Mẹ tôi và ký ức tháng Tư đen

Cuối cùng rồi gia đình tôi bảy người, gồm mẹ và sáu đứa con cũng được thoát cảnh nghèo khổ, cùng cực tại Sài Gòn để được đi định cư sang Mỹ năm 1988 theo diện bảo lãnh gia đình của cậu Tư là em ruột của mẹ.

Vào thời điểm năm 1975, tôi đang học lớp 6 của Trường trung học Lê Văn Duyệt, gần chợ Bà Chiểu thuộc tỉnh Gia Định, và là chị cả của năm đứa em từ 10, 9, 7, 4, và 2 tuổi. Bố tôi là sĩ quan cấp bậc đại úy thuộc ngành an ninh quân đội; mẹ tôi là công chức làm việc cho Bộ Giáo Dục tại Sài Gòn. Cuộc sống gia đình tôi được bình thường, cho đến những ngày của tháng Tư đen. Sau ngày 30-4-1975, bố tôi bị Việt Cộng bắt giam vào trại tù tập trung để “học tập cải tạo” vì là sĩ quan QLVNCH. Mẹ tôi không còn được làm việc tại Bộ Giáo Dục vì Việt Cộng thay thế toàn bộ nhân sự là những người mới từ miền Bắc vào.

Từ sau ngày bố tôi bị đi tù, cuộc sống ngày càng khó khăn khôn lường. Đôi vai gầy guộc của mẹ phải gánh lấy mọi chuyện lớn nhỏ và nặng nhọc. Mẹ vừa làm mẹ vừa làm cha để nuôi dưỡng và chăm sóc cho đàn con sáu đứa. Mẹ thức khuya dậy sớm nấu xôi, làm bánh, để bán, kiếm tiền lo từng bữa ăn cho các con nhỏ dại. Gánh nặng gia đình mà mẹ mang trên đôi vai tưởng như có lúc đã bị gẫy đổ vào năm 1977. Sau hơn một năm rưỡi mẹ chưa một lần được đi thăm bố thì mẹ nhận được hung tin là bố tôi đã chết trong trại tù trong vùng rừng núi Trường Sơn ở miền Bắc. Nhiều năm sau, các bạn tù của bố được thả về cho biết, bố tôi đã cùng hai bạn tù vượt thoát trong lúc lao động khổ sai và không may bị Việt Cộng truy kích bắn chết.

Cuộc sống gia đình tôi lại lặng lẽ qua tháng ngày. Mẹ vẫn cặm cụi nấu xôi, làm bánh bán; chị em tôi khi xong giờ học cũng về giúp mẹ. Cũng trong thời gian từ năm 1976 cho đến 1978, Việt Cộng luôn tuyên truyền và ép buộc nhiều người dân Sài Gòn phải về quê hoặc phải đi “kinh tế mới”. Mẹ tôi cứ làm lơ, giả điếc cho qua chuyện trước những lời đó của Việt Cộng. Mẹ tôi một mực quyết định ở lại Sài Gòn với sáu đứa con nhỏ dại, và cùng sống chết có nhau, không rời bỏ căn nhà nhỏ thương yêu từng che chở cho cả gia đình tám người gồm bố mẹ và sáu đứa con.

Từ 1978 đến năm 1979, nạn đói xảy ra trong cả nước. Chị em tôi nhiều lúc đi học buổi sáng với cái bụng trống rỗng, chỉ được ăn bữa trưa hay chiều với vài củ khoai lang, khoai mì, chén cháo hay may mắn hơn thì được chén cơm. Có lần mua được một tô cuối cùng còn vét lại trong nồi của bà bán canh bún trong xóm, mẹ đã bưng tô canh bún đút cho ba đứa em nhỏ nhất của tôi. Trong lúc mẹ đút cho ba đứa em nhỏ, tôi thấy mắt mẹ lưng tròng.

Trong thời gian nầy, nhiều nhà không có gạo để nấu cơm, còn cái gọi là  “Sổ Lương Thực” hay còn gọi là “Sổ Gạo” mà Việt Cộng quy định bán theo tiêu chuẩn 9 ký gạo cho mỗi đầu người hàng tháng thì đã không có gạo nữa để mua, mà là chỉ có khoai mì, khoai lang, bắp hay bo bo để ăn tạm sống cho qua ngày. Chế độ tem phiếu của Việt Cộng được đem từ miền Bắc áp dụng vào miền Nam, nào là nửa ký thịt heo, nửa ký đường vàng, hai lít dầu, một mét vải cho mỗi người một năm.

Cho đến khi cả gia đình tôi đi định cư tại Mỹ năm 1988, mẹ và sáu chị em tôi đã hết sức cố gắng làm việc và nương tựa nhau vượt qua khó khăn để tồn tại. Đến năm 1981, sau khi học xong lớp 12, tôi nộp đơn xin thi vào đại học nhưng bị loại vì lý lịch có cha là sĩ quan QLVNCH. Sau khi thôi học, tôi xin phép mẹ đi học nghề may quần áo tại nhà dì Tư, em của mẹ, và sau đó bắt đầu đi làm thuê cho tiệm may quần áo tư nhân gần nhà. Thời gian trôi qua, các em của tôi cũng lớn dần; và sau khi học xong lớp 12, có đứa đi làm thuê cho các cơ sở sản xuất đồ nhựa, đứa làm cho tiệm sửa xe, đứa làm cho tiệm bánh mì…

Khi gia đình tôi qua Mỹ định cư, trong vòng ba tháng đầu chị em tôi đã cố gắng thích nghi với cuộc sống mới, lo học lái xe, học Anh văn và bắt đầu đi tìm việc làm. Tôi và hai em kế phải đi làm full-time và học thêm ban đêm để có thể lo trả tiền nhà và nhiều chi phí khác. Mẹ tôi thì lo việc nhà. Đến năm 2000, sau hơn 10 năm định cư tại Mỹ, sáu chị em tôi đều đã học ra trường và tốt nghiệp chương trình hai năm AA hay bốn năm BA, BS. Bản thân tôi sau thời gian đi làm full-time thì bốn năm sau tôi cũng ghi danh học tại college về ngành y tá và đang làm việc cho các bệnh viện. Còn năm đứa em của tôi, sau khi tốt nghiệp, đều làm công chức, và đang làm việc cho các cơ quan chính quyền của tiểu bang hay liên bang.

Thời gian trôi qua thật nhanh. Mới đó đã thoáng hơn 30 năm kể từ ngày gia đình tôi bắt đầu sinh sống tại đất Mỹ năm 1988. Ngày 30 tháng Tư hàng năm, kể từ sau khi bố mất năm 1977, vì không biết chính xác bố mất ngày nào nên mẹ luôn làm giỗ cho bố vào ngày này. Mẹ luôn nói rằng “Mẹ cúng giỗ cho Bố thì cũng là lễ giỗ hiệp kỵ cho các chiến sĩ VNCH và người dân đã chết trong ngày 30-4-1975”. Nhớ lại cuộc nội chiến tại Mỹ, khi mà phe thắng thế đã BAO DUNG đối với phe thua để ĐỘ ĐỜI và cùng nhau tiến bước; còn Việt Cộng thì ngược lại, ngay sau ngày 30-4-1975 đã BUNG DAO giết biết bao quân dân miền Nam để rồi ĐỢI ĐỒ cướp được từ miền Nam chở ra Bắc. Có một câu nói ý nghĩa rằng: “Khi tôi được sinh ra trong một đất nước cộng sản thì đó không phải là lỗi của tôi, nhưng khi tôi chết đi mà chế độ cộng sản vẫn còn trên quê hương thì đó là lỗi của tôi”.

Mẹ tôi đã mất hơn ba năm qua. Tuy nhiên mẹ cũng nhìn thấy được đàn con sáu đứa mồ côi cha từ năm 1977 đã cố gắng vượt qua những ngày tháng vô cùng cực khổ và khó khăn để trưởng thành và đạt được kết quả khích lệ. Mẹ đã thấy được sáu đứa con đều lập gia đinh hạnh phúc, có công việc làm và nhà ở ổn định, đặc biệt có sự thương yêu và quấn quít của 11 đứa cháu nội, ngoại ra đời tại Mỹ. Tôi luôn tin rằng khi mẹ gặp lại bố nơi miền xa xôi nào đó, chắc chắn rằng mẹ sẽ kể cho bố nghe mọi chuyện. Cả bố và mẹ cũng sẽ mỉm cười mãn nguyện khi thấy đàn con và đám cháu nội ngoại cùng thương yêu và sống hạnh phúc bên nhau.

Tustin, California, ngày 27 tháng 4, 2021

*****

Lời mời gọi cùng viết về “Ký ức 30 tháng 4”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: