Chỉ vì lòng yêu nước, tôi mất em…

Từ năm 1948 trở đi, hàng năm trường Albert Sarraut (Hà Nội) nhận học sinh người Việt qua kỳ thi vào bằng tiếng Pháp. Kỳ thi khá khó khăn với yêu cầu bốn khả năng đọc, nghe, nói, viết đều phải thành thạo và tôi đã vượt qua, trở thành học sinh của trường. Năm 1953, đang theo học lớp Toán sơ cấp, tôi nhận làm gia sư cho cô T.V., học sinh lớp cuối cấp bậc trung học đệ nhất cấp trường Albert Sarraut, để có tiền trang trải cho sinh hoạt quần vợt tại sân Khúc Hạo.

Sở dĩ tôi được mời làm gia sư cho T.V. vì cô có ông bố vốn là Trưởng phòng giáo vụ nhà trường nên biết tôi là học sinh giỏi các môn Toán, Lý, Hóa, vốn là những môn con gái ông học kém. Ông mời tôi đến nhà riêng ở phố Yết Kiêu mỗi tuần hai buổi, mỗi buổi ba giờ, kèm ba môn cho cô con gái.

Cô T.V. theo học các trường của Pháp từ nhỏ nên rất giỏi tiếng Pháp, nói tiếng Pháp như “đầm”. Cô ở tầng hai của ngôi nhà, bên ngoài là phòng học, bên trong là phòng ngủ, giữa hai phòng có cửa ngăn cách, bên cạnh là phòng của bố mẹ. Dưới tầng một có nhà để ôtô, có phòng nghỉ cho anh lái xe, bà bếp và cô sen. Ông bố đi làm hàng ngày bằng ôtô riêng.

Chiều nào cũng vậy, học xong lúc ba giờ rưỡi, tôi lên xe đạp phóng thẳng đến phố Yết Kiêu dạy kèm cho cô T.V. Mùa hè có nước chanh, mùa đông có nước chè giải khát. Giữa buổi học có dăm phút nghỉ ngơi, tôi uống nước, trò chuyện với cô. Cô vốn được coi là hoa khôi của trường, có khuôn mặt hình trái xoan, da trắng hồng, nét mặt xinh tươi và nhất là cặp mắt đẹp mê hồn.

Cô thường đọc các truyện ngắn của Pháp quy định trong chương trình, tôi cũng ưa đọc truyện, thường ra hiệu sách ngoại văn ở phố Tràng Tiền tìm mua các truyện Pháp, như cuốn “L’herbe verte du Woming” (Cỏ xanh vùng Woming) của tác giả Mỹ chuyên viết truyện đồng quê, được dịch ra tiếng Pháp. Có tôi kèm cặp, cô học tiến bộ hẳn, các bài kiểm tra đạt điểm khá cao.

Minh họa: Một góc Hà Nội xưa (file photo)

Càng dạy càng thân, càng thân càng thương. Có hôm vừa thấy tôi đến, cô chỉ cười mỉm thôi, nhưng đôi mắt sáng lên, cặp má ửng hồng, chạy ra cửa đón, vậy cũng đủ làm trái tim tôi rộn ràng. Tình yêu đã nảy nở, chúng tôi bắt đầu gọi nhau là anh và em. Sự thay đổi tâm trạng của cô con gái không thoát được cặp mắt bà mẹ. Ông bố cũng có ý tìm một chàng trai có thể tin tưởng làm con rể và chắc là sau nhiều suy xét, ông bà có ý chọn tôi.

Vì vậy, năm 1956 vừa tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi được ông bố T.V. gợi ý là nên rời Bộ Giáo Dục mà đăng ký vào dạy trường Albert Sarraut, lương cao gấp 20 lần lương của Bộ Giáo Dục. Ông nói: “Như vậy anh mới có thể lo cho cuộc sống sau này của hai vợ chồng chứ!”. Nếu làm theo lời ông thì chắc lúc ấy tôi đã trở thành giáo sư dạy Vật Lý trường Albert Sarraut, tương tự như ông Vũ Khắc Khoan là giáo sư dạy môn Văn tại trường, chưa biết chừng lại là thầy dạy các bạn V.T.L., P.N.K, D.T.Q. cũng nên.

Sau thời gian kèm học cho T.V., tôi đến thăm em và gia đình thường xuyên. Tôi cũng trở về trường Albert Sarraut tham gia các hoạt động của hiệu đoàn, như tổ chức ngày Tết Nguyên Đán năm 1954, cùng bạn bè diễn vở kịch thơ Lên Đường của Hoàng Cầm, trong đó tôi đóng vai cụ Đồ còn T.V. đóng vai cháu gái cụ. Lúc ấy khí thế yêu nước đang lên rất cao trong giới trí thức trẻ, lại đang có phong trào vận động học sinh các trường Pháp sang học tại các trường Việt tương ứng.

Minh họa: Một góc Hà Nội xưa (file photo)

Tôi cũng vận động T.V. sang học ở trường Phổ thông cơ sở Trưng Vương, nhưng em tỏ ra không hứng thú. Tôi gặng hỏi nhiều lần, cuối cùng em đành nói thật là không thể chuyển trường, vì còn các cô giáo, các bạn bè nữ trong lớp, trong trường vốn đang thân thiết, sao đành bỏ đi được.

Bây giờ nghĩ lại những suy nghĩ của T.V. là hoàn toàn hợp lý, nhưng lúc đó do tâm lý tự ái vì vận động người yêu không được, lại đúng lúc khí thế yêu nước đang lên cao, nên tôi đã tức giận, đánh giá em là người không yêu nước. Thế là tôi lặng lẽ đăng ký với trường Sư Phạm Hà Nội tình nguyện sang Khu Học Xá giảng dạy, để đi xa hẳn Hà Nội. Tôi đi mà không nói gì với gia đình T.V. và còn yêu cầu những bạn bè biết mối quan hệ của chúng tôi cũng không được nói gì cho gia đình em biết.

Thế là tôi mất em.

Lúc ấy có biết bao thanh niên quân nhân tại ngũ gốc người Hà Nội đang hướng đến các gia đình khá giả có con gái ở tuổi cập kê, lao vào xin tìm hiểu. Tôi bỏ đi không lời từ giã, chỉ ít lâu sau lập tức có một thiếu tá mặc áo bốn túi, đến tìm hiểu T.V. và hỏi cưới, gia đình và T.V. đồng ý ngay. Sau này nhiều lần suy nghĩ lại, tôi đã tự mắng mình chỉ vì tình yêu nước bồng bột hão huyền thời tuổi trẻ mà đánh mất một tình yêu thực sự.

Mấy năm sau, khi tôi vừa cưới vợ, đêm 30 Tết đó hai vợ chồng dạo quanh Bờ Hồ rồi rẽ vào hiệu sách Ngoại văn ở phố Tràng Tiền thì gặp T.V. đang đứng bán sách ở quầy tiếng Pháp. Cô vừa trông thấy tôi, mặt trắng bệch ra, bỏ chạy vào trong, còn tôi thì đứng sững như trời trồng. Vợ tôi hỏi: “T.V. đấy phải không anh?”, tôi chỉ còn biết gật đầu. Vài tháng sau, nhân có đợt công tác từ Hải Phòng ra Hà Nội, tôi vào hiệu sách Ngoại văn định tìm T.V. nhưng không thấy. Hỏi thăm mới biết cô đã xin chuyển công tác vào Sài Gòn. Từ đó chúng tôi bặt tin nhau. Như một trang sách cuộc đời đã lật qua, không trở lại.

Tình yêu gặp gỡ làm chi,

Trăm năm biết có duyên gì hay không?

31 Tháng Bảy 2021

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: