Cây, phố và rừng

(Tranh: Phạm Công Tâm)

Cách nay gần ba mươi năm, tôi được Quốc Anh, một chàng trai Châu Ro ở Đồng Nai quen trong một chuyến công tác, về Sài Gòn và đến thăm. Sau khi cùng ăn bữa cơm trưa, chúng tôi đi bộ dưới hàng me trên đường Võ Văn Tần. Tới một gốc cây, Quốc Anh khiến tôi bất ngờ khi chỉ cho xem một chùm hoa me trên cành. Đó là lần đầu tiên tôi thấy hoa của loài cây này, lâu nay chỉ biết có lá và trái. Hoa me đẹp, có những cánh vàng có gân đỏ như cánh hoa lan.

Lâu nay, người ta đưa lá me, hàng me vào bài hát mà không để ý đến hoa, có lẽ vì hoa me nằm ở trên cao. Tôi nhớ nhà văn Sơn Nam cho rằng đường nào ở Sài Gòn có trồng cây me là đường có từ rất sớm. Giới đô đốc hải quân Pháp, những người đến trước để tiến chiếm thuộc địa thích trồng cây me, nhưng về sau, chính quyền đô thị Sài Gòn phản đối vì cho rằng lá me giữ nước, tạo không khí ẩm ướt, mưa tạnh xong còn có nước rơi (gọi là mưa lá me), thu hút loài muỗi gây sốt rét. Giới nho sĩ Nam bộ xem cây me tượng trưng cho kẻ tiểu nhân, thời xưa không ai trồng me làm cây cảnh, nếu có trồng thì chưng bày ở góc sân, sau hè, đặt cả câu thơ để mỉa mai: “Xưa mọc ngoài ranh với xó hè/ Nay trồng giữa chợ rạng danh me”. Trồng ở chợ cho có bóng râm che mát người đi chợ mà cũng bị chê, đúng là hẩm hiu! Người khó tánh, tình cờ gặp cây me gốc nào quá tốt, cổ quái thì họ trồng riêng, để ngoài xa, bên lu nước hay ngoài vòng rào.

Còn một cây nữa cũng bị coi thường, là cây khế. Me và khế bị coi nhẹ vì có cùng một “tội” là sanh trái chua. Vì vậy, trước đây giới chơi kiểng không chơi. Họ cũng không chơi loại cây có rễ phụ nhìn rất cổ quái là cây da vì “Cây da quá khôn ngoan, hễ nhánh vừa gie ra là rễ phụ mọc thêm thòng xuống đất để chỏi lên cho cây khỏi nghiêng ngả. Cây da thuộc vào loại có linh tính quỷ quái”, theo nhà văn Sơn Nam.

(Tranh: Phạm Công Tâm)

Chàng trai Châu Ro đi cùng nghe chăm chú nhưng có vẻ không để tâm lắm. Biết mình đã huyên thuyên về cây cối với một người đã đi rừng từ năm mười tuổi, tôi hỏi Tết rồi có về rừng chơi không, còn thấy phượng hoàng múa không? Quốc Anh trả lời giọng buồn buồn: “Có, nhưng đừng gọi là xem rừng nữa. Vào rừng bây giờ như đi xem rẫy mới phát thôi”.

Quốc Anh không còn vẻ sôi nổi như lần trước khi kể về chuyện săn đêm, những câu chuyện đầy huyền hoặc xa tít mù khơi. “Anh nghĩ coi, tám năm trời đi rừng, giăng võng ngủ đêm trên cây nào cũng nhớ rõ mồn một, bao nhiều lần thấy được chim Phượng hoàng múa. Giờ những cây ấy không còn, những cây rừng ngày xưa em đã khắc tên, nhắm mắt đi bộ cũng lần tới được.”

Suốt buổi hôm đó, Quốc Anh chỉ nói về rừng. Xã Phú Lý quê của Quốc Anh gần những khu rừng nổi tiếng: Nam Cát Tiên, La Ngà, Vĩnh An… Trước năm 1993, rừng La Ngà, Vĩnh An cây cối còn chưa bị tàn phá nhiều. Giờ mỗi lần về quê là thấy đau xót trước những khoảnh rừng còi cọc, loe hoe, trống trải. Nhớ ngày nào trên đồi, lỡ lăn xuống đã có dây leo, cây rừng, bám chụp. Giờ lăn một lèo là xuống… hố. Dây mây còn bị chặt để làm ghế. Những loại gỗ quý khoẻ đẹp, thẳng băng như mật đỏ, sao, dầu, quỷnh bị chặt trộm, cả cây nhỏ cũng bị chặt làm cừ. Lũ cây tạp như vằn, vè, lọ nồi cũng bị cưa làm củi.

Chiếc cầu bắc qua suối Xà Mách đến nhà già làng bị bung nhịp nhiều lần vì những bè gỗ lâu thả trôi sông. Mùa mưa, nước Lòng Hồ mênh mông ngập ruộng lúa, ngập nhà dân vì rừng phòng hộ đầu nguồn không còn đủ sức giữ nước được nữa. Giờ còn tìm đâu ra một cây bằng lăng mặt 20 (đường kính 20 phân). Đến thứ cây cầy gỗ cứng như đá vốn bị chê xưa nay giờ cũng bị triệt hạ nốt.

Còn đâu cảm giác đứng giữa rừng già xanh mát, hít thật căng hương rừng, lắng nghe tiếng chim hót véo von. Người đi rừng đứng ngơ ngác, trơ trọi giữa những khoảng trống không một tiếng chim…

Những thợ săn có lương tâm, tôn trọng lâm luật không còn muốn xách súng vào rừng nữa. Bầy voọc trước đây vẫn sẵn thịt cho thợ làm đồng ăn, e rằng sau ba năm là tiệt giống. Hồi xưa, ai thích ăn voọc đi bắn một vài con mang về nấu canh chua, xào lăn rất ngọt thịt. Giờ người ta kéo cả đoàn vào bắn đem bán cho các quán ăn mỗi lần vài trăm con. Lũ mèo rừng một ngày bị thiệt mạng độ năm chục con là ít. Voi cũng mất biến. Đến cheo, thứ thú nhỏ đông đảo, dễ săn, dễ tìm… trước đây mỗi đêm có thể săn được ba chục con. Tết này chỉ hai con sau cả ngày lùng sục. Riêng chồn thì đừng hòng có được nếu không đi săn dưới một tuần. Điều kỳ lạ đến đau xót là trong rừng cây lại hiếm khi nghe tiếng mang tác, vượn hú, những tiếng động lao xao của bầy thú hoang đi ăn.

Thật khó chịu khi nhớ lại chiếc đầu voi bị bẻ ngà mà Quốc Anh tình cờ phát hiện dưới đám lá mục. Lại nhớ đến những lần cậu bị chê là đồ khùng khi không chịu bắn con min, một loại trâu rừng. Những người săn thú không thể hiểu được tại sao anh bạn trẻ săn giỏi, tháo vát lại bỏ đi mối lợi lớn như vậy: Một đầu min bán cho người nước ngoài lúc ấy đủ tiền mua một chiếc xe Dream, là thứ xe máy cao cấp lúc đó.

Ở trường xa, mỗi khi ngồi nhớ về, trong tai Quốc Anh văng vẳng như có câu thơ mà thầy hiệu trưởng đã đọc cho đám học sinh người dân tộc thiểu số nghe:

Nhớ nơi làng xóm con con

Nhớ hương cây quế chon von trên đồi… (Hằng Phương)

Đó là lần gặp nhau cuối cùng giữa hai chúng tôi. Câu chuyện trên tôi đã đưa một số chi tiết vào một bài viết thời đó nên còn nhớ. Quốc Anh thoáng hiện một chút trong lần gặp ở trường dân tộc nội trú Đồng Nai và lần gặp ở Sài Gòn, như ánh chớp đi qua thời tuổi trẻ của tôi. Vậy mà nhớ mãi chàng trai Châu Ro khỏe mạnh mười tám tuổi có hàm răng trắng đều như bắp.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: