Tìm Sài Gòn trong tim – những thước phim ngày cũ

Kiến Thiết, Lò Heo, Cầu Cá của tôi cũng như cả Sài Gòn nay đã đổi thay với bao tên đường lạ hoắc, nhưng vẫn không thể lấy mất nơi tôi cái cảm giác thân thương. Quê hương dù thương, dù ghét, dù xấu, dù đẹp vẫn là quê hương. Cái cảm giác gần gũi nôn nao không hề có khi du lịch những vùng đất khác trên thế giới.

Từ hướng Sài Gòn đi xuống cầu Trương Minh Giảng, ngang qua nhà thờ Vườn Xoài, tới đường Trương Minh Ký (thời Pháp thuộc có tên Eryaud des Vergnes, nay là Lê Văn Sỹ), vượt qua cổng xe lửa số Sáu, quẹo trái là đường Nguyễn Huỳnh Đức nối dài (nay là đường Huỳnh Văn Bánh). Đúng thật là “nối dài” vì nó chạy ngoằn nghoèo, số nhà chồng lên số nhà “mút mùa lệ thủy”, cho đến khi khựng lại vì con kinh Nhiêu Lộc chắn ngang. Nơi đó là khu dân cư có tên gọi Kiến Thiết, hoặc được gọi là xóm Tân Hòa, Cầu Cá và Lò Heo.

Khu Kiến Thiết thuộc ấp Tây Ba, xã Phú Nhuận, quận Tân Bình thời Việt Nam Cộng Hòa được xây dựng từ những năm 1957-1960, gồm khu Ngói Trắng và khu Ngói Đỏ. Khi mới thành lập, khu Ngói Trắng chưa đầy một chục nóc nhà, sau này nhờ hình thành khu Ngói Đỏ nên dân số gia tăng gấp bội. Gần bên chợ Kiến Thiết có chùa Phú Long và nhà thờ Tân Hòa của cha Đỗ Trọng Kim và cha Bùi Minh Sơn. Cha Kim lớn tuổi, hiền lành, phúc hậu. Cha Sơn còn trẻ, đẹp trai, năng nổ hoạt động trong Giáo xứ. Ngày còn nhỏ đi xưng tội, dù tội nặng hay nhẹ lần nào cha Sơn cũng dạy: “Về ăn năn đền tội, đọc mười kinh Kính mừng”.

Xưa nơi đây là bãi đất hoang để rác thải của Sài Gòn, cỏ lác um tùm với đầm lầy. Sau đó dân tứ xứ bắt tụ về sống, công chức, quân nhân, dân lao động, thầy thợ và học trò… đa số nghèo rớt mồng tơi nên giúp đỡ lẫn nhau trong tình láng giềng, còn hơn cả ruột thịt. Ngày đó, con kinh Nhiêu Lộc nước còn trong veo. Ngày hè nóng nực, lũ con nít trốn ngủ trưa tụ nhau chơi lò cò, tạt lon, bắn bi, đánh quay, đánh khăng, thả diều… ở bãi đất hoang còn sót lại. Hoặc đi chọc chó, đuổi gà, đá dế, chọt trái cây, từ đầu làng đến cuối xóm… Chơi chán, tôi, Hăng-rô, thằng bạn nối khố thông minh học giỏi và đám nhóc lối xóm lại nhảy xuống dòng kinh đùa nghịch. Tắm xong, đói bụng kéo nhau qua bãi rác phía sau Cô nhi viện Lâm-Tì-Ni kiếm dưa leo mọc hoang. Những trái dưa ngọt và giòn gì đâu. Đứa nào cũng xà lỏn, cởi trần, đi chân không, dẫm lên mảnh chai, lon gỉ, đinh ốc, kẽm gai… mà chẳng hề gì, thật là một phép màu.

Khu Lò Heo luôn có nhiều điều mới lạ với đám con nít. Đây là nơi cung cấp thịt heo, trâu, bò cho các ngôi chợ quanh vùng. Cả trăm con heo bị thọc huyết hàng ngày, bởi những tay đồ tể chuyên nghiệp, trên những bục xi măng. Tiếng kêu eng éc đau đớn của lũ heo vang vọng khắp xóm. Đám trâu, bò, bốn chân bị xích chặt, trước khi nhận nhát búa giữa trán kết liễu cuộc đời, mắt con nào cũng buồn buồn, ươn ướt như có dòng lệ chảy. Một lần, có con trâu mộng vùng vẫy tuột xích, mắt đỏ ngầu đỏ với cặp sừng nhọn hoắt chạy vòng vòng quanh xóm. Rượt theo sau là mấy ông đồ tể và đám con nít, vừa đuổi, vừa “teo bu-gi”, vừa khoái, chửi thề, la hét, vang trời.

Khu Cầu Cá với hàng dừa tươi tốt mọc dài theo xóm, có năm nhà cầu công cộng trên cái ao rộng, là khu vệ sinh của cả xóm. Buổi sáng, bà con xếp hàng dài để được hưởng một trong “tứ khoái” cùng cảnh đàn cá tra biểu diễn những cú phóng mình lên không đớp mồi! Cuối năm, chủ ao lưới cá bán cho mấy ông Tàu Chợ Lớn. Nhìn đám cá tra mập mạp bụng trắng hếu giãy giụa trong lưới dưới ánh nắng mà thấy vui. Những con cá kia sẽ xuất hiện trên nhiều mâm cơm, thành món cá khô, canh chua, kho tộ khoái khẩu… mà có cả công “chăn nuôi” mỗi buổi sáng của mình.

Đi ngang qua khu Lò Heo vài bước, bên phải có tiệm Kim Sơn bán tạp hóa, sách vở, giấy bút, kẹo bánh, đồ chơi cho đám học trò. Bà chủ tiệm da trắng, môi hồng, quá đẹp so với ông chủ da ngăm đen, dáng cục mịch nhưng rất tốt bụng. Trước tiệm, dân ven đô sáng sáng đem dế và rắn con ra bán cho đám con nít. Ăn khách nhất là loại dế lửa, dế than, dế hạt tiêu và dế hộp quẹt. Mắc tiền nhất là dế hang rắn. Bên trái là khu bán hàng ăn với phở, hủ tiếu, hột vịt lộn, bún thịt nướng, xe bánh mì thịt của chị em Tâm, Minh. Những gánh bắp nướng mỡ hành, xe mực nướng, mía hấp, đá bào si rô, sâm bổ lượng… bên cạnh sạp báo ngăn nắp, báo ngày thơm mùi mực, tạp chí in hình tài tử, tranh màu lộng lẫy. Không có tiền, chỉ đứng đọc ké, ngửi ké mùi nước lèo, khói thịt nướng… cũng đủ làm mấy đứa tụi tôi khoái “thấy bà cố”.

Nhà thờ Ba Chuông trước 1975 (ảnh: cgvdt.vn)

Xóm có ông Tư mỗi sáng thứ Bảy đem cần câu ra vùng ven, trưa về đã có trong bọc-ba-ga mấy con cá lóc, tôm hùm tổ chảng còn nhẩy tưng tưng để làm đồ nhậu. Ông tiết lộ: cá lóc tinh khôn phải dùng nhái bén và một cọng cỏ móc vào lưỡi câu làm mồi, câu tôm hùm thì phải dùng lưỡi câu nhỏ và sắc như hột gạo có ba ngạnh móc con tép hoặc cơm dừa làm mồi thả xuống đáy rạch. Nhìn mâm đồ nhậu của ông đủ khoái mắt, đẹp không khác chi một bức tranh lập thể. Cá lóc, tôm hùm nướng trui vàng rệu bốc khói, rải hành mỡ, sả nóng, kêu cái “xèo”, cuốn với bánh tráng đậu phộng kèm dưa leo, xà lách, rau thơm xanh tím, thơm, khế vàng ươm, bún tươi trắng ngần, chấm mắm nêm ớt tỏi chanh đường, đưa cay vài xị đế. Bao nhiêu cay đắng mùi đời bỏ lại sau lưng.

Xóm còn có ông già Ba tri chiều say xỉn về gây lộn ầm ĩ với vợ rồi nằm ngáy khò khò; có bà “Năm đỏ môi” lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc Cẩm Lệ; bà bán bánh cuốn với nụ cười đen nhánh sau tay áo; ông bà Bát có cô con gái tên Hoa nhan sắc chim sa cá lặn làm si mê bao nhiêu chàng trai; có anh Bảo mù không biết mù thật hay giả, bán vé số vừa rao vừa hát bài “Xổ số kiến thiết quốc gia” mùi rệu không kém Trần Văn Trạch; có ông già đẩy cái xe cà tàng bán kẹo kéo: “Cô kia chồng bỏ chồng chê. Ăn miếng kẹo kéo chồng mê suốt đời“. Ông có bàn tay “thần” vuốt và kéo hoài không hết thỏi kẹo đậu phộng, ngắt cái “rắc” thành từng khúc bán cho đám lau nhau đang nhỏ dãi vây quanh.

Ngày thường, năm giờ sáng trong xóm đã nghe tiếng xe cộ, tiếng người ra chợ, đi làm, đi học, tiếng quà rong náo nhiệt. Trưa, hàng xóm sát vách chỉ cần ngửi mùi xào nấu là biết nhà bên ăn món gì. Sau bữa chiều, người trong xóm “tà tà” ra hàng hiên hóng mát, đọc báo, hút thuốc, nghe cải lương, nghe nhạc, tán gẫu, chờ vài gánh chè chập tối ghé ngang. Con nít tụ tập trước ti-vi đen trắng coi Batman, Combat , Wild Wild West, Bonanza, Star Trek…, lâu lâu khoái chí ré lên cho tới khi màn đêm buông xuống, sao hôm bắt đầu lấp ló phía trời Tây mới chịu lên giường.

Rồi lớn lên, những chiều Chủ nhật, sau khi coi chương trình lực sĩ “Con kiến càng” trên ti-vi, lười mấy tụi tôi cũng cố chạy ra nhà thờ Đa Minh-Ba Chuông xem lễ. Gọi là xem lễ nhưng sự thật chỉ là “nghe lễ “vì tôi và Hăng-rô đứng tuốt ngoài hành lang nhà thờ. Có lần đang “nghe lễ,” mưa đổ xuống, từng giọt thánh thót trên tàng lá xanh trong nắng chiều gợi nhớ giai điệu “Giọt mưa trên lá, bỡ ngỡ xôn xao, cuốn quít dạt dào, anh biết yêu lần đầu...” (Giọt mưa trên lá, Phạm Duy) bần thần nhớ nhỏ bồ mà quên luôn cả Chúa. Hai thằng tôi hay chuồn về lúc cha Phạm Văn Vang bắt đầu cho rước lễ. Nếu bữa nào có tiền trong túi thì sẽ băng qua tiệm phở Tầu Bay đối diện nhà thờ kêu một tô tái nạm, gầu, gân, sách nóng hổi…

Mấy năm trước, tôi từ Mỹ về thăm chốn xưa, ngắm pho tượng Đức mẹ Apollo trong sân nhà thờ Ba Chuông và cái lầu chuông ba khía màu đỏ sẫm với gác chuông phía trên nở ra như bông huệ “khoe” cho mọi người thấy: ba quả chuông đã biến mất. Phở Tàu Bay cũng “bay” theo dòng đời, chạy dọc theo kinh Nhiêu Lộc là con đường tráng nhựa nhộn nhịp có cầu bắc qua hai bờ, Lò Heo thành công viên nhỏ, ao Cầu Cá, bãi rác sau Cô nhi viện đã lấp, nhà cửa mọc lên san sát, đổi thay. Thương hải biến vi tang điền.

Cái xóm cũ im lặng như tờ, không tiếng nhạc từ radio, không tiếng hàng xóm láng giềng hỏi han nhau, không con nít nô giỡn ồn ào. Còn chăng là cái bảng số “529/114” căn nhà cũ của tôi. Ước mong được bước vào trong nhà, nhìn lại nơi chia xẻ ngọt bùi, anh em học hành, khôn lớn, đi lính, lấy vợ, sinh con, cười khóc theo mệnh nước nổi trôi gần hai mươi năm. Tôi bấm chuông nhưng không có người ra mở cửa. Có thể tôi đến nhằm lúc gia chủ vắng nhà.

Phải công tâm nhìn nhận, với tôi, đã “tiếu ngạo giang hồ “nhiều nơi nổi tiếng nhưng quê hương vẫn là “chùm khế ngọt”. Kiến Thiết, Lò Heo, Cầu Cá của tôi cũng như cả Sài Gòn nay đã đổi thay với bao tên đường lạ hoắc… nhưng vẫn không thể lấy mất nơi tôi cái cảm giác thân thương. Quê hương dù thương, dù ghét, dù xấu, dù đẹp vẫn là quê hương. Cái cảm giác gần gũi nôn nao không hề có khi du lịch những nơi khác trên thế giới. Nhẹ bước bâng khuâng trong lòng xóm cũ, “về đây khi mái tóc còn xanh xanh. Về đây với màu gió ngày lang thang…”. Màu gió mây ngàn vẫn còn bay kia nhưng dấu chân xưa, bụi thời gian đã xóa nhòa. Cũng hơn bốn mươi năm rồi còn gì, mà với tôi như mới ngày nào, còn là cậu học trò mắt sáng, tóc xanh.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: