Sài Gòn, phải sống!

Sài Gòn thoi thóp, thức cũng như ngủ, im lìm, giữa những xáo trộn chấn động tâm can (ảnh: Minh Hòa)

Mình thương Sài Gòn quá… Người bạn đang ở Mỹ thổn thức. Những ngày này, nỗi nhớ thương về Sài Gòn của người phương xa trĩu nặng niềm đau. Sài Gòn của bây giờ khắp nẻo tan hoang. Sài Gòn của nhiều năm đổi thay mất mát chưa từng nguôi ngoai. Sài Gòn của những vết thương cũ – mới chồng lên nhau, nhức buốt…

Ai đó đang làm gì với Sài Gòn vậy? Nhiều người đã bật lên thảng thốt. Cả những người vốn đủ tri thức khoa học, đủ hiểu biết xã hội để bình tĩnh từ đầu mùa dịch giờ cũng liên tục gởi lời cảnh báo đến các cơ quan chức năng. Chính quyền kêu gọi người dân nhẫn nại hợp tác, nhưng những bất nhất trong phát ngôn, những hành động không thể hiểu nổi khiến Sài Gòn rơi vào cơn hoảng loạn. Có người đã tin vào khuyến cáo phong thành là tin giả mà lỡ cả chuyến đưa gia đình về quê, bị kẹt lại giữa tứ bề khốn khó. Có người có nhà không dám về vì sợ lây bịnh làm khổ người thân, cũng có người tháo chạy khỏi vùng cách ly, phong tỏa tìm đường về nhà để sống chết có nhau…

Trạm gác dây giăng vào sâu trong hẻm nhỏ. Lòng người bất an. Cậu em kể lại câu chuyện nhận tiền hỗ trợ ở một khu dân cư nghèo:

“Ba mẹ em đi nhận tiền cứu trợ ở phường về, nói đã làm việc tốt rồi, em nghe xong nổi khùng, lên đòi cho bằng được. Cứu trợ khẩn cấp mà làm cho có, hơn một triệu mà hành lên hành xuống. Tới khi ra ký nhận thì họ nói với ba mẹ nhường cho người nghèo hơn, ba mẹ ký xong đi về mà không nhận tiền. Em đi lấy cũng nói y vậy. Ủa, không nghèo sao có mặt được trong danh sách của mấy người, cứ theo danh sách mà phát đi, tui nhường cho ai là quyền của tui. Em lấy cho bằng được rồi về góp lại cho lại mấy cô chú trong xóm. Điên dễ sợ. Hôm trước có nhóm thiện nguyện vô khu phố phát 2,000 phần quà, đã đăng ký với phường, phiếu cũng phát xong rồi, dân chỉ đến nhận thôi. Bên dân vận nói để họ phát 400 phần, bên “Mặt trận” cũng mang băng rôn phát quà xuống, nhóm thiện nguyện không chịu, vậy là không cho phát nữa, nói dịch bệnh không được tụ tập! Mẹ em cùng một số cô chú trong khu phố phải đi gom phiếu lại nhận quà rồi đưa cho từng nhà…”.

Sài Gòn là xứ “đầu đường xó chợ thương nhau” (chữ của Bùi Giáng), nghĩa khí giang hồ tứ phương đủ lớn để khiến cho kẻ lọc lừa chùn tay. Nhìn thực trạng bây giờ, sau mỗi cơn hoạn nạn, rồi cũng chỉ có đầu đường xó chợ là thật lòng thương nhau và thương trúng chỗ. Dân biết dân cần gì khi san sẻ cho nhau từng hộp cơm, từng bó rau, con cá… Biết chỗ nào đang cần, đang thiếu, hơn là những trò trình diễn trên mặt báo.

Nhưng có thể kéo dài cuộc sống như vậy trong bao lâu? Ai có thể đảm bảo sau thời gian phong thành thì Sài Gòn có thể lấy lại nhịp sống bình thường, khi các địa phương kết nối với Sài Gòn cũng đã bước vào vòng cái Chỉ thị 16?

Có thể kêu gọi mọi người bình tĩnh sống là người chưa từng sợ hãi vì đói.

Có thể tự trào lúc này là người không phải ôm đứa con khát sữa trên tay mà không ra được khỏi khu trọ ổ chuột.

Nhưng không phải đợi đến khi phong thành Sài Gòn mới tê liệt.

Ai có thể xoay sở nổi, xoay sở kịp trước những quyết định kiểu 0 giờ? Chỉ những kẻ không chạy ăn từng bữa, nhà không có người già, trẻ nhỏ cần chăm sóc mới đứng ngoài mà chửi dân chen lấn kiếm cái giấy xét nghiệm để qua trạm, chen lấn mua mớ rau, con cá với giá cắt cổ… là ngu xuẩn. Mọi thứ bây giờ đều vin vào con virus mà đổ tội. Rồi tất cả sẽ qua thôi, phải không? Dân Sài Gòn có thừa “kinh nghiệm” để tự lo cho mình trước khi trông đợi vào chính quyền, nhưng cái giá phải trả lại là những thứ không thể thống kê được. Và với nhiều người, nhiều gia đình đó là những mất mát không thể hồi phục được nữa.

Hơn một năm qua Sài Gòn thắc thỏm trước các quyết định hành chính đóng mở. Cô giám đốc một công ty truyền thông ở Sài Gòn đêm qua bật khóc vì không còn nơi vay để trả lương giữ chân nhân viên. Cố gắng cầm cự qua mùa dịch, nhưng mùa nối mùa, từ Tháng Ba 2020 đến giờ khi nào thì qua? Các gói cứu trợ hết lần này đến lần khác không tới lượt cô được nhận.

Người lao động tay chân, buôn bán nhỏ bây giờ còn khốn khổ hơn. Chợ truyền thống đóng cửa và chính quyền tìm nơi mở các điểm bán lưu động giải tỏa bớt lượng người đến siêu thị. Chợ đầu mối đóng cửa và chính quyền đang thành lập trung tâm trung chuyển nông sản, thực phẩm. “Chữ nghĩa” lừa lọc và tàn nhẫn!

Bạn bè đang ở tâm dịch kể những câu chuyện buồn mỗi ngày, chỉ cách cho nhau sống sót. Hôm nay nhận được một tin buồn. Gia đình một người bạn nhiễm covid cả nhà, bị đưa đi cách ly. Bạn là người đàn ông trụ cột trong gia đình ngất xỉu trước phải đưa điều trị ở một nơi khác. Mọi thứ rối bời trong lo lắng, bất an.

Tôi không dám hô khẩu hiệu Sài Gòn cố lên, chỉ ước gì người Sài Gòn không phải cố sống, phải sống trong một nghịch cảnh có thể tránh được hay ít nhất là giảm nhẹ được mức độ tàn phá của nó…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: