“Ngày đó chúng mình” với Phạm Duy

Share:
Ảnh: Bộ sưu tập của HuyVespa

Ngày đó có em đi nhẹ vào đời

Và mang theo trăng sao đến với lời thơ nuối.

Ngày đó có anh mơ lại mộng ngời

Và se tơ kết tóc giam em vào lòng thôi…

“Ngày đó chúng mình” (1959, Sài Gòn) có lẽ là một trong những bản tình ca đẹp nhất của Phạm Duy thuộc dòng “nhạc tình cảm tính” – dòng nhạc tình có những giai điệu như “sự vươn lên của cánh thiên nga”, theo lời ví của nhà nghiên cứu nhạc học Georges Etienne Gauthier (Canada) trong một bài báo đăng trên tạp chí Bách Khoa (Sài Gòn, 1972).

Riêng với tôi, ca khúc này đã hiện diện như một dấu mốc trong quá trình tìm hiểu và khám phá thế giới âm nhạc của Phạm Duy, đặc biệt là nhạc tình Phạm Duy. Lần đầu tiên, cách đây gần 30 năm, tôi được nghe nó trong loạt chương trình Hồi tưởng mà Phạm Duy biên soạn, dàn dựng và tự thu để gửi tặng những người bạn, thân hữu mà ông coi là tri âm tri kỷ.

Dạo ấy, cứ đều đặn hàng tuần, Phạm Duy lại ra bưu điện gửi cho tôi những băng cassette do chính ông thu, kèm những lá thư tay trả lời mọi câu hỏi của tôi – khi đó khao khát tìm hiểu mọi thông tin liên quan đến sự nghiệp âm nhạc của ông, cũng như về nền văn nghệ, chính trị và lịch sử Việt Nam thế kỷ 20 nói chung, mà Phạm Duy là một người hết sức có thẩm quyền.

Ảnh: Phạm Đoan Trang

Tôi được nghe “Ngày đó chúng mình” trong phần giới thiệu về dòng “nhạc tình cảm tính” – mà như Phạm Duy nhận xét, “đã rời khỏi khung cảnh lãng mạn” của nhạc tình giai đoạn đầu Tân nhạc Việt Nam để đến một khúc rẽ mới, khi “bài nào cũng xoay quanh chữ “nhau” – qua phần trình diễn của hai giọng ca huyền thoại một thuở của miền Nam: Anh Ngọc và Thái Thanh.

Đó là trích đoạn chương trình “Văn học Nghệ thuật” của Phan Lạc Phúc và Nguyễn Đình Toàn, trong khuôn khổ loạt bài về ý thơ trong lời nhạc Việt Nam, lần này phân tích về những tác phẩm mà họ gọi là “tình ca đôi lứa” của Phạm Duy. Giai điệu bay bổng và ca từ tuyệt mỹ của “Ngày đó chúng mình” càng được làm sáng lên dưới lời bình và giọng đọc của Nguyễn Đình Toàn:

Ngày đôi ta ca vui tiếng hát với đường dài

Ngâm kẽ tiếng thơ, khơi mạch sầu lơi

Ngày đôi môi đôi môi đã quyết trói đời người

Ôi những cánh tay đan vòng tình ái.

Ngày đó có ta mơ được trọn đời

Tình vươn vai lên khơi – tới chín trời mây khói

Ngày đó có say duyên vượt biển ngoài

Trùng dương ơi! Giữ kín cho lâu đài tình đôi.

 

Ngày đó có em ra khỏi đời rồi

Và mang theo trăng sao chết cuối trời u tối

Ngày đó có anh mê mải tìm lời

Tìm trong đêm rách rưới – cơn mơ nào lẻ loi?

 

Ngày đôi ta chôn vơi tiếng hát đã lạc loài

Chôn kín tiếng thơ rơi, ngậm ngùi rơi

Ngày đôi môi thương môi đã xé nát nụ cười

Ôi những cánh tay ngỡ ngàng tả tơi.

 

Ngày đó có bơ vơ lạc về trời

Tìm trên mây xa khơi – có áo dài khăn cưới

Ngày đó có kêu lên gọi hồn người

Trùng dương ơi! Có xót xa cũng hoài mà thôi!

Ngay lần đầy nghe bài hát, lập tức, tôi đắm chìm trong vòng ma mỵ của nó. Đúng như Nguyễn Đình Toàn nhận xét, “Duy là một thi sĩ đã sử dụng âm nhạc lẫn ngôn ngữ để biểu hiện tình cảm rực rỡ của con người – những tình cảm vừa say đắm, vừa se lòng”. Cảm giác từng sợi dây tình cảm, từng cảm xúc trong lòng đều bị đụng chạm – điều rất lạ mà tôi chưa từng có khi nghe bất cứ tình khúc nào của Tân nhạc Việt Nam kể tới thời điểm đó.

Tôi là đứa dễ động lòng trước những trò văn thơ nhạc họa, nhưng kể từ đó, tôi mới thực sự tin là có những bài hát được sáng tác một cách “phù thủy” và hút hồn như vậy. Gần hai thập niên trôi qua, tôi đã nghe không biết bao nhiều lần bài hát ấy, sau Anh Ngọc và Thái Thanh thì, lúc Duy Trác, khi Thái Hiền hoặc những ca sĩ khác trình diễn.

Đặc biệt, tôi nghĩ rằng phần thể hiện của Duy Quang đã đạt được mức gần kinh điển mà hơn nửa thế kỷ trước, Anh Ngọc đã có. Bay bổng mà hết sức thanh thoát, điêu luyện mà hết sức tự nhiên như thể không cần có chút cố gắng nào. Như đánh giá của Quỳnh Giao trong bài viết tưởng nhớ người ca sĩ:

“(Duy Quang) hát bằng giọng ngực, hơi rất dài, chuỗi ngân đều đặn, âm lượng dầy và súc tích. Quang diễn đạt xuất sắc, giọng hát như viên ngọc không vết gợn. Ðặc biệt là sự chừng mực hiếm có của tiếng hát: Tình cảm mà không ủy mị, lãng mạn mà không mơn trớn mùi cải lương. Nghe rõ là nam nhi chí khí dù còn là thiếu niên. Và lạ thay, giọng hát ấy theo năm tháng không hề thay đổi. Không già đi, hay đạo mạo hơn. Nó vẫn trau chuốt mà thật thà. Tình cảm mà nghiêm trang…”.

“Ngày đó chúng mình” là một “bom tấn” trong hàng chục “bom tấn” mà Phạm Duy đã sáng tác khi đắm chìm trong mối tình 10 năm ngoài gia đình mà theo lời ông nói: “Tôi đi tìm và tôi đã gặp tình yêu. Tôi không lẩn tránh nó dù biết không giữ được nó suốt đời”. Đấy là “mối tình cao thượng” với cô con gái Alice, hơn chục năm sau mối tình “rất nhẹ nhàng và trong sạch” với bà mẹ Hélène mang hai dòng máu có hai dòng máu Việt-Anh.

Phạm Duy và tác giả (ảnh: Phạm Đoan Trang)

Phạm Duy đã không bỏ lỡ bất cứ dịp nào trong các hồi tưởng để nhắc tới và vinh danh Nàng Thơ 16 tuổi của ông, người đã viết cho Phạm Duy vài trăm bài thơ, khiến ông có được mấy chục bản tình ca đẹp nhất của Tân nhạc Việt Nam. Trong đó, có một bài thơ mà Phạm Duy đã lấy ý để phổ thành ca khúc “Tôi đang mơ giấc mộng dài” – một sáng tác mà nhạc sĩ đặc biệt có nhiều cảm xúc, gọi nó là bài ca mà ông có được khi “tình yêu đã đem trăng sao đến” cho cuộc đời ông.

Loạt bài hát ấy, từ “Thương tình ca” (1956) đến “Chỉ chừng đó thôi” (1975) được ra đời trên cảm hứng chủ đạo của những cuộc tình, khi cặp trai gái sau khi đã tìm nhau, có nhau, mê man trong cuộc tình bên nhau trong một giấc mộng dài bất tận, nhưng đã lo lắng, ái ngại trước viễn cảnh phải xa nhau để rồi phải van vỉ đừng xa nhau. Phạm Duy lý giải, đó là sự khắc họa tình yêu của “đôi lứa yêu nhau không cần đến bối cảnh chung quanh – chỉ có anh với em, chỉ có người nam, người nữ dìu nhau đi trên đường tình”.

Dường như cho đến giờ, nhân thân của người tình Alice (mà Phạm Duy cho tôi hay là ông thường gọi bằng cái tên Lệ Lan, cũng như bà mẹ Hélène được lấy tên Huệ Liên) chưa được Phạm Duy tiết lộ – hoặc ít nhất tôi cũng chưa thấy trên báo chí? Cho dù, nếu khai thác được thêm thông tin từ Nàng Thơ của Phạm Duy, biết đâu lại chẳng có thể tiếp cận được thêm thế giới tình cảm – tinh thần và âm nhạc của Phạm Duy, mà thiết tưởng đã được nghiên cứu quá đầy đủ?!

Luôn mang trong tôi ấn tượng của loạt ca khúc dặt dìu chữ “nhau” –  “Tìm nhau”, “Cho nhau”, “Đừng xa nhau”, “Kiếp nào có yêu nhau” (thơ Minh Đức Hoài Trinh) và đặc biệt, “Ngày đó chúng mình” (bên nhau), tôi chắc mẩm sinh thời nếu hỏi, Phạm Duy sẽ giải đáp cho tôi thắc mắc về Lệ Lan. Bởi lẽ, kể từ khi được biết và làm quen với ông, chưa bao giờ Phạm Duy từ chối tôi một thông tin nào, và cũng không bao giờ tôi cần hỏi đến lần thứ hai!

Tuy nhiên, sau mười mấy năm kể từ khi có hạnh ngộ với ông, tôi mới tìm cớ để “lục vấn” Phạm Duy về Lệ Lan. Đó vào vào mùa hè 2010, khi Phạm Duy tổ chức “Mơ giấc mộng dài”, show thứ năm trong những Đại Hội Ca Diễn (big show – từ của ông dùng) kể từ khi hồi hương. Chủ đề “Mơ giấc mộng dài”, hẳn nhiên, được lấy ý từ thi phẩm “Tôi đang mơ giấc mộng dài – Đừng lay tôi nhé, cuộc đời chung quanh” của Lệ Lan mà Phạm Duy đã phổ nhạc.

Thấy “thời cơ đã đến”, tôi làm một bản tin về đêm diễn, và để chắc chắn cho những info, tôi có gửi nhờ Phạm Duy rà soát lại (nhưng bao giờ Phạm Duy cũng gật đầu “OK” bài của tôi mà không bao giờ ý kiến “phản biện” gì) với lời nhắn có vẻ… bâng quơ: “Bản tin như vậy được chưa bác? Cháu đã bổ sung Lệ Lan. Cô này bây giờ ở đâu hả bác?”.

Phạm Duy hồi âm ngay, rất nhanh và dồn dập: “Lệ Lan không biết bây giờ ở đâu, ra sao? Nhưng sau bài “Chỉ chừng đó thôi” là tôi thấy chỉ cần thương nhớ đến đó là cũng đủ rồi: “Thay áo cho tình ta – Chỉ là chuyện thiên thu” (1). “Thôi thì thôi! Để mặc mây bay!” (2). Để chẳng nợ gì nhau nữa! “Còn gì nữa đâu mà gọi mãi nhau?” (3). Nghe chừng nhạc sĩ rất… tỉnh đòn, không để để “bọn” làm báo phỉnh phờ và lường gạt thông tin!

Dầu sao, không thể dễ dàng đầu hàng, tôi cũng làm ra vẻ… như không, tiếp tục “tán tỉnh” Phạm Duy: “Hìhì, bác đúng là… Đã đành để chả nợ nần gì nhau nữa, và dù đã từng “Cho nhau này dãy Trường Sơn – Cho nhau cả bốn trùng dương” (4) thì cũng sẽ đến lúc “Cho rồi xin lại tự do” (5), nhưng người tìm hiểu sử nhạc vẫn muốn biết đến số phận các bà Hélène, Alice chứ. Cũng như bà T.T.Kh. vậy”. Rồi tôi tỉnh bơ gợi ý: “Bác còn ảnh cô Alice không ạ?”.

Như thông lệ, 99,99% trường hợp, đáp lại một “gợi ý” như vậy của tôi sẽ là rất nhiều ảnh, tư liệu, chia sẻ… Nhưng lần này, Phạm Duy đã tỏ ra không nhượng bộ, dầu vẫn lịch sự: “Còn giữ nhiều photo của Alice, nhưng đã hứa là không cho ai nên khi nào Linh về Sài Gòn tôi sẽ mời coi!”.

***

Kể từ ấy, tôi đã không có dịp về lại Sài Gòn để nhắc Phạm Duy về một lời hứa năm xưa. Sự ra đi của ông, có lẽ đồng nghĩa với lời hứa không share cho ai những tấm ảnh Nàng Thơ khi Phạm Duy còn tồn tại trên cõi đời này. Giờ đây, những tấm ảnh đó, nhân thân người phụ nữ đó, nếu có được “phát hiện”, phân tích và mổ xẻ, tôi cho là cũng không còn ý nghĩa nữa xét trên góc độ mối tình ấy.

Cá nhân tôi, không hề tin là Phạm Duy không biết hay không quan tâm Lệ Lan ở đâu! Con người nghệ sĩ mà cuộc đời và mọi biến động luôn được để ngỏ, được rọi sáng với rất nhiều tư liệu và một cách có ý thức, có lẽ không phải ngẫu nhiên đã giữ kín đến cuối đời nhân vật chính của mối tình trước đó hơn nửa thế kỷ, mà ông cho hay là “tôi quyết định ngay từ lúc đầu rằng đây chỉ là một mối tình giữa hai tâm hồn mà thôi”.

Cũng không thể biết được sự thực có đúng như Phạm Duy viết trong hồi ký không: “Tôi cố gắng tránh mọi đụng chạm về xác thịt và tôi hãnh diện để nói rằng nàng vẫn là một trinh nữ khi rời xa tôi…”. Nhưng nếu đúng như vậy, phải chăng chính vì không có – hoặc không đặt nặng vào yếu tố thể xác, mà mối tình với Alice, bên cạnh mối tình với người vợ hiền Thái Hằng, dường như là thiêng liêng với Phạm Duy hơn cả, trong số vô vàn cuộc tình mà như ông tâm sự, “là một nghệ sĩ, tôi cần tình yêu để sáng tác, giống như con người cần khí trời để thở”.

Như thế, tôi sẽ không ngạc nhiên, khi trong góc kín nhất của ngăn kéo hoặc ngăn tủ Phạm Duy, có thể tìm thấy một địa chỉ, một số điện thoại, hoặc bất cứ điều gì cho thấy người nhạc sĩ hoàn toàn không “để mặc mây bay” như ông tỏ ra bên ngoài. Bởi lẽ, một khi đã từng có những “ngày đôi môi thương môi” khi:

Dìu nhau đi trên phố vắng

Dìu nhau đi trong ánh sáng

Dắt hồn về giấc mơ vàng, nhẹ nhàng

Dìu nhau đi chung một niềm thương…

thì cặp tình nhân ấy, trong tâm tưởng, sẽ mãi mãi “là chiếc bóng đậm mầu – còn theo nhau tới muôn đời sau” (“Đừng xa nhau”) chứ không thể lìa nhau… Để rồi:

Dìu nhau sang bên kia thế giới

Dìu nhau nương thân ven chín suối

Dắt dìu về tới xa vời, đời đời

Dìu nhau đưa nhau vào ngàn thu… (6)

_______

(1) “Chỉ chừng đó thôi”.

(2) “Đưa em tìm động hoa vàng” (thơ Phạm Thiên Thư).

(3) “Còn gì nữa đâu”.

(4), (5) “Cho nhau”.

(6) “Thương tình ca”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: