Các tượng Thánh Tổ Quân lực VNCH bây giờ ra sao?

Sài Gòn trước 1975 có nhiều tượng đài và không ít tượng đài thậm chí đi sâu vào ký ức nhiều người bất cứ khi nào nghĩ về Sài Gòn hoặc nhớ về Sài Gòn. Một số tượng đài đã bị giật sập ngay sau ngày 30-4-1975. Một số khác được để lại nhưng đến nay thì số phận ngày càng mong manh…

Sài Gòn trước 1975 có tượng Thiên sứ Micae, tượng Binh Chủng Nhảy Dù gần Bệnh viện Sùng Chính Quận 5, tượng Biệt Động Quân tại Ngã sáu Lý Thái Tổ, tượng Tổ quốc Không gian của Không quân trước Tòa Đô Chánh, tượng Thủy Quân Lục Chiến trước Hạ viện… Ngoài ra, còn có các tượng đài tượng trưng cho một số binh chủng Quân lực VNCH:

1/ Tượng An Dương Vương – Thánh tổ Công Binh được đặt tại bùng binh Ngã sáu Nguyễn Tri Phương, tức Minh Mạng cũ (cần nói thêm, trước 1975 còn có một tượng An Dương Vương tượng trưng cho Thánh tổ Pháo Binh, đặt tại Bến Chương Dương; sau 1975 tượng được dời về Bảo Tàng Mỹ Thuật TP.HCM).

2/ Tượng Phù Đổng Thiên Vương – Thánh tổ Thiết Giáp được đặt ở bùng binh Ngã sáu Nguyễn Trãi.

3/ Tượng Trần Nguyên Hãn – Thánh tổ Truyền Tin đặt tại bùng binh Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành.

4/ Tượng Phan Đình Phùng – Thánh tổ Quân Cụ được đặt trước Bưu điện Chợ Lớn.

5/ Tượng Trần Hưng Đạo – Thánh tổ Hải Quân được đặt ở Công trường Mê Linh.

Tượng An Dương Vương (Ngã sáu Minh Mạng) trước 1975 (file photo)
Tượng An Dương Vương – Thánh tổ Công Binh (ảnh: Minh Hòa)
Tượng An Dương Vương – Thánh tổ Công Binh (ảnh: Minh Hòa)

Đây là những tượng đài trong tổng cộng 11 tượng đài được xây dựng trước năm 1975 còn lại kể từ sau sự kiện 30-4 đến nay. Tuy nhiên, tất cả tượng đài trên đều đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng; và dù chính quyền TP.HCM bàn tới bàn lui nhiều lần, với sự tư vấn của không ít kiến trúc sư tên tuổi, việc tu bổ những tượng đài trên vẫn tiếp tục bỏ lửng lơ với một thái độ kỳ quặc khó hiểu. Tháng 7-2013, tượng đài Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành thậm chí bị sụm một chân; sau nhiều lần bị gãy, nứt và phải sửa chữa vá víu tạm bợ. Năm 2019, loạt tượng đài cũ được Sở Văn hóa-Du lịch-Thể thao TP.HCM đưa vào danh sách kiến nghị tu bổ. Trước đó nhiều năm, năm 2007, Chính quyền TP.HCM từng “chỉ đạo” Sở Văn hóa-Thông tin đảm nhận việc thực hiện tu bổ hệ thống tượng đài, cùng làm việc với Hội Mỹ thuật thành phố, Hội Kiến trúc sư, Hội Khoa học Lịch sử…, tuy nhiên, đến tận nay, mọi thứ vẫn trơ như… tượng đài, tiếp tục bình chân như vại.

Tượng Phù Đổng Thiên Vương – Thánh tổ Thiết Giáp (file photo)
Tượng Phù Đổng Thiên Vương – Thánh tổ Thiết Giáp (ảnh Minh Hòa)
Tượng Trần Nguyên Hãn – Thánh tổ Truyền Tin (file photo)
Tượng Phan Đình Phùng – Thánh tổ Quân Cụ (file photo)
Tượng Phan Đình Phùng – Thánh tổ Quân Cụ (ảnh: Minh Hòa)

Và không chỉ “ông” Trần Hưng Đạo ở Công trường Mê Linh mới ngán ngẩm cảnh “tuổi già” không được đám hậu thế dòm ngó chăm sóc, tượng Phù Đổng Thiên Vương tại Ngã sáu Nguyễn Trãi, rồi “ông” Quang Trung trước chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), “ông” Phan Đình Phùng (đường Châu Văn Liêm – Hải Thượng Lãn Ông) hoặc “ông” An Dương Vương ở bùng binh Nguyễn Tri Phương… cũng lặng lẽ trơ thân cùng tuế nguyệt trước sự thờ ơ ngược đãi của những kẻ đáng ra phải có trách nhiệm.

Giữa những ngổn ngang của vấn đề đối xử với tượng đài cũ, lại nổi lên những “bức xúc” của “dịch” xây tượng đài mới. Tình trạng thi nhau dựng tượng đài đã là vấn đề gây phẫn nộ dữ dội trong công chúng nhiều năm qua. Giữa năm ngoái, ngay trong thời điểm bùng nổ dịch bệnh Covid-19, huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) lại công bố dự án quảng trường có tượng đài Hồ Chí Minh với kinh phí khủng khiếp hơn 350 tỉ đồng (hơn 15,2 triệu USD)! Trong khi đó, Quảng Bình đã “chi đẹp” khi bỏ ra 120 tỉ đồng (hơn 5,2 triệu USD) để xây một quảng trường với tượng ông Hồ. Công trình “long trọng” khánh thành giữa tháng 6-2020 nhưng chỉ vài tuần, đầu tháng 8, thì đã nhanh chóng xuất hiện những dấu hiệu hư hỏng – y hệt sự lộ ra bản chất “hư hỏng” một cách nhanh chóng của đám mạt hạng bày trò lấy tiền thuế của dân để chia chác chấm mút.

Và tại huyện Yên Định thuộc tỉnh Thanh Hóa, một bọn “hư hỏng” đang “báo cáo” dự án xây tượng Bà Triệu từ năm 2020 đến 2023 với kinh phí 20 tỉ đồng (khoảng 871.602 USD), trong khi chính quyền huyện đang “nợ ngân sách” 50 tỉ đồng (hơn 2,1 triệu USD)… Chưa hết, Phước Sơn, một trong những huyện nghèo nhất Việt Nam, nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, thuộc tỉnh Quảng Nam, cũng đang xây tượng đài Chiến thắng Khâm Đức với kinh phí 14 tỉ đồng (khoảng 610.121 USD)… Còn nhiều nhiều nữa!

Tượng Trần Hưng Đạo – Thánh tổ Hải Quân (file photo)
Tượng Trần Hưng Đạo – Thánh tổ Hải Quân (ảnh: Minh Hòa)

Theo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện khắp Việt Nam có khoảng 400 tượng đài do các cấp trung ương, tỉnh và huyện đầu tư và quản lý. Nếu trung bình mỗi tượng tốn 10 tỉ đồng (435.801 USD) thì 400 tượng là 174.320.400 USD. Tính sơ để thấy bọn mang danh chính quyền đã ăn hại và tàn phá đất nước như thế nào…

Trở lại với các tượng Thánh Tổ, được nhắc lại nhân dịp ngày Quân lực VNCH 19-6. Tất cả tượng đài được đề cập ở trên trước 1975 được xây dựng bằng kỹ thuật đơn giản, bên trong là khung và lưới sắt, với bê tông trám đắp bên ngoài; bây giờ, qua sự tàn phá của thời gian, những tượng đài đều cũ mục, xỉn màu và rong rêu bởi mưa nắng; phần lõi thép bên trong bị bong tróc lộ ra. Từ năm 2007, ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, đã nhắc: “Những tượng đài được xây dựng trước năm 1975 đang nằm trong tình trạng có nguy cơ có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào…”. Thế nhưng tại sao các tượng đài này không được tu bổ? Vì thiếu tiền?

“Không có tiền” – “lá bùa” luôn được mang ra xài bất cứ khi nào đụng đến những vấn đề liên quan lợi ích cộng đồng – là lý do chưa bao giờ có thể thuyết phục, đặc biệt khi Sài Gòn vẫn mọc lên nhiều tượng đài mới vinh danh những “anh hùng” thời chiến tranh “chống Mỹ cứu nước” hoặc những nhân vật sừng sỏ của chế độ. Cần biết, tượng đài Hồ Chí Minh trước trụ sở UBND TP.HCM (Tòa Đô Chính cũ), cao 7,2m, khánh thành ngày 19-5-2015, đã được dựng với kinh phí 7 tỉ đồng (hơn 305.000 USD)! Cho nên, vấn đề – gút lại – chẳng phải là chuyện thiếu tiền.

Không ít người Sài Gòn tin rằng chính quyền cộng sản thật ra đang muốn bỏ lơ để những tượng đài lịch sử ấy tự sụp đổ vì không còn có thể chịu nổi gánh nặng thời gian, thay vì đích thân họ phải giật sập, để những hình ảnh và biểu tượng văn hóa Sài Gòn xưa dần dà biến mất “một cách tự nhiên” mà họ không phải mang tiếng là “phá hoại”.

Trong năm tượng nói trên, tượng Trần Nguyên Hãn-Thánh tổ Truyền Tin đã bị dời đi. Đây là một trong những bức tượng rất quen thuộc với người Sài Gòn. Người viết bài này còn nhớ, gần như lần nào được bố mẹ chở ra chợ Bến Thành cũng đều ghé đến chân tượng để nghỉ ngơi, ngắm phố xá xe cộ, ăn kem và chơi nghịch; và đặc biệt vẫn còn nhớ cảm giác rõ mồn một như chưa hề có sự đứt khúc giữa thực tại với quá khứ, cái cảm giác mát mẻ thích thú khó tả khi vuốt bàn tay nhỏ bé thời ấu thơ của mình lên mảng tường của bệ đế chân tượng.

Tháng 11-2014, tượng cụ Trần Nguyên Hãn bị dời về công viên Phú Lâm (quận 6). Gần như cùng thời điểm dời cụ Trần Nguyên Hãn, người ta cũng dời tượng bán thân Quách Thị Trang (được đưa về công viên Lý Tự Trọng, quận 1). Kinh phí cho việc dời hai tượng này là hơn 3,3 tỉ đồng – số tiền không nhiều nhưng chắc đủ để tu bổ nếu không dịch dời! Do đó, một lần nữa, cần nhấn mạnh, vấn đề ở đây không phải là chuyện thiếu hụt tiền nong hay ngân sách èo uột. Trước đó, tượng đài Lê Lợi ở khu vực bùng binh Cây Gõ cũng bị “bứng” về Công viên Phú Lâm để nhường chỗ cho một công trình cầu vượt. Tượng đài này cũng đã xuống cấp khi cốt thép bên trong bị lòi ra ngoài.

Tượng An Dương Vương-Thánh tổ Pháo Binh tại Bến Chương Dương trước 1975 (file photo)
Tượng An Dương Vương – Thánh tổ Pháo Binh hiện đặt tại Bảo Tàng Mỹ thuật TP.HCM (ảnh: Sài Gòn Vivu)

Không chỉ chuyện dời tượng. Cách đối xử những tượng đài cũ mới là điều đáng nói. Loạt ảnh được cộng đồng mạng chia sẻ gần đây cho thấy tượng Trần Nguyên Hãn và tượng Lê Lợi đang bị “vất” chỏng chơ vào xó và được trùm phủ sơ sài bởi tấm bạt rách bươm, trông như đống vật phẩm phế liệu! Tượng Thánh Tổ Pháo Binh An Dương Vương, thì sau khi được dời từ bến Chương Dương về Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, cũng được đặt sát hàng rào như một thứ vô giá trị. Nhìn mà đau xót và uất giận, trước thái độ vô luân của những kẻ báng bổ tiền nhân. Cần nhắc thêm, tháng 2-2019, vì để ngăn cản người dân ra thắp hương và tụ tập phản đối chính quyền trước một số sự kiện chính trị thời sự nào đó, chính quyền TP.HCM đã tức tối và tức tốc “bứng” luôn lư hương trước tượng cụ Trần Hưng Đạo ở Công trường Mê Linh!

Với những gì đang xảy ra, có thể thấy trước số phận của bốn tượng Thánh Tổ còn lại. Các “cụ” đã chứng kiến bao thăng trầm của Sài Gòn từ sau 30-4-1975 đến nay. Các cụ đã “tận mắt” thấy sự “tử tế” của đám chính quyền bội bạc lẫn bội tín từ trào này đến trào khác suốt gần nửa thế kỷ. Bây giờ, có lẽ chúng sẽ để các cụ “chết” lần mòn. Hoặc ngày nào đó, nhân danh “ý nghĩa” “công trình xã hội” nào đó, chúng sẽ “bức tử” và ném các cụ vào một xó xỉnh như cách cụ Lê Lợi và Trần Nguyên Hãn đã được “đối đãi”. Không ai hy vọng chúng tử tế với tiền nhân. Lịch sử đã được viết lại bằng nhiều cách. Lịch sử và văn hóa lịch sử đã và đang bị tẩy xóa bằng nhiều cách và nhiều thủ đoạn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: