Một góc “Chuyện Đời Tôi”

Chiều ngày 28, tháng Ba, năm 1975, khoảng gần 2 giờ, ngồi lâu trong phòng làm việc, tôi thấy thèm chút gió, không khí bên ngoài. Tôi đi ra sân trước. Nhìn dọc theo con đường trước mặt Bộ Chỉ huy, gần cổng chính ra vào, một nhóm quân nhân cơ hữu độ 20 người tụ tập tại đó. Người đứng dưới lòng đường, người đứng trên bờ cỏ. Tôi đi lại xem có việc gì.

Đến nơi, thấy ông Đại Tá Chỉ huy Phó, đứng trên bờ cỏ, nói: “Ba ngày nay, tôi không liên lạc được với Trung Tướng Chỉ huy Trưởng. Bây giờ, tôi không biết làm sao. Thôi các anh tự động di chuyển vào Cam Ranh, rồi hãy tính sau”. Đám quân nhân tan hàng. Tôi trở về phòng, lặp lại câu chuyện với anh Hoàng Kim Khải (anh Khải là một học giả, làm việc chung phòng với tôi). Anh trợn tròn mắt, nhìn tôi, với vẻ ngạc nhiên, hỏi: Thầy nói chơi à?

Hai anh em ra sân trước để xem tình hình. Thấy quân nhân cơ hữu bôn ba ra về, mặc dù chưa đến giờ tan sở. Tôi nói với anh Khải: Thôi anh em mình cũng về anh Khải hè. Hai anh em trở vào phòng, sắp xếp giấy tờ cho gọn gàng như thường ngày. Tôi hỏi anh: Bây giờ anh tính sao? Anh nói: Chắc tôi về Đà Lạt để sống với gia đình. Tôi đưa anh về. Đó là buổi chiều cuối cùng, hai anh em chia tay nhau (28 tháng Ba, 1975). Từ đó đến nay, không gặp lại, và cũng không nghe tin tức gì về anh.

Khoảng 9, 10 giờ sáng hôm sau (29 tháng Ba), tôi trở lại đơn vị. Quang cảnh vắng vẻ khác thường, không một bóng người. Ba cánh cổng mở toang, không còn bóng các anh Quân cảnh đứng gác. Tôi đi sâu vào bên trong, nhìn về phía tay phải, văn phòng làm việc của tôi hàng ngày, đứng im lìm, vắng lặng. Cảm thấy xót xa, thương thương, nhớ nhớ. Tôi tiếp tục đi vào giữa, trung tâm đơn vị, thấy có ba quân nhân đứng ở nhà bếp, chung quanh tôi vắng lặng. Tôi tìm cây súng để phòng thân. Tôi lấy một khẩu M16, và ba băng đạn đầy. Tôi trở ra. Lòng bùi ngùi, như mất mát một cái gì quá to lớn, và cảm thấy cô đơn. Tôi là người Sĩ quan cuối cùng rời khỏi đơn vị. Tất cả đã cao bay xa chạy từ chiều hôm qua. Đào ngũ trong tình trạng nóng bỏng của chiến tranh. Tất cả quân nhân các cấp, kể cả Trung Tướng Chỉ huy Trưởng, Đại Tá Chỉ huy Phó đã đào ngũ.

Trong lúc tình hình Nha Trang và những vùng xa chung quanh, Diên Khánh, Ninh Hòa, Cam Ranh, vẫn yên tĩnh. Lữ đoàn III Nhảy dù vẫn còn trấn thủ, chiến đấu ngăn chặn địch tại đèo Phượng Hoàng. Địch vẫn còn ngoài Tuy Hòa, Phú Yên. Chắc chắn không riêng gì đơn vị tôi. Có hàng trăm, hàng ngàn đơn vị đã tự động tan rã như vậy. Trong lúc chiến sĩ ngoài các mặt trận, đang chiến đấu, máu vẫn còn đổ, xương vẫn còn rơi.

Tôi đi nhờ xe đến cầu Du Long. Cầu Du Long nằm trên Quốc lộ I, giữa thành phố Phan Rang, và Cam Ranh. Cầu Du Long bị phá sập, xe cộ không qua lại được. Tôi nhập vào đoàn người, để đi bộ từ đây đến Phan Thiết. Những ngày khốn khó bắt đầu. Nghĩ đến thân phận mình, một Sĩ quan không có đơn vị. Lời thề và lòng trung thành với Tổ quốc, với quân đội đã biến mất. Trách nhiệm với nhân dân, với đơn vị cũng không còn. May còn một chút để tự an ủi chính mình: Tôi là người sĩ quan cuối cùng rời đơn vị. Tức là tôi không bỏ đơn vị, mà đơn vị đã bỏ tôi.

Đoàn người như một bầy cừu, rồng rắn tiếp nối nhau tiến về phương Nam. Đàn ông, đàn bà, trẻ con, đủ màu quần, sắc áo. Trong số họ, có những người Cộng sản, có những người bị Cộng sản lùa đi theo kế hoạch của họ. Có những người đi lánh nạn Cộng sản. Khó phân biệt. Dù vô tình, hay cố ý, mọi người, trong đó có tôi, đã gia nhập vào đoàn quân không võ trang, Nam tiến của Cộng sản. Đoàn người di tản đi đến đâu, gây náo loạn tâm lý xã hội đến đó, gây hoang mang tinh thần cho dân chúng địa phương nơi họ đến. Tất cả thành phố lớn nhỏ, đầy người và người, tê liệt hoàn toàn. Làn sóng người di tản đi đến đâu thì chính quyền địa phương, cảnh sát, các lực lượng vũ trang miền Nam tự tan rã đến đó. Hết đợt này đến đợt khác. Liên tục ngày đêm. Chắc chắn, không một ai có đủ khả năng để vãn hồi trật tự lúc này. Đó không phải là một cuộc tổng nổi dậy. Mà là một cuộc tấn công xâm lăng tâm lý của đoàn quân không võ trang. “Bất chiến tự nhiên thành”. Cộng sản đã “giải phóng” toàn miền Trung, không tốn một viên đạn.

Hơn hai tuần sau ngày Sài Gòn thất thủ, vợ chồng tôi trở về Nha Trang. Chính quyền địa phương, Công an khu vực của chế độ mới không đá động gì đến tôi. Nhưng tôi vẫn sẵn sàng trong tư thế mọi bất trắc có thể xảy đến, và trước mắt là đi tù. Việc gì đến sẽ đến. Để vợ ở lại nhà, tôi mang ba lô, với ít hành trang, vài bộ quần áo nhà binh cũ, lên đường theo “tiếng gọi” của chính quyền cách mạng. Thiếu ăn, buồn bã là những điều đeo đẳng mỗi ngày. Lắm lúc buồn bâng quơ. Nhớ những gì trong tưởng tượng, trong dĩ vãng xa xôi. Có những buổi chiều thật buồn. Chợt thấy lòng hiu quạnh. Trên đó là Buôn Mê Thuột, là Đức Cơ, Đức Lập. Những tiền đồn xưa nay còn đâu! Hình ảnh các chiến binh Biệt động quân hiện về. Nơi chín suối các anh có nghe chăng! Cảm thấy lòng hoang vắng. Nhớ cha già, nhớ vợ đơn côi một mình. Mất miền Nam như mất tất cả.

Tôi được phóng thích, cùng với trên dưới 100 anh em trong một ngày đẹp trời. Có tổ chức lễ phóng thích, chỉ đơn sơ. Có lẽ đó là đợt phóng thích đầu tiên trong trại tù này. Trở về với gia đình, mừng có, lo âu có. Đây là lần thứ hai tôi sống “trong lòng cách mạng”. Lần đầu là lúc tôi mới sinh ra đời. Quê tôi nghèo, đất đai toàn sạn sỏi, không thích hợp cho việc trồng trọt, chăn nuôi. Nhưng là miền đất “mầu mỡ” cho phong trào Việt Minh Cộng sản. Gia đình tôi nằm trong vòng vây siết chặt vì bị ghép vào diện địa chủ. Ông nội, cha, các chú đi ở tù. Ruộng đất bị “cách mạng” tịch thu. Gia đình, anh em như bị xã hội ruồng bỏ, khinh rẻ.

Mới được phóng thích, quyền công dân chưa được phục hồi. Có nghĩa là mình đang sống bên ngoài lề xã hội. Đêm đến, nghe tiếng chó sủa xa xa cũng lo. Nghe tiếng người đi ngoài đường cũng sợ. Phải khai báo mỗi tuần. Tôi bươn chải mọi việc, mọi nghề. Thời gian đầu, lên núi chặt củi về bán. Đi làm trong nhà máy xay gạo, lúa phải cân ký để đóng thuế, nên sạn nhiều hơn lúa. Máy hư hoài. Chiều đến, họ cho một túm gạo nhỏ, trừ tiền lương. Xoay qua đi làm cá. Bà chủ vựa cá là con nhà cách mạng. Miệng mồm khỏi chê. Bà nhìn tôi với cặp mắt khinh rẻ. Chiều về, lãnh vài con cá to bằng ba ngón tay, trừ tiền lương.

Sau nhờ anh bạn cùng đơn vị trong quân đội trước kia dẫn đi làm thợ hồ. Vôi, cement ăn thủng các đầu ngón tay, nhưng phải ráng. Lương ba cọc, ba đồng. Hai vợ chồng vật lộn để mưu sinh, tương lai vẫn thấy mù mịt. Làm thợ hồ, lương tháng 62 đồng. Trong khi một dĩa cơm quốc doanh giá 19 đồng 50 xu. Nghĩa là một tháng lương ăn được ba dĩa cơm quốc doanh trong một ngày: sáng, trưa chiều. Thêm 10 ký lương thực: 4 ký độn, 6 ký gạo. Những tháng nào thấy 4 ký độn là bo bo thì mừng, vì bo bo cứng, ăn lâu đói.

Ngăn đường, cấm chợ. Người ta tìm mọi thủ đoạn để kiếm sống. Lén lút, chui rừng, lội suối đi buôn lậu. Những điều hay, ý đẹp không còn thấy, không còn nghe nữa. Nhường cho những từ ngữ mới thời cách mạng lên ngôi. Xã hội nhiễu nhương. Cùng một ngôn ngữ, nhưng khi nói chuyện, lắm lúc ngập ngừng, nói không hết câu, không hết ý. Cùng một chủng tộc, nhưng có sự phân biệt, có giai cấp. Phong tục tập quán bắt đầu băng hoại, đạo đức suy đồi…

Vợ chồng tôi ra đi trong một đêm mùa đông mưa to, gió lớn. Vợ tôi may mắn được sự giúp đỡ nên ra ghe được. Bảy thanh niên và tôi bị kẹt lại. Ghe vợ tôi đi về Mã Lai. Tôi trở về nhà trong đêm khuya, im lặng và tiếp tục nghề thợ hồ. Chính quyền địa phương, công an khu vực cũng im lặng như không có chuyện gì xảy ra. Tôi im lặng giả vờ cho qua chuyện. Chính quyền, công an im lặng mà tôi không hiểu… Một năm sau, tôi ra đi trong một đêm trời trong, bể lặng. Tôi ngồi trên đống lưới, quay mặt về phía sau để nhìn quê hương lần cuối. Xóm làng, đồi núi, một màu đen chạy dài từ Bắc chí Nam. Việt Nam tôi đó. Quê hương tôi đó. Cha già, anh em, và người Việt Nam tôi đang ngủ chìm đắm trong đêm.

Tôi còn nhận ra các thôn làng quen thuộc: Đường Đệ, Ba Làng, Thanh Hải, Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế, và xóm nhà trong đó có ngôi nhà nho nhỏ mang bao kỷ niệm của vợ chồng tôi. Thành phố Nha Trang thân yêu buồn hiu quạnh. Lốm đốm một vài ngọn đèn đường màu đỏ, như những đôi mắt khóc đã quá lâu ngày. Những dãy núi màu đen, nhấp nhô cao thấp, thấp dần. Một lát sau, chung quanh tôi là biển nước mênh mông, không thấy bờ bến. Tôi đứng lên đưa tay chào, chào theo lối nhà binh của tôi. Chào giã biệt Việt nam. Giã biệt quê hương Việt Nam yêu dấu. Chào từ biệt cha già, anh em, bà con, bạn bè, và cả dân tộc tôi.

Quê hương yêu dấu Việt Nam đang lùi dần về phía sau, lùi dần vào dĩ vãng…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: