Chợ phiên lan rừng giữa Sài Gòn

Có khi việc ra lệnh hoặc làm luật nhằm bảo vệ diện tích rừng nguyên sinh và tài nguyên rừng ít ỏi còn lại ở Việt Nam chỉ giống như làm chơi, nói đùa. Hơn cả việc nói một đằng làm một ngã, trước khi rời cương vị Thủ tướng chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc đã ký chuyển đổi mục đích của 156 ha rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án làm sân golf của Tập đoàn FLC. Điều này gây xôn xao dư luận.

Nhưng việc phá rừng không chỉ nằm ở cấp cao và các tập đoàn lợi ích mà còn tạo ra phong trào cán bộ xây biệt phủ bằng gỗ quý, chùa chiền đua nhau mua sắm đồ gỗ cực phẩm, và giới dư của ăn của để ở đô thị đua đòi thú tiêu khiển chơi lan rừng, các chủng loại lan đặc hữu từ rừng giờ đây đã “nhập cư” đô thị, mà có người cho rằng không cánh rừng nào ở Việt Nam có nhiều lan rừng bằng ở các đô thị Việt Nam.

Thật ra, kể đến thú giải trí lúc thảnh thơi của người Sài Gòn xưa và nay thì không thể bỏ qua môn chơi phong lan. Trong các hiên nhà dân lao động hay sân thượng nhà phố, cảnh vài giò phong lan treo lủng lẳng dù có hoa hay chỉ toàn lá thì cũng biểu hiện cho thú chơi tao nhã của người ưng thể hiện phẩm cách sống riêng.

Khác hẳn với việc vài năm nay số dân học đòi phong lưu đua nhau chơi lan, dù đúng dịp tết hay chỉ là ngày thường, một số gia đình nhà cao cửa rộng hay các văn phòng công ty lớn, nhỏ lại không ưng trang trí bằng hoa kiểng quen thuộc nữa, mà hứng thú chưng khoe các chậu hoa lan giống ngoại quốc thiệt bự, đắt tiền. Trong tập Vũ Trung Tùy Bút của danh nhân Phạm Đình Hổ có đoạn: “Có người lại đánh cuộc xem là lan của ai dài hay ngắn, hoa lan của ai nhiều hay ít. Ôi! Như thế có phải là bản sắc của hoa đâu! Đó chỉ là lấy cái màu sắc rực rỡ, vẻ nùng diễm mà thưởng lan, chứ không biết lấy cái phẩm cách của lan mà thưởng lan”.

Thêm nữa, ngày nay, chuyện  ít ai ngờ tới là dân chơi lại “cách mạng” đổi sang chơi các loại lan rừng, và càng ngạc nhiên hơn khi nhu cầu ham chơi lan rừng dẫn đến chuyện có loại chợ như chợ phiên, chợ làng, bán các giống lan khai thác từ rừng giữa đường phố Sài Gòn.

Trên đường Thành Thái, quận 10, Sài Gòn, con đường ngắn vốn nổi danh có các quán nhậu bự và luôn đông khách ăn nhậu vào mỗi chiều, mỗi tối, nhưng nếu vào buổi sáng ngày thứ Bảy, Chủ nhật, bạn đến quán Ốc Một trên đường này, bạn sẽ được lạc vào phiên chợ kiểu chợ chồm hổm, chuyên bán các giống lan rừng. Kể cũng lạ, khi chủ quán nhậu này tạm dẹp chuyện phục vụ khách ăn nhậu vào buổi sáng, để chuyển qua tạo điều kiện cho cơn say mê lan rừng của dân chơi rảnh việc, rỗi công, kéo về từ khắp Sài thành đến ngắm nghía, chọn lựa các loại lan rừng hạp nhãn vừa tiền!

Hẳn nhiên các loại hoa lan rừng nơi đây đều được đưa về từ các khu rừng may mắn sống sót của Viện Nam. Có loại từ rừng Lào, rừng Campuchia… nhưng phần lớn vẫn có nguồn từ rừng miền Đông và Tây Nguyên. Trước đây mỗi dạo đầu mùa mưa, các bà con người dân tộc thiểu số vẫn mang lan rừng về bày từng dúm nhỏ trên vỉa hè, nhưng ngày nay thì họ chỉ cần sang tay cho các tay buôn người Kinh, thành ra hình ảnh quen thuộc các cánh lan rừng tuyệt đẹp và người thiểu số chân chất không còn trên phố Sài Gòn nữa.

Ở chợ lan rừng này, một vài nhánh lan rừng giống quí hiếm có trong sách đỏ sắp bị tuyệt chủng là một thứ báu vật dân chơi nào cũng ham muốn. Mới đây, các dân chơi lan đua nhau đồn thổi nâng giá đến tiền tỷ các giống lan rừng đột biến gen.

Trò chuyện với một ông trung niên, đeo kính gọng vàng, có vẻ là một tay săn lan rừng có nghề, ông cho biết tuần nào ông bận không dạo chợ được là tối ngủ cứ bức rức, với ý nghĩ vừa để vuột mất vài nhánh lan quý. Theo ông, chỉ có chừng bảy loại lan quý hiếm từ rừng nhiệt đới Đông Nam Á được người chơi săn tìm như lan Trúc Phật Bà, lan Trầm Tím, lan Giả Hạt, lan Đơn Cam, lan Hoàng Thảo Kèn. Lan Long Tu… còn giá thì đáng tiền trăm hay tiền triệu thì còn tùy vào chất lượng. Khi chúng tôi hỏi qua vài giống lan rừng quen thuộc xưa nay như lan Đùi Gà, Chuỗi Ngọc, Trúc Mành… thì ông cười nói, mấy loại thường đó chơi cũng được nhưng không sướng con mắt lắm.

Nhìn các dúm lan rừng bày trên nền gạch ở chợ này thấy cũng không khác mấy các chợ chiều bán rau cải; nếu có chút khác biệt thì chỉ là bên trên từng dúm lan rừng tươi có, khô có, người ta để thêm vài tấm hình lan nở bông để minh họa dụ người mua mới biết chơi, Nhìn một cậu thiếu niên nâng niu trong lòng bàn tay một dúm lan nhỏ như bụi cỏ rồi trả giá với người bán, người không thích chơi lan rừng cho là cậu ta nên để số tiến đó uống ly trà sữa có khi tốt hơn, vì chắc gì dúm lan đó có thể bám được vào đời sống thị thành chật chội ô nhiễm.

Còn nhớ cách đây chừng hơn chục năm, lan rừng các loại có giá chỉ 20-50 ngàn đồng/cây và trồng lan rừng chưa thành phong trào như bây giờ. Lan đẹp, lan hiếm cũng nhiều hơn, lan được đổ đống người mua tha hồ chọn lựa nhành lan ưng ý. Thông tin cũng cho biết, dẫu thỉnh thoảng chính quyền có “biểu diễn” bắt bớ người khai thác lan rừng, có vụ số lượng lên đến hàng trăm ký lô, nhưng lại cho phép các chợ nhóm, chợ phiên khắp Sài Gòn và nhiều tỉnh thành bày bán vô tư lan rừng; và số dân tự xưng là giới sưu tập các giống lan rừng cứ tăng theo cấp số nhân, trong khi các cánh rừng nguyên sinh và hàng ngàn giống lan rừng từng ngày bị hốt liền khỏi rừng bán về nhà dân sưu tập, các giống lan rừng quý hiếm lại là thứ đồ chơi ngày càng nhiều tiền hơn mới chắc mua được.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: