Cho chẳng bao nhiêu, mà nhận rất nhiều!

Minh họa: pexels-quang-nguyen-vinh

Người ta thường nói đời nhà giáo “Cho rất nhiều mà nhận chẳng bao nhiêu”. Tôi thì trái lại, tôi cho rằng: “Nhà giáo chúng tôi cho chẳng bao nhiêu mà nhận rất nhiều”. Gần suốt cả cuộc đời, tôi có cho ai bao nhiêu đâu, vậy mà đi đến nơi nào, tôi cũng đã được rất nhiều học trò lúc nào cũng dang rộng vòng tay nồng ấm tiếp đón cô giáo cũ của mình.

Bao nhiêu là nước mắt, bao nhiêu là luyến tiếc bịn rịn trên khắp các nẻo đường tôi đã đi qua. Tôi muốn ghi ra đây một phần nhỏ những gì mà chúng tôi đã nhận được, như biểu tượng của tình cảm bền bỉ đậm đà, như niềm hãnh diện được phản chiếu từ phương cách sống tốt đẹp của các em học sinh Đồng Khánh chúng tôi qua biết bao nhiêu là chiều dài của thời gian, cũng như vượt biết bao nhiêu chiều rộng của không gian bằng những mẩu kỷ niệm nho nhỏ nhưng cả đời lưu trong ký ức!

Được tin tôi bay qua Houston, các em đã rủ nhau đến thăm với đầy ắp hoa hồng và quà tặng trên tay. Tôi lặng người trước những reo mừng, những nụ cười rạng rỡ của các em dành cho tôi, xen lẫn những cặp mắt rưng rưng cảm động khi ôm cô giáo ngày xưa trong đôi tay ấm áp của mình. Bao nhiêu kỷ niệm của một thời Đồng Khánh được nhắc nhở với tất cả tâm hồn nhớ nhung trìu mến, kỷ niệm nào cũng dễ thương từ vui đến khổ, từ dở đến hay…

Minh họa: pexels-quang-nguyen-vinh

Ngồi quây quần bên các em, tôi say sưa ngắm bó hoa hồng to tướng, những đóa hồng màu đào tươi thắm được cắm rất công phu. Vốn yêu hoa nên tôi càng mê mẩn ngắm nhìn, không phải một chục, cũng không phải một tá mà những hai tá lận! Hai tá hoa hồng làm tôi nhớ “Ngày của Mẹ” khi còn kẹt lại ở Việt Nam sau 1975, làm gì có tiền mua hoa khi cơm không có ăn, sáng tối sắn khoai làm bạn! Mua hoa là việc làm quá xa xỉ thời bấy giờ, thế cho nên tôi đã trải qua những ngày đi ngang hàng hoa, thẫn thờ nhìn ngắm rồi âm thầm cất bước.

Bây giờ đây, quà chất đầy bàn, hoa tươi rực rỡ, các em tíu tít bận rộn, em thì đi nấu nước sôi pha trà, em thì lôi mấy gói mè xửng ra.

-Mè xửng này ngon lắm, mè xửng Huế thiệt, em vừa mới từ Việt Nam mua qua đó. Cô “thời” đi , ngon lắm Cô!”

Lòng đang xót xa về một tin không vui tôi vừa mới nhận được từ Huế cũng liên quan đến một gói mè xửng, tôi trả lời một cách xa xăm:

– Mè xửng Huế thiệt thì càng dở càng quý em ạ!

Các em ngơ ngẩn về câu trả lời hơi khó hiểu của tôi, tò mò hỏi:

-Cô nói sao?

Các em đâu có biết, tôi đang nhớ về Thanh Mai, nhớ với tất cả xót xa trong lòng!

Thanh Mai, học trước các em hai lớp. Trước đó Thanh Mai học Tiểu học ở Quảng Ngãi, trong vùng bị Việt Minh chiếm, tình trạng chiến tranh, học hành trở ngại nên hơi mất căn bản. Vào được Đồng Khánh thì tương đối với các bạn cùng lớp, Thanh Mai bị mặc cảm lớn tuổi hơn, kéo theo nhiều mặc cảm khác.

Em càng sợ nhất là môn Toán, em cho rằng đó là môn mà em đã mất căn bản, không bao giờ vớt lại được. Nhưng tôi đã kiên nhẫn khuyến khích, nâng đỡ, xóa tan bớt mặc cảm cho em. Rốt cuộc, Thanh Mai cũng tốt nghiệp Trung học và vào Sư phạm. Đường học vấn của em không được hanh thông cho lắm nhưng ra đời, với tư cách người lớn của em, em tương đối thành công trong cương vị của một giáo viên Tiểu học.

Bẵng đi một thời gian rất lâu, trong những ngày đất nước lầm than sau 1975, tôi về Huế, tình cờ gặp và ghé em giây lát. Thanh Mai nài nỉ tôi ở lại dùng cơm nhưng tôi làm sao nuốt cho trôi những hạt cơm độn khó khăn của các cháu!

Qua câu chuyện hàn huyên về cuộc sống, về nghề nghiệp, đặc biệt là trong cảnh ngộ mới, Thanh Mai cho biết em cũng không gặp mấy khó khăn là “Nhờ em học được từ các Thầy Cô những cách đương đầu, những thái độ đối xử, nhất là tình thương chân thật dành cho học sinh” – đầu em hơi cúi nghiêng xuống mà mắt ngước nhìn không thẳng lên tôi… “Nhất là những học sinh kém may mắn… như em ngày xưa!”

Thanh Mai nhắc đi nhắc lại một cách chân thành biết ơn rằng: “Hành trang vào đời của em là tất cả những gì em đã thu nhặt được dưới mái trường Đồng Khánh ngày nào.”

Thanh Mai tha thiết hỏi ngày giờ tôi vào lại Sài Gòn nhưng tôi nói là vé xe lửa mua chui, không có ngày chắc chắn. Không muốn biểu lộ nỗi buồn, tôi cũng giấu rất nhiều người, tuy vậy ở ga xe lửa hôm ấy bà con, bạn bè, học trò đưa tiễn tôi cũng khá đông.

Còi tàu huýt đến lần thứ hai mà tôi vẫn còn dựa vào bức thành ngoài hiên ga. Sau đó khi chen được lên tàu, tôi chỉ còn đủ thì giờ để vẫy tay xuống bà con, bạn bè đang đứng nhìn với theo, tay vẫy không ngừng. Những hình ảnh thân thương mà tôi đang cố lưu trữ vào vùng kỷ niệm cứ xa dần, nhỏ lại theo con tàu chuyển bánh cứ nhạt nhòa dần qua màn nước mắt đang đọng quanh mi.

Minh họa: pexels-sang-tran

Bỗng có mấy tiếng gọi: “Cô ơi! Cô ơi!” từ sân ga vang lên. Tiếng kêu thất thanh đang cố chen, cố át tiếng xình xịch rầm rầm của động cơ khiến tôi giật mình nhìn xuống. Một thiếu phụ đang cố chạy đuổi theo tàu, vừa chạy vừa kêu. Tôi nhìn kỹ: Thanh Mai chạy cùng chiều và tàu cũng đã chuyển tốc độ nhanh dần, em làm sao mà rút cho kịp dù chỉ còn cách một khoang cửa sổ. Tôi nhoài cả nửa người ra ngoài và la lớn: “Đừng chạy nữa, đừng chạy nữa kẻo té nguy hiểm lắm!”

Tôi vẫn tiếp tục la và Thanh Mai vẫn tiếp tục chạy, cố hết sức bình sinh chạy cho kịp. Một tiếng “sạt”, một gói gì nho nhỏ bay lên tàu, lọt được qua khung cửa sổ ngay chỗ tôi đứng. Thanh Mai ngừng lại hai tay ôm lấy ngực, miệng há hốc, đứng như chết trân, chết điếng giữa sân ga! Tàu càng chạy xa, tôi càng nhoài người ra, cố vận dụng tất cả sự điều tiết để nhìn, không biết Thanh Mai có sao không? Sau đó, tôi chỉ còn thấy được Thanh Mai đã ngồi rục xuống với cái nón cũ trên đầu, trông xa chỉ như tai nấm giữa sân ga bấy giờ đã vắng khách. Tôi khóc ròng nhìn trằn trằn theo tai nấm không di động, nhỏ dần cho đến khi mất hút khỏi tầm mắt.

Cái gói quà kia là một gói mè xửng. Mè xửng Huế thứ thiệt, nhưng dưới thời khoảng đó, nó vừa nhỏ, vừa mỏng, được trộn thêm bột sắn nên rất cứng, lại thiếu ngọt và thiếu cả đậu cả mè. Nhưng với tôi, chắc chắn một điều là trong đời tôi không còn thấy món quà nào quý hơn gói mè xửng ấy! Và rồi tôi được tin từ những học sinh ở Huế cho hay Thanh Mai – cô học trò có tình có nghĩa của tôi – vừa mất vì ung thư!

Vậy đó, đời nhà giáo chúng tôi có những chuyện buồn, chuyện ân tình buồn nhưng cũng có những chuyện vui khác, không ngoài niềm hãnh diện về học trò Đồng Khánh thân yêu của mình.

Đó là Nguyễn Thị Xuân Lan, một em học trò cũ của tôi, có chồng người Mỹ và định cư ở Seattle. Ngày tôi sang Hoa Kỳ dự buổi họp mặt, em đã tìm mọi cách để được gặp thăm tôi một cách sốt sắng. Đó là người học trò Đồng Khánh đầu tiên mà tôi được gặp trên đất Mỹ. Qua nhiều lần trò chuyện và lui tới với nhau, tôi biết được em có cuộc sống vô cùng hạnh phúc.

Chồng em – anh Frank, người Mỹ – là một người có tư cách đạo đức đặc biệt, khá gần gũi với tinh thần Nho giáo Đông phương. Tôi không hiểu là do tình yêu mãnh liệt đồng hóa mà anh Frank chịu ảnh hưởng của Xuân Lan hay do Xuân Lan cảm phục tư cách đạo đức của anh Frank mà họ có một tình yêu nồng thắm, một tình yêu đủ mạnh để gạt bỏ dư luận ra ngoài tai, theo tiếng gọi của con tim trước khi biến cố mang nhiều đồng bào Việt Nam qua Mỹ.

Cứ mỗi lần tôi có dịp qua Mỹ, dù rất bận rộn, Xuân Lan cũng đều cố sắp xếp thời giờ để có thể đến thăm tôi, lần nào cũng có Frank cùng đi và cũng phần nhiều đều có những món quà nho nhỏ nhưng rất trang trọng trong cách chọn quà do Frank cầm đưa rất nhã nhặn.

Tôi áy náy, cám ơn. Frank lễ phép trả lời:

-Không có chi, đây chỉ là chút quà nhỏ để tỏ lòng biết ơn Thầy Cô, có các Thầy Cô của Việt Nam, Xuân Lan mới được như ngày nay.

Rồi Frank lại hỏi tiếp:

-Hồi đó Cô dạy vợ tôi môn gì? Chắc phải là môn Đạo đức?

Cảm động và hãnh diện, tôi kể tiếp cho Frank nghe có những người Mỹ khác cũng đang hãnh diện và hạnh phúc ấm êm như Frank, bên những người vợ vẹn toàn sản phẩm của trường tôi! Mỗi lần về lại Hoa Kỳ, mỗi lần gặp Frank là tôi lại được nghe cám ơn, những lời cám ơn mà có lẽ Frank đã không có dịp gọi về cho những bậc sinh thành của vợ.

Frank luôn luôn nói:

-Có những Thầy Cô giáo của trường Đồng Khánh như Cô, tôi mới có được người vợ tuyệt vời này! Hình ảnh, lời lẽ cũng như tinh thần tôn Sư trọng đạo của Frank đã một thời là niềm suy tư của tôi. Chúng tôi, những nhà giáo nói chung, đã cho bao nhiêu mà nhận nhiều như thế!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: