Thủ Đức. Những yêu thích của tôi về nghệ thuật, văn chương hoặc thể thao… cũng phát xuất từ mái trường này. Các frères không những khuyến khích các em học vẽ, học đàn, học trống, học võ… mà còn luôn bắt các học sinh phải nghe và hát theo một số bài hát mới phù hợp với tuổi trẻ.

Nói đến đây, trí nhớ người viết lại quay về những ngày tháng xanh ngời tuổi học trò của năm 1972. Đó là thời gian các frères luôn mở sáng, mở chiều… hai cuốn băng nhạc Du Ca 1 Nhạc Trẻ 1: Tình Khúc Phượng Hoàng. Nếu Du Ca 1 đã khiến bọn trẻ chúng tôi yêu thích những tên tuổi Nguyễn Đức Quang, Ngô Mạnh Thu, Nguyễn Quyết Thắng, Diễm Chi, Bùi Công Thuấn, Giang Châu, Nguyễn Hữu Nghĩa… thì cuốn băng Nhạc Trẻ Phượng Hoàng với những sáng tác của Lê Hựu Hà – Nguyễn Trung Cang đã nâng dậy tâm hồn chúng tôi bay cao như bước chân Phù Đổng.

Những ca khúc mới như Tôi Muốn, Yêu Người Yêu Đời, Thương Nhau Ngày Mưa… tựa hồ như những ánh nắng chói chang rực rỡ chiếu rọi vào lòng chúng tôi những bài học thật đáng yêu về tình yêu thương đồng bào, đồng loại của mình. Lời của những bài hát này dạy cho tuổi trẻ chúng tôi về lòng cao thượng, mới nghe tưởng như là lời kinh thánh đâu đó, “hãy cứ yêu thương người dù người không yêu ta”… và chúng tôi, những học trò ngày ấy, đã được sống, được “mơ thành người Quang Trung” (tên một cuốn truyện của Duyên Anh) từ những ca khúc rất tuyệt vời này.

Sau 30 Tháng Tư 1975, những ca khúc đầy ắp tình người này đáng lý được phổ biến, nhưng tiếc thay, cuộc đời của nó cũng như của hai người cha đẻ, đều long đong cơ cực theo vận nước nổi trôi. Năm 1979, người viết bất ngờ có được địa chỉ nhà nhạc sĩ Lê Hựu Hà, dự tính đi tìm anh, nhưng rồi cuối năm đó, chuyến vượt biển thành công khiến ước mong hội ngộ nhạc sĩ Lê Hựu Hà của người viết đành gác lại. Khi đặt chân lên đảo Thái Lan, vì yêu mến giòng nhạc Lê Hựu Hà – Nguyễn Trung Cang, người viết lúc đầu đã đặt tên mới cho hồ sơ tỵ nạn của mình là Trần Phượng Hoàng. Điều này cho thấy, tên tuổi hai nhạc sĩ đã nằm sâu trong tận lòng quý mến của người viết. Sau này, khi về lại quê nhà lần đầu cuối năm 1993, anh Hà là một trong những người tôi mong được gặp gỡ đầu tiên. Từ đó tình cảm hai anh em gắn bó như ruột thịt chân tình.

Tối Thứ Bảy ngày 10 Tháng Năm 2003, trong lúc ăn tối lễ Mother’s Day với vợ chồng Cẩm Vân – Khắc Triệu, vợ chồng Tấn Hà (Nice Furniture) tại một nhà hàng Thái Lan ở thành phố Westminster, một cú điện thoại từ Việt Nam gọi báo tin nhạc sĩ Lê Hựu Hà đã đột ngột qua đời. Không hiểu có một sức mạnh vô hình nào đó đã khiến những giòng nước mắt của người viết trào tuôn ra như suối. Không những thế, mà còn có cả những tiếng nấc nghẹn ngào vang lên từng chặp…

Tôi gục xuống bàn, khóc như một đứa trẻ… khi nhớ những kỷ niệm mà hai anh em đã dành cho nhau những năm tháng tại cõi trần này. Tội nghiệp hai bạn Cẩm Vân – Khắc Triệu cứ phải dỗ mãi, mà chẳng hiểu sao, tiếng khóc lại không cầm được.

Trái sang: Trung Vinh, Nguyễn Trung Cang, Elvis Phương, Lê Hựu Hà, Bảo Châu – mùa thu 1971 (nguồn: Thế giới Nghệ sĩ)

Lê Hựu Hà sinh ngày 5 Tháng Sáu 1946 tại Biên Hòa. Ngoại trừ người em gái – đã mất từ nhỏ, Lê Hựu Hà có một anh trai tên Lê Hựu Hoàng, kỹ sư sống ở Canada, một người em trai tên Lê Hựu Hùng sống với vợ ở Biên Hòa và một cô em gái tên Lê Thị Minh Anh ở Việt Nam. Thân phụ anh làm nghề giáo nên không muốn các con đi theo nghề sân khấu ca nhạc. Tuy ba khó khăn cấm đoán nhưng mẹ anh lại nuông chiều. Minh Anh (cô em thứ sáu của Lê Hựu Hà) kể lại:

“Mẹ tôi thương anh Hà lắm nên cũng chiều anh, tối anh ấy đi diễn khuya về thì mẹ ngồi canh rồi mở của cho vô nhà chứ gia đình tôi vẫn không chấp nhận chuyện có người thân là nghệ sĩ. Gia đình tôi là gia đình công chức, lại làm nghề giáo nên ba tôi ác cảm lắm, nhất là anh Hà lại theo nhạc trẻ”.

Năm 1965, Lê Hựu Hà và nhạc sĩ Trần Đăng Chí thành lập ban nhạc Hải Âu. Năm 1972, anh tham gia ban Mây Trắng với các thành viên Cao Giảng, Tuấn Dũng, Trung Hành, Phùng Thuận, tạo cho ban nhạc này một thế đứng vững chắc lối ca diễn phối bè rất độc đáo. Giới trẻ ngày nay vẫn còn say mê những bài hát do nhóm Mây Trắng trình diễn như Đồng Xanh, Rồi Mai Đây, Donna Donna, Đôi Khi Ta Muốn Khóc... Đây là thời gian có thể nói, Lê Hựu Hà sống hạnh phúc với sự nghiệp và trong tình yêu với chị Mai Hương, người vợ đầu tiên của anh. Hai người có với nhau một trai, một gái, hai cháu Huy và Huyền sống với mẹ tại vùng thung lũng hoa vàng (San Jose).

Sau khi chia tay với người vợ đầu, anh có thời gian chung sống với nữ danh ca M.T. Tuy chị M.T. lớn hơn anh Hà 7 tuổi nhưng hai người rất tâm đầu ý hợp. Theo Nhã Phương cho biết, anh Hà xác nhận mối tình anh dành cho chị M.T. rất nhiều… nhưng vì có một vài lý do riêng, cả hai không thể sống được với nhau đành chia tay trong tiếc nhớ. Năm 1980, chị M.T. vượt biển đến đảo Songkla sau đó sang Mỹ. Chị M.T. từ trần ngày 8 Tháng Mười năm 2000.

Khoảng năm 1973, Lê Hựu Hà có một chân làm việc trong ngân hàng. Tại đây, tác giả Đồng Xanh quen với một phụ nữ tên Vinh lai Tây rất đẹp. Lê Hựu Hà có một con trai với người vợ thứ ba này và đặt tên cháu là Lê Hựu Hưng. Sau 30 Tháng Tư 1975, có thể nói đây là khoảng thời gian buồn bã nhất của Lê Hựu Hà. Những ngày hoàng kim của ban Phượng Hoàng lừng lẫy đã bay xa, giờ đây chỉ còn một vùng trời đầy bóng tối, không tương lai, không bạn bè. Có một thời gian, Lê Hựu Hà tham gia cho đội văn nghệ Xa Cảng Miền Tây và ở đó anh quen và chung sống với Thy Vân. Có một chuyện ồn ào liên quan đến người vợ thứ tư này.

Lê Hựu Hà (phải) và Trần Quốc Bảo (nguồn: Thế giới Nghệ sĩ)

Tình yêu mà Lê Hựu Hà dành cho cô Thy Vân rất nhiều không kém gì danh ca M.T. Và cũng vì sự yêu đương thắm thiết này, tình bạn anh và một nhạc sĩ (rất nổi tiếng trước 1975) bị sứt mẻ trầm trọng vì nghe đâu nhạc sĩ kia cũng yêu thích chị Thy Vân này. Cuộc tình Lê Hựu Hà và người vợ thứ tư không kéo dài được bao lâu. Cô tách bến sang sông và sau đó lập mái ấm mới với danh hài P.Q. Người vợ thứ năm cũng là mối tình sau cùng của Lê Hựu Hà, đó là ca sĩ Nhã Phương.

Đầu năm 1979, Lê Hựu Hà thành lập ban nhạc Hy Vọng với sự tham gia của Mạnh Tuấn (sau đó là Huỳnh Hiệp), Quốc Dũng (keyboard), Lý Được (bass), Minh Hải (guitar), Lê Hựu Hà (accord), Sĩ Thanh, Trang Kim Yến, Nguyễn Lệ Thu (cộng tác mấy tháng)…

Về sau thành phần ban Hy Vọng thay đổi với Lê Hựu Hà (accord), Chí Hùng (keyboard), Lý Được (bass), Huỳnh Hiệp (trống), Minh Hải (guitar), đặc biệt có đôi vợ chồng ăn khách lúc bấy giờ: Đình Huấn – Ngọc Quyên. Chính Đình Huấn là người đã mời Nhã Phương từ Đài Truyền hình về cộng tác với ban Hy Vọng khoảng giữa năm 1979. Nhã Phương và Lê Hựu Hà có với nhau hai mặt con: Lê Nguyễn Phương Khánh (sinh năm 1988) và Lê Nguyễn Phương Uyên (1994). Nhã Phương kể lại:

“Cho đến giờ Phương rất nhớ đến ân tình của anh chị Đình Huấn và Ngọc Quyên. Chính chị Ngọc Quyên đã dạy cho Phương từng bước nhảy đầu tiên, để rồi sau đó, tiết mục đơn ca của anh Lê Hựu Hà vốn đã được nhiều người thích lúc bấy giờ là bài Bye bye love, bây giờ lại càng đặc biệt hơn với Đình Huấn – Nhã Phương hát bè cũng như nhảy nữa”. Những năm 1979-1980 là khoảng thời gian rộn ràng nhất của nhạc sĩ Lê Hựu Hà sau 1975. Cuộc sống của anh có nhiều niềm tin và hy vọng hơn, giống như tên ban nhạc mà anh đã đặt. Ca sĩ Nguyễn Lệ Thu từng cộng tác với ban này khi được Trần Quốc Bảo phỏng vấn đã ghi lại vài dòng kỷ niệm:

“Khi em đang học Đại học Mỹ thuật thì một ngày kia, anh Lê Hựu Hà và anh Đình Huấn đến trường tìm em mời gia nhập ban nhạc Hy Vọng cùng lúc với Nhã Phuong ở Cần Thơ mới lên. Em chỉ tham gia có vài tháng (ban ngày đi học nên không có thời gian đi tập đợt thường xuyên với ban nhạc). Em rất quý anh Hà. Anh là người anh vui tính rất tận tâm chỉ bảo và dẫn dắt em trong nghề nghiệp. Anh là con chim đầu đàn lo lắng mọi thứ mặc dù trong ban nhạc toàn là những gương mặt kỳ cựu như anh Quốc Dũng, anh Lý Được… Mỗi lần tập xong ở nhà anh Hà cả bọn kéo nhau ra quán ăn cơm đĩa tán dóc thật vui. Nghệ sĩ ngày xưa đi hát phần lớn bằng xe đạp lọc cọc, nghèo mà vui hơn bây giờ anh Bảo ơi! Lâu lâu gặp lại Nhã Phương hai đứa cũng nhắc lại kỷ niệm…”.

Riêng nhạc sĩ Nguyễn Kim Tuấn, tác giả nhiều bài hát nổi tiếng như Biển Cạn, Tôi Ngàn Năm Đợi, Hãy Thắp Ánh Sáng, Thế Giới Không Tình Yêu, Trái Tim Hoang Đường… có một số kỷ niệm khó quên với người anh rể của mình. Kim Tuấn kể lại:

“Năm 1984, lần đầu tiên Tuấn vào Sài Gòn được gặp anh Lê Hựu Hà ở sân khấu Kỳ Hòa. Lúc đó tên tuổi anh Hà ở Sài Gòn lớn vô cùng. Thời gian đó, ảnh cùng lúc quản lý ba ban nhạc chuyên đi show tỉnh, một ban chuyên đi thâu và một ban chuyên đi đánh ở những sân khấu tạp kỹ ngoài trời. Cơ duyên đưa đẩy anh Hà nên duyên với chị Nhã Phương là vào thời gian chị Phương tham gia vào ban Hy Vọng cùng với anh Đình Huấn, Ngọc Quyên, Sỹ Đan, chị Bảo Yến. Em học hỏi guitar rất nhiều từ hai anh rể. Thời gian em mới lên Sài Gòn là em đã có đánh guitar rồi nhưng vẫn chưa đạt đến độ perfect. Cũng nhờ học hỏi hai ảnh mà em hấp thụ được kỹ năng bí truyền guitar”…

Năm 1992, khi Quốc Sĩ (trưởng ban nhạc The Magic) lần đầu về nước, người viết nhờ Quốc Sĩ ghé nhà anh Hà – Nhã Phương để gửi tặng một số sách báo băng nhạc do Thế giới Nghệ sĩ  thực hiện. Vợ chồng anh nhận được rất cảm động và gửi thư hồi âm ngay. Cuối năm 1993, trong chuyến về quê nhà lần đầu, người viết ghé thăm vợ chồng nhạc sĩ Lê Hựu Hà và cả ba đã có những buổi họp mặt với nhiều câu chuyện tưởng chừng không bao giờ dứt. Nhân dịp này, Lê Hựu Hà thu âm tại chỗ bài hát Ngỡ Đâu Tình Đã Quên Mình và giao cho Trần Quốc Bảo mang ra hải ngoại phổ biến. Ca khúc này Trần Quốc Bảo giao cho Trung Tâm Nhạc Mới của nhạc sĩ Đức Huy phổ biến đầu tiên, sau đó bài hát được nhiều ca sĩ nổi tiếng như Khánh Hà, Như Mai thu âm.

Lê Hựu Hà (trái) và nhà thơ Đỗ Trung Quân (nguồn: Thế giới Nghệ sĩ)

Kỷ niệm sau cùng với nhạc sĩ Lê Hựu Hà, đó là chuyến đi về Việt Nam vào Tháng Sáu năm 2000. Chuyến đi này, Trung tâm Kim Lợi nhờ người viết thu hình phỏng vấn Lê Hựu Hà. Có thể nói, ngay từ trước 1975, anh Hà ít khi nào muốn lộ diện ngoài đám đông hay trên báo chí… Tuy nhiên bất cứ lần nào, mỗi khi người viết gõ cửa “nhờ vả”, anh Hà không bao giờ từ chối. Nhã Phương xác nhận: “Anh Hà thương quý B. nhất. Mỗi lần có tin B. về nước, là anh vui vô tả… Ảnh ít cho ai phỏng vấn, mà mỗi lần B. nói, là anh nhận lời ngay”. Biết là thế, nhưng lần này không chỉ là phỏng vấn, mà còn là thu hình… Vậy mà chỉ vì muốn “em út” vui, anh Hà phải làm những chuyện mà anh từng không muốn…

Ngày 9 Tháng Năm 2003, Lê Hựu Hà đột ngột từ trần với chứng bịnh tai biến mạch máu não. Thật ra, kể từ ngày 30 Tháng Tư 1975, với nỗi buồn của một người sa cơ thất thế, hoặc nói đúng hơn, của một con chim Phượng Hoàng gãy cánh bên trời, Lê Hựu Hà đã chất chứa nhiều tâm bịnh cũng như có nhiều chứng bịnh từ hơn 20 năm trước. Năm 1982, trong lúc Lê Hựu Hà lái xe chở Nhã Phương đi hát ở Quận 5, đường vắng người, nhưng tự nhiên xe Lê Hựu Hà lảo đảo… May mà anh kịp lúc thắng lại nếu không đã va vào một thân cây lớn bên đường.

Nhã Phương hỏi chồng xảy ra chuyện gì, anh cho biết, tự nhiên đang lái thì bị “choáng”. Bác sĩ về sau khám tổng quát và cho biết anh có dấu hiệu bị nhồi máu cơ tim và cao huyết áp (sau này có thêm bệnh tiểu đường). Sự qua đời của Lê Hựu Hà đã để lại nhiều nỗi đau cho Nhã Phương khi tình yêu của hai người vốn đã không được như mơ ước nay thì nàng phải gánh chịu thêm những oan ức bởi cái nhìn của người đời chỉ dựa vào một vài bản tin thất thiệt để rồi từ đó mà tin.

Nhớ về anh, như nhớ về một chiều mưa nơi quán café cạnh Hồ Con Rùa, người viết đọc nhỏ hai câu thơ của Thế Lữ:

Ngậm một nỗi căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua.
Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu nữa?

Lê Hựu Hà nghe xong chỉ cười… Nụ cười buồn như mưa tháng Sáu quê nhà…

Nhớ về Anh mãi…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: