Nhớ rock buồn năm xưa

Minh họa: Dane Deaner/Unsplash

Sáng nay thức giấc nhìn qua khung cửa sổ thấy trời u ám mây xám đen giăng kín. Lại thêm một ngày u sầu sống nhàm chán thời Covid-19 (hôm qua, 3 Tháng Chín, Sài Gòn ghi nhận thêm gần 8,500 ca nhiễm mới, cả nước thì vượt mốc nửa triệu). Thế là “blues” lại ào vào, đúng như lời một ca khúc xưa, “buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm…”. Bỗng nhớ lại!

Nói đến nhạc pop rock bên Mỹ, đất nước của cao bồi, thổ dân da đỏ, các băng cướp… thời xưa và những bộ phim Hollywood tô hồng chàng cao bồi anh hùng bắn súng lục nhanh như tia chớp (truyện trang Lucky Luke), có lẽ nhiều bạn sẽ nhớ đến những bài ca ít nhiều liên quan đến những yếu tố ấy. Có bài tình ca nghe dễ thương như Bang Bang (you shot me down) qua trình bày của cặp Sonny and Cher; bài nghe u sầu như I shot the sheriff mà Eric Clapton cover lại của vua nhạc Reggae Bob Marley. Rồi còn có Band on the run, Hell on wheels của Paul McCartney và nhóm Wings, trong đó có cả Linda Eastman, người vợ quá cố của Paul; Rhinestone cowboy nghe thật hay của cố nghệ sĩ tài hoa Glen Campbell… và rất nhiều bài khác nữa.

Bạn nào còn nhớ ca khúc Billy don’t be a hero của nhóm Paper Lace năm 1972? Nhưng bài cao bồi bắn súng nhanh như tia chớp này thì phải nhớ The night Curly Billy show down Crazy McGee, vì nó là một trong những tuyệt tác của nhóm The Hollies. Mà The Hollies là nhóm Anh và bài này cũng như bài Long cool woman (in a black dress) là hai ca khúc “ăn theo” dòng nhạc rock miền Nam đầm lầy (nên được gọi là Swamp Rock) của nhóm Creedende Clearwater Revival!

Minh họa: Steve Harvey/Unsplash

Và bên cạnh dòng chảy sôi động kể trên cũng đã có một số bài nhạc kể chuyện buồn lịch sử Mỹ. Ví dụ bài The night they drove Old Dixie down hồi năm 1971 của nữ hoàng nhạc Folk Joan Baez (người tình đau khổ nhưng cũng từng là Nàng thơ một thời của vua nhạc folk pop Bob Dylan) kể về kết cục và hệ quả cuộc nội chiến Bắc-Nam 1860-1865. Tôi không phải người Mỹ nhưng mỗi lần nghe bài này đều cảm thấy buồn buồn.

Cũng buồn không kém khi nghe lại một bài “hận tình ca” về kỳ thị màu da, oan sai mà có lẽ cho đến nay vẫn còn âm ỉ ở vài bang miền Nam, nhất là bang Georgia (ai còn nhớ những phim hay được chuyển thể từ những tác phẩm văn học trứ danh Gone with the wind?, Uncle Tom’s Cabin hoặc gần đây hơn là Twelve years a slave). Đó là bài The Night the lights went out in Georgia, một sáng tác của Bobby Russell, người đã viết tình ca buồn Honey giúp Bobby Goldsboro trở nên ca sĩ nổi tiếng những năm đầu thập niên 1970. Ông Bobby Russell mời nữ danh ca Cher ghi âm bài này nhưng theo ý kiến của chồng Sonny hồi ấy (đã ra người thiên cổ khá lâu rồi do tai nạn lúc trượt tuyết), cô nàng Cher đã từ chối để rồi chính vợ của ông, một nghệ sĩ kịch, truyền hình là Vicky Lawrence đã hát nó. Không ngờ nó đã là “one hit wonder” của Vicky!

Saigon thời phải sống cách ly vì Covid-19 buồn quá, ngày ngày ra vô các căn phòng trong nhà chẳng có gì để làm. Lại nhớ đến một tuyệt tác blues của Otis Redding tên là (Sittin’ on) The dock of the bay, mời nghe sáng tác này qua trình bầy “tổng hợp” rất hay của Playing for Change…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: