Rượu vào…

Minh họa: Stanislav Ivanitskiy/Unsplash

Rượu có lẽ là chất kích thích phổ biến nhất của con người trên toàn thế giới. Ở đâu có đàn ông, ở đó có rượu.

Hẳn nhiên đàn bà cũng uống rượu, thậm chí còn uống nhiều hơn đàn ông nhưng số đàn bà uống rượu gói gọn trong gia đình, hiếm khi gặp phái yếu ngồi bên bàn rượu và cụng ly với nhau như phái mạnh. Có lẽ công việc, lề thói, phong tục tập quán và quan hệ xã hội là những vật cản khó vượt qua nên phụ nữ không chọn rượu mà chọn shopping, âu cũng là điều… may mắn!

Đàn ông, mang tiếng là phái mạnh nhưng thực ra tận cùng của bản ngã họ lại tỏ ra yếu đuối không khác mấy với phụ nữ khi có rượu vào cơ thể. Rượu xúc tác cơ thể và tạo nên cảm giác hưng phấn mà dân uống rượu gọi là “ngà ngà”. Khi ngà ngà, người ta làm gì?

Có rất nhiều biểu hiện khi ngà ngà. Thường thì lớn tiếng, cười vui, tranh cãi, khóc lóc, gây gỗ… những biểu hiện thông thường ấy cho thấy một phản ứng rất vật lý, bởi rượu kích thích cơ thể sản xuất dopamine liên tục, khi dopamine trong cơ thể quá cao, con người thường không thể kiểm soát được hành vi và lời nói. Khi đó, người uống rượu thường nhớ tới những thứ vụn vặt nghĩ gì và nói ra thế đó, không kềm chế như khi tỉnh táo.

Tuy nhiên tùy theo thể trạng, kết cấu não bộ của mỗi người khi uống tới ngà ngà có người lấy chuyện ẩn ức không thể nói lúc tỉnh làm đề tài. Có người ghi tạc một mẫu chuyện khó quên trong tiềm thức xào trộn nó với sự tưởng tượng để cho ra một câu chuyện đẹp nhưng thường không có thật…Thông thường điều xảy ra với rất nhiều người khi uống rượu là khoe, khoe kinh nghiệm cuộc đời, khoe tư trang tài sản, và nhất là khoe con, một thứ tài sản quý báu mà họ có hay chưa có.

Khoe con thành đạt là tâm lý chung không những khi uống rượu mới khoe mà lúc chưa uống người ta cũng không ít lần nhắc tới khi có cơ hội. Khoe con là tâm lý thiếu kém tự tin, luôn cảm thấy thua sút người cùng trang lứa và vì vậy chuyện tốt của con phải được mang ra cho nhiều người biết đến. Cái khác của sự khoe con giữa người uống rượu và chưa uống ly nào là giới hạn của lòng tự trọng. Khi chưa có rượu vào, lòng tự trọng là chiếc thắng hãm bớt những tự hào thái quá, những thứ không có thật cộng hưởng vào câu chuyện khiến cho người nghe khó chịu và đôi khi khinh thường người kể.

Trái lại khi đã ngà ngà say người ta thường tự tin cho rằng tất cả những gì họ kể ra điều là sự thật 100%. Lời khoe của họ không bao giờ thấy đủ và rất bực mình khi bạn rượu cắt lời hay tỏ ra không chú ý. Trong trường hợp này rượu chứng tỏ là nhân tố tích cực làm cho người uống rơi vào vùng trũng của tự mãn và đôi khi hoang tưởng.

Trường hợp uống rượu để phát biểu sự ẩn ức khó nói trong lúc tỉnh là một hiện tượng tâm lý khác. Người ngà ngà cảm thấy chung quanh đang có những người rất thông cảm với mình và sẵn sàng chia sẻ những gì mình sẽ nói ra. Thường thì họ lầm, trong một tiệc rượu không thể nào chia sẻ điều riêng tư mà họ thường xuyên phải nghe khi mỗi lần ngà ngà với nhau, lúc ấy câu chuyện dễ rơi vào độc thoại và kết quả thường là gây hấn và ẩu đả.

Tuy nhiên có lẽ rượu cũng là một nhân tố tích cực khiến con người ngồi lại với nhau, không những một lần mà là nhiều lần, thậm chí rất nhiều lần quanh một bàn rượu. Để điều này xảy ra người ta cần phải có điều kiện tiên quyết: Đồng cảm và cùng chia sẻ những vấn đề mà người trong bàn quan tâm.
Khen một bài thơ, một đoạn nhạc, một tác giả…nếu có từ hai người trở lên cùng cảm nhận như nhau về những mấu chốt trong mẩu chuyện ấy bàn tiệc sẽ vui hẳn và khi ấy tuy mỗi người một cách nói nhưng không ai phản đối và dĩ nhiên là kết cục rất… có hậu!

Con người luôn thiếu thốn sự đồng cảm và chia sẻ vì vậy khi có cơ hội thì bàn rượu là nơi được trưng bày cảm giác thiếu thốn ấy. Tuy nhiên cuộc rượu nào cũng có mặt trái của nó, khi bạn tỏ ra hào phóng mang hết kiến thức, kinh nghiệm, lẫn tư duy của mình vào bàn tiệc thì cũng nên dè chừng đâu đó cũng sẽ xuất hiện những con mắt ghen tỵ đang chăm chăm nhìn bạn. Rượu sẽ khiến những con mắt ấy đỏ lên vì thiếu kiểm soát và đôi khi dẫn đến thù hằn, ghim gút.

Nhưng đừng vì thế mà uống rượu một mình.

Không gì buồn và nguy hiểm hơn uống rượu một mình. Buồn vì không thể chia sẻ với ai, nguy hiểm vì thái độ uống rượu một mình là biểu hiện rõ rệt nhất của một chữ: Ghiền.

Nếu Lý Bạch sống mãi trong dòng văn học Trung Hoa nhờ tài thơ siêu phàm thì cái chết vì uống rượu một mình của ông chắc sẽ gây lo lắng cho những người thích uống rượu một mình vì thiếu bạn. Bài thơ “Một mình uống rượu dưới trăng” vẫn là bài thơ nhắc nhở cần thiết hơn là áng văn chương bất hủ như chúng ta thường nghe nói: Có rượu không có bạn / Một mình chuốc dưới hoa / Cất chén mời Trăng sáng / Mình với Bóng là ba…..

Kết cục, sau khi tự chuốc cho mình say, Lý Bạch nhảy xuống sông tìm vầng trăng tri kỷ…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: