Có một “Bà Tiên” người Mỹ

Cụ Lita Skalka giữa đám “con cháu” người Việt

– Bài viết này xin gửi đến Mom Lita Skalka và tất cả những người con đẻ cũng như con cháu nuôi người Việt nhân Sinh nhật thứ 92 của bà với tất cả niềm cảm mến và tình thương yêu – 

Mùa hè năm 2002, gia đình anh chị Hai của bà xã tôi về thăm Việt nam. Ra đón tại phi trường Tân Sơn Nhất, tôi ngạc nhiên thấy một phụ nữ Mỹ xấp xỉ thất tuần đi cùng. Giữa đám đông chen chúc ở sảnh đón, một phụ nữ da trắng – tóc bạc phơ bay trong gió, lưng thẳng, ánh mắt tinh anh, với ánh nhìn trìu mến và nụ cười thân thiện – vẫy tay chào chúng tôi. Nhìn Bà trong cách phục sức đơn giản nhưng trang nhã toát lên vẻ lịch lãm, tôi quay sang bảo vợ: “Ồ trông bà ấy đẹp lão giống Nữ hoàng Anh quá vậy?”. Vợ tôi thì thầm: “Má nuôi của anh chị Hai đó anh”.

Bà bước đến chỗ hai đứa tôi, cười: “Hello. Give me a hug, please! – Xin chào! Cho ta ôm một cái nhé!”. Tôi lúng túng nhưng bất chợt giơ tay lên ôm lấy Bà, miệng bật thốt lên: “Hello Mom – Chào Mẹ”…

Gần mười năm sau, cuối năm 2011, gia đình tôi sang Mỹ định cư. Gặp lại Bà sau một thời gian dài, tôi ngạc nhiên vì Bà vẫn nhớ tên tôi. Không chỉ vậy, về sau, tôi nhận ra rằng Bà nhớ tên tất cả mọi người dù chỉ gặp một lần.

Điều ngạc nhiên nhất là rất nhiều người Việt, không kể các anh chị bên vợ tôi, đều gọi Bà là Mom/Mẹ; còn các cháu nhỏ gọi Bà là Grandmom/Ngoại, với tất cả sự trìu mến. Dần dần, nhờ hỏi chuyện các anh chị, tôi hiểu rằng tại sao người phụ nữ Mỹ ấy được yêu mến như thế. Tên Bà là Lita Virginia Danielle Skalka, người Mỹ gốc Do Thái – một trẻ mồ côi được nhận nuôi từ bé. Bà được nuôi ăn học, tốt nghiệp y tá rồi lập gia đình. Chồng Bà là ông Edward [Ed] Skalka, người Mỹ gốc Hungary, đạo Do Thái, tốt nghiệp kỹ sư, từng làm Phó Chủ tịch Kinh doanh của một hãng sắt thép tại Trenton, New Jersey.

Cụ Lita Skalka

Có lẽ để tạ ơn nuôi dưỡng của Bố Mẹ nuôi và thông cảm với những mảnh đời khốn khó mà hai Ông Bà đã nhận bảo trợ cho gần ba mươi người Việt Nam tị nạn. Lúc nào, Ông cũng đứng sau lưng Bà để chia sẻ, động viên và hỗ trợ bằng tất cả tình yêu. Anh NNN, một người con nuôi qua Mỹ từ năm 1979, kể lại:

“Trước năm 1975, hai Ông Bà đã nhận bảo trợ những du học sinh từ Tây Đức, Nam Hàn… và nhiều nước khác qua Mỹ du học. Sau này, những người thọ ơn ấy vẫn tiếp tục giữ liên lạc và xem Bà như một người Mẹ. Sau năm 1975, Ông Bà vào trại Indiantown Gap, Pennsylvania – cách nhà tôi khoảng 40 phút lái xe – để nhận bảo trợ những người lính VNCH và gia đình họ di tản qua đây trong những ngày đen tối của đất nước.

Sau đó, Ông Bà tiếp tục nhận bảo trợ nhiều thuyền nhân Việt Nam đang chờ phỏng vấn tại các trại tị nạn ở Thái Lan, Mã Lai và Phi Luật Tân. Căn nhà trên núi của hai vợ chồng nhiều khi nuôi dưỡng cả chục người Việt Nam di tản. Một tay Bà vừa đi làm, đi chợ, nấu nướng rồi đưa đón con nuôi đi học tiếng Anh, đi chơi thể thao ngoại khóa… mà không hề nghe Bà than thở, trách móc hay tỏ ra nóng giận. Không chỉ nuôi nấng, Ông Bà còn tìm đủ cách, mọi cơ hội để khuyến khích những người con nuôi từ một đất nước xa lạ học tiếng Anh, học chữ, học nghề… để mau chóng hoà nhập xã hội Mỹ, để có thể tự chăm sóc bản thân và gia đình mình sau này”.

Cụ Lita Skalka trong một buổi gặp gỡ gia đình Việt

Anh kể tiếp: “Ông Bà có tất cả năm người con, cả trai lẫn gái (Hank, Fred, Tommy, Francis và Danny). Đông con nhưng họ vẫn chia sẻ đồng đều tình thương yêu giữa con ruột và những người con nuôi Việt Nam. Thậm chí có phần hơi thiên vị con nuôi hơn. Chẳng hạn, nếu con ruột ở chung mà đã có công ăn việc làm thì vẫn phải đóng góp hàng tháng vào ngân sách gia đình; trong khi, con nuôi được giữ lại khoản trợ cấp của Chính phủ Mỹ để tiêu dùng riêng. Thỉnh thoảng, Ông Bà còn cho thêm để tiêu xài.”

Anh nói thêm: “Khi anh dọn ra một apartment để gầy dựng gia đình, Ông Bà sợ anh thiếu thốn phải đi làm nhiều giờ mà lơ là việc học. Và thế là, dịp cuối tuần, canh lúc anh đi làm vắng nhà, Ông Bà lặng lẽ đi chợ, mua thức ăn chất đầy tủ lạnh nhà anh. Việc ấy chỉ chấm dứt khi anh phát hiện, “làm dữ” và cam kết không bỏ học thì Ông Bà mới thôi.”

P.T. thuật lại:

“Năm đó, em ở trại trên đảo Bidon. Lần đầu tiên phỏng vấn, em bị phái đoàn Mỹ từ chối. Em buồn lắm. Đột nhiên, họ lại trở lại lần nữa. Lần này họ cho phép em vào Mỹ vì trong hồ sơ có lá thư khiếu nại của Má nuôi. Ngày đầu tiên đến Mỹ, Má nuôi đãi tụi em ăn cháo gà với gỏi bắp cải trộn tự Bà nấu. Nhớ hoài! Hai món Bà nấu mà Ông cũng rất thích là bún bò Huế và chả giò. Yêu đám con nuôi Việt, Bà học dùng đũa, tập ăn đồ ăn Việt rồi học cách nấu luôn. Tính Bà vậy đó. Cái gì mới Bà cũng muốn thử rồi học cách làm. Anh có thấy trong những bữa tiệc gia đình, Bà thử hết các món ăn do các con nuôi Việt nấu không? Hồi mới qua, tiếng Anh của em còn dở. Thế mà Bà cứ bắt em phải nghe và trả lời điện thoại. Em sợ lắm. Nhưng dần dần em có thể nói tiếng Mỹ như dân bản địa rồi đó.”

Tôi nghe đến đó bật cười và nhớ lại cảnh Nolan mới qua Mỹ vào học lớp hai. Bà chạy xe lên nhà giúp Nolan làm bài tập. Nhìn cảnh bà cụ người Mỹ ngồi kiên nhẫn nghe con tôi bập bẹ tiếng Mỹ rồi Bà chậm rãi nói rõ từng tiếng để sửa phát âm cho cháu thật cảm động. Bà không cho vợ tôi trả lời giùm mà bảo hãy để cháu tự nói chuyện với người M chính hiu là ta đây.

Cụ Lita Skalka được nhiều người Việt yêu mến và kính trọng
Cụ Lita Skalka vừa mừng sinh nhật lần thứ 92

Chị L., một người con nuôi khác của Bà chẳng may mắc bệnh nan y. Bà đưa chị về nhà tự chăm sóc đến cuối đời. Tôi nghĩ, trước lúc đi xa, chắc chị nở nụ cười sung sướng và mãn nguyện trong cơn đau thập tử nhất sinh vì cuối cùng chị cũng từ biệt cõi đời trong vòng tay của một người mà chị coi như Mẹ; và Bà cũng coi chị như con gái đẻ đau của mình.

Cho đến giờ, trừ hai năm dịch bệnh, Bà vẫn thường xuyên dự những bữa tiệc gia đình chúng tôi. Từ lễ Tạ ơn, Giáng sinh, Tết Âm lịch Việt Nam và đặc biệt là Ngày của Mẹ [Mother’s Day]. Bà bao giờ cũng nhớ mang tặng những món quà Giáng sinh, phong bao lì xì đỏ cho từng người một. Không sót một ai. Nhìn một bà cụ tóc bạc phơ ngồi lọt thỏm trong đám con cháu tóc đen đông đúc nở nụ cười hạnh phúc, tôi thấy lòng dâng lên một nỗi niềm cảm động khó tả.

Xa quê, bắt đầu cuộc sống mới ở một đất nước xa lạ, lại thêm những biến cố, rồi đại dịch… dễ khiến người ta nản lòng. Những lúc đó, tôi lại nhớ đến nụ cười khích lệ, thái độ sống tích cực và tâm hồn tràn đầy tình thương yêu của Bà, như một nguồn động lực giúp tôi vững tin rằng tôi đang sống trên một xứ sở mà vượt trội hơn cả sức mạnh kinh tế và quân sự chính là sự lương thiện, nhân ái và sự chia sẻ mà Bà là hình ảnh đại diện cho những gì tốt đẹp nhất của nước Mỹ – một tâm hồn Mỹ đích thực!

Năm nay, chúng tôi tổ chức Sinh nhật lần thứ 92 cho Bà với tất cả sự kính trọng, tình thương yêu. Riêng tôi, nếu có thể, tôi sẽ ôm lấy Bà và thì thầm “Mom, please live as long as The Queen [Elizabeth II]. I love you! – Mom! Hãy sống lâu như Nữ hoàng Anh quốc nhé. Với tình yêu thương!”

Bài và ảnh: Năng Nguyễn

________

[Bài viết riêng cho Saigon Nhỏ. Chân thành cám ơn anh N.N.N., em P.T. và Frances Skalka đã cung cấp thông tin cho bài viết này]

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: