Nghe thấy kiếp xưa bước nhẹ về!

Nhạc sĩ Phạm Duy (file photo)

Phạm Duy đã “Việt hóa” nhạc ngoại không chỉ ở ca từ mà còn ở cái hồn của nó. Nhạc Tây được Phạm Duy “Việt hóa” nhưng nghe như chính người Việt sáng tác cả nhạc lẫn lời, với hình ảnh những câu chuyện đâu đó ở quanh mình, rất gần gũi…

Phạm Duy được đánh giá là một trong những nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc Việt Nam với hơn 1,000 ca khúc nhiều về thể loại, trong đó có rất nhiều ca khúc kinh điển và rất quen thuộc với người Việt. Nhạc của ông thường sử dụng những yếu tố nền tảng của âm nhạc cổ truyền Việt Nam kết hợp với những kỹ thuật, cấu trúc của nhạc hàn lâm Tây phương, tạo nên một phong cách riêng có tính đột phá, giàu ảnh hưởng đối với các nhạc sĩ và người nghe nhiều thế hệ.

Phạm Duy còn là nhạc công, ca sĩ cũng như là người khởi xướng, định hướng cho nhiều trào lưu, phong cách mới mẻ cho nền tân nhạc Việt Nam. Ông có những công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam có giá trị, từng giữ chức giáo sư nhạc ngữ tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Ông là một nhà văn với bốn tập hồi ký có giá trị văn học lẫn giá trị tư liệu. Với hơn 70 năm sự nghiệp, cuộc sống và nhạc phẩm của ông cũng trải qua nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng thăng trầm của đất nước.

Nhìn lại quá trình sáng tác đồ sộ ấy, có đến gần một phần ba là những ca khúc nước ngoài do tác giả Phạm Duy soạn lời Việt. Theo một thống kê, ông đã đặt lời Việt cho khoảng 255 bài hát có xuất xứ từ các tác phẩm âm nhạc bán-cổ điển Tây phương, dân ca thế giới, nhạc pop (những năm từ 1965-1980), nhạc Disco, New Wave (những năm 1980), nhạc khiêu vũ, nhục tình ca (những năm 1986-1987), nhạc Nhật, nhạc quốc tế nói chung (từ 1980 đến những năm đầu 1990)…

Tất cả phiên bản tiếng Việt mà nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời đều rất gần với nguyên tác, ca từ như vừa vặn với giai điệu, ý tứ cũng gần gũi, hình tượng khá quen thuộc với người Á đông. Những yếu tố đó đã giải thích vì sao lời Việt của một bản nhạc Tây “qua tay” nhạc sĩ Phạm Duy lại rất “lọt tai” người Việt, thậm chí nhiều người không hề biết đó là nhạc ngoại!

Rất nhiều bài hát nước ngoài do nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt đã đi vào lòng người mến mộ, nhưng ông lại khiêm tốn cho rằng mình đã có nhiều may mắn hơn những người đi trước, vì tuổi đời của ông khá dài để soạn lời Việt cho các ca khúc nước ngoài, bên cạnh công việc sáng tác nhạc Việt, như trong cuốn sách “Ngàn lời ca khác” của ông đã viết như vậy.

Trong phạm vi bài viết nhỏ, xin mạn phép bàn tới một vài điều nhỏ bé mà người viết biết, và suy nghĩ về cách soạn lời tiếng Việt cho các ca khúc ngoại quốc của nhạc sĩ Phạm Duy.

___________

MỖI CA KHÚC ĐỀU LÀ “TÌNH YÊU MÀU XANH”

Ai đó trong chúng ta đã từng ngân nga “Ngát xanh, xanh như mây trời/Tình yêu màu xanh lúc em đã yêu rồi” trong “Tình xanh” (L’amour est bleu) thì sẽ thấy khi yêu nó đẹp tới mức nào, và khi tan vỡ nó đều thổn thức đớn đau cũng như thế. Và chắc hẳn, người đã “kể” cho chúng ta nghe điều ấy – nhạc sĩ Phạm Duy – cũng nghĩ vậy, để rồi đã có những “Chuyện tình” (Love story), “Cơn đau tình ái” (Mal), “Tiễn em nơi phi trường” (Adieu Joile Candy), “Cuộc tình tàn” (Je sais), “Xa em rồi” (Sans elle)…

Nhạc sĩ Phạm Duy từng thố lộ sở dĩ ông có sở thích “Việt hóa” các ca khúc nước ngoài, cũng chỉ vì lý do khá đơn giản: Ông rất thích các bản nhạc ngoại quốc đó, không những ở trong tiết tấu giai điệu mà còn ở ý tứ lời ca! Phạm Duy thường ưu tiên chú trọng đến việc diễn tả gần sát với nguyên tác, hay gần với các phiên bản tiếng Anh hoặc tiếng Pháp trong cách soạn lời Việt cho các bản tình ca ngoại quốc. Còn với nhạc phim hay nhạc không lời thì ông lại quan tâm đến những cảm xúc và hình tượng nảy sinh trong tâm trí mình đầu tiên, và lời Việt được hình thành, sắp xếp theo hướng đó, như một câu chuyện mà ông là người kể.

Trong vô số ca khúc nước ngoài từng được đặt lời Việt, nhạc sĩ Phạm Duy nói rằng ông rất ưng ý với một số bài. Ưng ý với nhiều lý do, trong đó có việc ca từ thể hiện đúng những tình cảm mà ông muốn diễn đạt, và xa hơn nữa là ca từ chất chứa nét gì đó gần gũi với phong cách Á Đông, và nghe thì thấy rằng rất Việt Nam, dù nguyên tác là một khúc nhạc cổ điển hay là một bản tình ca nước Ý.

Nhiều người già hay trẻ, nếu đã một lần nghe những ca khúc này, đều có chung nhận xét:  Phạm Duy đã “Việt hóa” nhạc ngoại không chỉ ở ca từ mà còn ở cái hồn của nó. Nhạc Tây được Phạm Duy “Việt hóa” nhưng nghe như chính người Việt sáng tác cả nhạc lẫn lời, với hình ảnh những câu chuyện đâu đó ở quanh mình, rất gần gũi chứ không hề xa xôi đâu cả!

Cũng xin nói thêm một chút rằng sở dĩ nhạc nước ngoài lời Việt được xem là thịnh hành vào những năm cuối thập niên 1960 bởi vì chúng luôn được phát qua làn sóng điện, đĩa hát, băng nhạc; được biểu diễn ở phòng trà, chương trình truyền hình với những giọng ca nổi tiếng. Và Phạm Duy đã nhanh chóng đặt lời Việt cho nhạc Pháp, nhạc Mỹ đang rất nóng sốt trên các bảng xếp hạng âm nhạc nước ngoài thời ấy.

Với tay nghề điêu luyện của một nhạc sĩ, tâm hồn đầy chất thơ nên lời nhạc Việt do ông phổ vừa rất hợp với giai điệu bài hát vừa rất thâm trầm sâu sắc. Hãy tìm nghe lại “Cứ yên vui” (Let it be), “Trong nắng trong gió” (Dans le soleil et dans le vent), “Tay trong tay” (Main dans la main), “Hai khía cạnh cuộc đời” (Both sides now), “Em đẹp nhất đêm nay” (La plus belle pour aller danser)… thì sẽ cảm được không chỉ tinh thần mà còn cả hình ảnh của những ngày xa xưa ấy!

Rồi những ai mê nhạc mà không từng nghe qua các tuyệt kỹ cổ điển như “Dòng sông xanh” (Beau Danube bleu) hay “Dạ khúc” (Sérénade)… hoặc các bản nhạc trẻ với lời hát trẻ trung trong “Khi xưa ta bé” (Bang Bang), hay chợt thảng thốt “Gọi tên người yêu” (Aline)? Không ít người không hề biết họ đã nghe lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy viết, mà khi nghe, họ chỉ cần biết sao bài hát này có lời quá dễ thuộc, thậm chí nghe một lần là thuộc, và cứ thế ngân nga mãi cho đến một ngày ai đó nói, hoặc đọc ở đâu đó: Đây là nhạc ngoại được ông Phạm Duy biên lời Việt! Đó chắc có lẽ là trường hợp của “Em vẫn không đổi thay” (Je n’ais pas change), “Hận tình trong mưa” (Koibito yo)… mà chúng ta không hề xa lạ gì…

___________

BÀI TÂY ĐIỆU TA

Có hai trường hợp được xem là khá tiêu biểu cho cách đặt lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy cho các tình khúc lừng danh của nước ngoài là nhạc phẩm chủ đề bộ phim “Ánh đèn màu” (Limelight) của đạo diễn Charlie Chaplin; và bản “La Cumparsita” của nhạc sĩ người Uruguay Gerardo Matos Rodriguez ra đời vào năm 1915, ban đầu là một khúc đàn guitar không lời soạn theo điệu Tango.

Gần chục năm sau, khi Enrique Maroni và Pascual Contursi viết thêm lời Tây Ban Nha cho khúc đàn này thì bài “La Cumparsita” được cả thế giới biết tới và trở nên ăn khách qua phần thể hiện của Carlos Gardel, còn được mệnh danh là “ông hoàng Tango”. Nhạc sĩ Phạm Duy đã chuyển ngữ bài “La Cumparsita” thành “Vũ nữ thân gầy”. Chỉ mới nghe tựa thôi, nhiều người cứ ngỡ như đang… coi hình!

Nhân đây, xin nói thêm một chút về nhạc ngoại lời Việt.

Thật bất ngờ khi biết việc đặt lời Việt cho nhạc nước ngoài đã có từ đầu thế kỷ 20, thời kỳ chưa có “nhạc cải cách”, tức là chưa có nhạc Việt được viết theo ký âm Tây phương. Giáo sư Trần Quang Hải trong cuốn “Lịch sử tân nhạc Việt Nam” cho biết, lúc ấy các bài hát châu Âu, Mỹ được phổ biến mạnh mẽ ở Việt Nam với các đĩa hát 78 vòng và qua những bộ phim.

Lại càng ngạc nhiên hơn là việc đặt lời Việt cho nhạc Tây thường được gọi là “bài Tây theo điệu ta” lại bắt nguồn từ một số nhạc sĩ… cổ nhạc. Chính soạn giả cải lương Tư Chơi – Huỳnh Thủ Trung – trong một vài vở cải lương đã cho hát nhạc Tây được đặt lời Việt như “Marinella” (trong vở “Phũ phàng”), “Pouet Pouet” (trong vở “Tiếng nói trái tim”), “Tango mystérieu” (trong vở “Đóa hoa rừng”), “La Madelon” (trong vở “Giọt lệ chung tình”)…

Thời gian sau đó, trong giới yêu nhạc cũng có phong trào chuyển ngữ các bài hát của Tino Rossi, Rina Ketty, Albert Préjean, Georges Milton… mà họ yêu thích. Những nghệ sĩ sân khấu như Ái Liên, Kim Thoa đã được các hãng đĩa của người Pháp như Odéon, Béka thu âm các bài ta theo điệu Tây.

Khoảng thời gian từ 1935 tới 1938, rất nhiều bài hát của Pháp như “Marinella”, “C’est à Capri”, “Tant qu’il y aura des étoiles”, “Un jour loin de toi”, “Celle que j’aime éperdument”… đã rất phổ biến với lời ca tiếng Việt, soạn bởi một nhà báo trẻ tên là Mai Lâm và bởi nhiều tác giả khuyết danh khác. Rất tiếc là thời ấy chưa xuất hiện những tờ nhạc gấp nên những bản nhạc nước ngoài đặt lời Việt đó đã thất truyền và dường như có rất ít người còn nhớ lại những bài nhạc ấy.

Trở lại việc đặt lời Việt cho nhạc phẩm nước ngoài của nhạc sĩ Phạm Duy. Thử lấy một trường hợp cụ thể để tham khảo.

Năm 1971, sau khi phim “Chuyện tình” (Love Story) đang làm mưa làm gió tại rạp Rex ở Sài Gòn thì giai điệu bài “Love Story” của Francis Lai cũng trở nên thịnh hành hơn. Lúc ấy, dù có nhưng không nhiều dân nghe nhạc biết ngoại ngữ nên mới dám ngâm nga để “lấy le” với người đẹp bài “Love Story” với ca từ “Where do I begin to tell the story of how great a love can be…”.

Không lẽ những người không rành tiếng Anh chịu thua? May cho họ là đã có “Biết dùng lời rất khó. Để mà nói rõ. Ôi biết nói gì, cuộc tình lớn quá…”, của ông Phạm Duy, mà cất lên e rằng coi chừng còn hiệu nghiệm hơn lời gốc rất nhiều, bởi các nàng nghe khoái hơn, nghe phát hiểu liền!

Việc đặt lời Việt cho một ca khúc nước ngoài đã nổi tiếng dù sao cũng được xem là dễ hơn viết một ca khúc mới mà sự ăn khách của ca khúc mới thì không biết khi nào mới nổi tiếng. Thời đó có nhiều nhạc sĩ đặt lời cho ca khúc nước ngoài theo khuynh hướng thoát ly khỏi lời của bài hát gốc. Việc đặt lời kiểu này không cần phải theo ý chính mà chỉ làm sao để lời Việt phù hợp với các nốt nhạc, yếu tố “làm sao hát được mà không bị chõi” được ưu tiên hàng đầu, khi hát nghe cũng êm tai nên dễ được chấp nhận.

Nhưng nhạc sĩ Phạm Duy lại khác, khi đặt lời cho nhạc nước ngoài, ông thường đi theo ý của lời gốc. Ví như bài “Love Story” với điệp khúc “She fills my heart. With very special things. With angel songs, with wild imaginings” (tạm dịch “Cô ấy lấp đầy trái tim tôi. Với những điều rất đặc biệt.

Với những bài hát thiên thần, với trí tưởng tượng hoang dã”, ông đã đặt lại là “Lòng ta đầy kín! Là muôn ngàn chuyện yêu đương. Câu hát thần tiên và những mộng huyền mênh mang…” nghe vừa sát âm điệu, vừa gần với nội dung bài gốc. Đây là một kỳ công cho một việc không hề dễ dàng chút nào bởi phải vừa giỏi cả ngôn ngữ lời gốc bài hát lẫn tiếng mẹ đẻ thì mới có thể chuyển hóa được sự khó nhọc ấy khi hiểu và tìm lời, trở nên dễ dàng, dễ nghe, và dễ đi vào lòng người. Không ít người làm được điều này!

Một trong những nội dung lời Việt thường gặp của những bản nhạc nước ngoài là đều nói về tình yêu nam nữ, tình yêu giữa người với người và người với thiên nhiên bằng ca từ rất nên thơ. Cách viết của nhạc sĩ Phạm Duy phù hợp với xu hướng này.

Hiện nay trình độ ngoại ngữ của ca sĩ và khán giả ngày càng được nâng lên cùng với những khó khăn về bản quyền nên việc chuyển ngữ phần lời ca khúc quốc tế sang tiếng Việt không còn nhiều. Tuy nhiên, hàng trăm ca khúc nhạc Anh, Pháp, Hoa, Nhật… được viết lời Việt từ những thập niên trước theo từng trào lưu vẫn còn in đậm trong ký ức người nghe, trong đó có không ít các ca khúc mà nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt mà chúng ta đã hân hạnh được nghe.

Chân dung nhạc sĩ Phạm Duy. Tranh: Họa sĩ Trần Thế Vĩnh

___________

Không chỉ với vô số ca khúc lãng mạn với giai điệu cực kỳ đẹp đẽ và thơ mộng, có lẽ rất ít người biết nhạc sĩ Phạm Duy còn chuyển ngữ một bản tình ca tuyệt mạng phủ bóng đầy huyền thoại của nhạc sĩ người Hungary Seress Rézso bằng tựa Việt “Chủ nhật buồn” (bản tiếng Anh “Gloomy Sunday”). Đây được xem là “ca khúc chết người”, là “quốc ca của những kẻ tự tử”, toàn là những cái tên ghê sợ mà người đời đã đặt cho bài hát ấy.

Đây là một ca khúc được liệt vào hàng ngũ bất tử trong lịch sử âm nhạc đại chúng thế giới. Với nguyên bản “Szomorú vasárnap”, bài hát được xem như thương hiệu tầm cỡ thế giới bậc nhất của Hungary trong lĩnh vực âm nhạc. Còn tại nước Pháp, vào năm 1999, ca khúc này được bình chọn là bản nhạc tình buồn nhất của thế kỷ XX.

Phiên bản tiếng Việt của Phạm Duy dựa theo bản tiếng Pháp “Sombre Dimanche” từ đầu thập niên 1950. Trong một hồi tưởng, nhạc sĩ cho biết trong thời gian du học ở Pháp, ông rất yêu những bản nhạc tình đương thời và có soạn lời tiếng Việt cho một số bài của người này, trong đó, có bản “Chủ nhật buồn”. Ca từ của bản tiếng Việt, mặc dù, như lời Phạm Duy, là được phỏng theo bản tiếng Pháp, nhưng lại theo sát và phản ánh tinh thần của nguyên bản một cách tài tình và đáng phục. “Chủ nhật buồn, đi lê thê. Cầm một vòng hoa đê mê. Bước chân về với gian nhà. Với trái tim cùng nặng nề…”.

Cũng cần phải nói thêm chút là bài “Chủ nhật buồn” do Phạm Duy đặt lời Việt được du nhập vào Việt Nam đúng lúc đất nước phân ly, lòng người tan nát và tao loạn. Như Phạm Duy nhận xét, “Chủ nhật buồn” có thể đã ảnh hưởng nhiều đến dòng nhạc tình nói về thân phận những cặp tình nhân yêu nhau trong cơn mê sảng và nhức nhối, với tâm thức có thể xa nhau (vĩnh viễn) bất cứ lúc nào, xuất hiện ở miền Nam cuối thập niên 1950.

___________

VĨ THANH

Chưa ai biết bản nhạc nước ngoài đầu tiên được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt là bài nào, nhưng người ta xác định được bài cuối cùng là “Trở về mái nhà xưa” (Torna a Surriento) có nguyên tác bằng tiếng Ý. Phiên bản của nhạc sĩ Phạm Duy thường bị người nghe nhầm lẫn với phiên bản của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, do cả hai bài đều có tựa đề tiếng Việt giống y chang nhau.

Cách đặt tựa bài hát bằng tiếng Việt của nhạc sĩ Phạm Duy cũng khá thú vị. Nếu như “Chuyện tình” (Love story), “Cầu cứu tình yêu” (S.O.S for love), “Mưa và nước mắt” (Rain and tears)… giữa tựa gốc và tựa lời Việt khá gần gũi, thì cách đặt tựa độc đáo và có phần gây sốc của ông, vừa không chỉ thể hiện kỹ năng vô đối của mình mà còn tạo sự thú vị, dù chỉ mới nghe qua tựa bài, là tò mò muốn nghe xem sao. Đó là trường hợp của “Gọi tên người yêu” (Aline), “Cơn đau tình ái” (Mal), “Xa em rồi” (Sans elle), “Không cần nói yêu anh” (You don’t have to say you love me)…

Tựa hoặc lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy, đôi khi còn trở thành thành ngữ tân thời, hoặc câu cửa miệng để trêu đùa nhau, đi vào đời sống dân dã chứ không còn bó gọn đó chỉ là lời bài hát. Đó là “Em vẫn không đổi thay” (Je n’ai pas changé) trong đó có câu “Và em cũng thế có đổi khác gì mấу” mà các chàng hay nói với các nàng khi lâu ngày mới gặp lại, có lẽ là được sử dụng nhiều hơn cả? Hay “Xa em rồi, tim tôi sầu nhớ” trong “Xa em rồi” (Sans elle) để tả nỗi nhớ nhung khôn xiết khi đôi lứa cách xa. Hoặc phổ biến hơn cả là trong bản “Tình cho không” (L’amour c’est pour rien) có câu “Tình cho không biếu không”…

Cũng như các ca khúc của chính nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác, vốn không nhiều ca sĩ hát được, thì các bản nhạc ngoại lời Việt của ông cũng vậy, số ca sĩ hát cho thiệt hay cũng không phải là quá nhiều! Đã có ai dám liều mình hát nhưng bản cổ điển như “Dạ khúc” (Serenade), “Mơ mòng” (Rêverie), “Dòng sông xanh” (Le beau Danube bleu)… mà các nữ danh ca như Thái Thanh, Mai Hương… đã thể hiện bởi độ khó của nó? Điều đó minh chứng rằng không phải cứ thích hát nhạc Phạm Duy (ngay cả các ca khúc đã được đặt lại lời Việt) là sẽ hát được, dù không khó hát.

Nhóm các ca sĩ đi sau những người kể trên hát được các tình khúc Phạm Duy chuyển ngữ xem ra cũng không có nhiều. Đó chỉ là Thanh Lan, Ngọc Lan, Elvis Phương, Duy Quang, Kiều Nga… Điều thiệt buồn, các ca sĩ trẻ hiện giờ không mấy ai hát thành công những bản tình ca ấy. Thật ra cũng có một vài người… cả gan hát, mà nói thật, thà đừng (có) hát, là đã thể hiện sự tôn trọng công sức lao động của ông Phạm Duy rồi!

Với vốn kiến thức ít ỏi của mình, người viết nhận thấy có ba điều rất lạ góp nhặt được từ những ca khúc ngoại quốc được đặt lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy.

Một là, quý vị cứ thử nghe bản “Vòng tay nữ sinh” (To sir with love), nhạc sĩ Phạm Duy đã làm cho mình trở nên… lạ lẫm với chính ông bằng giai điệu và cả ca từ ông đặt cho ca khúc này. Nghe nó không giống một Phạm Duy mà chúng ta đã biết?

Hai là, trong bản “Hận tình trong mưa” (Kobito yo), mọi người cứ nghĩ trong bài này từ “mưa” sẽ được sử dụng nhiều phải không? Thế nhưng nhạc sĩ Phạm Duy chỉ nhắc đến từ này có sáu lần (trong cả thảy 168 từ Việt ngữ được dùng trong bài), gồm ba lần trong lời chính và ba lần ở hai đoạn điệp khúc. Trong khi đó, từ “tôi” lại được nhắc tới… chín lần, đủ hiểu chủ thể đau khổ trong bài này là con người; và cơn mưa chỉ… làm nền cho nỗi đau ấy!

Và ba là, trong mấy trăm ca khúc quốc tế được Phạm Duy viết lời Việt, tuyệt nhiên không có một nhạc phẩm gốc Trung Hoa nào!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: