Mắt Bắc Ninh “lúng liếng” trong Hội Xuân Quan Họ 2022

Khúc vũ hát với Quan Họ đối đáp
Share:

Một lần nữa những tiếng hát Quan Họ đối đáp lại vang lên. Cặp mắt của những cô gái Bắc Ninh lại có dịp “lúng liếng” trong Hội Xuân Bắc Ninh 2022 tại hải ngoại trong ngày lễ hội rực rỡ màu cờ sắc áo.

Đồng hương Little Saigon năm nay lại có dịp tham dự Hội Xuân Bắc Ninh lần thứ 15 do Hội Đồng Hương Bắc Ninh Nam California tổ chức. Chủ Nhật đầu Tháng Tư 2022, nhà hàng Diamond Seafood Palace 3 ở Westminster bỗng là nơi nhộn nhịp tiếng cười, câu hát, áo dài, khăn đống, pháo xuân đì đùng trong một không khí Tết. Những câu đối xuân bên hình ảnh những mái chùa trong phông cảnh bài trí thấp thoáng, tô đậm bóng dáng quê hương Việt Nam yêu dấu. Quá khứ Hội Lim Bắc Ninh ngày nào của đất nước ngàn năm văn vật chợt sống lại như trong một cơn mơ. Xuân tái, xuân lai, dù là xuân muộn.

Mục “Cô Đôi Thượng Ngàn” với Emily Nhã Vân và Ban Nhạc Dân Tộc Lạc Hồng

Cụ hội trưởng Ngô Tuyết Mai tươi cười trả lời phỏng vấn khi được hỏi cảm nghĩ gì khi cụ nhìn thấy cảnh Hội Xuân diễn ra tưng bừng, náo nhiệt như vậy. “Tôi rất vui mừng khi hôm nay được thấy lại cảnh hát đối đáp của Quan Họ trong hội Lim ngày xưa, theo thông lệ được tổ chức vào ngày 13 Tháng Giêng Âm lịch mỗi năm. Hai năm nay vì đại dịch nên việc tổ chức của chúng tôi bị trì hoãn, đến bây giờ Hội Xuân mới được diễn ra dù là “Xuân Muộn”. Cụ nói thêm:

“Hội Lim, Bắc Ninh nổi tiếng là nơi qui tụ các ban hay nhóm, chuyên hát Quan Họ ở các làng khác đã đổ về Hội Lim rất đông, để có dịp hát cùng nhau những làn điệu dân ca như Quan Họ, Trống Quân…”. Cụ hội trưởng đã giữ chức vị này trong nhiệm kỳ bốn năm và thấy rất vui và cảm ơn các cộng tác viên đã giúp cụ rất nhiều trong việc điều hành hội. Cụ cũng không quên cảm tạ đồng hương đã đến tham gia cùng giúp sức bảo tồn những nét đẹp của văn hóa Việt dù ở hải ngoại.

Hội trưởng Ngô Tuyết Mai và Ban tổ chức

Trong diễn văn chào mừng quan khách, giáo sư Nguyễn Đình Cường đã kể về các người tài nam và nữ, cùng với huyền thoại “Phù Đổng Thiên Vương” của mảnh đất thiêng Kinh Bắc ngày xưa và là Bắc Ninh ngày nay. Nơi này cũng có những ngôi cổ tự Phật Giáo nổi tiếng và độc đáo nhất là nghệ thuật hát Quan Họ. Đây là một nét văn hóa đặc sắc, một hình thức hát hội, hát giao duyên nam nữ và là những làn điệu dân ca đậm sắc của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài giai điệu, lời ca, trang phục truyền thống độc đáo, cách ứng xử văn hóa của các ca nhân được gọi là “Liền anh, Liền chị”, tất cả tạo cho Quan Họ một nét rất riêng. Quan Họ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới kể từ năm 2009.

Hát Quốc Ca

Chương trình văn nghệ bắt đầu với những màn vũ, hát vô cùng đặc sắc của các thành viên trong Hội Đồng Hương Bắc Ninh Nam California đầy nhiệt huyết với thành tâm gìn giữ những nét đẹp truyền thống của quê hương. Bài hợp ca Bắc Ninh Hải Ngoại Xuân Ca đã vang lên sau mục chào cờ và tưởng niệm như thông lệ. Màn Trống Làng-Mõ Làng do Xuân Mai và Mõ làng Ngô Tất Tố hợp diễn đã khởi đầu cho nét vui nhộn, dí dỏm đầy tính tình tự dân gian của Quan Họ. Màn Trẩy Hội Xuân Lì Xì tạo nên sự tương tác giữa khách tham dự và ban tổ chức. Các em nhỏ và cả quan khách chạy lên chạy xuống xin phong bao lì xì, gây nên một không khí xuân náo nhiệt tưng bừng. Các màn: Se Chỉ Luồn Kim, Mẹ Đón Cha Về, Chiều Quê, Vui Bốn Mùa, Người Ơi, Người Ở Đừng Về… vừa hát, vừa ca múa đã thể hiện được biết bao tài năng cùng công sức của các thành viên tham dự.

Nghệ sĩ Xuân Mai và Mõ Làng Ngô Tất Tố

Những khuôn mặt trẻ, tươi đẹp của thế hệ con cháu xuất hiện rạng rỡ trong chương trình là các điểm son khích lệ mà Hội đã cố gắng rèn luyện với đầy nỗ lực. Các em múa, hát, tham gia các tiết mục với tất cả tấm lòng dù sinh ra ở Hoa Kỳ mà Anh ngữ là ngôn ngữ chính. Em Emily Nhã Vân xuất sắc trong màn múa ly và hát Cô Đôi Thượng Ngàn” với sự phụ họa của Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng. Nhìn các em chơi sáo, trống, đàn nguyệt, sênh phách… trong ban nhạc mà khách tham dự ai cũng mừng vui, lòng thầm hãnh diện vì con cháu Việt Nam mình đã và đang tiếp nối thế hệ cha ông giữ gìn truyền thống.

Giáo sư Nguyễn Đình Cường
MC Nhã Lan
Hợp ca “Bắc Ninh Hải Ngoại Xuân Ca”

Em Mai Linh con của “Liền chị” Mai Khôi, cháu của cụ Ngô Tuyết Mai đã trả lời khi được hỏi em học hát Quan Họ do cơ duyên nào? Cái khó nhất của hát Quan Họ là gì?

“Con sinh ở Mỹ, là thế hệ Quan Họ thứ ba, học hát từ gia đình, từ mẹ và bà con dạy. Con học hát, đóng kịch cùng phụ giúp cho chương trình. Con học hát vì thấy Quan Họ rất hay, không học hay bỏ đi rất uổng, nên con rất tự hào và muốn tiếp tục truyền thống này. Cái khó nhất theo con là giọng hát. Phải thanh và cao vút lên. Ngoài hoạt động này con còn làm việc thiện nguyện cho Hội Phật Giáo hay đi dọn dẹp, nhặt rác ngoài biển”.

Ca sĩ Xuân Mai, người đã có mặt đầu tiên từ ngày Hội Đồng Hương Bắc Ninh mới thành lập, cho biết về quá trình học hỏi, cùng trình diễn của cô:

“Xuân Mai đã về Việt Nam học hát Quan Họ. Lý do vì Xuân Mai rất thích các làn điệu dân ca. Nói đến các làn điệu dân ca, cái nào cũng có nét đặc sắc của nó cả, ngay đến Hát Xẩm. Tuy nhiên, mỗi cái đều có tinh túy và nét đặc thù riêng của nó, không thể lẫn lộn được. Quan Họ tương đối phổ thông hơn vì nó gần gũi với nghề nông. Việc đồng áng và cày cấy xảy ra hàng ngày, nên dân gian mượn những khúc hát dân giã để hát đối đáp cho nhau nghe cho quên mệt nhọc. Những lúc giã gạo, đập lúa, quay tơ hay làm lụng vất vả, hò hát vẫn là hình thức khích lệ tinh thần rất tích cực. Hơn nữa, vì Quan Họ hay dùng những câu thơ, tục ngữ, ca dao để hát, nên Quan Họ rất phong phú, lại đẫm chất thi ca”.  

Ba bức tranh Đông Hồ đấu giá

Giáo sư Trần Huy Bích, một thân hữu của hội, đã chia sẻ cảm tưởng khi được hỏi ông nghĩ sao về Quan Họ nói riêng và buổi Hội Xuân Bắc Ninh nói chung. “Tôi rất thích đến dự Hội Xuân Bắc Ninh, năm nào cũng tham dự. Hội không những thể hiện được nét đẹp truyền thống mà lại rất vui, dí dỏm nữa, ai cũng thích đến xem. Trang phục đầy màu sắc vui mắt. Tôi không nghiên cứu chuyên môn về Quan Họ nhưng chuyên về lịch sử nên có viết các bài về lịch sử Bắc Ninh cho Đặc San Bắc Ninh.”

Hợp ca “Mẹ Việt Nam” với Lê Hồng Quang và nhóm Thanh nhạc

Chương trình dài mấy tiếng đồng hồ được chuẩn bị hàng mấy tháng trời của các thành viên đã làm hài lòng các quan khách tuy ra về mà lòng còn luyến tiếc. Một chị giấu tên cho biết cảm nghĩ khi được hỏi cảm nghĩ về buổi tiệc xuân. “Đây là lần đầu tiên tôi tới đây và rất thích nhìn những tà áo dài trang phục Bắc Ninh, cả nam lẫn nữ. Nó gợi nhớ đến hình ảnh quê hương Việt Nam, đến mẹ tôi. Tôi là người Bắc nhưng sinh trong Nam nên chỉ nghe mà chưa nhìn thấy con gái Bắc Ninh mà tôi được nghe rất nhiều về họ. Tôi nghe rằng con gái Bắc Ninh vừa đẹp, vừa duyên dáng lại thông minh, có óc thẩm mỹ, hát hay và rất nhiều điểm tốt của người phụ nữ VN.

Bài và ảnh: Trịnh Thanh Thủy

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: