Ba mươi năm, một giấc mơ

Minh họa: peter-bucks-unsplash
Share:

Ngày tôi hay tin em sắp lấy chồng là lúc tôi đang bận oằn vai bên các bạn đồng đội dưới đạn bom nơi tỉnh thành Tây Nguyên. Giận không thể tả, tức không thể nói, tôi lén trốn trại bay dù về Sài Gòn, tìm cách gặp em để đối chứng, cho dù toàn đại đội có lệnh   cấm trại 100 phần trăm.

Tôi đã ngồi lỳ hàng giờ từ sáng đến trưa suốt ba ngày liền, ở quán cóc cafe trước ngõ nhà em. Ông đi qua, bà đi lại, người đến rồi lại đi và nhất là bà chủ quán đã mấy lần dằn ly, chạm cốc như muốn đuổi tôi, nhưng hình bóng em vẫn như bóng chim tăm cá không một lần xuất hiện. Tôi ngồi đốt tàn hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, hết ly cafe nóng đến ly cafe đá trong sự tuyệt vọng cùng cực. Sau này tôi biết em đã đi ngã sau để tránh mặt tôi.

Thế mà lại hay, giận thì tìm gặp, nhưng gặp thì biết nói gì. Đốt hết sáu bao thuốc lá và cạn cùng hết ba ngày trốn trại, tôi, một hình hài ngơ ngẩn, lững thững rời quán nước. Bàn tay nám vàng mùi khói thuốc chợt đưa lên vuốt mặt. Không có một giọt nước mắt nào rơi, nhưng con tim lại đau nhói, tiếng lòng thổn thức.

Chung quanh tôi, cuộc sống mọi người vẫn vậy, vẫn xôn xao, ồn ào, náo nhiệt. Không một ai buồn để ý, thương hại đến tôi. Một gã đàn ông khốn khổ nhất trên Trái đất này, người đàn ông thất tình. Tôi ngu ngơ đã cho em hết tình yêu của tôi và cả trái tim tôi, để rồi giờ đây tôi chẳng còn gì. Hình hài tôi chơi vơi, một thân xác rã rời trong một linh hồn vụn vỡ…

Em không lấy, và tình anh đã mất

Tình đã cho, không lấy lại bao giờ…

(Xuân Diệu)

Tôi cất bước loạng quạng đi trong buổi chiều đổ xuống. Những chiếc cột đèn hai bên đường đã bật sáng. Hình dáng tôi xiêu xiêu ngã bóng trên hè đường. Những kỷ niệm ngọt ngào, thơ mộng xa xưa tràn về, cứa dọc ngang trái tim của tôi. Tất cả con đường Sài Gòn này hầu như đều có những bước chân hẹn hò của chúng tôi và cả thành phố này đâu đâu cũng tràn ngập hình ảnh yêu dấu của em.

Nhưng giờ này thì giờ đây, mình tôi chơi vơi, lạc lõng. Tôi đã đánh mất em, tình yêu quý giá nhất của tôi. Tôi dí mạnh chiếc giày botte de saut đè nát những điếu thuốc tôi hút dở dang trên hè đường, như đè nát đi cuộc tình của tôi với em. Tôi ước gì mình có thể khóc, la và hét lên, hay ít ra cũng được như Hàn Mặc Tử để được điên với cuộc tình của mình.

Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi?  

Bao giờ tôi hết được yêu vì,

Bao giờ mặt nhựt tan thành máu,  

Và khối lòng tôi cứng tợ si?

Họ đã xa rồi khôn níu lại,

Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa…

Người đi, một nửa hồn tôi mất,

Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.

Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?

Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?

Sao bông phượng nở trong màu huyết,

Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?

(Hàn Mặc Tử)

Minh họa: helga-wigandt-unsplash

Tôi trở về đại đội, lãnh lấy một tuần phạt cấm cố và xém bị truy tố vì tội đào ngũ. Cũng may, cấp chỉ huy đại đội trưởng thấy tôi trở về với một tâm hồn và một hình hài “rách nát tả tơi”, cộng thêm tình hình chiến sự đang rền đạn gay cấn, nguy kịch. Cấp chỉ huy cho tôi một cơ hội chuộc tội. Và tôi đã thành một chiến sĩ gan dạ nhất, tiên phong, xông pha ngoài trận. Mỗi quả pháo lên nòng, được bắn đi là mỗi một ức chế, đau khổ như được trút ra. Tôi chỉ biết quên mình lao vào cuộc chiến.

Rồi chiến cuộc tàn vào ngày 30 Tháng Tư. Cuộc đời tôi thăng trầm, phiêu dạt nay đây  mai đó. Gia đình, bố mẹ tôi e sợ một ngày tôi sẽ chết già cô đơn. Cô em gái vội bày mưu tính kế gã tôi cho cô bạn thân của nó. Buổi đầu gặp gỡ, tôi lạnh lùng, thản nhiên nhìn cô bé. Thật ngây thơ, thật tội nghiệp, cô bé cứ lúng ta, lúng túng vân vê, xoắn tròn chiếc khăn tay. Ừ… thì cũng xinh gái đấy, ừ… thì cũng được. Thôi ta cưới nhau nhé. Thôi tôi cũng từ giã cái thằng ngày hai buổi soi gương, tóc tai, râu ria lởm chởm. Tôi cũng phải từ giã cái thằng độc thân khi chúng bạn đứa nào cùng đã lập gia đình, con đàn cháu đống. Thôi cũng đành nhắm mắt, nắm lấy tay cô bé thành gia thất. Tôi lập gia đình trong tâm trạng…

Con tim mỏi bởi sầu đau… ủ rũ

Vì vết thương lòng, xưa cũ chưa quên.

(Nguyễn Minh Ngọc)

Cô bé đã trở thành vợ tôi từ đó. Chúng tôi có một bé trai. Thằng bé oe oe được gởi ông bà ngoại chăm nuôi. Còn vợ tôi và tôi, chúng tôi sống trong giấc mộng của riêng mình. Vợ tôi trẻ hơn tôi nhiều, nên nàng có nhu cầu được chiều chuộng, nhõng nhẽo và chăm sóc. Tôi già, nên tôi có nhu cầu lừng kha, lừng khừng. Tôi không yêu, nên tôi có nhu cầu tảng lơ. Đôi lúc thấy vợ khóc thút thít, lặng lẽ một mình. Lương tâm của gã đàn ông lạnh lùng chợt hé mở. Tôi vuốt tóc vợ rồi khẽ thở dài. Yêu hay không yêu, hai chúng tôi bị trói chặt trong sợi xích hôn nhân. Sợi xích mà trách nhiệm và danh dự gia đình đã xiết chặt và hằng vết đau tổn thương lên chúng tôi.

Thời gian 10 năm, 20 năm, rồi 30 năm trôi qua. Cuộc sống vợ chồng tôi đôi lúc cơm không lành, canh không ngọt, tôi lại “ước gì em ở đây giờ này” bên tôi thì cuộc sống gia đình của tôi sẽ tuyệt vời biết mấy. Tôi đóng chặt tâm hồn, khép kín tâm tư. Tôi trở nên lạnh lùng với vợ con vì không ai hiểu tôi. Không ai hiểu tôi ngoài em, Quỳnh Như ơi, Quỳnh Như…

Minh họa: oscar-helgstrand-unsplash

Bỗng một hôm tôi được tin em. Thời gian đang trôi bỗng dưng như ngừng lại. Mọi thứ dường như nhảy múa, hồi sinh trong tôi. Chúa ơi, tôi rạo rực trông ngóng ngày gặp lại em. Tôi cảm thấy mình như trẻ lại. Buổi sáng, khi rửa mặt, tôi chăm chút cạo râu, và tự dưng tôi buột miệng huýt sáo một tông điệu tươi trẻ. Buổi trưa, đi hớt tóc, tôi không ghé ngang anh bạn già cắt tóc quen thuộc, mà lại đến một tiệm khá sang với anh thợ cắt tóc trẻ trung.

Buổi tối, ngồi bên bàn computer hàng giờ mà con mouse vẫn không di động, vì tâm tư tôi đang mông lung tưởng tượng đến buổi “tao phùng” với em. Sự thay đổi trẻ trung, yêu đời nơi tôi, cho dù tôi có khéo léo không thể hiện ra, nhưng vợ con tôi nhận thấy, mà ngay cả chính tôi, tôi cũng nhận ra. Ôi làm sao tôi có thể nói lên được niềm hạnh phúc tuyệt vời mà bấy lâu nay tôi hằng ấp ủ, mong đợi: Ngày gặp lại em.

Buổi sáng khi tôi đang đứng tần ngần chọn chiếc chemise sao cho hợp với chiếc cravat thanh lịch, vợ tôi tiến đến nhẹ nhàng hỏi “Anh đi cùng em dự lễ ra trường của con nhé.” Tôi giật mình quay lại “Ồ, anh quên mất, thôi em đi với con, hôm nay anh có công việc rồi.” Thật lòng thì tôi cũng áy náy, không có mặt cùng con, nhưng “bên nặng bên nhẹ”, “bên đầy tình thâm.” Em là lẽ sống, là linh hồn của đời tôi, là hơn 30 năm chờ đợi. Tôi phải gặp em, tôi cần gặp em cho dù tôi chưa biết phải nói gì và ứng xử ra sao. Nhưng tôi tin là con tim tôi sẽ mách bảo mình cần phải làm gì, nói gì.

Tôi đến nhà thằng bạn nối khố là nơi điểm hẹn gặp em, sớm hơn giờ dự định. Người bạn thoáng nhẹ nhìn tôi rồi lịch sự mỉm cười, làm tôi bối rối. Quả thật tôi có ăn mặc chỉnh tề hơn, đỏm dáng hơn mọi ngày vì đó là điều tất nhiên: Tôi đang trẻ lại thời của tôi 30 năm về trước.

Khi chúng tôi đang loanh quanh ngoài vườn, nhìn những chiếc lá mơ lông tam thể tỏa hương hăng hắc. Em đến như làn gió, em bay trên đôi guốc cao bảy phân. Em nói chuyện, tiếng pha lê vung vãi đầy mầu sắc. Em giỏi, em lịch lãm. Trong câu chuyện, có lúc em tỏa sáng như tia nắng Mặt trời, có lúc em lại dịu ngọt êm như chị Hằng bên vầng trăng, có lúc em lại làm tôi xót xa trong mối quan hệ gãy đổ giữa vợ chồng em. Rồi em nhắc đến chuyện chúng tôi ngày xưa đầy ngọt ngào, đầy mộng mơ. Tôi loay hoay xoay tròn ly cafe trong tay…

Đôi khi trộm nhìn em

Xem dung nhan đó bây giờ ra sao

Em có còn đôi má đào như ngày nào

Kể từ khi vắng anh, em như tấm vải lụa nhầu

(Trầm Tử Thiêng)

Minh họa: stephanie-klepacki-unsplash

Em vẫn dáng gầy thanh thanh, mong manh trong chiếc áo đầm thắt eo, khoe dáng. Chiếc áo đầm thời trang và lớp son phấn trang điểm khéo léo cũng không làm sao trả tôi về hình ảnh của em thời thơ mộng ngày nào. Khuôn mặt gầy gò, đôi gò má nhô cao và phần mắt sâu hun hút có phải chăng đó là biểu hiện của nỗi lo toan nhọc nhằn trong cuộc sống nơi em? Xương cổ, xương vai, lồng ngực em phập phồng nhô lên trồi xuống theo sự chuyển động của lời nói làm tôi nghẹn ngào. Em khô cằn như cây tre đình miễu mùa hè.

Em của ngày hôm nay, không là em của 30 năm về trước. Quỳnh Như của tôi 30 năm về trước gầy mong manh, nhưng đôi má vẫn hồng, mái tóc dài vẫn mượt mà, vẫn tràn đầy sức sống tươi trẻ của tuổi thanh xuân. Quỳnh Như của ai đó 30 năm sau này, gầy cằn cỗi, đôi má, đôi môi đỏ màu son phấn, mái tóc ngắn lơ thơ nửa màu đen đỏ. Tôi mường tượng, có phải em đang ngồi nắm chặt trên cây chổi trong mùa Haloween… Quỳnh Như ngày xưa của tôi nhí nhảnh, ngây ngô đáng yêu. Quỳnh Như của ai đó ngày nay thanh lịch và đầy khôn ngoan. Em cũng khéo léo dẫn đưa câu chuyện có thể làm rung động tất cả trái tim của các đấng nam nhi. Và với sự nhẹ nhàng, tinh tế em quan sát tôi…

Đôi khi trộm nhìn anh

Xem đôi tay rắn phong trần năm xưa

Tôi cũng kín đáo lặng ngắm mình qua ánh phản chiếu của khung cửa kính. Tôi đó sao, một gương mặt trên 60 với vẻ đậm đà của tuổi tác. Đầu tóc hói thưa được chải vén khéo để che đi một chỏm trên da đầu. Da mặt với nhiều nếp nhăn sâu, và mí mắt có cố che giấu cũng hằn lên những lằn chân chim. Vành bọng dưới mắt ô no tròn và cái cằm xệ hai ngăn làm tôi trông giống một anh hề luống tuổi.

Cho dù tôi cũng đã cố chỉnh trang phong cách và “lên đèn” với áo quần chỉnh chu, nhưng tác phong của tôi, từ cách cầm ly cafe, nhìn lên hay cúi xuống, tôi thấy mình thật không còn sự nhanh nhẹn, tươi trẻ nữa, mà thay vào đó là sự chậm chạp, do dự và vụng về của tuổi già. Tôi ngậm ngùi, nghẹn ngào “ôi thời oanh liệt nay còn đâu!”

Đang suy nghĩ miên man, tôi cảm nhận trái tim mình nhói đau. Cơn đau tim như trỗi dậy bóp nghẹt từng mạch máu. Tôi người đàn ông trên 60 và là một người đã từng ngạt thở trong tình yêu mơ mộng, mù sương suốt hơn 30 năm mới ngộ ra rằng…

Cuộc đời là bể cả, là dòng sông,

Như con nước lớn nước ròng

Mà ta như chiếc lá khô

Nước chảy về nguồn, lá đành trôi theo…

(Trầm Tử Thiêng)

______

June 2023

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: