Mẹ và Má

Ảnh: Thúy Hà
Share:

Hôm trước có việc vào bệnh viện, ngang qua mấy phòng bệnh thấy các cụ già thoi thóp với những dây ống chằng chịt cắm quanh người, vòng đời của họ bắt đầu bước vào khung cửa hẹp, rất hẹp. Nó chợt nghĩ đến hai người mẹ của mình, lòng thắt lại.

Đáp lời thiêng liêng của núi sông, cha nó, một người lính, đã về nơi sâu thẳm trong lòng biển Đông một ngày cận Tết. Nó chưa từng được cảm nhận hơi ấm từ cha, cũng như vô số đứa nhỏ khác trong thời chiến tranh ly loạn.

Nhưng may mắn thay, nó có đến hai bà mẹ.

Một bà mẹ cho nó hình hài, tri thức và lòng cương trực để tồn tại. Bà mẹ kia, nó gọi bằng Má, truyền cho nó tình thương yêu chân chất quê mùa, qua sự chăm sóc cần mẫn, vỗ về an ủi mỗi khi nó gặp sóng gió trong đời. Hai tháng tuổi nó về ở với Má, do Mẹ lúc đó phải vất vả đi làm đến tận đêm. Năm tuổi, nó quay lên Sài Gòn sống với Mẹ để đi học. Mười sáu tuổi lại quay về ở với Má. Thời niên thiếu nó cứ luân chuyển giữa Mẹ và Má như một sự nối kết định mệnh.

Như bao bà quả phụ Việt Nam Cộng Hòa, giai đoạn hậu chiến 1975 là cuộc chuyển dời giữa thời tiền thiên đàng sang thời hậu địa ngục, Mẹ nó phải chịu đựng bao khổ ải về tinh thần lẫn kinh tế. Ngoài việc tần tảo mưu sinh cho hai mẹ con trong gian nhà trống trải, Mẹ nó còn phải gồng gánh đỡ đần cho gia đình bên ngoại đông đúc từ miền Tây. Thiếu vắng trụ cột người chồng, bà phải dần đóng cả hai vai, khi làm cha lúc làm mẹ, với đứa con duy nhất là nó.

Minh họa: Annie Spratt/Unsplash

Có lẽ sự trống vắng, cô đơn cũng như những uất hận thời thế khiến tâm hồn bà như rắn lại, bà nuôi dưỡng và giáo dục nó vô cùng nghiêm khắc, như kiểu quân trường. Bà luôn hướng dẫn và thúc ép nó trong các yêu cầu về đạo đức và học vấn, với mong muốn duy nhất là nó phải nên người. Không may, đứa con của bà thuộc dạng chậm hiểu và nghịch ngợm. Đi học thì không kịp hiểu bài, lại khiếp sợ với những trận đòn roi khi mang về những điểm số tệ hại nhất, nó buộc phải nảy ra đủ cách thức ứng phó với Mẹ. Học hành ngày càng mất căn bản, điểm số các môn tệ dần, nó trở thành một trong những đứa học trò luôn ở các thứ hạng hàng đầu… từ dưới đếm lên của lớp. Sau này khi nó đã có con, đến trường dự lễ tuyên dương phát thưởng, nó lại xót xa cho Mẹ nó ngày xưa chưa một lần được nhận cái hạnh phúc đơn sơ nhưng vô cùng hãnh diện của các bậc làm cha mẹ ấy.

Uất hận với những khó khăn, nghịch cảnh thời cuộc đè nặng, nhiều lúc Mẹ lại trút lên nó sự giận dữ khi nó không đáp lại kỳ vọng của bà. Nếu như không có sự có mặt kịp lúc của người cô ruột mà nó gọi bằng Má, có lẽ tâm hồn nó đã chai cứng lại với cách giáo dục quá nghiêm khắc, đầy kỳ vọng của Mẹ mà một thằng đần như nó không thể nào đáp ứng.

Mỗi năm đôi lần, Má nó xộc xệch khăn gói từ quê lên thăm đứa cháu nhỏ, mang theo các thứ quà bánh và những bộ quần áo sặc sỡ của miệt vườn. Những thứ đó là cả trời mơ ước đối với nó cùng những đứa trẻ thời khó khăn ấy. Rồi mỗi khi cắp giỏ trở về quê, Má không quên giúi vào tay nó ít tiền “Con nhớ để dành, lỡ ra đường đạp bánh tráng của người ta, có tiền mà thền” (thền: bắt đền). Những câu dặn dò ân cần chơn chất như thế của Má, làm ấm áp tâm hồn nó suốt những ngày dài…

Má nơi ngôi nhà quê hương- một phần đời tuổi thơ của nó (ảnh: tác giả cung cấp)

Cuộc đời Má nó bình dị như một cánh lục bình lững lờ trôi trong những nhánh sông cạn, nhưng lại đầy sóng gió bất hạnh. Má bị ông bà nội nó đem cho làm con nuôi nhà người khác từ lúc còn đỏ hỏn. Nhớ hơi ấm và bầu sữa của bà Nội, Má khóc đến mù hẳn một mắt. Sau này khi nó đã lớn, thấy Má vẫn về thăm nom ông bà Nội đều đặn, có lần nó buộc miệng cằn nhằn, Nội có thương Má đâu mà cứ lên thăm, nó sợ Má tổn thương vì sự ghẻ lạnh của Nội nó. Nhưng vẫn nụ cười hiền trên môi, Má nói: “Kệ đi con, dẫu sao Nội cũng đẻ ra Má mà!”.

Với lòng bao dung, sự hiếu thảo và khao khát không khí gia đình, hàng năm Má vẫn đùm đề đủ các sản vật đồng quê lên thăm cái gia đình đã chối bỏ Má từ khi đỏ hỏn. Nhưng đúng câu “xa mặt cách lòng”, những người ruột thịt của Má, không nhiều người thật sự mở lòng đón Má vào cái đại gia đình học cao hiểu rộng ấy, trong khi Má thì thất học quê mùa.

Nó mồ côi cha, nhưng may mắn vẫn còn Mẹ và Má. Nên nó chưa thể thấu hiểu tận cùng câu ca dao mà Má thường ru nó hồi nhỏ: “Ầu ơ! Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường”. Nó cũng nhớ ai đó từng đúc kết “mồ côi mẹ là mồ côi cả đất trời”. Mà Má nó mồ côi cả hai, từ hồi đỏ hỏn. Có lẽ vì sống cả đời với nỗi bất hạnh mồ côi ấy nên khuôn mặt Má lúc nào cũng phảng phất nỗi bơ vơ của đứa trẻ đi lạc. Và ánh nhìn với một con mắt còn lại luôn là ánh nhìn hiu hắt về nơi vô định nào đó. Đôi khi ngắm nhìn gương mặt Má, nó lại như nghe văng vẳng trong đầu giọng hát buồn rười rượi của cô Khánh Ly “Còn hai con mắt, khóc người một con. Con mắt còn lại, nhìn đời là không…”.

Đời sống vất vả ở quê nghèo khiến Má chưa học hết cấp một, một phần cũng vì mặc cảm hoàn cảnh mồ côi và khuyết tật của mình. Cũng vì những mặc cảm đó, Má chưa bao giờ có được một mảnh tình vắt vai. Tuy nghèo bạc, nghèo tiền, nghèo cả chữ, nhưng Má lại quá giàu có về tình thương và đạo nghĩa làm người, nhất là tình thương đặc biệt dành cho đứa cháu mồ côi cha, một phần giống Má. Má ít học nhưng lại truyền thụ cho nó cả một trời ca dao tục ngữ qua những lời ru, câu hò, từ khi nó còn rất nhỏ để có thể hiểu những câu “Con cò lặn lội bờ sông”, hoặc “Gió đưa cây cải về trời…”. Chính những điệu hò lời ru Nam bộ từ Má đã góp phần hình thành tính cách, sở thích của nó sau này.

Hàng năm mỗi kỳ hè, Má khăn gói lên thành phố đón nó về làng. Nơi nó có thể suốt ngày lang thang chạy nhảy, lội sông, trèo cây thỏa thích. Và hầu như điểm dừng của các lần trốn nhà đi bụi, luôn là căn nhà của Má. Má luôn dang tay ra với nó dù nó lầm lỗi đến đâu. Nhớ năm học lớp Chín, nó sướng rân người khi Má đem lên cho nó mớ quần lót. Với những thằng ở tuổi mới lớn ngày ấy như nó thì được mặc quần lót nghĩa là đã sắp thành người lớn. Đầu năm lớp Mười Một, Má vét bồ lúa sắm cho nó chiếc xe đạp cũ để “có cái mà đi học với người ta”. Hai năm đầu đại học, thấy nó về quê hoài, Má vừa mừng vừa rầu thúi ruột, vì cứ sợ lúc nó trở lên trường, không kịp có tiền giúi cho nó lận lưng…

Minh họa: Thu Tran/Unsplash

Năm rồi về lại quê thăm Má, bà lấy tấm hình được chỉnh sửa đôi chút ở phần mắt, khoe với nó: “Rửa cái hình coi cho được mắt một chút để có mà làm hình thờ sau này!”. Nó nghe mà chết lặng cả thân mình.

Thời gian dần trôi, như con chim lìa tổ khi trưởng thành, nó cũng dần xa hai người phụ nữ thân yêu của đời nó. Nó lập gia đình và sống ở nơi cách quê nhà nửa vòng trái đất. Nơi đây, trước mỗi cái Tết, nó thường thu mình trong phòng, nghe tới lui ba bài hát của nhóm Trịnh Lâm Ngân, tự mình trách móc “Xuân này con không về”, tự mình day dứt “Xuân nào con sẽ về” rồi run run nghe đến bài kết “Xuân này con về mẹ ở đâu”.

Nó sợ lắm cái ngày nó về mà nào biết Mẹ hay Má đang ở đâu.

“Xuân này con về Mẹ ở đâu?

Quê nghèo xuân về nhớ hắt hiu

Vườn xưa xơ xác hoa rơi rụng”

Nó sợ đến lúc phải đứng trên cái nền xi măng cũ, trước khoảng sân nhà Mẹ hay nhà Má, ngơ ngác mồ côi… Rùng mình nhớ đến câu thơ của cụ Vũ Đình Liên “Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ…”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: