TẾT ÔNG TẠ 2021 – Hương nồng Tết “Bắc di cư”

Ông Tạ không chỉ có bánh chưng mà còn có cả bánh tét, Bắc – Nam một nhà – Ảnh: CMC

Bài và ảnh: CÙ MAI CÔNG

Ông Tạ – Sài Gòn ngày 10-2-2021, 29 Tết. “Trời không mưa nhưng nhiều mây”. Gió nhè nhẹ, man mát. Thời tiết như vậy là Tết (Sài Gòn) lắm.

Thế nhưng, “mệnh trời bắt gian truân”. Khoảng chục ngày này, Covid-19 bùng phát bất ngờ ở cả nước. Khu Mả Lạng giữa Sài Gòn hàng ngàn dân và nhiều khu khác bị phong tỏa. Phố Ông Đồ trước Nhà văn hóa Thanh Niên, Cung Văn hóa Lao Động đóng cửa. Hàng trăm cội mai (hoa giả) khu vực này trơ trọi trong gió đông, tả tơi khung tre, mái lá. Phố đi bộ Bùi Viện hiu hắt vì nhà hàng, quán bar, pub ở đây thuộc những loại hình kinh doanh không thiết yếu, bắt buộc đóng cửa. Hoa Tết khắp nơi lặng lẽ, ế ẩm… Chiều 9-2, sau khi có lệnh tạm dừng các hoạt động văn hóa, giải trí, kinh doanh không cần thiết, đường phố Sài Gòn càng trở nên vắng vẻ. Chợ hoa tại Công viên 23 Tháng 9 (quận 1) giữa Sài Gòn xưa buồn hiu hắt. 33 điểm bị phong tỏa “từng bước từng bước thầm” đã đành, các cửa hàng gần đó cũng phải tạm dừng hoạt động. Lễ lạc ở các chùa chiền, nhà thờ phải ngưng…

10g sáng 10-2-2021, 29 Tết, mẻ bánh đêm năm nồi lớn của tiệm Gia Nguyễn đã không còn tấm bánh nào. Khách phải chờ mẻ chiều – Ảnh: CMC
10g sáng 10-2-2021, 29 Tết, mẻ giò đêm của tiệm Tân Hương trên đường Phạm Văn Hai, cạnh chợ Ông Tạ cũ cũng không còn cây giò nào – Ảnh: CMC

ÔNG TẠ GIỮA CƠN “BA ĐÀO”COVID-19

Khu Ông Tạ và ngoại vi đợt này cũng trong cơn ba đào khi một số điểm phong tỏa ở vùng ngoại vi của mình, cũng có thể tính là Ông Tạ. Trong 33 điểm phong tỏa (tính đến chiều tối 9-2), khu Ông Tạ và ngoại vi Ông Tạ có mấy điểm:

  1. Quán phở A75 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình
  2. Công ty TNHH Dịch vụ Việt Trung Sơn – 24 Tân Canh, phường 1, quận Tân Bình
  3. Bún chả Hoàn Kiếm Hà Nội – 1 Phạm Văn Hai, phường 1, quận Tân Bình
  4. Hẻm 29 Bùi Thị Xuân, phường 2, quận Tân Bình
  5. Hẻm số 2 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình
  6. Quán cafe 11 Đặng Văn Sâm, phường 2, quận Tân Bình.

Có bệnh nhân Covid-15 trong cùng hẻm 130 trên đường Phạm Văn Hai, gần đường Tân Sơn Hòa, gần chợ Phạm Văn Hai. May mà ngành y tế chỉ yêu cầu cách ly nhà này… May nữa, “ông F1” làm ở sân bay đi lễ nhà thờ Sao Mai, khu Nghĩa Phát đã cho kết quả âm tính. Bà con giáo dân Sao Mai thở phào. Nhà thờ này quả vất vả. Năm ngoái, một giáo lý viên của nơi đây đã dương tính Covid-19, một số em học giáo lý phải đi cách ly tập trung ở Củ Chi. Như các nơi khác, siêu thị vùng Ông Tạ rơi vào cảnh nhiều khách hàng ngại đến. Chợ Phạm Văn Hai cũng không vui vẻ gì. Thế là hàng hóa kiểu Bắc khu Ông Tạ bỗng vùng lên “tái chiếm lãnh thổ”.

“TẾT MÀ”

Hàng ngàn ký kẹo lạc Quế Hương bọc vuông vức, ăn giòn, vị ngọt thanh như từ thuở 1954 chứ không cứng quèo như nhiều thanh kẹo lạc hôm nay, từ lò kẹo trong hẻm 822 Cách Mạng Tháng Tám bỗng bán chạy hơn. Trước cửa hàng kiêm lò giò chả Tân Hương ngay bên ngoài chợ Ông Tạ cũ, anh em mình tin không, khách phải xếp hàng từ sáng sớm. Lò này gần nhà ông Phán “giò” xưa của chợ Ông Tạ cũ, không rõ có liên quan gì không. 9, 10 giờ sáng 10-2, khách nào ghé đây coi như chưng hửng về không vì không còn cây giò nào. Bánh chưng ở đây thì 12g trưa cũng không còn tấm nào.

Lò giò chả ông Dũng trước chợ Phạm Văn Hai cũng nổi tiếng khu vực chợ này. Giò chả ở đây cũng như nhiều lò giò chả khác của cả nước, giờ hiếm ai giã tay như thời Ông Tạ xưa. Miếng thịt xay máy cho ra miếng giò bớt dai, bớt chắc. Nhưng hình như do thói quen làm ăn đàng hoàng, tử tế cũ, đa số lò giò chả Ông Tạ không dùng phụ gia “ma quái” như hàn the chẳng hạn, bột thêm vào có nhưng cũng ít hơn; chiên ăn, miếng giò cũng phồng, nhưng không như bánh phồng tôm ở nhiều nơi khác. Ông Tạ còn vài chục lò như thế, lò nào cũng ngon: miếng giò dai, không bở, cắt ra thơm phức… Cách đây hai, ba tuần, Quản lý thị trường kiểm tra thực phẩm chợ Phạm Văn Hai, xét nghiệm tại chỗ, chưa thấy mẩu nào có vấn đề.

Mẻ bánh đêm 7-2, 26 Tết trên đường Phạm Văn Hai – Ảnh: CMC

Lò bánh chưng Gia Nguyễn cạnh trụ sở Công an phường 3, cách một căn là tới lò giò chả trong hẻm (gạch cát) Phú Đức xưa từ rằm tháng Chạp tới giờ, bốn năm nồi bánh chưng tổ bố bày trước nhà, đỏ lửa suốt đêm ngày. Bánh chưng ở đây nấu lò ga chứ không dùng củi. Mấy bình ga cao to như bình hàn gió đá thay ga liên tục. Khác với những tấm bánh chưng Ông Tạ thường gói mộc, gói tay, không dùng khuôn và bự chảng 2-3 ký (có lẽ do đa số nhà Ông Tạ xưa đông con cháu nên tấm bánh rất to; mỗi lần ăn phải xả hai bánh mới đủ chia) thì tấm bánh lò này to nhất chỉ 1,5kg. Bánh nhỏ 750gr. Chỉ hai loại.

Thợ khéo gói, khéo châm nước, canh bánh nên bánh lò này ra tới đâu, hết tới đó. Nhiều khách ra về tay không vì hết bánh. Nấu ngay vỉa hè, gói ngay trước mắt thiên hạ, ai qua cũng thấy. Khách ăn toàn dân Ông Tạ ăn uống vốn kỹ tính mà tới giờ cũng không điều tiếng gì. Bánh lò này rền lắm: dẻo đều hạt nếp chứ không có chuyện “lại gạo”, nếp không quá dày; nhân hai loại: mỡ nhiều hoặc nạc nhiều, tùy gu khách, thơm nhẹ hạt tiêu chứ không cay nồng… Nấu, ép bánh xong, chờ nguội, ép chân không luôn; để dành 5-7-10 ngày như không. Tết này, chỉ lò này, mấy ngàn tấm bánh chưng đã lên bàn cúng, ra mâm cỗ Tết Bắc 54 Ông Tạ.

Xe phở cụ Khang 60 năm sau ngõ Cổng Bom xưa vẫn còn đây, đêm 8-2-2021, 27 Tết – Ảnh: CMC

Nhà tôi cách lò này trăm mét mà canh mua khi bánh mới ra cũng có lúc không được. Đãi anh em sân võ, tôi cũng đãi bằng bánh chưng Ông Tạ, giò chả Ông Tạ Cắt bánh, cắt giò ra, thơm phức… mùi lá chuối, lá dong chứ không “vô duyên” như mấy cây giò gói bằng nylông in hình lá chuối ở vài cửa hàng lớn của Sài Gòn: cắt giò, thân giò không xanh, không thơm lá chuối; lại không… “sinh thái”. Thói quen làm ăn đàng hoàng, tử tế của bà con Ông Tạ vốn có từ hồi Bắc 54 chân ướt chân ráo tới đây. Ít ai chú ý hàng hóa khu Ông Tạ xưa giờ đều không nói thách, giá cả thuộc hàng rẻ nhất Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn rồi nên cứ “có sao nói vậy người ơi”. Ai ở đây, đi chợ khu này đều biết: ít ai trả giá.

Nhớ xưa, khi còn rào đường Thoại Ngọc Hầu từ 23 Tết để bung chợ, các quầy sạp kề nhau trên lòng đường đều thuận hòa lắm, chả thấy giành chỗ, chửi nhau lấn chỗ bao giờ. Không chỉ ở đây, dọc đường Phạm Hồng Thái xưa (nay là Cách Mạng Tháng Tám), đoạn qua ngã ba Ông Tạ, dài từ Bắc Hải lên tới ngã tư Bảy Hiền, bà con Ông Tạ cứ tự chia nhau, sắp xếp chỗ ngồi bán. Càng chen chúc, đông vui càng đắt hàng. Trưa chiều ăn uống mời nhau “xơi” chung “vui như Tết”. Thích lắm. Đầm ấm lắm. Chả mất gì mà chỉ được. Được khách, được chủ, nói như bây giờ: “Đôi bên cùng có lợi”…

Nụ hôn của con gái dành cho cha ở chợ lá dong Ông Tạ đêm 8-2-2021, 27 Tết – Ảnh: CMC

Chợ Nghĩa Hòa, Nam Hòa, khu chợ Ông Tạ cũ lẫn mới (hẻm Gà) bỗng vui hơn. Covid thì đi chợ nhà. Thanh niên nam nữ phát hiện chợ nhà mình chả thiếu thức gì, ăn lại lành. Bà cụ bán gấc, chuối hột khô đầu một con hẻm gần ngã ba Ông Tạ vẫn đĩnh đạc ngồi bán, thỉnh thoảng móc điện thoại loại cũ ra bấm nhoay nhoáy. Tiệm tạp hóa Hồng Thắm bán từ bột sắn, trà Bắc, lá dong… cho tới bài bất, tổ tôm vẫn mở cửa suốt đêm. Xe phở cụ Khang 60 năm nay vẫn ấm bụng khách ăn đêm. Xe cháo lòng bà Quất lừng danh Ông Tạ tuổi đời hơn nửa thế kỷ, trước rạp hát Đại Lợi xưa (nay là một trung tâm hội nghị tiệc cưới) vẫn đón khách sành ăn đêm đến 1, 2 giờ sáng… Và tiệm bánh kẹo Tiến Thành, đầu ngã ba Ông Tạ, như Tôn Ngộ Không dụng phép phân thân, giờ thành ba tiệm Tiến Thành, đều ở khu Ông Tạ; đều bánh cốm, bánh in, trà Bắc, mâm quả cưới…

Trung tâm lá dong khu Ông Tạ, trước trường Tân Bình trưa 2-2-2021. Nói “trung tâm” vì lá dong bày bán khắp khu Ông Tạ – Ảnh: CMC

Tất nhiên lá dong vẫn tràn ngập khu Ông Tạ, từ đầu hẻm 148 ra ngã ba, tập trung trước trường Tân Bình, buôn bán suốt ngày, cho hàng ngàn bếp lò Ông Tạ đỏ lửa suốt đêm “trông bánh chưng chờ trời sáng”. Một giờ sáng 10-2, 29 Tết, chợ này đã xong nhiệm vụ tết của mình, các sạp hàng đã thu dọn từ tối 9-2. Chỉ còn một sạp, có lẽ ở xa, để sáng dọn xong về nhà luôn… Tết Ông Tạ giờ không như xưa, cái này không nói ai cũng biết. Cũng chẳng lạ vì đâu đâu chả vậy. Nhịp sống Sài Gòn luôn thay đổi mạnh hơn nơi khác. Như người Ông Tạ 1975 đã khác người Ông Tạ 1954. Người Ông Tạ 2000, 2020 càng khác. Chỉ cái chất Bắc xưa là còn, truyền đời tử đời tôn…

Năm nay sang năm Covid-19 thứ hai. Chắc chắn dân Ông Tạ cũng như bà con khắp nơi trong nước và Sài Gòn cũng sẽ bị ảnh hưởng mạnh lắm. Ra giêng có lẽ khó khăn hơn. Phòng dịch là phải phòng, cái này không đùa được. Những người xếp hàng mua giò chả Tân Hương, chen mua bánh chưng Gia Nguyễn, đi các chợ khu Ông Tạ mua sắm… ai cũng khẩu trang, ít nhiều giãn cách. Trong lúc “mong ước ngày sau như là ngày trước” thì Ông Tạ thì vẫn “Tết mà”. Khổ cực, vất vả như hồi 1954 thì cũng phải ăn Tết đã. Cũng đã “lây” tính người Nam lâu rồi: “Tới đâu hay tới đó”. Ra giêng tính…

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: