Hẻm nhỏ Tân Định

Trong một con hẻm Sài Gòn, 1965 (ảnh: Jero/Pix/Michael Ochs Archives/Getty Images)

Cả tuổi thơ của tôi nằm ở con hẻm 146 Hiền Vương. Gọi là hẻm, nhưng hẻm khá rộng, mặt đường tráng nhựa xe đưa rước học sinh tránh nhau được, dẫn vào trường La San Đức Minh ở cuối hẻm. Ngôi trường này sau 1975 đổi tên. Giờ đây chẳng ai còn biết tên, trừ nhưng người còn chút nặng lòng ký ức với nó.

Hẻm dài hơn trăm mét, mà bày bán đủ thứ, đổ xí ngầu, quay số lấy kẹo kéo hay lấy truyện tranh, hàng ăn vặt, cóc xoài, me chua tầm ruột… thì vô kể. Nhà tôi nằm khoảng giữa hẻm, có quán cà phê chú Ba (Tàu). Nơi đây tôi thấy mỗi sáng khách ngồi bên bàn tròn, uống cà phê pha vớ, đổ ra dĩa để mau nguội, rồi húp. Có khi ăn với bánh bao, bánh tiêu, giò cháo quẩy, xíu mại… Sau này đọc bài Thú uống cà phê của Bình Nguyên Lộc, tôi thấy đúng y như thế. Tôi mường tượng ra được hết, nhớ cả ông khách ngồi trầm ngâm bên dĩa cà phê nguội ngắt suốt buổi sáng.

Hẻm nhỏ, nhưng nhiều ngõ ngách chằng chịt. Chính những ngõ ngách này mà tôi có những năm tháng tuổi thơ rất thật là… tuổi thơ. Về nhà tôi có bộ mặt khác. Đầu hẻm 146 là đường Hiền Vương, bên phải có quán phở gà, đối diện con đường Duy Tân. Những năm 1964-1965, khuya khuya, tôi còn thấy tướng Kỳ râu đi xe Huê Kỳ cùng đàn em tới đây ăn phở.  Bên trái hẻm có hẻm nhỏ (cụt), có xe mì chú Xuân. Thỉnh thoảng (lắm) tôi mới được mẹ dẫn ra ăn mì ở đây. Tôi ăn, nhưng bà không ăn, chỉ đứng nhìn thằng con ăn.

Tôi vẩn vơ nhìn tranh vẽ trên kiếng của xe mì, lẩn thẩn hỏi chú Xuân hình gì. Đó là những ngày đầu tiên tôi biết ông Quan Công râu dài, Lã Bố hý Điêu Thuyền… Sau này đọc sách mới biết chị Điêu Thuyền có bà con với anh Lê Văn Tám. Được mẹ dẫn xe mì ăn có cái thú, nhưng ăn xong lại tiếc. Giá mà mua mì về nhà, tôi có thể cho thêm cơm nguội vào nữa. Cơm nguội với nước lèo mì, ngon vô cùng. Cách nay cũng chục năm, tôi ghé hẻm xe mì chú Xuân, chắc là con cháu chú đứng bán. Trước đây xe ở bên trái hẻm, bây giờ chuyển qua bên phải. Tôi hỏi thăm chú Xuân. Bà già đứng gần đó, nắm lấy tay tôi, giọng rưng rưng: Ông còn nhớ hả?

Sài Gòn xưa với ký ức hàng rong, 1965 (ảnh: Keystone-France/Gamma-Keystone via Getty Images)

Con hẻm vùng Tân Định này chỉ dài hơn trăm mét, là khu xóm bình dân mà hàng ngày tôi được nghe vọng cổ, nhạc sến, nhạc xổ số, nhạc tuyển chọn ca sĩ… Đấy cũng là nơi lần đầu tôi nghe được bản Tình Bắc duyên Nam. Dù là con nít nhưng cũng mang máng, “tình” là chuyện trai gái, còn “duyên” thì chịu! Thắc mắc hoài… Sau này, đến khi hiểu được “duyên” thì… hết phim!

Đầu hẻm 146 Hiền Vương, quẹo phải là nhà bà Tám Đèn. Tôi học được từ bà Tám những tiếng chửi thề tục tằn mà không hiểu gì cả, về hỏi mẹ. Bà nghiêm mặt, cấm tôi không được nói theo những lời đó. Tôi không hiểu vì sao, không dám hó hé nhưng vẫn ghim trong đầu. Sau này lớn lên, tôi mới biết đó là những câu chửi thề tục tĩu nhất trên đời. Cuối đời nghe nói bà Tám quy y tại gia, ăn chay trường.

Nhà tôi có gác gỗ. Cái lan can ọp ẹp là nơi mỗi lần bị mẹ “tạm giam”, tôi ngồi bó gối đọc, đọc đủ thứ từ sách quốc văn, báo, truyện… hay bất cứ thứ gì có chữ. Đọc cả Minh Tâm Bửu Giám. Quyển này ba tôi bắt đọc. Tôi chỉ cầm sách này mỗi khi cần “diễn tuồng” chăm chỉ, chứ có hiểu gì đâu. Cọp nhí sa cơ nhìn qua lan can như nằm trong cũi gỗ, đôi khi buông sách, mơ màng về cuối hẻm, là nơi một cõi giang hồ tuổi thơ đàn đúm, rong chơi chỉ với quần xà lỏn, chân đất…

Cuối hẻm, chắn ngang là trường Lasan Đức Minh, nơi tôi học những năm tiểu học. Trước khi “đụng” trường, có hai hẻm nhỏ. Biết bao dấu ấn tuổi thơ của tôi nằm ở hai hẻm nhỏ này, chứ không phải ngôi trường gạch xây thời Tây. Hẻm rẽ phải rộng, băng ngang qua Nhà thờ Tân Định, rồi ra đường Hai Bà Trưng, một trong những con đường phồn hoa bậc nhứt Sài Gòn lúc bấy giờ. Tôi lui tới con đường đó dè dặt, trừ khi mạo hiểm đi qua Xóm Chùa, hay đi xinê cọp ở rạp Văn Cầm, dọc theo Hai Bà Trưng xuống cầu Kiệu. Bây giờ cầu vẫn còn nhưng rạp đã mất, thay vào là trụ sở ngân hàng bề thế.

Hẻm rẽ trái nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, đâm ngang xẻ dọc, có thể ra Nguyễn Đình Chiểu (nay là Trần Quốc Toản), thẳng luôn qua Huỳnh Tịnh Của. Cũng có thể ra cuối Pasteur, gần Phở Hòa bây giờ, hay trổ ra Hiền Vương, đi ngược về hẻm 146. Ngóc ngách như thế là nơi lý tưởng để tuổi thơ của tôi đi giang hồ vặt, là chốn dung thân khi bị truy đuổi vì phá phách hàng xóm… Tôi chưa từng rơi vào tay “kẻ thù” ở con hẻm ngoằn ngoèo này, nhưng chính con hẻm này, tôi nhiều lần phải “đấu trí” với sự kiên nhẫn và trầm tĩnh của mẹ tôi.

Một góc Sài Gòn, 1965 (ảnh: Stuart William MacGladrie/Fairfax Media via Getty Images)

Phông tên nước đầu hẻm 146 là nơi tôi “tẩy trần”, mặc áo, xỏ dép, rón rén về nhà trình diện mẹ với bộ mặt hiền lành của đứa con ngoan. Mẹ tôi chẳng nói gì. Người hùng đường phố tối về rúc nách mẹ, gối đầu lên cánh tay mẹ ngủ. Bà thủ thỉ hỏi tôi những chuyện ban ngày, đi chơi những đâu, đi với ai… Tôi gần mẹ hơn gần cha, chuyện gì cũng kể với bà. Người hùng thật thà khai báo hết, có khi còn mắm muối theo trí tưởng tượng của trẻ thơ. Vài ngày sau, bà mới gọi tôi lại dặn dò, không được ra chơi ở đấy vì lý do này nọ, hay không nên chơi với những bạn này vì chúng hay chửi thề, không chịu học hành… Tôi chột dạ im lặng.

Trong thâm tâm tôi, lũ bạn lối xóm là những tay “giang hồ”. Tôi thích chơi với chúng vì học được đủ thứ trên đời, nghe những chuyện phiêu lưu mơ mộng. Với tôi, đám bạn đó là những thằng anh em nghĩa khí, có chơi có chịu, thà bị đòn chứ không khai ra đồng bọn, không như tụi bạn học ở Lasan Đức Minh có máu “nội phản”, hơi một tí là vào méc mẹ tôi. Tôi không thể bỏ rơi những người anh em mình được! Tôi không cãi mẹ, nhưng vẫn lén lút giao du…

Tối đến, mẹ tôi tỉ tê hỏi. Lần này bản năng tự vệ trỗi dậy, tôi trả lời vu vơ, chẳng đâu vào đâu. Mẹ tôi cũng chẳng nói gì. Tôi yên trí, mình đã qua mặt được bà! Tính mẹ tôi trầm tĩnh. Tôi phạm lỗi gì ít khi bà la mắng ngay mà để vài ngày sau mới nhỏ nhẹ nói chuyện phải quấy. Kiên nhẫn, không nổi nóng bao giờ, nhưng mẹ tôi lạt mềm buộc chặt, thành thử tôi sợ cha ngoài mặt, nhưng sợ mẹ trong lòng – Sợ bà bắt tẩy thì đúng hơn. Cho đến giờ, những lời dạy dỗ nhỏ nhẹ đấy vẫn còn như in trong đầu.

Ít khi mẹ âu yếm tôi, mặc dù tối vẫn vỗ về tôi ngủ. Nhưng tôi cảm nhận được tình thương của bà, thậm chí còn biết bà thiên vị tôi hơn hai bà chị. Nhớ có một lần, nhà tôi tổ chức “cầu cơ”. Ba tôi không tin những chuyện nhảm nhí này, nhưng có người lính gần nhà nói, anh có được miếng ván hòm đẽo thành hình trái tim, cầu cơ rất linh. Ba tôi tò mò, muốn thử. Con cơ lướt nhanh trên tờ giấy ghi 24 chữ cái và số từ 0 đến 9 để trả lời câu hỏi của người cầu cơ. Tôi không còn nhớ nội dung những câu hỏi và trả lời buổi hôm ấy, nhưng đêm đó tôi không ngủ được, mắt mở thao láo nhìn lên trần nhà. Mẹ tôi sợ tôi bị ma ám, ôm chặt tôi vào lòng. Lần đầu tiên tôi nhận thức được cảm giác ôm chặt đó ấm áp biết chừng nào. Cái cảm giác được bảo vệ, được che chở. Kẻ “giang hồ nghĩa khí” cũng cần vòng tay mẹ.

Sài Gòn 1969 (ảnh: Bettmann/Getty Images)

Mẹ tôi bán xôi dạo. Những con hẻm ngóc ngách mà tôi xưng hùng xưng bá, mẹ tôi đi qua hàng ngày. Khách hàng của bà chắc không kiệm lời để phàn nàn về thằng con của bà. Bà biết hết, nhưng về nhà vẫn kiên nhẫn lắng nghe những câu đối phó vu vơ của nó. Nhà tôi dọn khỏi khu Tân Định năm tôi chín, mười tuổi, nhưng chỉ năm sau, tôi lại duyên nợ tiếp bốn năm với Tân Định, khi thi đậu đệ thất vào trường công lập Trần Lục, đầu đường Nguyễn Đình Chiểu, ngó xéo qua chợ Tân Định.

Sau này, có lần đi ngang hẻm 146 Hiền Vương, tôi ngẩn người trước bao thay đổi. Phông tên nước không còn. Con hẻm có vẻ hẹp hơn vì người ta xây nhà lấn hẻm. Trường Lasan Đức Minh đã đổi tên thành trường cán bộ đảng… Tôi tần ngần nhìn vào căn nhà cũ đã được xây khang trang hơn. Sự thay đổi khiến tôi cảm thấy hình như không phải tôi trở về xóm cũ, mà trở về với ký ức tuổi thơ, con đường cuối hẻm rẽ phải, rẽ trái. Hơn sáu mươi năm rồi còn gì…

Vật thể năm xưa có còn nữa đâu! Tôi chỉ nhìn nuối theo với chút ký ức tuổi thơ. Nếu phải chọn giai đoạn nào trong đời mình để sống lại, tôi sẽ chọn những ngày sống ở hẻm 146, đường Hiền Vương, Tân Định. Cả tuổi thơ sống động như thế, chỉ trải dài ký ức trên vài trang giấy. Biết bao nhiêu chữ cho vừa?

Tôi nhìn con hẻm thật lâu. Tôi nhớ cái lan can ọp ẹp, nhớ những trang sách, nhớ những mơ mộng giang hồ vặt. Rồi tôi bỗng nhớ mẹ tôi, nhớ cái ôm chặt của bà trong đêm cầu cơ. Đứa con nào, dù lớn tuổi đến đâu, vẫn nhỏ bé trước con mắt của mẹ. Không gọi là thằng (già) của mẹ mình thì gọi là gì?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: