Sài Gòn quạnh quẽ

Ảnh: Ngô Trần Hải An

Sài Gòn bước sang ngày thứ 17 bị phong tỏa, chẳng những phong tỏa ban ngày mà còn giới nghiêm ban đêm, nội bất xuất ngoại bất nhập.

Ở xa, nhớ về Sài Gòn cảm nhận được cái trống vắng buồn não nuột khi biết giờ đây không khí của những ngày chiến tranh lại xuất hiện trong tiềm thức của người Sài Gòn. Những hình ảnh quạnh quẽ, thê lương chỉ khác là ngày xưa đổ nát, lô cốt bằng cát mọc lên, kẽm gai giăng tứ bề… người Sài Gòn lúc đó tự nguyện nằm trong nhà tránh đạn, lắng nghe tiếng trực thăng vần vũ trên đầu, tiếng súng nổ xa xa cùng tiếng hú còi của những chiếc xe hồng thập tự mà ngày nay người ta gọi là xe cứu thương, nghe rồi lẳng lặng cầu nguyện, lẳng lặng lau nước mắt vì lo cho người thân ở xa hay ở đầu trận tuyến.

Sài Gòn hôm nay dĩ nhiên là khác với Sài Gòn thời chiến. Không có âm thanh rầm rĩ của tiếng súng, tiếng pháo vọng về từ ngoại ô và bù vào đó là sự im lặng đến hoảng loạn. Đường phố đứng im với ánh đèn héo hắt làm cho người ta bất an hơn cả khi nghe tiếng súng lẻ tẻ vọng về đâu đó. Tiếng súng khi nghe quen nó trở thành bạn, thành thân tình. Ít nhất trong lúc cả thành phố lặng im chính nó nhắc nhở người Sài Gòn là thành phố vẫn sống, vẫn thở và vẫn chờ sáng mai hòa bình. Một nỗi chờ làm cho người thời chiến sống sót.

Sài Gòn bây giờ không có tiếng súng nhưng người ta vẫn cảm thấy bất an. Nỗi ám ảnh của người Sài Gòn đêm nay sẽ kéo dài nhiều ngày nữa khi mà ngoài kia không một bóng người, hình ảnh chỉ xuất hiện trên những phim ma, những phim kinh dị của một thành phố chết, một thành phố hấp hối và con người thì co quắp, xanh mướt trong bóng đêm.

Khi xem một clip ngắn được tung lên mạng hình ảnh của nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn đứng một mình giữa phố trống trơn thổi bài Quê Hương của Giáp Văn Thạch cả người mình run lên và nỗi sợ hãi tràn về. Tiếng kèn như một dạo khúc cho người chết, nó áo não đến ghê rợn, mỗi một note, một nhấn nhá một luyến láy là một lo âu, một thời khắc của sợ hãi và bất lực lại ám ảnh và vuốt nhẹ vai mình trong bóng đêm. Người Sài Gòn đâu đó trong nhà chắc cũng xem được clip này và biết đâu họ cũng có cảm giác như mình, mặc dù mình ở xa vạn dặm nhưng con tim thì đang đập cùng nhịp với Sài Gòn.

Nhịp sống Sài Gòn bây giờ đập theo tiếng tích tắc của đồng hồ báo giờ, nó không đập theo tiếng ồn ào nhè nhẹ buổi sớm tinh mơ và rộn rã dần khi ngày tới. Nó không đập chung với tiếng hàng rong, tiếng xe máy ồn ào, tiếng kèn thúc sau lưng khách bộ hành… Nó không đập theo tiếng vỗ thùng xe buýt của anh phụ xe hay tiếng cãi nhau í ới trong nhà lồng một ngôi chợ nào đó. Những tiếng động mà người Sài Gòn quen thuộc đến yêu mến không còn nữa, nó im ắng và bị bịt chặt bởi từng cái khẩu trang và từng chốt chận mang tên kiểm dịch.

Những âm thanh làm nên Sài Gòn ấy biến mất một cách bất thường và người Sài Gòn không biết đến bao giờ mới có lại. Dĩ nhiên nó sẽ trở lại nhưng sự vắng lặng kéo dài khiến Sài Gòn bệnh nặng. Căn bệnh trầm uất của thành phố xem ra ngày một trầm uất hơn khi sáng ra thay vì nghe tiếng chim hót trên cành thì người Sài Gòn lại nghe tiếng xe máy hàng đoàn cùng nhau bỏ chạy.

Họ, hàng đoàn người lên xe máy chạy khỏi Sài Gòn theo các hướng quốc lộ, đặc biệt hướng Tây Nguyên để tránh sự cô lập cả tinh thần lẫn vật chất. Người ta bắt đầu chạy, bắt đầu lộ ra sự sợ hãi và bất tín. Người Sài Gòn bắt đầu bỏ Sài Gòn mà đi, cơn tháo chạy chưa từng có trong lịch sử 300 năm mà Sài Gòn có mặt.

Người Sài Gòn ra đi tránh Covid-19. Credit Báo Tuồi Trẻ

Người Sài Gòn nhớ rất rõ vào ngày 28 tháng 4 khi cả thành phố bị bao vây và đoàn quân miền Bắc tiến vào. Lúc đó người ta lo âu, hồi hộp, hoảng loạn và bất động nhưng không có ai chạy khỏi Sài Gòn, bởi Sài Gòn là mảnh đất cuối cùng, là sự thoi thóp của cả dân tộc. Người Sài Gòn không đành lòng bỏ đi, không đành lòng chạy trốn về quê để kiếm sống ngoại trừ một số rất ít có cơ hội lên tàu ra khơi tìm tự do, số còn lại bám vào Sài Gòn như người chết đuối bám vào chiếc phao duy nhất.

Bây giờ tuy không ai xua đuổi nhưng dân Sài Gòn vốn cứng cáp lại bỏ chạy. Họ bỏ chạy không phải sợ chết mà sợ sự quạnh quẽ hàng ngày phải giáp mặt. Họ không chịu nổi những hình nhân màu xanh đứng kiểm soát dân chúng. Họ không chịu nổi sự cô đơn mặc dù Sài Gòn rộng lớn và đầy ắp con người. Họ không chịu nổi khi phải chờ đợi được tiêm chủng khi hàng triệu “nhân dân cấp một” vẫn đang căng mắt mỏi mòn…

Sài Gòn không tháo chạy, bởi ngay cả khi bỏ đi khỏi nơi thương yêu họ vẫn còn giữ được sự tự trọng của người Sài Gòn. Họ chỉ bỏ đi, mặc dù sự bỏ đi ấy đầy tức tưởi và tiếc nuối.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: