Nghệ sĩ Thanh Sang và con số 7

Share:

Những năm tháng cuối đời, nghệ sĩ Thanh Sang mang trong người 7 chứng bệnh: Tim, thận, gan, tiểu đường, gai cột sống, tuyến tiền liệt, cao huyết áp. Ông nghiệm ra rằng, hầu như những buồn vui, may rủi của cuộc đời ông đều vận vào con số 7.

Mốc đầu tiên là ông mồ côi cha từ năm lên 7 tuổi, khởi đầu cho những tháng năm nghèo đói đến cực cùng. Đi hát đúng 7 năm thì ông đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm, khởi đầu cho đài danh vọng. Bị bắt quân dịch 7 lần, đi lính hết 7 năm và 7 lần bị tù vì trốn lính. Trải qua nhiều cuộc tình vui buồn lận đận, ông đã tìm được hạnh phúc với người vợ thứ 7 để gắn bó đến cuối cuộc đời.

CON SỐ 7 RỦI RO

Năm 1950, Thanh Sang vừa lên 7 tuổi thì cha ông qua đời. Gia đình không tài sản, không ruộng đất, không còn nơi nương tựa. Mẹ ông dìu dắt bốn đứa con rời Bình Định về Long Hải, Bà Rịa tìm kế sinh nhai với hy vọng vùng biển trù phú này sẽ cho bà cơ hội thoát nghèo. Nhưng kiếp nghèo vẫn tiếp tục nghèo. Là em trai của ba chị gái, Thanh Sang nhận thức mình phải là trụ cột gia đình, nhưng nhận thức chỉ là nhận thức, làm sao chống chọi với cái đói cái nghèo dưới mái nhà hoang đổ nát mà dân trong vùng gọi là “ngôi nhà ma”.

Thanh Sang kể:

“Sống giữa làng chài, cá tôm rẻ như bèo mà gia đình tôi không mua nổi một ký cá để ăn thì biết tôi nghèo đến mức nào. Hàng ngày, tôi canh lúc tàu cá cặp bến là xách rổ xuống lượm mót từng con cá rơi rớt cho bữa cơm gia đình. Có lần tôi đi lang thang thang trên bờ biển vắng, chợt thấy xa xa có vật gì to đùng trôi nhấp nhô trên sóng. Tưởng đó là cái thùng phao, tôi định bơi ra với đem về bán, ai dè tới gần mới biết đó là con bò chết trôi. Phía trên thì sình trương nhưng phần thân và chân chìm dưới nước biển thì còn tươi, tôi kéo vào bờ rồi chạy về nhà lấy dao ra xẻ lấy phần thịt tươi chia cho cả xóm. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi biết ăn thịt bò”.

Mẹ và ba người chị chia nhau mỗi người đi ở mướn một nơi, Thanh Sang ở lại một mình trong ngôi nhà ma ấy. Cứ nghĩ cuộc đời ông sẽ gắn liền với biển và trở thành ngư phủ, tới con nước thì theo ghe biển ra khơi, hết con nước thì lên bờ vá lưới cho chủ. Nhưng không ngờ ông lại trở thành ngôi sao trên sân khấu cải lương.

Thanh Sang và Út Bạch Lan trong “Tuyệt tình ca” (ảnh: TL)

CON SỐ 7 MAY MẮN

Thanh Sang không hiểu cái máu mê cải lương len lỏi vào người ông từ lúc nào và vì sao. Dường như từ năm mười hai mười ba tuổi, ông bắt đầu mê vọng cổ. Ông nói “Tôi mê vọng cổ như điên, bất kể ngày đêm, hễ chiếc radio của ông hàng xóm phát ra tiếng vọng cổ của nghệ sĩ Thành Công, Út Trà Ôn, Chính Sớm, Năm Nghĩa… là tôi chạy qua đứng bên hè, áp tai vào vách nghe mê mẩn cho đến hết chương trình. Có lần người ta tưởng tôi là ăn trộm rình nhà, định la lên, nhưng tôi kịp giải thích là tôi đứng đây để nghe vọng cổ, thế là người ta thương tình, vui vẻ mời tôi vào nhà nghe tiếp. Có khi sắp tới giờ ca cổ, chủ nhà gọi tôi qua để cho nghe…”

Ở thị trấn Long Hải có rạp hát Hải Lạc, thỉnh thoảng có đoàn cải lương về trình diễn. Không có tiền mua vé, Thanh Sang chờ tới lúc xả giàn để vào xem. Nhưng thường người ta xả giàn khi đã diễn hơn nửa tuồng cải lương. Tiếc, nhưng biết làm sao. Cái máu mê cải lương đã giúp Thanh Sang nghĩ ra “diệu kế”:

Thông thường, các gánh hát đều có mấy anh chuyên đánh trống chầu trước cửa rạp vào giờ bán vé để thôi thúc khán giả. Thanh Sang lân la tới học lóm cách đánh trống rồi làm quen, rồi xin đánh thử “cắc tùng tung, các tùng tung ”. Khi các tay trống mỏi tay, Thanh Sang nói “để em đánh tiếp”, thế là cậu trở nên thân thiết với các tay trống. Đến lúc đoàn hát sắp mở màn, Thanh Sang giúp các anh rinh trống vào rạp rồi ở luôn trong đó, nhờ vậy ông được xem từ đầu đến cuối vở cải lương.

Vài năm sau, dân làng chài Long Hải phát hiện một Thanh Sang vừa ngồi vá lưới vừa ca vọng cổ với chất giọng ca bay bổng, mùi mẫn đến lạ lùng:

“Sau khi lửa chiến tranh lan tràn vào xóm nhỏ, mẹ chua xót bảo con tìm chốn bôn đào… Con cất bước ra đi mà lệ đượm tuôn trào. Con đò từ từ xa bến, mẹ vẫn còn đứng dưới hàng cau. Từng chiếc lá sầu đâu gió cuốn tả tơi, ôi như dòng lệ của mẹ tôi ròng ròng đượm chảy. Một người mẹ sống toàn trong đau khổ, từ thuở xuân xanh cho đến buổi bạc đầu”.

Đó là câu số năm trong bài ca Nhớ Mẹ của soạn giả Viễn Châu do Chín Sớm ca trên radio mà Thanh Sang nghe đến thuộc lòng. Nhưng qua giọng ca Thanh Sang, ông chủ nhà có chiếc radio mà Thanh Sang từng áp tai vào vách để nghe trộm phải thốt lên: “Mầy ca còn mùi hơn Chín Sớm”.

Giọng ca của anh chàng vá lưới ấy càng ngày càng vang xa, vượt qua khỏi làng chài Long Hải, lọt vào tai của một ông bầu tỉnh lẻ Hoàng Kinh của đoàn hát Ngọc Kiều. Mười lăm tuổi, Thanh Sang chính thức trở thành kép hát, bắt đầu từ vai quân sĩ, chẳng bao lâu ông lên vai phụ, rồi kép nhì. Đến năm 17 tuổi, Thanh Sang đã đảm nhiệm vai chính trong vở Chiều Đông Gió Lạnh VềTuyết Phủ Chiều Đông thay cho Tấn Tài và Hùng Cường bỏ gánh. Từ đó ông trở thành kép chính cho đoàn cải lương Ngọc Kiều.

Thanh Sang và Thanh Nga – một thời là bộ đôi sáng giá của sân khấu cải lương miền Nam (ảnh: TL)

Nhưng những năm cuối thập niên năm mươi và đầu thập niên sáu mươi, chiến tranh xảy ra, các đoàn cải lương tỉnh lẻ sa vào lận đận, ế ẩm, rã gánh liên tục, Thanh Sang phải nhảy từ đoàn nầy sang đoàn khác nhưng vẫn không trụ nổi. Ông theo dòng đào kép lang thang vào Sài Gòn tìm đất diễn. Một lần xin vào đoàn hát, ông bầu hỏi mầy từng hát ở đoàn nào, anh kể những đoàn mà mình đã đi qua, rồi ông bầu phán: “Không được, số mầy đi tới đâu là đoàn hát rã gánh tới đó”.

Thế là đói, đói đến nổi không có tiền mua vé về quê, dù Sài Gòn cách Long Hải chỉ một chuyến xe đò. Đói quay quắc, đói đến tận cùng, Thanh Sang phải xin vào dọn bàn, rửa chén cho một quán cơm để được ăn cơm thừa của khách.

Trong cái rủi lại có cái may, gần một năm ăn bờ ngủ bụi, tức đúng 7 năm kể từ ngày đi hát – lại là con số 7 – Thanh Sang được ông bầu Xuân nhận vào đoàn Dạ Lý Hương với vai Tạ Tốn trong vở Cô Gái Đồ Long. Mừng nhưng lại lo nhiều hơn: “Mình mới 22 tuổi, liệu có thể hiện nổi nhân vật Tạ Tốn, một ông già mù sáu bảy mươi tuổi, võ nghệ cao cường. Ánh mắt và giọng nói là hai yếu tố quyết định cho tính cách nhân vật, nhưng ánh mắt giả mù, còn giọng nói thì non choẹt làm sao thể hiện được tính cách của một ông già?”.

Thanh Sang bày tỏ nỗi lo ấy với ông thầy tuồng kiêm soạn giả Hà Triều. Nhưng Hà Triều chỉ nói ngắn gọn: “Cố lên, anh tin là em diễn tốt”. Rồi Hà Triều đưa cuốn tiểu thuyết Cô Gái Đồ Long của Kim Dung bảo Thanh Sang đọc. Nhờ đọc cuốn tiểu thuyết ấy mà ông hiểu được tính cách, tâm lý của nhân vật Tạ Tốn, một nhân vật đầy phức tạp trong đời sống nội tâm.

Thanh Sang diễn xuất thần. Những tràng pháo tay rộ lên liên tục từ khán giả. Chính nhân vật Tạ Tốn đã đưa Thanh Sang lên đài danh vọng: Ông được trao huy chương vàng giải Thanh Tâm của nhà báo Trần Tấn Quốc, một giải thưởng danh giá đã chắp cánh cho nhiều ngôi sao sân khấu miền Nam. Mới hôm qua còn lang thang dọn dẹp, lau bàn, rửa chén để đổi những hạt cơm thừa thì đùng một cái, đang như ngọn đèn dầu sắp lụn, Thanh Sang được vinh danh thành ngôi sao sân khấu, được đoàn Dạ Lý Hương ký một hợp đồng với số tiền lớn. Ông mang ngay cục tiền về quê xây ngôi nhà cho mẹ. Một sự đổi đời của cả gia đình tưởng như một giấc chiêm bao.

Thanh Sang (vai Trần Minh) và Thanh Tú (vai Nhuận Điền, phải) trong ‘Bên cầu dệt lụa’ (ảnh: TL)

7 LẦN Ở TÙ VÌ TRỐN LÍNH

Cái vinh quang và cay đắng của cuộc đời nghệ sĩ Thanh Sang dường như cứ trộn lẫn vào nhau. Sau 7 năm khởi nghiệp, ông bừng lên như ngôi sao xán lạn giữa bầu trời cải lương thì liền sau đó họa đen ập đến. Ông liên tiếp 7 lần bị bắt quân dịch và 7 lần bị nhốt trong quân lao vì trốn ra đi hát. Thanh Sang kể:

“Ở trong quân trường một thời gian là nhớ nghề không chịu nổi, nghĩ đời sinh ra mình để làm kép hát chớ có phải để cầm súng đâu. Bức bối chịu không nổi. Chợt nhớ nghệ sĩ Diệp Lang kể, hồi trước ông cũng từng bị bắt quân dịch, cũng nhớ nghề rồi thỉnh thoảng lo hối lộ để được đi hát vài đêm. Tôi học theo ông, bèn lo hối lộ cho mấy ông sĩ quan chỉ huy để lén ra ngoài đi hát. Họ cho mình đi hai hoặc ba đêm, nhưng mê hát, cố hát thêm vài đêm nữa, rồi được mời đi thu băng đĩa, thế là bị lộ, bị nhốt vào quân lao, cuối cùng nghèo vẫn hoàn nghèo. Nhiều lần tôi định chặt ngón tay trỏ để được miễn quân dịch. Nhưng lúc cầm con dao lên, lại chợt nghĩ, cha mẹ mình sinh ra một thân thể lành lặn, vẹn nguyên, lẽ nào tự mình biến thành khuyết tật. Với lại nghe nói rằng nếu chặt ngón tay mà bị lộ sẽ bị bỏ tù vì tội hủy hoại thân thể… Cứ thế, cứ vào tù ra khám đến 7 lần cho đến ngày chiến tranh kết thúc”.

NGƯỜI VỢ THỨ 7

Sau 7 năm sống cô đơn, đến năm 1979, nghệ sĩ Thanh Sang kết hôn với người vợ thứ 7 – lại là con số 7 – khi bước sang tuổi 36, lớn hơn vợ đến 17 tuổi.

Thanh Sang là người kín tiếng, ông không kể về sáu cuộc hôn nhân tan vỡ với sáu người vợ trước. Ông cho rằng đó chẳng qua là không nợ không duyên. Nhiều người nghĩ rằng, cũng như nhiều ngôi sao khác, Thanh Sang nhiều vợ chẳng qua là cái số đào hoa, bay bướm. Nhưng bà Ngọc Mỹ, người vợ cuối cùng của ông, kể rằng, những cuộc hôn nhân trước của Thanh Sang tan vỡ là do ông quá nghèo, cộng với việc bị bắt lính và bị tù liên tục nên không nuôi nổi vợ con.

Suốt 38 năm chung sống, Thanh Sang là một người chồng nghiêm túc, thủy chung trước nhiều cám dỗ vây quanh một ngôi sao nổi tiếng. Bà Ngọc Mỹ kể, có lần một nữ khán giả mê ông tìm đến tận nhà ngồi đợi, bất chấp sự hiện diện của vợ con ông, nhưng bà Mỹ vẫn lịch sự đón tiếp, thậm chí mời cơm nước đàng hoàng, còn Thanh Sang thì khi hay tin, ông trốn không xuất hiện.

Bà Mỹ kể cuộc hôn nhân giữa bà với Thanh Sang không bắt đầu từ tình yêu hay sự ngưỡng mộ ông. Năm ấy bà mới mười chín tuổi, vừa học xong trung học. Mẹ bà là một doanh nhân giàu có, vì mê cải lương và ngưỡng mộ Thanh Sang nên lập đoàn hát và mời Thanh Sang về diễn để rồi chủ động mời ông… làm rể. Mẹ đặt đâu con ngồi đó, xuất giá tòng phu, bà Mỹ làm trọn vai trò của người vợ hiền dâu thảo, vừa chăm sóc cho mẹ chồng, vừa tận tụy nuôi con; vừa làm tài xế, vừa đứng sau cánh gà sân khấu nhắc tuồng cho ông diễn; vừa làm y tá chăm sóc cho ông trong những năm tháng cuối đời.

Nhiều đồng nghiệp của Thanh Sang nói rằng, đằng sau những vai diễn để đời của ông luôn thấp thoáng bóng dáng bà Mỹ phía sau cánh gà sân khấu.

Ngày 21 tháng 4 năm 2017, nghệ sĩ Thanh Sang trút hơi thở cuối cùng trong sự bàng hoàng, thương tiếc của hàng trăm đồng nghiệp và hàng triệu người hâm mộ. Ông ra đi để lại trong lòng khán giả hơn trăm vai diễn, mà mỗi vai, dù là thứ hay phụ, vẫn ghi dấu ấn với tính cách của từng nhân vật. Đó là một nhà vua trong Đường Gươm Nguyên Bá; đó là lão lang y trong Người Tình Trên Chiến Trận; đó là Tạ Tốn trong Cô Gái Đồ Long; đó là một Bạch Long Sứ si tình quận chúa trong Đêm Lạnh Chùa Hoang; đó là một anh Đảnh trong Tần Nương Thất, một quan thập đạo Lê Hoàng trong Thái Hậu Dương Vân Nga…

Bà Ngọc Mỹ trong đám tang chồng, nghệ sĩ Thanh Sang (VNE)

Có lẽ đỉnh cao tài năng nghệ thuật của nghệ sĩ Thanh Sang thể hiện trong hai vở diễn: Tiếng Trống Mê LinhBên Cầu Dệt Lụa. Ở đó, người ta thấy ba Thanh Sang khác nhau: Một Thanh Sang mềm mại, thư sinh trong vai Trần Minh; một Thanh Sang cương trực, bản lĩnh, chung tình trong vai tân trạng; và một Thanh Sang đầy khí phách, một dũng tướng kiêu hùng trong vai Thi Sách.

Trong những ngày cuối đời của ông, chúng tôi hỏi ông có nhắn nhủ gì cho thế hệ nghệ sĩ trẻ, ông nói:

“Thứ nhất, phải đọc thật nhiều sách văn học, bởi sách văn học giúp ta hiểu sâu, giúp ta thẩm thấu tâm lý, tính cách, số phận của nhiều nhân vật khác nhau. Điều đó sẽ giúp ta thành công ở bất cứ vai nào, dù vai lớn hay nhỏ, dù vai phụ hay vai chính. Thứ hai, hãy để cái tài đi trước cái danh thì mới là thứ tài năng có thật, còn để cái danh đi trước tài năng thì đó chỉ là thứ danh ảo mà thôi”.

Xin cảm ơn ông, cảm ơn một tài năng và một nhân cách lớn.

__________

ĐỌC LẠI:

Sầu nữ Út Bạch Lan

__________

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: