Nữ họa sĩ “kho báu quốc gia” của Ấn Độ

Bức Portrait of Denyse

Bức chân dung Portrait of Denyse vẽ năm 19 tuổi của nữ họa sĩ Ấn Độ Amrita Sher-Gil vừa được tìm lại sau 90 năm mất tích dự báo sẽ bán được hơn $2.8 triệu.

90 năm thất lạc

Tác giả của bức tranh đã bị lãng quên này là Amrita Sher-Gil, một trong những họa sĩ đương đại nổi tiếng nhất Ấn Độ. Đây cũng là lần đầu tiên Portrait of Denyse được mang ra bán đấu giá và dự báo sẽ bán được $2.8 triệu USD. Trước kia, rất hiếm khi tranh của nữ họa sĩ bán đấu giá bên ngoài quê hương mình. Một số nhỏ được nhận biết nhưng vẫn nằm im trong các bộ sưu tập tư nhân. Vẽ nhà nữ phê bình hội họa Denyse Proutaux, một người bạn thân của Sher-Gil, nhân vật trong bức Portrait of Denyse mặc váy màu nhung đỏ ngồi phía trước những chùm hoa sẫm màu.

Theo nhà bán đấu giá Christie’s, bức tranh sơn dầu chưa từng được các chuyên viên hội họa Ấn Độ nhắc đến này đã thay đổi nhiều đời chủ tư nhân ở Pháp kể từ khi nó hoàn thành cách nay 90 năm. Ẩn mình một thời gian dài, nay nó bất ngờ xuất hiện. Theo Christie’s, Portrait of Denyse chỉ là một trong bốn chân dung Proutaux của Sher-Gil.

Nữ họa sĩ Ấn Độ Amrita Sher-Gil (Sothebys)

Thông qua thư từ trao đổi giữa một nhà phê bình hội họa Pháp và chồng của Proutaux và thư từ qua lại của nhân vật với Sher-Gil và chị của họa sĩ, các nhà nghiên cứu khẳng định Portrait of Denyse được vẽ vào năm 1932 khi nữ họa sĩ mới 19 tuổi. Cùng năm đó, Sher-Gil cũng vẽ bức Young Girls gồm cả Proutaux trong số người mẫu cho tranh. Bức tranh này không lui vào bóng tối mà được hội họa quốc tế thừa nhận sớm và đoạt huy chương vàng tại cuộc trưng bày nghệ thuật Paris Salon Art Show ở thủ đô Paris của nước Pháp.

Kho báu quốc gia

Sher-Gil được xem là “Frida Kahlo của Ấn Độ”, với tài pha trộn ảnh hưởng của phương Tây vào trường phái Hậu ấn tượng và hội họa kinh điển của đất nước mình. Frida Kahlo là nữ họa sĩ nổi tiếng và “cá tính” nhất của đất nước Mexico. Năm 1976, khi chính phủ Ấn Độ chính thức công nhận Sher-Gil là “Kho báu Quốc gia” (National Treasure) thì tất cả mọi sáng tạo của bà đều bị cấm đưa ra khỏi Ấn Độ nếu không được chính phủ cho phép. Vì vậy, dù thỉnh thoảng tranh của nữ họa sĩ lấy từ các bộ sưu tập tư nhân lại có mặt trong một số cuộc bán đấu giá bên ngoài Ấn Độ, chúng vẫn rất hiếm trên thị trường tranh quốc tế.

Chân dung tự họa của Amrita Sher-Gil

“Do tranh của Sher-Gil luôn quí hiếm và bức Portrait of Denyse nằm ngoài radar của các nhà nghiên cứu hội họa chuyên nghiệp suốt một thời gian dài nên sức hấp dẫn của nó càng lớn. Bức tranh xứng đáng nhận được phản hồi tốt và nên xem là “ánh hào quang” vừa tỏa sáng trở lại của nữ họa sĩ” – Nishad Avari, chuyên viên làm việc tại bộ phận “Nghệ thuật đương đại và hiện đại Nam Á” của Christie’s nhận xét trong một tuyên bố báo chí. Đa số trong 172 tác phẩm đã được đưa vào danh sách bảo tồn của Sher-Gil đang lưu giữ tại Phòng trưng bày quốc gia Hội họa đương đại Ấn Độ (NGMA) ở thủ đô New Delhi nhưng một số tác phẩm sở hữu tư nhân không bị trưng thu vẫn được sang tay bên trong Ấn Độ, miễn là đáp ứng yêu cầu phải bảo quản tốt và cấm đưa ra nước ngoài.

Ví dụ, năm 2018, bức chân dung The Little Girl in Blue vẽ năm 1934 của Sher-Gil bán được $2.6 triệu tại cuộc bán đấu giá do nhà Sotheby’s tổ chức lần đầu ở thành phố Mumbai. Năm ngoái, bức chân dung người chồng Victor Egan của nữ họa sĩ bán được $1.5 trệu USD tại cuộc đấu giá do nhà đấu giá địa phương Asta Guru tiến hành.

Tài hoa bạc mệnh

Sinh ở Budapest, Hungary trong gia đình có cha là người Sikh sinh tại Ấn Độ và mẹ người Do Thái lai Hungary, Sher-Gil đi lại giữa Ấn Độ và châu Âu lúc còn bé rồi sống một thời gian ở Pháp trước khi trở về Lahore lúc còn chế độ thực dân Anh, nơi bà chết trẻ năm 1941 lúc mới 28 tuổi. Một tài năng mệnh yểu! Bà sẽ có thêm nhiều kiệt tác nữa nếu còn sống. Paris chính là nơi Sher-Gil và người chị Indira kết tình thâm giao với nhà phê bình hội họa Proutaux.

Trong catalog cuộc bán đấu giá bức chân dung của Proutaux, Christie’s tiết lộ về quan hệ giữa Proutaux và Sher-Gil bằng một lá thư, trong đó nhà phê bình người Pháp khen Sher-Gil về “sự thông minh và cá tính tôi chưa từng gặp ở một phụ nữ nào”. Trong lá thư gửi cho đồng nghiệp Philippe Dyvorne vào năm 1932, Proutaux cũng tiết lộ chi tiết “những khó khăn” khi ngồi cho nữ họa sĩ vẽ chân dung. Bà bộc bạch: “Sher-Gil điên đầu với mái tóc của tôi và muốn bức chân dung có mái tóc xõa. Bức tranh vẽ để kịp dự thi nên không có nhiều thời gian. Vì vậy, tôi phải ngồi làm mẫu liên tục suốt ba ngày liền!”.

Ngày 17 Tháng Ba, Portrait of Denyse được bộ phận “Nghệ thuật đương đại và hiện đại Nam Á” của Christie’s tổ chức bán đấu giá tại thành phố New York. Cùng bán đấu giá còn có hai tác phẩm của hai họa sĩ Ấn Độ Subodh Gupta và Tyeb Mehta (đã qua đời) với doanh thu dự báo hơn $600,000 mỗi bức.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: