Tác phẩm Khu Rừng Lau của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, Phần 2

Hình minh họa: Saigon 1966

(Tiếp theo kỳ trước)

Khi tham gia kháng chiến của Việt Minh, Miên là nữ y tá giỏi, nhưng bị hạ công tác để cho đảng viên thay thế. Miên bị giao cho việc rình mò theo dõi bạn đồng nghiệp để báo cáo, nên cô cảm thấy hụt hẫng, e chề, chán chường. Với Tài, con trai cha mẹ nuôi của Miên, coi như anh ruột, nhưng khi Tài thành đảng viên, không còn tình cha mẹ, anh em mà người máy của đảng. Với những sự kiện xảy ra trước mắt, Miên đã thức tỉnh. Rồi đến Hiển, Kha, Hãng… ngán ngẩm khi chứng kiến những điều bất nhân, không còn tình người… Vì vậy họ không thể chấp nhận thực tế phũ phàng, chua xót đó để ở lại. (Trong quyển Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến, Kha và Hiền gặp Tân mới biết Tân đã về thành từ mùa hạ năm 1951 trước họ 6 tháng).

Đó chỉ là giai đoạn đầu trong thời kỳ kháng chiến nên theo dòng lịch sử, người đọc cũng nghĩ rằng nhà văn Doãn Quốc Sỹ không dừng lại ở đó mà tiếp nối cuộc hành trình tiếp theo.

Tập II, tác phẩm Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến (1964) gồm 18 chương: Tiếng Hát Tự Lòng Đất Khu Rừng Già, Chiếc Nhẫn Saphir, Về Làng, Ông Chủ Báo, Cô Gái Bên Sông Tần Hoài, Những Cụm Hoa Vàng, Tiếng Hát Tự Lòng Đất, Trên Bờ Vực Lịch Sử, Ngọn Đèn Lương Tri, Thần Tượng, Một Sự Chuyển Hướng, Vật Đổi Sao Dời, Cướp Đoạt, Xiếc Hữu Mai Hề, Tiếng Vọng Mùa Xuân, Người ở Lại, Bến Đò Rừng, Chiếc Bè Nữ Chúa.

Cũng nên nhắc ở đây, Quốc Gia Việt Nam (État du Việt Nam) lúc mới thành lập ngày 7/12/1947, nhưng chính thức thừa nhận giữa Quốc Trưởng (cựu hoàng Bảo Đại) và Tổng thống Pháp Vincent Auriol ký Hiệp Định Élysée 8 tháng 3 năm 1949 trong khối Liên Hiệp Pháp. Chọn cờ vàng ba sọc đỏ làm Quốc Kỳ. Hà Nội được Pháp chuyển giao cho chính quyền Quốc Gia Việt Nam, dược sĩ Thẩm Hoàng Tín làm thị trưởng thành phố.

Mở đầu tác phẩm “Hình ảnh lá cờ vàng ba gạch đỏ phe phẩy thanh bình vẫy gió còn mãi mãi về sau này in hằn trong tâm tưởng Miên một ấn tượng của thịnh vượng và của tình người…”

“Bốn giờ chiều, Luận đến sớm ngỏ ý đón Hiển, Kha, Miên để đưa đi một vòng qua các phố tỉnh lỵ gọi là ‘xem tình hình quốc gia’.

…Luận đưa ba người ra bến xe, chính chàng mua ba vé hạng trên. Luận căn dặn thêm một lần nữa khi ba người về đến Gia Lâm nhớ phải vào Ty Công an trình diện mà xin cấp giấy thông hành tạm thời”… Dĩ nhiên khi trở về thành, không dễ dàng chấp nhận, công an phải điều tra để tìm hiểu nguyên do cặn kẽ. Nhưng mọi việc được an bày trong cách đối xử đầy cảm thông và tình người.

Rồi tháng năm ở Hà Nội, Hãng đi du học ở Pháp, chia tay các bạn bè bao năm ở bên nhau. Cuộc sống mới của Khiết, Khóa, Lãng, Hiển, Tân, Miên… được tác giả đề cập khá chi tiết… Nhất là Kha, chàng trai với tâm hồn lãng mạn lẫn bi thương…

Khi Hiệp định Genève ký kết, đất nước phân chia rồi đến khi di cư vào Nam. Mối tình cuối giữa Kha và Vân (tuy đã có con) “Kha đã gặp Vân, Kha sắp được Vân, Kha đang say mê Vân, điên cuồng”… nhưng đến giờ phút cuối đành chia tay.

Đồng bào miền Bắc di cư vào Nam sau Hiệp định Genève 1954. Ảnh: Wikipedia

“Kha vào Nam cũng bằng đường thủy. Chàng đến khu lều Thăng Long của Đoàn Sinh Viên Di Cư Hà Nội – khu lều này được dựng trên nền khám lớn cũ và sau đây là nơi xây cất Đại học Văn Khoa”. Đó cũng là hình ảnh của tác giả cùng bạn bè khi vào Nam.

Đoạn kết tác phẩm với những là thư của Vân, người ở lại:

“Hiệp định Genève ký, đoàn thể giữ khéo con em lại và cử em về Hà Nội để thuyết phục những người thân…”.

Lá thư cuối tác phẩm, Vân viết: “Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến của anh đã chấm dứt hàng chữ cuối cùng của lá thư cuối cùng này ở đây.

Hôn anh một cái hôn làm nổ vỡ tinh cầu nhưng tình chúng ta thì chói rạng mãi mãi.

Vĩnh biệt anh,

Em”.

Trước khi chuẩn bị vào Nam. Kha viết thư cho Miên:

“Cô Miên,

Chẳng còn bao nhiêu ngày nữa đến lượt Hà Nội bị tiếp thu. Chuyến này tôi về thăm làng lần cuối rồi xuống Hải Phòng đợi cô cùng vào Nam. Nhìn cảnh Hà Nội hoang vắng tôi lại nghĩ đến cô từng ao ước được thăm khu rừng lau trên núi sáng, Bỉnh Di… 

Tôi vẫn nghĩ rằng mọi người chúng ta ai cũng mang trong lòng một khu rừng lau. Có kẻ chẳng bao giờ đạt tới, có kẻ đạt tới rồi hủy hoại chính khu rừng đó như chuyện con chó ngu xuẩn thả mồi bắt bóng…”.

Rồi khi Miên gặp được Kha “ghì chặt lấy chàng, giọng nàng thanh như tiếng chim nhưng thảng thốt nghẹn ngào như một linh hồn biết khóc:

– Khu rừng lau của em! Khu rừng lau của em!”

Với bộ ba Hiển, Miên (em gái của Hiển) và Kha đã một thời gắn bó với nhau. Miên có tình cảm với Kha nên bán món nữ trang độc nhất là chiếc nhẫn saphir (chương 3) để lấy tiền giúp Kha trong khi bị giam giữ và khi Kha được thả ra, ba người ở chung với nhau, tiền kiếm tiêu chung. Khi Miên biết Kha yêu Vân nên Miên với tâm hồn cao thượng để nhường tình yêu nầy nhưng định mệnh giữa Kha và Vân thật oan nghiệt!

Đến tác phẩm thứ hai, độc giả mới hiểu tựa đề trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau.

Tập III, tác phẩm Tình Yêu Thánh Hóa (1965), gồm 4 phần. Phần I Bối Cảnh với các chương: Thành Đôi, Một Chuyến Buôn Văn Hóa, Một Cuộc Gặp Gỡ, Người  Em Ra Bắc, Câu Chuyện Điện Biên Phủ. Phần II Vỡ Bờ với các chương: Lê, Con Đê, Mụ Cát Thành, Một Ký ức Thô Bỉ. Phần III Quỳnh Hương với các chương: Bên Lề Hội Nghị, Bà Cụ Hồng Kông, Tài Mệnh Tương Đố, Ông Cai, Mối Tình Linh Lan, Cô Em Cũ, Chuyện Dĩ Vãng, Nỗi Lòng Tô Thị. Phần IV Chặt Thuyền Dĩ Vãng với các chương: Tiếng Hát Đối Diện Với Sao Bắc Đẩu, Hoàng Tử Của Hằng Nga, Những Triều Nước Mặn, Tình Thương Trong Mưa, Tiếng Hát Lạ Trên Kinh Thành Vienne, Tiếng Hát Hồi Hương.

Khởi đầu với cuộc di cư vào Nam. Vân ở lại Hà Nội. Kha và Miên được gặp nhau và làm lễ thành hôn trong khu định cư làng Thăng Long. Tác giả ghi lại hình ảnh với lịch sử Quảng Nam (quê hương tôi nên tôi rất tâm đắc). Với Miên “Giờ đây nàng sống trong tay người yêu, ngợp trong hạnh phúc, nàng cũng thấy là nàng đương du hồn vào khu rừng lau. Nàng nhắm mắt lại như để chạy trốn ánh sao bên ngoài khi nãy. Khu rừng lau trong tâm tưởng nàng lúc đó là bà tiên khoác tấm khăn choàng tím ngát” (trang 35). 

Trong Câu Chuyện Điện Biên Phủ đề cập đến tháng ngày năm xưa khi Kha, Miên… đã về thành. Hiển còn ở lại “đi theo Vìệt Minh đánh Pháp, giờ đây Vìệt Minh thắng, mình lén trốn khỏi vùng họ, sang được vùng quốc gia thấy những người lính Pháp đầu đội mũ sắt có hai chữ P.M. (Prévoté Militaire) thì mừng. Không bao giờ ưa thực dân nhưng thấy rằng cộng sản còn ghê tởm và nguy hiểm hơn nhiều, đã đến lúc phải thay đổi chiến tuyến! Đến Hải Phòng anh bạn khai thẳng với công an quốc gia mình là sĩ quan Việt Minh trốn sang, xin cho điều tra ngay và cấp thẻ căn cước để sống bình thường như dân. Một tháng sau anh xuống tàu cùng gia đình di cư” (trang 85).

Tân, chỉ xuất hiện thoáng qua trong Ba Sinh Hương Lửa, ở tác phẩm nầy đề cập nhiều về Tân và người yêu là Lê. Tân cũng đa tình và đào hoa như Kha, đã từng ân ái với Thoa (em gái của Lãng)… Với Kha, tuy đã có Miên nhưng vẫn đa tình. Từ khi gặp ca sĩ Quỳnh Hương ở phòng trà Ly Ly, Quỳnh Hương là em gái nuôi của Hãng và bạn thân của Vân và của Thi thời học sinh ở Hà Nội nhưng những giây phút gặp gỡ nhau giữa Kha và Quỳnh  Hương như “đôi tình nhân”.

Cũng như trong Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến, Quỳnh Hương đi sang Tây Đức đóng phim và lập gia  đình với đạo diễn Karl, đạo diễn. Với những là thư từ Vienne, Tây Bá Linh gởi về cho Kha “Đặc biệt trên hai chữ “Chào anh” của bức thư này Quỳnh Hương có viết hai chữ gì mà nàng rập xóa đi mất. Tò mò Kha đem lá thư ra cửa sổ soi lên ánh sáng. Chàng bỗng thở dài cúi đầu. Đó là hai chữ “Hôn anh”” (trang 378).

“Đi vào dĩ vãng, trong khoảnh khắc nhớ lại buổi gặp Kha lần đầu cùng Hãng ở phòng trà Ly Ly, nhớ lúc Kha ôm mình nhảy bản slow khuya và cúi xuống hôn nhẹ lên môi… Trời ơi, Quỳnh Hương bỗng thèm Kha điên cuồng. Ngày nào cùng Kha đi Thủ Dầu Một về cùng ăn cơm trong căn phòng ấm cúng của nhà hàng Cheong-Nam, rồi khi từ biệt trên vỉa hè Tự Do nàng đã có ý tưởng ngộ nghĩnh sẽ hôn Kha trước vì chỉ hôn trước một người như Kha mới không sợ bị rẻ rúng” (trang 381). 

Là nhà mô phạm nhưng trong tác nầy nhà văn viết về cuộc sống ở Sài Gòn với phòng trà, nhảy đầm rất sành điệu và còn chửi thề (Đ.M) trong vài mẩu đối thoại vì vậy rất thoáng, sinh động, lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối. Ông thích làm thơ, chơi dương cầm nên trong tác phẩm của ông được dẫn chứng những dòng thơ, vài ca khúc… khi đọc cảm thấy thú vị.

Hình minh họa: Saigon 1966

Tập 4: Những Ngả Sông (Đàm Thoại – Độc Thoại) 1966, gồm 7 chương: Mối Tình Thiên Thu, Người Lính Nhảy Dù, Người Phá Cầu, Tập Sơ Khảo Của Kha, Mây Trắng Nước Xanh Người Tù, Mây Trắng Nước Xanh Thần Tượng Trong Đêm, Dư Dục Vô Ngôn.

Trong tác phẩm nầy với những nhân vật chính từ Ba Sinh Hương Lửa trong sinh hoạt chính trị ở miền Nam Việt Nam. Khóa, Kha, Miên, Tân, Hiển, Luận… trong gia đình Văn Hóa. Khóa bị giam ở lao tù Đà Lạt 11 tháng. Tân, Hiển, Phiệt phục vụ trong quân đội VNCH. Tác giả mô tả đến các trận chiến giữa thập niên 50 & 60 như phóng viên chiến trường với từng chi tiết. Với những trang nhật ký của Tân (Trung úy Y sĩ) trong binh chủng Nhảy Dù, sau nầy đọc hồi ký Y Sĩ Tiền Tuyến của Trang Châu, cảm phục tài tình của tác giả Những Ngả Sông. Với quần đảo Hồng Sa, nghe rất xa lạ, tác giả đã dành vài chục trang để nói về lịch sử và người dân nơi nầy.

Với hai cuộc binh biến năm 1960 & 1963, tác giả ghi nhận tất cả sự kiện xảy ra… Kha và Khiết cũng không may bị vào chốn lao tù. Trong khi đó “Tân, Hiển ngoài tiền tuyến chẳng thể được tâm hồn tương đối thanh thản như Khiết, Kha những ngày sống khuất mặt trong khám lớn” (trang 154). Rồi “Phiệt bị đạn ở chân tại chiến dịch cao nguyên được đưa về Bệnh viện Cộng Hòa… Tân hỏi Phiệt có muốn giải ngũ để chàng xin cho và Phiệt sẽ về bên Vĩnh Hội ở với tiểu gia đình của Tân. “Người lính nhảy dù” đó đã say mê gia nhập đời sống quân ngũ làm sao dứt bỏ các bạn đồng ngũ sao đành, Phiệt xin ở lại phục vụ bên ngành quân nhu, ban chung sự” (trang 155).

Với Hiển “trong những lúc xông pha nơi tiền tuyến… chàng hoàn toàn như người đi trong sa mạc. “Miên ơi – chàng muốn kêu lên như thế – trong giai đoạn nầy đừng nghĩ đến rừng mía, ngay như được gặp khu rừng lau để có chút bóng mát cũng là quý rồi. Anh cô đơn đi giữa sa mạc, cô có biết không?”.

Tác phẩm Ngã Ba Sông ngắn hơn ba tác phẩm trước, đề cập đến cuộc chiến và nền chính trị ở miền Nam Việt Nam rối rắm trong thời chinh chiến. Với tác phẩm Ngã Ba Sông, cũng có người khen, người chê vì “thiên kiến chính trị” nhưng với nhà văn, sự khách quan và thực trạng xã hội không thể sai lạc. Với những dòng đề cao tinh thần, trách nhiệm về người lính với nhà văn không khoác áo chinh y cũng nói lên tấm lòng của tác giả.

Nhà văn Võ Phiến trong Văn Học Miền Nam Tổng Quan đã có đoạn viết về nhà văn Doãn Quốc Sỹ như sau:

“Còn Doãn Quốc Sỹ, ông làm chúng ta nghĩ đến một nhân vật của ông: Khiết. Khiết kiên trì theo đuổi con đường văn hóa nhưng đã trót đi vào con đường chính trị, biết những ngõ ngách của nó âu cũng thành nghiệp chướng của mình nên khó bỏ lắm. Khu Rừng Lau phơi bày ra cái hiểm ác xủa chế độ này, lột trần nền độc tài nọ. Thái độ chính trị của tác giả luôn luôn biểu lộ trong tác phẩm.

Tuy nhiên ông Doãn cũng như Khiết trước sau “kiên trì theo con đường văn hóa”. Ông chê cái này chống cái nọ vì nó ác nó xấu. Mà ông thì nhất tâm phục vụ cái thiện cái mỹ… Thiện tâm thiện ý của tác giả tỏa ra khắp tác phẩm: Trong các truyện của ông Doãn nhân vật nào cũng tốt việc gì cũng có khía cạnh hay. Ông bất lực không tạo nổi người xấu, kể nổi việc xấu. Đọc sách ông thơm tho cả tâm hồn. Truyện ông Doãn vừa có luận đề chính trị vừa có chủ tâm giáo dục…”. Trong quyển sách nầy, theo nhà văn Võ Phiến, khuynh hướng luận đề có Doãn Quốc Sỹ (trang 266).

Trên tạp chí Bách Khoa số 192 (1/1/1965) trong mục Sống & Viết (trang 39-44) trong cuộc trò chuyện giữa nhà văn Nguyễn Ngu Í với nhà văn Doãn Quốc Sỹ (14/12/1964) sau khi tác phẩm Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến ấn hành. Sau nầy in trong quyển Sống & Viết (trang 124-147) có tấm hình ông bà và bảy người con (Ngọc Thanh 1952, Kim Khánh 1954, Cẩm Liên 1956, Quốc Thái 1958, Quốc Vinh 1961, Quốc Hưng 1962, Quốc Hiền, chưa có Thanh Hương trong số 4 trai & 4 gái). 

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ cho biết: “Năm 1951. Từ chỗ kháng chiến ác liệt nhất, Liên Khu Việt Bắc. Kháng chiến, tôi kháng chiến hết mình, tôi từng là một “anh hùng lao động” của cơ quan tôi. Nhưng đến khi giã từ “Thiên đường Đỏ” thì cũng giã từ quyết liệt, dứt khoát…

…Bất cứ ai đã qua cơn ác mộng với cộng sản, đã hiểu rõ bộ mặt thật của chúng, đều có thái độ dứt khoát, vừa đơn giản vừa cương quyết như vậy…”. 

Hình minh họa: Saigon 1966

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ là một trong những nhà văn được viết nhiều trong sáu thập niên từ trong nước và hải ngoại, ngoài giá trị văn chương qua những tác phẩm của ông, với tâm hồn nhân bản, đôn hậu, nhân cách sống của ông trong lao tù và ngoài xã hội, được kính nể. Ngay cả những người con của ông khi viết về người bố cũng là hình ảnh tiêu biểu của bậc cha mẹ (thế hệ chúng tôi) để noi gương.

Doãn Quốc Hưng viết về bố:

“Những bài học đạo đức, nhân bản, thiền học… mà chúng tôi nhận được từ bố một cách “có hệ thống” chỉ bắt đầu từ sau khi bố tôi đi cải tạo lần một về vào năm 1980. Đó là các buổi nói chuyện của bố tôi với bọn tôi và một nhóm bạn bè, bọn tôi gọi đó là “đại học bỏ túi”. Đó cũng là cột mốc của một “gia đình” thứ ba của bố tôi. Trong gia đình đó, chúng tôi mới thực sự được nghe bố tôi nói nhiều hơn về điều ông đã viết trong tác phẩm, đã làm trong cuộc sống…

…Nhắc tới chống đối, có một thứ mà rất nhiều người khuyên rằng chúng tôi “phải noi gương bố”, đó là “tinh thần bất khuất trước quyền lực”, hoặc “một trong những biểu tượng của tinh thần chống cộng của Miền Nam Tự Do”. Các nhà “phê bình văn học” của Việt cộng đã tấn phong cho bố tôi là đầu xỏ của “những tên biệt kích cầm bút”, mô tả ông như một “kẻ căm thù cộng sản đến tận xương tuỷ”.

Tôi cũng đã được nghe kể lại nhiều lần từ bạn bè trong tù của bố về giai thoại về một ông DQS “hiên ngang đối kháng với cán bộ cộng sản trong trại giam”, những câu tuyên bố mang tính “hào hùng, nghĩa khí” của ông trước “kẻ thù”. Thực hư ra sao cũng chẳng rõ, chỉ có điều chắc chắn là chưa bao giờ tôi được nghe chính bố tôi kể lại những giai thoại ấy…

…Trở lại với cái ngày xét xử bố tôi vào năm 1988 cùng với các cô chú văn nghệ sỹ khác: Hoàng Hải Thuỷ, Duy Trác, Lý Thuỵ Ý,… phiên toà “DQS và đồng bọn, với tội danh tuyên truyền phản cách mạng, chống phá nhà nước XHCN”. Đó là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một phiên toà chuyên chính vô sản của nhà nước Việt Nam…

…Bố tôi căm thù cái phi nhân của một chủ nghĩa, sự ngu dốt và độc đoán của một tầng lớp lãnh đạo. Bố tôi không nhắm vào những cá nhân thừa hành bên dưới, vì họ cũng chỉ là nạn nhân của sự bưng bít, thiếu kiến thức, thiếu thông tin, thiếu sự lựa chọn. Điều đó thể hiện trong nếp sống thường ngày…

…Bố tôi là một ông giáo hiền lành, một con người nhân hậu vì bản chất của ông là như vậy. Nhưng sức mạnh của ông bắt nguồn từ chữ Tâm. Khi cái Tâm đã toả sáng vì nó đã biết mình từ đâu đến và sẽ đi về đâu, nó bắt đầu thoát ra khỏi sự sợ hãi. Đó là điều kiện kiên quyết để có một cái Tâm tự do. Sức mạnh tâm linh của một cá nhân sẽ nhờ sự tự do mà tự toả sáng, không cần ngôn từ, không cần chứng tỏ. Bố tôi đã dạy cho tất cả chúng tôi ngồi thiền để tốt cho sức khoẻ, để luyện tâm thanh tịnh…

…Chú Nguyễn Đình Toàn đã từng nói với bọn tôi rằng: “Trong giới văn nghệ sĩ, không ai phục ai về tài viết văn cả. Nhưng nhiều văn nghệ sĩ trong Nam quí mến bố cháu ở cái đời sống đạo đức của ông”. Đối với con cái cũng vậy. Chúng tôi được dạy dỗ bằng chính cách sống của bố, chứ không bằng những “phương pháp giáo dục”…

…Hồi bố tôi chuẩn bị xét xử lần thứ hai vào năm 1988, bạn bè khắp nơi trên thế giới đã vận động mạnh mẽ đến nỗi chính quyền Việt Nam phải hoãn xét xử vào giờ cuối để tìm cách giảm nhẹ tình hình. Để tránh mất mặt khi phải đổi giọng, đảng và nhà nước đã phải cử ông chú tôi làm trung gian vào tù thương lượng, đề nghị bố tôi nhượng bộ bằng cách tỏ vẻ “ăn năn” để được “khoan hồng”.

Tất nhiên là cuộc thương lượng đó bất thành, họ đánh giá bố tôi quá thấp! Điều đáng kể ở đây là thái độ của bố tôi trước biến cố này. Lọt vào tay “chủ nghĩa anh hùng cách mạng”, đây ắt hẳn sẽ trở thành một câu chuyện li kì về “tấm gương đấu tranh bất khuất, một cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai anh em hai chiến tuyến…”. Lần duy nhất bố tôi nói về nó là do sau này tôi hỏi và bắt bố tôi kể lại. “Có gì đâu, chú đề nghị bố xin lỗi. Giống như sau khi mình tát ai một cái thì mình cũng phải tỏ vẻ ân hận một chút. Nhưng đời nào bố lại làm vậy…”

Hình minh họa: Saigon 1900

Hình ảnh Doãn Quốc Sỹ được bắt gặp qua hai câu nói Pascal  cũng đã khẳng định : “Con người là một cây sậy nhưng là cây sậy có tư tưởng’” (Triết gia Blaise Pascal) và “Sức mạnh của con người không nằm ở thể chất mà đến từ ý chí bất khuất’” Thánh Gandhi).

Với nhiều bài viết, chỉ trích lại phần Tạp Ghi Văn Nghệ của Nguyễn Mạnh Trinh liên quan đến tác phẩm Khu Rừng Lau: “Ở Doãn Quốc Sỹ, ông viết Khu Rừng Lau như một cách lý giải sự thất bại của những người quốc gia trong thời cuộc hiện đại. Họ là những người đã bị những tay sai quốc tế Cộng sản đệ tam lường gạt trong công cuộc giành độc lập cho đất nước…

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã muốn cho đời sau một chứng liệu về một biến cố không những riêng của đất nước Việt Nam mà còn cả chung của thế giới nữa…

Những tác phẩm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ dường như có chung một mẫu số mà văn chương dùng để tải đạo và làm cuộc sống con người tươi đẹp hơn. Có rất nhiều nhận xét về ông, như là một nhà văn có chân tài, một nhà giáo tận tụy, một kẻ sĩ khí tiết…”.

Kim Khánh viết về người bố, khi nhắc đến tác phẩm Khu Rừng Lau: “Nhân vật chính là Miên và các nhân vật khác đã có cuộc sống đi qua suốt chiều dài lịch sử từ thế hệ mà tác giả mệnh danh là thế hệ Nguyễn Thái Học cho đến thế hệ trưởng thành trong cuộc chiến toàn quốc kháng chiến.

Có những người như Khóa, Lãng, Khiết trực tiếp hoặc gián tiếp chịu ảnh hưởng của những đảng phái quốc gia như Việt Nam Quốc Dân Đảng hoặc Đại Việt. Còn các nhân vật thế hệ sau như Hãng, Hiển, Tân, Kha, Miên,… thì mới đầu tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng sau đó nhìn thấy bộ mặt thực của đảng Cộng sản Việt Nam nên trở về thành và sau đó di cư vào Nam…

Hình như, họ có chung nỗi hoang mang của những người trí thức luôn đi kiếm tìm cho mình một con đường nhưng lại thấy bơ vơ khi chọn lựa. Ở với kháng chiến, thấy lòng yêu nước bị lợi dụng bởi những con người Bolcheviks tàn bạo vô nhân, về thành thì thấy giặc Pháp nghênh ngang, chính phủ quốc gia chỉ là cái bóng. Di cư vào Nam, thì chế độ độc tài và gây ra nhiều kỳ thị bất công”.

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác trong bài viết Doãn Quốc Sỹ, Người Anh Khả Kính: “Nhiều người trong giới cầm bút khen và cũng chê tính đôn hậu trong tiểu thuyết Doãn Quốc Sỹ. Họ lý luận rằng ông đôn hậu quá nên nhân vật tiểu thuyết của ông đẹp nhưng có vẻ không thực, ông không lột hết được bản chất phức tạp của cuộc đời, bản chất hàm hồ của con người, bản chất tàn nhẫn phi lý của lịch sử. Khi xây dựng nhân vật, Doãn Quốc Sỹ thường không lưu tâm moi móc những ngóc ngách xấu xa của họ. Trái lại, ông lưu tâm tô điểm những nét đẹp của họ. Những Kha, những Miên, những Hãn, những Khiết của Khu Rừng Lau…”.

Với tác phẩm Khu Rừng Lau, năm 2020 nhà văn Doãn Quốc Sỹ chia sẻ: “Có nhiều khi đọc lại Khu Rừng Lau, tôi cũng không hiểu tại sao mình có thể hoàn tất được bộ tiểu thuyết ngàn trang này. Tôi nhớ là vào thời đó, có khi tôi ngồi viết như người lên đồng, viết giống như có ông bà tổ tiên nhập vào vậy.

Tôi nghĩ rằng tôi chỉ được trời cho năng khiếu sử dụng ngòi bút của mình. Còn lại, tôi viết như theo lời nhắn nhủ siêu hình của tổ tiên, viết theo hồn thiêng dân tộc để phục vụ tổ quốc”. (Việt Báo)

Trước năm 1975, vài ý kiến cho rằng nhà văn Doãn Quốc Sỹ nên chọn những tác phẩm tiêu biểu, trong đó có trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau dịch ra Anh ngữ để tham dự giải Nobel Văn Chương. Trong bài viết Tổng Quan Về Sách Dịch Văn Chương Tây Phương Ở Miền Nam Việt Nam của tôi đã đề cập đến các tác giả Tây Phương đã được Nobel Văn Chương được các nhà văn, dịch giả đã dịch sang tiếng Việt rất nhiều. Có tác giả với vài tác phẩm tiêu biểu, có tác giả với toàn bộ tác phẩm như Alexander Solzhenitsyn (Nobel Văn Chương 1970)…

Hầu hết toàn bộ tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ đều bối cảnh trong nước, ngoại trừ tác phẩm Sâu Mây khi ông du học ở Mỹ. Đây là tập du ký, và theo Thanh Tâm Tuyền; “Đây không phải là tác phẩm chủ yếu, nhưng là cái viết tự do và bay bổng nhất của Doãn Quốc Sỹ. Cũng là cuốn sách nhỏ nhưng óng chuốt và đáng yêu hơn cả của ông giáo…’.

Với tác phẩm Khu Rừng Lau với bối cảnh và thời gian trong giai đoạn thăng trầm lịch sử của đất nước được ghi lại từ bản thân của tác giả, là chứng nhân của thời cuộc.

Đọc tác phẩm Khu Rừng Lau liên tưởng đến hai câu thơ của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều vào thế kỷ XVIII:

“Lò cừ nung nấu sự đời

Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”

Theo nhà văn Võ Phiến: “Doãn Quốc Sỹ soạn sách về ngữ pháp, về văn học Việt Nam hiện đại (bằng Anh văn” (sđd tráng 66) nhưng rất tiếc tác phẩm Khu Rừng Lau không dịch ra tiếng Anh (chỉ có truyện ngắn Con Cá Mắc Cạn – The Stranded Fish – mới dịch).

*

Nếu cho rằng sách là người thầy trầm lặng và người bạn tốt – với tôi – ngay từ lúc trẻ đã ảnh hưởng đến bản thân. Những quyển sách Học Làm Người của nhà văn, dịch giả Nguyễn Hiến Lê và nhà giáo, nhà văn Doãn Quốc Sỹ qua vài tác phẩm.

Nhân đây, một chút riêng tư, với tác phẩm Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến.  Năm 1963, trong sinh hoạt gia đình Phật Tử, tôi “quen thân” người bạn gái (học dưới hai lớp) nơi cố hương. Hè năm 1963, để tránh bắt bớ, nàng “thoát ly vào bưng”… Trước đó khoảng một tháng, thầy tôi (đảm nhiệm khuôn hội Phật Giáo Phước Ấm) qua đời vì đầu óc quá căng thẳng, uống quá liều lượng thuốc Tây, gây biến chứng, không chữa trị kịp… Trong số sáu người “thoát ly vào bưng”, có năm người học cùng lớp. Nếu lúc đó, nhận được thư nàng, tôi không biết có quyết định liều lĩnh của tuổi trẻ bồng bột, nông cạn ra sao? Các bạn tôi giấu kỹ vì anh tôi trong ngành cảnh sát.

Đầu năm 1967, khi ở quân trường Thủ Đức, đi phép về Sài Gòn khi thấy quyển NĐBKVT tôi rất thích, mua ngay nhưng không đọc vì để nhớ hình ảnh người bạn gái “bên kia chiến tuyến”. Tiếp tục quân trường ở Đà Lạt gần hai năm, trong chiến dịch Diên Hồng về quận Quế Sơn, Quảng Nam, tôi vẫn mang theo sách và hình dung người bạn gái vào bưng chốn nầy… Rất tiếc, sách bị chôm! Sau nầy lập gia đình với người Hà Nội, bạn bè hỏi thăm nơi chốn, tôi nói đùa “người đàn bà bên kia vĩ tuyến”…

Sau tháng 4/1975, nàng có gia đình, về Đà Nẵng, theo lời mẹ và anh, nàng ghé lại tìm tôi nhưng gia đình không hay biết vì tôi ở Đà Lạt, mất tích hay đi tù nên không rõ. Nàng cho biết trước khi đi, có viết lá thư gởi cô em gái nhờ chuyển cho tôi nhưng cô em sợ bị liên lụy nên đốt lá thư!… Nàng ra mộ thầy tôi thắp nhang cầu nguyện. 

Năm 1987, tôi về thăm quê, có gặp nàng… Trong số sáu người đã chết hai cậu cháu Hội và Kim Chi. Tôi gặp Huỳnh Tú Mỹ kể lại chuyện xưa về hình bóng cũ, nỗi buồn vây quanh. Chị tôi biết chuyện, khuyên không nên liên lạc nhau vì mỗi người “số phận” đã an bài. Và, từ đó hình ảnh người xưa mãi mãi là “bên kia chiến tuyến”!. Tôi cũng may mắn được hưởng chút “đào hoa chiếu mệnh” nhưng “cái thuở ban đầu” trong trắng vẫn lững lờ như áng mây giữa trời xanh bao la.

Little Saigon, November 2022

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: