Nữ đạo diễn 9x mang ‘Giấc mơ gỏi cuốn’ đến LHP Cannes 2022

Share:

Tháng Ba, 2022, Mai Vũ – cô gái sinh năm 1992, kết thúc hai năm học Master Directing Animation của trường National Film & Television School (NTFS), United Kingdom. Giữa lúc dư âm phấn khởi ngày tốt nghiệp vẫn còn đó, cô đón nhận thêm một hạnh phúc khác, “ngoài sự mong đợi” – như lời cô nói.

“Khi nhận được tin, em rất bất ngờ. Em không nghĩ là phim mình được nhận đâu. Hoá ra là góc nhìn của mình, cách mình nghĩ, cách mình đang thể hiện đã được đón nhận.” Cô gái trẻ không giấu được niềm vui rạng ngời trong đôi mắt.

Đó là “Spring Roll Dream”, cũng là bài tốt nghiệp của Mai Vũ và nhóm làm phim, vượt qua 1,528 tác phẩm khác được La Cinéfondation (La Cinéf ) chọn tham dự Liên Hoan Phim (LHP) Cannes 2022, diễn ra từ 17 đến 28 Tháng Năm, 2022. La Cinéf là hạng mục phim ngắn dành cho sinh viên, học sinh từ các trường phim ảnh khắp thế giới.

‘Muốn là trẻ con mãi’

Đoạn giới thiệu (trailer) “Spring Roll Dream” dài 50 giây, được giới thiệu trên kênh YouTube của NTFS. Chỉ vỏn vẹn 50 giây nhưng đủ để lại cho người xem một cảm giác bồi hồi, lắng đọng, như đang nhìn thấy một miền ký ức thân quen nào đó.

Câu thoại mở đầu “Tối nay, bố sẽ đãi cả nhà món gỏi cuốn nhé” do nghệ sĩ lão luyện Bùi Bài Bình lồng tiếng. Chất giọng ấm áp, đầy cảm xúc cùng với màu sắc không gian, cách đặc tả ánh sáng, âm nhạc du dương, trong những giây đầu tiên là cánh cửa mở ra một thế giới tuổi thơ đầy ắp những câu chuyện thần thoại. Người xem có thể dễ dàng gợi nhớ ngay đến những tập phim hoạt hình xưa như Thánh Gióng, Lạc Long Quân – Âu Cơ, Sọ Dừa, Tấm Cám…

Cô gái sinh năm 1992 Mai Vũ bước chân vào thế giới phim hoạt hình cũng từ những kỷ niệm tuổi thơ như thế. Mai nói, “hầu như chúng ta xem phim hoạt hình là để thoát khỏi những áp lực cuộc sống bên ngoài, thế giới phim hoạt hình trong trẻo, bay bổng, làm cho con người cứ muốn làm trẻ con mãi.”

Nữ đạo diễn Mai Vũ

Lựa chọn ngành học ban đầu để trở thành một nhà thiết kế nội thất nhưng Mai nhanh chóng nhận ra đó không phải là con đường để cô có thể đi mãi với đam mê. Năm 2011, cô bắt đầu với những đoạn phim hoạt hình ngắn, mà cô gọi là “những phim rất ngô nghê hồi nhỏ.” Mai Vũ chính là người đã tham gia và đạo diễn hơn 70 tập phim “Xin chào Bút Chì” – loạt phim hoạt hình stop-motion đầu tiên của Việt Nam.

Rồi hơn mười năm sau, cô đạo diễn, hoạ sĩ Mai Vũ của “Xin chào Bút Chì” tự nhận mình đã “trưởng thành hơn” và vẫn theo đuổi lý tưởng khám phá, bay trong thế giới trẻ thơ, nhưng theo nhiều góc nhìn đa màu khác của cuộc sống. Cô ấp ủ thực hiện những phim hoạt hình không chỉ chuyên nghiệp, mà còn truyền tải  được thông điệp đời sống, đậm tính nhân văn.

Gỏi cuốn – kết nối thế hệ

Thế là, ngay năm thứ nhất cao học, câu chuyện của “Spring Roll Dream” đã được hình thành. Mai kể lại, qua những bài tập ở trường, cô xây dựng cho mình một nhân vật mà cô ấp ủ từ lâu: “Đó chính là bố của em, câu chuyện của gia đình em. Đó là hình ảnh của một người cha miền Bắc có phần hơi cô đơn, thương con vô bờ bến nhưng không thể hiện, không biểu đạt bằng lời nói, khó kết nối với thế hệ sau.”

Theo lời Mai kể, “Spring Roll Dream” là câu chuyện về Linh, một người mẹ đơn thân sống ở Mỹ cùng với cậu con trai tên Alan. Hai mẹ con đang có một cuộc sống yên ổn. Người mẹ đang cố gắng hoà nhập vào cuộc sống Mỹ mà cô tin rằng đó là cuộc sống lý tưởng cho hai mẹ con. Nhưng khi ông Sang, người cha ở Việt Nam sang thăm, Linh cảm thấy phải đối mặt ngay với câu hỏi và những giá trị mà người cha mang tới, đó là giá trị truyền thống văn hoá Việt Nam nằm ở đâu trong lối sống mới của cô ở Mỹ? Lúc đó câu hỏi được đặt ra là làm sao để kết nối các thế hệ với nhau khi góc nhìn có quá nhiều khác biệt.

Trong 50 giây của phần giới thiệu phim, Mai Vũ hé lộ cho khán giả điểm nhấn cũng là nút thắt của câu chuyện. Ông Sang, trong giọng nói phấn khởi lẫn tự hào cho biết, ông sẽ làm món gỏi cuốn cho cả nhà. Nhưng cô con gái lại muốn con trai của mình ăn “món Tây” là mì ống và phô mai. Những sợi mì ống thay nhau quấn vào hai bàn tay của cô con gái. Cô trút cơn giận vào việc nấu bếp, chặt con gà. Tương phản là gương mặt thất vọng, buồn bã, cô độc của ông Sang.

Cao trào của phim dừng lại ở đó. Nhóm làm phim “ẩn” đi phần tháo nút thắt, chờ ngày phim được công chiếu.

Giải thích thêm về ý nghĩa của phim, Mai nói: “Qua hình ảnh của người cha, em muốn gửi gắm một câu hỏi là trải qua nhiều thế hệ, với sự khác biệt về tư tưởng, quan niệm, cả văn hoá, thì làm sao để ông bà, cha mẹ và con cái có thể hiểu được nhau, kết nối được với nhau?”

Mai Vũ đã đưa ra nhiều món ăn khác nhau để nhóm làm phim chọn, như bánh xèo, canh mướp đắng, bún mắm…Đòi hỏi của cô là món ăn đó phải phù hợp với câu chuyện và phải có tính kết nối gia đình, thể hiện tình cảm gia đình. “Cuối cùng thì món gỏi cuốn được nhận diện khá nhiều đối với người nước ngoài,” cô nói, “trong món này, có nhiều nguyên liệu, kết hợp cả Đông, Tây như salad, carot, bún, tôm…”

Cô kể về câu chuyện của chính gia đình mình để cho thấy một trong những nguyên nhân cô quyết định chọn gỏi cuốn: “Khi cả gia đình ngồi với nhau, làm gỏi cuốn, em cảm thấy có một sự kết nối rất lớn trong gia đình. Gia đình em cũng hay như thế, thay vì cuốn sẵn, thì bày ra, mọi người vừa làm vừa ăn, nói chuyện với nhau. Đó là những lúc vui vẻ hạnh phúc và cảm thấy nối kết nhất giữa mọi người với nhau.”

Sáng tạo

Có một sự khác biệt nữa giữa “Spring Roll Dream” và các phim hoạt hình khác, đó là cách tạo hình chất liệu nhân vật. Đây cũng chính là sự sáng tạo và ghi dấu một bước trưởng thành của cô đạo diễn trẻ Mai Vũ. Thiết kế nhân vật từ người cha, cô con gái, cho đến cậu con trai nhỏ được xây dựng theo trường phái tả thực, sử dụng chất liệu để lột tả cảm xúc. Tất cả nhân vật, bối cảnh, đạo cụ bàn ghế đều làm bằng mô hình thật, với kích thước 1/7.

“Tụi em đầu tư rất nhiều mới làm ra được chất liệu trên gương mặt. Ví dụ như của người cha, nhóm làm bằng đất sét giấy để thể hiện sự gồ ghề. Em muốn một gương mặt mang màu sắc thời gian. Có những góc máy rất cận nên em muốn thấy rõ cái gồ ghề đó, không có sự bồi đắp, che dấu gì cả. Quần áo thì dùng chất liệu giống như bao bố.”

Hoạt hình stop-motion là một thể loại đòi hỏi rất nhiều thời gian cho mô hình, bối cảnh câu chuyện, tạo hình nhân vật. Sản phẩm còn yêu cầu rất cao về độ chính xác của những hình chụp tĩnh. Hàng trăm, ngàn tấm ảnh được chụp liên tiếp và sau đó được xử lý trên phần mềm chuyên dụng để tạo thành đoạn phim động.

Do đó, tôi không ngạc nhiên khi nghe Mai Vũ nói từ lúc xây dựng ý tưởng đến khi nhóm của cô hoàn thành Spring Roll Dream là hơn một năm, từ cuối Tháng Mười Hai 2020 đến Tháng Ba, 2022.

Một thành công khác của Mai Vũ và nhóm làm phim “Spring Roll Dream” là cô được sự ủng hộ từ bạn bè và những người làm nghệ thuật từ khắp nơi, như Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Bài Bình, nghệ sĩ Phạm Đức Thành, chơi đàn bầu truyền thống, nghệ sĩ Hữu Bắc, người kết hợp đàn bầu với nhạc jazz. Nhạc sĩ Trương Vĩnh Bình đã sáng tác cho phim một bài hát mang âm hưởng nhạc dân gian Việt Nam. “Spring Roll Dream” vỏn vẹn chín phút nhưng có đến bốn bài nhạc thể hiện rất rõ linh hồn của phim.

Với “Spring Roll Dream”, đạo diễn trẻ Mai Vũ đã chọn hoạt hình, một thế giới trong vắt để thắt, mở những nút mâu thuẫn, bất đồng trong một xã hội đa văn hoá. Nói cách khác, cô sẽ mang “gỏi cuốn” cùng thông điệp mạnh mẽ nhất: Kết nối gia đình – đến mùa LHP Cannes năm nay.

LHP Cannes 2022 sẽ trình chiếu chín bộ phim được chọn tranh giải Cành Cọ Vàng cho hạng mục phim ngắn (Short Film Palme d’Or); 16 phim hành động live-action và hoạt hình được trình chiếu trong giải La Cinéfondation. Ba giải thưởng phim hay nhất sẽ được công bố trong thời gian diễn ra LHP. “Spring Roll Dream” do Mai Vũ đạo diễn và hoạ sĩ chính nằm trong thể loại phim hoạt hình stop-motion, cũng là sở trường của cô.

(Ảnh trong bài: Mai Vũ)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Thư Ban biên tập
Vì lý do trang web cần được cập nhật hệ thống và nâng cấp server nên Saigon Nhỏ Online tạm ngưng hoạt động từ ngày 1 Tháng Mười Hai 2023.
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: