Nhà văn trinh thám nổi tiếng John le Carré từ trần 

John le Carré – nhà văn chuyên viết truyện trinh thám nổi tiếng của Anh Quốc và tác giả có sách bán chạy nhất toàn cầu, vừa qua đời, hưởng thọ 89 tuổi.

Ông tên thật là David Cornwell, sinh năm 1931, và bắt đầu sự nghiệp là một nhân viên điệp báo của các cơ quan tình báo MI5 (an ninh nội địa) và MI6 (tình báo mật) của Anh vào đầu thập niên 1950 sau khi học đại học ngành ngôn ngữ tại Thụy Sĩ và Anh. Nhiệm vụ của ông chủ yếu là quản lý các đặc vụ, thẩm vấn, nghe trộm các đường dây điện thoại và do thám các nhóm cực tả và thu thập thông tin về các điệp viên Liên Xô cũ. Ông cũng theo dõi các cảm tình viên của cộng sản trong các phong trào cánh tả ở phương Tây. Công việc điệp viên của ông kết thúc vào năm 1964, sau đó ông dành toàn bộ thời gian để viết sách.

Tiểu thuyết đầu tiên của ông Call for the Dead xuất bản năm 1961; nhưng phải đến tác phẩm thứ ba The Spy Who Came From the Cold – Điệp viên đến từ miền đất lạnh – dưới bút danh John le Carré năm 1963 ông mới thật sự gây tiếng vang trong thể loại tiểu thuyết trinh thám. Nhà văn Anh nổi tiếng Graham Greene (tác giả tiểu thuyết The Quiet American – Người Mỹ trầm lặng – về chiến tranh Việt Nam đã nhiều lần được dựng phim) gọi tác phẩm của John le Carré là “cuốn tiểu thuyết trinh thám hay nhất mà tôi từng đọc”.

Trước khi The Spy Who Came From the Cold ra đời, tiểu thuyết trinh thám Anh được thống trị với hàng loạt tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Ian Fleming với nhân vật James Bond mà hầu như ai cũng biết nhờ series phim điện ảnh hấp dẫn về điệp viên 007. Là một điệp viên hào hoa phong nhã, có tay sát gái và tài năng siêu phàm thoát ra khỏi mọi rắc rối, hiểm nguy, nhân vật điệp viên 007 đã dựng nên huyền thoại về nghề điệp báo như là một nghề bí mật mà hấp dẫn, đầy thi vị. 

john le carré
Nhà văn John le Carré. Ảnh Wikimedia

Tiểu thuyết điệp báo của John le Carré đã đảo ngược quan niệm đó. Ông viết văn bằng kinh nghiệm nghề nghiệp của chính bản thân cộng với công phu lặn lội khắp thế giới để quan sát và nghiên cứu thực tế; có lần ông suýt chết ở Cambodia vì bị kẹt vào giữa một vụ bắn nhau. Báo The New York Times nhận xét: Dưới ngòi bút của ông, nghề tình báo chẳng những không hề thi vị mà đầy sự mơ hồ, đúng và sai khó thể nào phân biệt được, cứu cánh khó có thể biện minh cho phương tiện. Nhân vật xuyên suốt các tác phẩm của ông, điệp viên George Smiley – lãnh đạo cơ quan tình báo hư cấu The Circus, có nguyên mẫu ngoài đời thực là Lord Clanmorris, tác giả tiểu thuyết trinh thám John Bingham, là người thông minh, làm việc không ngừng nghỉ nhưng ăn mặc tuềnh toàng và lúc nào cũng đau khổ. Các nhân vật khác cũng đều là những người cô đơn, vỡ mộng, công việc thầm lặng của họ bị cản trở vì thiếu ngân sách, bị vướng vào trò chơi quyền lực của guồng máy quan liêu và động cơ mù mờ của giới chính trị gia. Họ có thể bị phản bội không chỉ bởi kẻ thù mà cả các đồng nghiệp, thậm chí cả tình nhân. “Đó là những người quá quen với sự lừa lọc nhưng dù vậy vẫn được thúc đẩy bởi ý thức tiềm tàng về nghĩa vụ ái quốc,” báo The Washington Post nhận định về các nhân vật của John le Carré.

“Về mặt chủ đề, đề tài thật sự của John le Carré không phải là hoạt động điệp viên mà là ma trận hỗn độn trong quan hệ giữa người và người trong đó lừa dối là chuyện bất tận, phản bội là một kiểu tình yêu, dối trá là một kiểu sự thật, người tốt phục vụ những ý tưởng tồi còn kẻ xấu lại phục vụ điều tốt”,

Timothy Garton Ash, The New Yorker 1999

Đối nghịch với Smiley là Karla, điệp viên thượng thặng của Liên xô – cũng là một nhân vật như thế dù trái ngược hoàn toàn về ý thức hệ. Trong tác phẩm Smiley’s People – cuốn cuối cùng của bộ ba Karla Trilogy, John le Carré đã để cho hai nhân vật quan trọng nhất của ông gặp nhau trong một kết thúc kỳ lạ về tính vô thường của đời người.

“Về mặt chủ đề, đề tài thật sự của le Carré  không phải là hoạt động điệp viên mà là ma trận hỗn độn trong quan hệ giữa người và người trong đó lừa dối là chuyện bất tận, phản bội là một kiểu tình yêu, dối trá là một kiểu sự thật, người tốt phục vụ những ý tưởng tồi còn kẻ xấu lại phục vụ điều tốt”, Timothy Garton Ash viết về nhà văn John le Carre trên tạp chí The New Yorker năm 1999.

Một vài nhà phê bình cho rằng ông le Carré đã đánh đồng hai hệ thống trong Chiến tranh Lạnh, coi Đông và Tây là tương đương nhau về mặt đạo đức, cả hai đều xấu xa như nhau. Nhưng nhà văn không đồng ý như thế. “Có một sự khác nhau lớn giữa việc phục vụ nền dân chủ phương Tây và phục vụ một nhà nước độc tài toàn trị,” ông trả lời phỏng vấn báo chí và dẫn chứng là chính công việc của mình trong ngành tình báo trong thập niên 1950 đầu 1960.

*

john le carréJohn le Carré viết hàng chục tác phẩm, trong đó có 15 cuốn đã được dựng phim và dịch ra nhiều ngôn ngữ; kể cả tiếng Việt. Có điều ông luôn từ chối tham gia các giải thưởng văn chương dù giới phê bình văn học vẫn đánh giá tác phẩm của ông thuộc loại đầu bảng, là “tiểu thuyết gia sáng chói nhất hậu bán thế kỷ 20 của Anh quốc”, như nhận định của nhà văn Ian McEwan trên báo The Telegraph năm 2013. 

Những năm cuối đời, ông tích cực hoạt động xã hội. Ông lên tiếng phản đối cuộc can thiệp của Mỹ vào Iraq dưới thời Tổng thống George W. Bush; ông chống lại việc nước Anh rút ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit)… Ông thậm chí còn từ chối tước hiệu hiệp sĩ do Hoàng gia Anh trao tặng và chỉ nhận duy nhất một giải thưởng mang tên cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme trao trong năm 2020 cho những hoạt động của ông vì công bằng xã hội.

Ông qua đời vì bệnh viêm phổi vào hôm qua thứ Bảy ở Anh quốc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: