Đời Sài Gòn, ít ai chịu được hai từ “giải phóng”

Minh họa: Caitlin Barnes/Unsplash

Ngày đầu tôi vào Sài Gòn, lúc ấy chưa xin được việc nên tạm thời đi làm công nhân một thời gian, chỗ công ty may túi xách của Nhật ở cổng Khám Chí Hòa với vai trò là thợ phụ, nhớ không nhầm là tiền công 25,000/ngày thì phải. Hồi đó chưa nhiều người Bắc như bây giờ. Có mấy đứa người Bắc làm chung với những người Nam Kỳ khác. Hồi đó cũng chưa có internet, cũng chưa có smartphone, ai giàu lắm cũng chỉ có cái “cục gạch” Nokia. Mạng xã hội chưa có cho nên mọi thứ chưa dễ tìm hiểu.

Mấy người Nam có vẻ không ưa mấy người nói giọng Bắc. Mình buồn lắm, vừa buồn, vừa có chút giận vì trong lòng. Mình yêu người Nam thế mà tại sao họ lại ghét mình. Không ai nói cho mình hiểu cả. Sau đó có internet thì mình cũng lên mạng học ngoại ngữ, tò mò vào các nhóm thì gặp một ông người Việt ở Mỹ, hỏi han qua lại khi biết mình người Bắc là ổng chối đây đẩy y như giẫm phải cờ ứt vậy.

Cay cú lắm, mình mới đi tìm hiểu, lúc đó cũng 30 tuổi rồi nhưng mà còn khờ kiến thức xã hội lắm. Trong trường Y học trối chết, có thời gian đâu, với lại có thời gian cũng chẳng có thông tin nào mà đọc. Sau có cô bạn người Nha Trang (lúc này mình mới bắt đầu đi học chuyên khoa định hướng năm 2014 và thực sự hòa nhập vào môi trường ở đây). Bạn ấy kể:

– Mẹ em nói hồi xưa còn Mỹ ở đây sướng lắm.

– Ủa, sao lại sướng hả em? Chị nghĩ là đánh Mỹ đi để giành độc lập mới sướng chứ? Nước mình độc lập không sướng hơn à?

– Ừ thì độc lập nhưng mà không sướng như ngày xưa đâu chị.

– Sao kỳ vậy em? Em nói gì chị không hiểu, chị nghĩ Sài Gòn được giải phóng thoát khỏi sự kìm kẹp của Mỹ Ngụy thì người dân phải vui hơn mới phải chứ (nói đúng lý thuyết luôn).

– Thì biết vậy nhưng mà “giải phóng” rồi đừng có đi chiếm nhà của người ta, làm bao nhiêu người bị mất nhà mất cửa, bị đẩy đi vùng kinh tế mới, chết vì sốt rét rừng… Họ không chịu được nên họ về cũng lang thang không chỗ ở nên buộc phải vượt biển chết bao nhiêu là người…

Bạn cũng chỉ nói tới đó thôi vì nghe kể sao biết vậy. Lúc ấy mình mới lờ mờ hiểu… À, thì ra là mình bị ghét vì lý do này đây.

– Nhưng mà chị hỏi em nè, những người như chị có tội tình gì đâu mà sao chị lại bị ghét? Mấy cô người miền Tây hay dùng từ “Bắc Kỳ”.

– Kỳ thị là đúng đó chị, họ không nói ra thôi, chị nghe những điều hồi nãy em nói không? Nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời là mất người thân, vậy sao họ không hận cho được mặc dù những người như chị không có lỗi nhưng chị nói giọng Bắc là họ không có ưa.

À, thì ra là vậy.

Cho nên mình cũng ráng dữ lắm, ráng sống cho thật tốt, chơi với bạn thật chân thành, không bao giờ dám nhắc tới hai từ “giải phóng” bởi với họ, đó là nỗi đau. Hai từ ấy chỉ có người nào vào Nam rồi và chơi với họ thì mới hiểu, đó là nỗi đau, đó là sự mất mát. Ở ngoài Bắc, nhất là các bạn trẻ bây giờ thường nói trong vô thức. Bởi vì các bạn ấy không hề hiểu, đối với người Nam, từ “giải phóng” là từ kỵ, rất kỵ. Họ sẵn sàng nổi sùng lên khi nghe hai từ ấy. Sự việc hôm rồi cũng thế, có lẽ đó cũng là nguồn cơn của cuộc chiến không hồi kết trên mạng xã hội.

Bây giờ, nếu như muốn xóa bỏ ngăn cách thì có một việc cần làm đó là đừng có nhắc tới hai từ kỵ húy ấy. Hãy tìm hiểu nhiều hơn các thông tin để hiểu về người khác. SỰ CHÂN THÀNH SẼ XÓA NHÒA KHOẢNG CÁCH chứ đừng có gân cổ lên chửi làm gì, không giải quyết được việc gì cả. Người ta ghét mình thì hãy tìm hiểu làm sao họ ghét.

Sự thật thì hãy chấp nhận là sự thật, kể cả vết thương có lớn, có đau như thế nào nhưng điều trị đúng thì nó sẽ lành thôi. Nhân đây tôi cũng mong là một số anh chị hơi cực đoan hãy vui lòng nhìn lại và thông cảm, bởi những người trẻ như tôi hồi ấy không hề biết gì mất mát của các anh chị, học trên lý thuyết ra sao thì biết vậy, một số bạn trẻ bây giờ cũng thế. Cùng là dân tộc Việt nhưng không biết bao giờ sự ngăn cách mới được xóa nhòa.

(Tựa bài do Saigon Nhỏ đặt)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: