Da vàng trên xứ tuyết

Ảnh: andre-benz-unsplash
Share:
Văn Hóa - Văn Nghệ
Văn Hóa – Văn Nghệ
Da vàng trên xứ tuyết
/

Có lẽ không có mùa nào ẩn chứa sự mâu thuẫn trong bản chất của nó hơn mùa Đông. Mùa Đông là mùa biểu hiện rõ rệt sự sống và cái chết. Mùa Đông cũng là bài ca ngợi hình ảnh của sự ấm cúng và giá băng.

Nước Mỹ rộng lớn, mùa Đông ở Texas và Florida ấm áp hơn so với mùa Đông ở các tiểu bang miền Bắc và Đông Bắc. Tôi ở New Jersey, miền Đông Bắc của nước Mỹ, không phải là nơi lạnh nhất nếu so với các tiểu bang giáp ranh với Canada. Tuy nhiên, New Jersey, mùa Đông cũng có khá nhiều tuyết. Bài này lấy tựa đề da vàng trên xứ tuyết, nói cho oai, chứ xứ tuyết của tôi là New Jersey. Người da vàng, là tôi, đã sống ở vùng này chừng bốn mươi năm.

Ảnh: isabella-and-zsa-fischer-Unsplash

Mùa Đông ở xứ tuyết có gì vui? Người ở xứ lạnh làm gì để giải trí cho hết mùa Đông? Ở trong nhà bạn có thể làm nhiều thứ, nấu ăn, làm bánh, hát karaoke, đan áo, móc nón, đọc sách, hay viết văn. Ở ngoài trời, nếu bạn khỏe mạnh, có máu thể thao bạn có nhiều thú vui hơn. Thí dụ như đi trượt tuyết, đi câu, và đi săn. Riêng tôi, thú vui mùa Đông của tôi là đi bộ trong rừng, hay đi dọc theo bìa rừng. Những nơi tôi đi bộ là Watchung Reservation, và con đường trail có tên “kênh đào Delaware và Raritan”. Trail này nằm giữa, gần như song song, với con kênh đào D&R và con sông Millstone.

Mùa Đông thường được xem là biểu tượng của tuổi già. Những người đến tuổi chuẩn bị tinh thần đi vào miên viễn. Người ta xem tuổi già cũng như mùa Đông, buồn nhiều hơn vui. Trời mùa Đông xám xịt, mặt đất đầy tuyết băng, gió buốt xương, cây cỏ trơ trụi nhìn đâu cũng chỉ thấy một màu nâu đậm nhạt. Thiếu ánh sáng, nhiều người thường hay mắc chứng bệnh trầm cảm. Tuy vậy, tôi mạn phép thưa với bạn đọc về cái đẹp và niềm vui trong mùa Đông. Mùa Đông cũng là lúc chúng ta có thể dự trữ năng lượng, chữa bệnh tâm hồn, bồi đắp khả năng trí tuệ, và tu dưỡng tinh thần.

Theo lịch, mùa Đông bắt đầu được mấy ngày là đến lễ Giáng sinh. Mùa Đông đẹp nhất và vui nhất là lúc này. Tôi yêu những ngọn đèn trắng và trong suốt, gắn trên cây như những vì sao lóng lánh. Đèn treo trên cây vào lễ Giáng sinh luôn làm tôi nghĩ đến hàng ngàn con đom đóm đậu trên những cây bần, cây mắm, hay dừa nước trong đêm mùa Hè ở quê nhà. Cả hai hình ảnh đều đẹp.

Ai cũng mơ có tuyết rơi vào đêm Giáng sinh, nền tuyết trắng tăng thêm phần rạng rỡ của mùa lễ hội. Nếu chúng ta có thể gom tất cả niềm vui được quà của Santa Claus, gà tây nướng, bánh kẹo, và không khí nhộn nhịp của lễ Giáng sinh làm thành một cái bánh, thì tuyết rơi trong ngày lễ Giáng Sinh sẽ là lớp kem trên mặt bánh được tô điểm bằng trái cherry đỏ chói và ngọt lịm.

Ảnh: mira-kemppainen-unsplash

Một nhà thơ thời Đường đã viết “đông ngâm bạch tuyết thi” để nhấn mạnh cái đẹp của tuyết trắng tạo hứng khởi cho thi sĩ làm thơ ca tụng tuyết. Những hình ảnh đẹp là tuyết rơi lất phất như những đóa hoa, bay như những con chim tuyết dưới ánh đèn, sự tương phản màu sắc của con chim cardinal (hồng y tước) màu đỏ rực đậu trên những nhánh cây đầy tuyết.

Khó diễn tả thấu đáo bằng câu văn, bạn phải nhìn thấy tận mắt, hay ít nhất là xem phim hay xem ảnh, cái đẹp của nắng chiếu rạng rỡ trên nền tuyết trắng có ánh xanh trong chiều sâu của tuyết, và đẹp hơn nữa, lung linh như huyền thoại, là ánh trăng trên tuyết, có màu của xanh nhạt và xám nhạt chỉ họa sĩ hay nhiếp ảnh gia có tài mới ghi nhận được.

Cái đẹp của mùa Đông thì như vậy, nhưng ẩn chứa trong vẻ đẹp này là sự khắc nghiệt của nhiệt độ thấp. Cái lạnh có thể dẫn đến cái chết. Mới vài tháng trước đây, tiểu bang Texas thường thường mỗi năm chỉ có vài ngày lạnh, bỗng dưng trời lạnh dưới không độ, thêm vào đó bị mất điện khiến người dân không dùng được máy sưởi ấm gây nên thiệt hại nhân mạng. Lạnh bao nhiêu thì người ta có thể chết? Không cần nhiệt độ thấp lắm đâu. Chỉ cần khoảng năm mươi độ F (khoảng 10 độ C) mà thiếu quần áo ấm, và kéo dài nhiều giờ là người ta có thể chết dễ dàng.

Trên đường đi bộ mùa Đông, thỉnh thoảng tôi gặp xác nai, có khi là nai con, chết trên đường. Mùa Đông, tuyết che phủ hết cây cỏ, nên thú vật rất đói. Không biết nó chết vì lạnh hay vì đói, hay cả hai. Nai hiền lành và đẹp. Cái chết của nai con cũng giống như cái chết của trẻ em, khi cuộc đời còn rất dài trước mặt, khiến chúng ta thương cảm hơn. Có lần bầy nai bất chợt nhìn thấy tôi đến gần sợ quá chạy lung tung và có con bị ngã xuống nước. Mặt nước chưa đông cứng nên con nai chới với muốn lên bờ cũng khó vì băng trơn, mà ở dưới nước thì lạnh quá. Quẫy lộn một hồi nó lên được bờ bên kia. Tôi thấy hú hồn giùm nó.

Ảnh: sjoukje-bos-unsplash

Giữa mùa Đông, sau khi mặt kênh đóng băng, tuyết mới rơi phủ trên mặt băng một lớp mỏng mềm và xốp. Mới nhìn người ta tưởng như không có sự sống. Tuy vậy sự sống hiện ra bằng những dấu chân sinh vật. Dấu chân ngỗng trời Canada giống như ba đoạn thẳng chụm lại, phác họa hình mũi tên. Có những dấu chân nhỏ và mềm mại, chụm lại như đóa hoa nho nhỏ, giống dấu chân mèo hoang thường đến ăn sau nhà tôi, khiến tôi tự hỏi con vật gì có dấu chân như thế. Mèo hoang chăng? Nó đi thật xa, cả cây số hay hơn, trên mặt kênh.  Mèo hoang đi tìm thức ăn xa đến như vậy sao?

Có những dấu chân to hơn, giống như chân chó, nhưng có móng nhọn cào trên băng. Có phải đó là dấu chân của cáo? Tôi nhìn thấy dấu hiệu của nhiều con thú đùa giỡn trên băng.  Những vết trũng đã đông lại, có khoảng cách đều đặn, khiến tôi tưởng tượng loài thỏ đã nhảy tung tăng, ịn cái mông của nó lên mặt băng còn ướt, từ bờ kênh bên này sang bên kia.  Những vết trượt dài trên mặt băng phải chăng của rái cá? Nai thích chạy cả bầy trên mặt băng, tiếng chân nai nghe như tiếng vó ngựa lộp cộp. Chạy thật xa, chúng quay lại nhìn tôi, như thách thức, có giỏi thì đuổi theo chúng tôi xem nào.

Những vết chân nai rất dễ nhận ra. Không phải chỉ ở dấu chân trên băng tuyết của loài vật bạn mới nhìn ra vẫn còn sự sống. Ngay cả rừng cây tưởng chừng đã chết khô, quan sát kỹ một chút bạn sẽ thấy còn khá nhiều cây xanh, những loại cây vạn niên thanh có thể sống qua mùa Đông như tùng, trắc bá diệp, cây holly lá có gai nhọn xanh mướt và bóng loáng với những chùm trái đỏ mọng, đẹp ngời ngời mỗi khi bị phủ lên một lớp tuyết mỏng.

Tôi thường được hỏi: Ở đó (là chỗ tôi ở) lạnh không, lạnh cỡ nào? Trời lạnh như vậy đi ra ngoài làm gì, ở nhà trùm mền cho ấm. Đi bộ mùa Đông ngoài mục đích vận động cho cơ thể khỏe mạnh, còn có thể là môn giải trí rất thú vị. Bạn chỉ cần giữ cho người thật ấm. Điều này không khó. Mặc áo khoác bên ngoài và nhiều lớp bên trong. Không phải mặc áo dày giữ được hơi ấm lâu cho cơ thể mà là mặc nhiều lớp mỏng để khi nóng có thể cởi bớt ra. Bạn nhớ đội mũ, đeo găng, mang giày không thấm nước. Đặc biệt mùa Covid tôi thấy đeo khẩu trang giúp cho mặt và mũi ấm hơn.

Ảnh: joe-wong-unsplash

Những người đi săn mùa Đông, hay câu cá trên mặt băng, ít vận động lại ở ngoài trời lâu, có thể dùng những gói hóa chất tỏa nhiệt. Bóp nhẹ cái gói nhỏ, bên ngoài là plastic, để cho hóa chất bên trong xúc tác với nhau tạo thành chất tỏa nhiệt. Bạn có thể để gói hóa chất này trong túi, găng tay, hay vớ để sưởi. Cẩn thận đừng làm vỡ bao bên ngoài, hóa chất có thể làm bạn bị phỏng. Với người đi bộ chỉ vài giờ đồng hồ như tôi, không cần đến gói hóa chất này. Khi trời lạnh thấp hơn độ đông của nước đá (32 độ F hay 0 độ C), tôi mặc thêm một quần dài mỏng bên trong quần jean. Chỉ cần đi độ mười hay mười lăm phút là bạn sẽ thấy người trở nên ấm áp dễ chịu.

Thật khó giải thích cho người sống ở miền nóng về cái lạnh của xứ tuyết. Tôi có thể nói hãy tưởng tượng bạn đang đứng ở trong một cái tủ lạnh khổng lồ nhưng tôi không biết sự so sánh này có đúng không, bởi vì tôi chưa bao giờ đứng trong cái tủ lạnh khổng lồ cả. Trong một cuốn phim nào đó, tôi quên mất tên, có mấy đứa trẻ chừng bảy hay tám tuổi, rất nghịch ngợm nên bị phạt đứng chung quanh cột cờ giữa mùa Đông. Một đứa chơi cắc cớ, thách thằng bạn kia thè lưỡi liếm cột cờ bằng kim loại. Thằng bé dại dột làm theo lời thách thức, nước bọt đóng băng rất nhanh nên lưỡi của nó bị dính vào cột cờ. Thằng bé trong phim khóc quá trời đất.

Ngày còn trẻ, tôi phải ra một cây cầu quay gần cửa biển để làm việc. Gió mùa Đông làm những bắp thịt mặt của tôi tê cóng lại đến độ không thể nói chuyện, và nước mũi chảy ròng ròng cũng không biết. Trong quyển Xứ Tuyết của Yasunari Kawabata, một nhân vật đã nhận xét là ông ta không thật sự biết trời lạnh đến cỡ nào cho đến khi trên đường ra khỏi nhà ga xe lửa, bàn tay của ông ta chạm vào mái tóc của người phụ nữ đồng hành. Có lẽ lúc ấy cái lạnh mới thấm vào da.

Điều thú vị là trời càng lạnh càng làm bạn liên tưởng đến sự ấm áp. Người mình có câu đất lạnh tình nồng. Mùa Đông còn gì thú vị hơn ngồi gần lò sưởi, nhấm nháp chút rượu, ủ trong tay ly trà hay ca cao nóng, xem phim, nghe nhạc, đọc sách, hay nghe kể chuyện. Và lắng nghe tiếng hoa tuyết phất phơ trong gió, nhẹ nhàng đáp xuống mặt đất như những gót hài của vũ công ba lê.

Ảnh: karl-hedin-unsplash

Tuyết đẹp nhất là lúc bạn đứng trong nhà ngắm tuyết. Hơi nước và tuyết biến thành những tinh thể hình dáng rất đẹp. Khổ nhất là bạn phải dọn tuyết trên đường dẫn vào nhà xe, lề đường trước nhà, trên mui xe kiếng xe, trước khi đi làm. Có nhiều thành phố, bạn sẽ bị phạt nếu lái xe trên đường mà không dọn sạch tuyết trên xe, vì tuyết rơi có thể gây tai nạn cho người chung quanh.

Tôi thích cảm giác ấm áp khi đứng trong nhà nhìn qua cửa sổ thấy ống khói nhà láng giềng bốc lên những làn khói trắng. Tôi tưởng tượng mùi củi cháy rất thơm từ làn khói ấy. Nắng mùa Đông rất tuyệt vời. Bạn sẽ cảm thấy sự ấm áp lan tỏa trên da nguồn nhiệt là từ ánh mặt trời rất khác với hơi nóng ngột ngạt bốc từ mặt đường của mùa hè.

Nếu hoa đẹp nhất vào mùa Xuân, thì cây đẹp nhất vào mùa Đông. Tôi yêu vẻ đẹp đầy cá tính của cây khi lá đã rụng hết. Không có cây nào giống cây nào. Mỗi cây một vẻ. Nhìn cây, tôi liên tưởng đến người. Có cây hình dáng mềm mại, có cây mang nét khắc khổ. Mùa Xuân và mùa Hè nhìn một cây trụi lá, chúng ta nghĩ rằng cây này đã chết. Mùa Đông, tôi không thấy cây nào chết cả. Khi những cành xương xẩu nổi bật trên nền trời, tôi nghĩ cây ngủ qua mùa Đông. Chỉ cần vài ngày nắng ấm, chuyển mùa, là cây lại ùn ùn dâng sức sống, mầm lá sẽ trồi lên.

Chúng ta thường chỉ nhìn thấy cái khô cằn xương xẩu của cây trụi lá trong mùa Đông, như “cành xương tháng Chín” của Du Tử Lê, hay “đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh” của Xuân Diệu. Thoreau, triết gia yêu thích thiên nhiên, đã viết một bài thơ trong nhật ký, nói về hai cây sồi mọc song song giữa cánh đồng, chịu đựng hết mùa Đông này sang mùa Đông khác. Dù ngọn của cây có mọc cách xa nhau, nhưng dưới đất rễ của hai cây quấn quít với nhau. Khắng khít như tình bạn của loài người. Trong bài thơ Winter Trees (Cây Mùa Đông), Sylvia Plath so sánh những vòng tròn khi thân cây bị cắt ngang với những chiếc nhẫn cưới. Bà cho rằng cây tốt đẹp hơn phụ nữ vì cây không phá thai hay dữ dằn. William Carlos Williams trong một bài thơ cùng tên với bài thơ của Sylvia Plath so sánh cây thay lá từng mùa cũng giống như người ta thay quần áo hằng ngày.

Ảnh: ray-hennessy-unsplash

Chúng ta có thể nhận ra sự sống trong rừng cây mùa Đông không chỉ bằng hình ảnh mà còn qua âm thanh nữa. Lắng tai một chút, bạn sẽ nghe thấy tiếng chim đủ loại. Tiếng chim gõ kiến như một tràng tiếng mõ vang dội trong rừng. Loại chim này có cái đầu rất cứng mới có thể chịu được sự chấn động của những nhát bổ vào thân cây như búa tạ đập vào đinh.  Thỉnh thoảng một đôi chim màu sắc sống động bay sà xuống chỗ tuyết tan thành nước, cúi đầu và ngửa cổ nuốt lấy nuốt để những giọt nước cho nguôi cơn khát lâu ngày rồi bay vụt lên như những luồng ánh sáng đầy màu sắc.

Tiếng vịt mallard đầu xanh và wood duck với những vân màu sắc rực rỡ kêu inh ỏi giữa giòng sông Millstone nước chảy xiết. Tiếng ngỗng trời Canada bay thành đội hình có khi xuôi Nam nhưng thường khi chỉ bay từ cái hồ này sang cái hồ khác, cánh đồng này sang cánh đồng khác bởi vì loại ngỗng này từ lâu đã nhận New Jersey làm quê hương.

Một hình ảnh rất đáng yêu của mùa Đông là nhìn thấy đàn ngỗng Canada ngủ một chân trên cánh đồng cỏ đầy tuyết. Loài chim khôn ngoan này ngủ trên bờ để tránh bị chôn chân trên mặt nước đóng băng khi trời lạnh quá nhanh, mặt hồ đông cứng và có thể gây ra cái chết cho chúng. Trong không gian yên tĩnh của mùa Đông, tiếng chim ríu rít vui tươi như thể loài chim không biết lạnh.

Ảnh: austris-augusts-unsplash

Không phải ai cũng chịu đựng được cái lạnh mùa Đông. Âm thanh mùa Đông trong thơ Basho là tiếng rạn nứt của lu nước trong đêm lạnh quá không ngủ được và làm sưng mặt của người bị gió rét.

Cold night
The sound of water jar
cracking on this icy night
as I lie awake[1]

Đêm rét
Tiếng nước đông trong lu
rạn nứt, vang trong đêm băng giá
khi tôi không ngủ được[2]

a wintry gust –
cheeks painfully swollen,
the face of a man

gió đông thổi giật ngược
má đau đớn sưng vù
khuôn mặt người bị rét­2
­

Tôi có tìm, nhưng không gặp, bài Đường thi nào ca ngợi sự thú vị của mùa Đông ngoại trừ câu thơ “Đông ngâm Bạch Tuyết thi”. Hẳn là có thơ nhưng tôi không gặp vì tôi tìm chưa đủ lâu, và không có đủ sách. Những bài thơ tôi gặp, thường là một bức tranh đẹp, nhưng toát lên nỗi buồn cô quạnh của mùa Đông.

Một trong những hoạt động, có thể xem là giải trí trong mùa Đông của người sống ở miền lạnh là câu cá. Câu cá mùa Đông còn để duy trì nguồn lương thực, hay sự sinh tồn của gia đình. Khi mặt nước hồ hoàn toàn đóng băng, và đủ dầy để có thể chịu được sức nặng của người đi trên tuyết, người ta khoét lỗ trên mặt băng và thả câu. Trên sông, nước chảy nên dù có tuyết, mặt nước cũng không đông hoàn toàn, người ta có thể ngồi thuyền đi câu. Liễu Tông Nguyên có bài thơ:

Giang Tuyết

Thiên sơn điểu phi tuyệt,
Vạn kính nhân tung diệt.
Cô chu toa lạp ông
Độc điếu hàn giang tuyết

Sông Đầy Tuyết

Nghìn non chim hết vẫy vùng,
Vắng tanh muôn nẻo tuyệt không dấu người.

Áo tơi, nón lá, ông chài,
Con thuyền giữa tuyết ngồi hoài buông câu.

(bản dịch Trần Trọng Kim)

Bài thơ tỏa ra sự ấm áp giữa mùa Đông mà tôi tìm thấy là đoạn thơ cuối của bài thơ viết bằng tiếng Sankrit của Vidyakara, được Daniel H. H. Ingals dịch ra tiếng Anh.

[…]
The peasant and his wife
sleep in a grass hut at the corner of the field
with coverlet and pillow made of barley straw,
The frost avoids their slumbers,
a boundary being drawn to its advance
by the warmth emitted from the wife’s plump breasts.[3]

Vidyakara

Chàng nông dân và người vợ
ngủ trong túp lều tranh ở một góc của cánh đồng
đắp mền rơm và gối rơm
Giá đông tránh chỗ ngủ của họ
một vách ngăn được dựng lên trước
bằng hơi ấm tỏa ra từ bộ ngực căng đầy của người vợ2

Người Tây phương có vẻ chịu cái lạnh giỏi hơn người Á châu. Trong truyện Through the Looking Glass (Qua Ống Kính Viễn Vọng), nhà văn Lewis Carroll đã cho chúng ta thấy cái nhìn thân thiện về mùa Đông qua nhân vật Alice, cô bé phiêu lưu lạc vào xứ thần tiên.

“Tôi tự hỏi phải chăng tuyết yêu cây và đồng ruộng đến độ nó hôn chúng thật đằm thắm? Phủ trùm lên chúng bằng một cái mền lông ngỗng trắng; rồi nói: “Ngủ ngoan nhé cưng, ngủ cho đến khi mùa hè trở lại.”

Tôi nghe nói rằng đi bộ là một cách thiền, hay thiền hành. Tôi chưa tu thiền bao giờ. Đi bộ giữa mùa Đông, tôi thường bắt đầu bằng cách hít vào thật sâu, nín vài giây, rồi thở ra thật chậm, thật dài. Tôi thở như thế cho đến khi tôi vì chú ý đến cái gì đó mà quên thở. Đến chừng nhớ lại thì hít thở sâu tiếp tục.

Ảnh: pascale-amez-unsplash

Mùa Đông, khiến mình nhớ và quí các mùa Xuân, Hạ, và Thu hơn. Nhìn thấy sự đói lạnh và chết chóc của muông thú giúp mình trân trọng sự sống nhiều hơn. Có thể bạn sẽ chạnh buồn khi nhìn thấy sự chết chóc trong mùa Đông, như nghĩ cho cùng, không có sự mất mát nào là vĩnh viễn, vì nó sẽ tái sinh qua hình thức khác. Xác nai có thể là thức ăn cho những loài động vật ăn thịt khác. Phần còn lại sẽ biến thành phân bón nuôi dưỡng cây cho mùa sau. Tôi yêu những ngày có thể nằm nhà xem phim và đọc sách. Mùa Đông, thay vì nhìn nó như sự tàn rụi của đời người, chúng ta có thể xem nó như thời gian tịnh dưỡng của tâm hồn.

Viết xong ngày 11 Tháng Hai 2022

(Có thể có người đã dùng tựa đề này. Nếu có, tôi xin cáo lỗi với tác giả ấy)

____________

[1] Collected in Basho and His Interpreters, edited by Makoto Ueda. Stanford: Stanford University Press, 1991.

[2] Nguyễn Thị Hải Hà dịch từ bản tiếng Anh

[3] “Winter – A Spiritual Biography of the season” edited by Gary Schmidt & Susan M. Felch. p. 116

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: