1975: Còn sống, còn nhớ…

LTS: Nhà văn, dịch giả Mai Sơn từ Sài Gòn là một trong những người chứng nghiệm nỗi đau của thời khắc một chế độ sụp đổ, và một sức sống miền Nam bị hủy diệt. Gửi đến một bài viết ngắn về cung đường chạy thoát khỏi cuộc tiến quân của miền Bắc vào cuối tháng 3-1975, ông kể lại ký ức đó như một bài thơ nặng trĩu…

Khoảng 8 giờ đêm 23-3-1975, cha mẹ và chín anh chị em tôi leo lên thùng chiếc xe ben chạy trốn khỏi thị xã Quảng Ngãi. Lúc bấy giờ đạn pháo 122ly của Cộng quân mỗi lúc một rải xuống như mưa rơi điên loạn. Mọi khi chỉ có khu vực tiểu khu mới là mục tiêu của pháo kích, nhưng từ buổi chiều hôm đó, cả thị xã rộng lớn trở thành vùng pháo kích tự do.

Đi cùng một đoàn người xe rồng rắn dưới bầu trời lửa đạn về hướng Bắc, nghe nói là ra Đà Nẵng để đón tàu về Sài Gòn. Xe chạy chậm, rất chậm, đến rạng sáng thì dừng hẳn lại, tại xã Bình Liên, quận Bình Sơn, cách thị xã Quảng Ngãi khoảng 20 cây số.

Mẹ tôi suốt chặng đường thương khó đó luôn miệng đọc kinh cầu nguyện, luôn tay lần hạt, trong vòng tay là hai đứa con trai hai tuổi và bốn tuổi. Không đi tiếp được nữa. “Mấy ổng” đã xuất hiện với những nòng pháo DK 75 chĩa thẳng vào đoàn người xe chen chúc trên quốc lộ. Vài tiếng nổ bùng vang lên. Buổi sáng chết chóc, câm lặng. Cuộc di tản bị chặn đứng hoàn toàn. Cả nhà dắt díu nhau đi bộ về lại thị xã.

Buổi sáng hôm sau, lúc mẹ tôi đang nằm ngủ lơ mơ, thì thằng Phúc bạn học tôi đến thăm hỏi về chuyến đi. Nó bước qua cửa. Mẹ tôi bật dậy, thét lên thất thanh, lấy gối che mặt. Tỉnh lại, bà nói: “Má thấy rõ ràng thằng Phúc nằm chết trên đường chạy loạn mà!” (Phúc giờ còn sống ở Đà Nẵng). Từ sau buổi tối hãi hùng đó, mẹ tôi trở thành một người hoàn toàn khác: một người đàn bà câm!

Bà không còn hát nghêu ngao những lúc rảnh rỗi. Bà không còn hãnh diện khoe với tôi về tài nấu ăn chuyên nghiệp của bà; khoe mình nhan sắc một thời trung học. Bà không còn đứng trước mặt tôi, hỏi “Con thấy được không?” mỗi chiều chủ nhật sau khi bà trang điểm và diện chiếc áo dài chuẩn bị đi nhà thờ.

Bà không còn kể cho tôi nghe, mỗi khi bà đau bệnh trong lúc ba tôi vắng nhà, những chuyện tình cảm riêng tư thời con gái của bà. Bà không còn tự hào kể chuyện về ông ngoại tôi, về cậu Trung tôi, những người “nói tiếng Pháp như gõ cây”. Bà không dắt tôi đi xem phim ở rạp Kiến Thành mỗi tuần nữa. Tôi nhớ mãi những phim cùng xem với bà: Vùng cấm địa, Tìm chồng trong động rắn, Mãnh lực đồng tiền, Tora, Tora! Bà không còn thì giờ bầu bạn với tôi về mọi chuyện. Và tôi sẽ không còn bị bà “dựng dậy” nửa đêm, xách đèn dầu dẫn bà đi bộ đến nhà bà mụ, để bà đẻ.

…..

Ngày ngày bà nín lặng, lầm lủi, héo hắt, hiện ra rồi biến mất mỗi sớm khuya như một bóng ma. Toàn bộ sức lực của bà dồn hết vào việc kiếm cái ăn cho một gia đình đông người. Bà bỏ quên tôi. Sau này, tôi mới nhận ra tôi đã mất một người bạn thân là bà từ biến cố cuối tháng 3 năm 1975. Và đó là mất mát lớn nhất của đời tôi. Hơn hai năm sau chuyến đi “vào tận cùng đêm tối” đó, bà không quay về nữa.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: