Nữ văn sĩ lừng danh Pháp gốc Việt Linda Lê ra đi ở tuổi 58

Nữ văn sĩ Linda Lê (Ảnh : Télérama)

Báo chí Pháp đã đồng loạt đưa tin buồn về sự kiện này, chẳng hạn tờ Le Figaro đưa lên trang trọng, với lời mô tả ngậm ngùi “người mãi mãi lưu đày” (éternelle exilée).

Nhà văn Linda Lê bước vào lĩnh vực văn học với cuốn Bài ca tội ác (Les Évangiles du crime), xuất bản năm 1992. Với những tác phẩm gây tiếng vang của mình, tác giả người Pháp gốc Việt đã nhận giải thưởng Hoàng tử Pierre của Monaco năm 2009, cùng nhiều giải thưởng văn chương danh giá khác.

Các tác phẩm của nhà văn Linda Lê đã để lại những dấu ấn khó quên trong độc giả Pháp nói riêng, và thế giới nói chung. Độc giả ở Việt Nam cũng biết đến nhiều tác phẩm của nhà văn Linda Lê được dịch sang tiếng Việt như: Ba số phận (Les Trois Parques), Vu khống (Calomnies), Lại chơi với lửa (Autres jeux avec le feu).

Bà Linda Lê, người vừa qua đời hôm Thứ Hai, 9 Tháng Năm, ở tuổi 58 vì một cơn bạo bệnh. Người ta nói nhiều về cuốn sách cuối cùng của bà đã được xuất bản vào Tháng Hai. Cuốn De personne je ne fus le contemporain (Tạm dịch: Người không cùng thời) kể lại cuộc gặp gỡ năm 1923 của hai người đàn ông có điểm chung tính cách nổi loạn: Hồ Chí Minh và nhà thơ Nga Ossip Mandelstam – người đã chết khi bị trục xuất về Kolyma.

“Hồ Chí Minh có lăng của mình, Mandelstam có danh gia vọng tộc”, câu nói này được bà Linda Lê dùng làm tiêu đề cho cuốn sách, mượn từ lời của Mandelstam. Đây là một cuốn sách gây tò mò cho những ai cùng thời, sống lưu lạc, cảm nhận về sự hỗn độn của thế giới nhân danh lý tưởng, cô độc trong sự khát khao của mình.

Lúc sinh thời, Linda Lê viết tiểu thuyết bằng tiếng Pháp nhưng các tác phẩm phần lớn đều được dịch sang tiếng Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha và tiếng Việt. Nhà văn Linda Lê từng nói về công việc của mình: “Viết là tự dấn thân lưu đày”. Và đó cũng là ý tưởng là tờ Le Figaro đặt tựa cho bài viết về bà, một người chọn sống và chết với văn chương.

Tác giả Linda Lê sinh năm 1963 tại Đà Lạt, lớn lên ở Sài Gòn. Năm 14 tuổi bà theo mẹ sang Pháp, sống ở thành phố Le Havre. Năm 1981, bà chuyển đến Paris, theo học lớp dự bị văn học ở Trường Henri 4, sau đó vào Đại học Sorbonne. Bà say mê Balzac và Hugo.

Nhật báo Libération nhìn thấy nét cá tính và tính cách đặc biệt trong đời tư ở nữ nhà văn gốc Việt này: Đó là người đàn bà này thích sống trong cô độc. Trong các tác phẩm của Linda Lê, người ta thường thấy hình ảnh của một xứ sở cấm kỵ xa xưa, một người cha bị bỏ rơi, một người mẹ khuôn phép hay một người tình hờ hững. Nhưng trong đó người ta cũng thấy những câu chuyện huyễn hoặc, siêu thực phảng phất đâu đó như trong các tác phẩm của Shakespeare.

Từ bé, Linda Lê đã diễn đạt bằng hai ngôn ngữ: Tiếng Việt với cha và tiếng Pháp với mẹ. Với cha, bà nói tiếng Việt; với mẹ, bà nói tiếng Pháp. Trong trí nhớ của bà, Việt Nam là một đất nước bị cộng sản chiếm đóng, được thống nhất sau khi dừng tiếng súng nhưng tạo ra một vết nứt, một mối bất hòa có lẽ là mãi mãi.

Linda Lê chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp từ người mẹ. Gia đình họ có bốn cô con gái, Linda là người chị thứ hai và người duy nhất mang cái tên có vẻ “Tây” này. Sau ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ, bà theo mẹ sang Pháp định cư năm 1977 khi chưa đầy 14 tuổi. Cha của bà, một người làm việc cho hãng Mỹ bị bắt đi tù cải tạo, sau đó qua đời trong tù mà không được gặp lại vợ và các con. Linda vẫn luôn nhắc tới người cha bị bỏ rơi, cảm thấy như có lỗi với ông. Nhà báo Christian Hoche của Le Figaro kể lại việc người cha của bà Linda Lê bị giam cầm trong rừng rậm Việt Nam nào đó mà gia đình cũng không còn nhớ nổi tên.

Người Pháp xem bà là công dân văn chương của ngôn ngữ Pháp. Báo chí Pháp mô tả bà là người có tính cách lạ thường nhưng mạnh mẽ. Chọn cô độc trong cuộc sống cá nhân, nhưng Linda Lê không đơn độc trong văn chương, xung quanh bà luôn có rất đông độc giả ngưỡng mộ. Trên tờ Télérama, ký giả, nhà phê bình văn học Marine Landrot viết về sự ra đi của Linda Lê: “Bà qua đời sáng nay 9/5, sau một trận ốm dài, Linda Lê gia nhập chòm sao những tác giả khắt khe hiếm hoi, bằng cách cống hiến cho độc giả những tác phẩm đáng ngưỡng mộ. Sự im lặng là chủ đề yêu thích của bà mà bà đột nhiên xé ra để viết những cuốn sách cấp thời, bằng một thứ ngôn ngữ rõ ràng như sắc bén, được khảm bằng những từ ngữ hiếm hoi, chứa đựng sự giận dữ và thông minh”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: