Hoa trong tâm tưởng…

(ảnh: Unsplash)

Có lần đã lâu tôi đến Nhật dự một khoá học hai tuần. Sau buổi học tôi lang thang ra phố và ngồi trong một quán ăn bên bờ sông Sumida nhìn ra hàng cây anh đào Tháng Tư đang tưng bừng nở hoa với màu hồng phơn phớt thanh khiết. Trời mát lạnh, gió êm nhưng vẫn có nhiều cánh hoa rơi nhẹ nhàng như từng đám mây sà xuống cây cầu nhỏ gần đó. Dưới mặt nước cũng lấp lánh nhiều cánh hoa li ti trôi.

Tôi thích loại hoa này, không chỉ vì vẻ đẹp của hoa khi đang trên cành cũng như khi rụng, mà thích cả thân cây thường sù sì, gân guốc, giống như trong những bức tranh vẽ mùa Xuân xứ lạnh được xem hồi còn nhỏ. Khi nhìn từ xa, nhất là trong một buổi chạng vạng, cây anh đào trông giống như một người thiếu nữ bận kimono đang dang tay múa trong cơn gió chiều. Đúng như hình ảnh trong thư một người bạn Nhật viết cho tôi.

(ảnh: Unsplash)

Rời nước Nhật, tôi mang nỗi xao động về loại hoa nổi tiếng toàn cầu đó, nhưng rồi cũng phải trở lại với cuộc sống hằng ngày. Có lúc tôi nhận ra rằng cảm xúc với loài hoa đào trong chuyến đi Nhật mùa Xuân năm đó chẳng khác nào cảm xúc trước một mỹ nhân gặp ở đâu đó nơi đã đi qua, ở Nhật trong vài lần ghé thăm, ở Thượng Hải, Singapore… Nghĩa là cảm nhận một vẻ đẹp của những thứ không thuộc về mình.

Có một bài vè mà lâu nay tôi nghĩ là ca dao, nhưng trong tờ nguyệt san Sáng Dội Miền Nam xuất bản khoảng năm 1962, một tác giả cho biết bài vè này của… cụ Trương Vĩnh Ký. Gia đình cụ Trương và Viện khảo cổ Sài Gòn trước 1975 đã cung cấp tấm ảnh chụp một trang bút tích do cụ ghi lại bài thơ này đăng trên báo. Bài mang tựa đề “Bài ca các loại bông mọc ở Nam Phần”.

Bài viết kể tên nhiều loài hoa, trong đó có vài cái tên cổ xưa từ thế kỷ 19, đến giờ không rõ là loại hoa gì.

Tháng Giêng nắng lắm nước biển mặn mòi

Vác mai đi xoi là bông hoa Giếng,

Hay bay hay lượn là hoa Chim chim

Xuống biển mà chìm là bông Hoa Đá,

Bầu bạn cùng cá là đá San Hô

Hỏi Hán qua Hồ là hoa Nàng Sứ

Thìn lòng nắm giữ là hoa Từ Bi.

Ăn ở theo thì là hoa Bầu Ngọt

Thương ai chua xót là hoa Sầu Đâu.

Có sống không cầu là hoa Nàng Cách

Đi mà đụng vách là hoa Mù U

Cạo đầu đi tu là hoa Bông Bụt

Khói lên nghi ngút là hoa Hoắc Hương

Nước chảy dầm đường là hoa Mùi Tưới

Rủ nhau ăn cưới là hoa Bông Dâu

Nước chảy rạch sâu là hoa Muống Biển

Rủ nhau đi kiện là hoa Mít Nài

Gái mà thua trai là hoa Phát Dũ

Đêm nằm không ngủ là hoa Nói Ngày

Bạn chẳng lìa cây là bông Hoa Cúc

Nhập giang tùy khúc là bông Hoa Chìu

Ở mà lo nghèo là hoa Đu đủ

Đi theo cậu Thủ là hoa Mồng Quân

Đánh bạc cố quần là bông hoa Ngõ

Ngồi mà choán chỗ là hoa Dành Dành

Giận chẳng đua tranh là bông hoa Ngải

Bắt đi tha lại là hoa Phù Dung

Ăn ở theo luồng là bông hoa Thị

Theo mẹ bán bí là hoa Thanh Hao.

Cụ Pétrus Ký kể đến 28 thứ hoa mọc ở trên rừng, ngoài đồng ruộng, trong vườn và cả dưới biển khơi miền Nam, xưa gọi là Nam phần. Có nhiều loại hoa nghe tên rất lạ, hoa Nàng Cách, hoa Phát Dũ, hoa Nói Ngày… ai có thể giải thích dùm?!

Đọc cuốn Tạp bút năm 1992 của cụ Vương Hồng Sển, tôi thích bài viết của ông về hoa điên điển. Ông kể cây điên điển mọc tự nhiên theo bờ mẫu các bờ ruộng và dọc bờ nước, vừa che mát vừa làm phân xanh, vừa làm củi chụm vừa làm xơ mướp, cắt mỏn lót nón đội, còn bông thì đem ngâm chua làm thức chấm nước thịt kho cá kho.

Riêng người Khơ me nghĩ ra một thứ bánh đơn sơ đặc biệt, gạo xay thành bột, trộn với chút đường cho ngọt và chút tròng trắng tròng đỏ hột vịt tươi cho thêm béo. Ngày thường họ chiên bánh với mỡ ăn trong gia đình, ngày lễ dùng để cúng. Điều độc đáo là họ nghĩ ra thứ bánh treo trên cành cây tươi mà người Việt dường như chưa có thứ bánh nào như vậy. Số là đến mùa làm chay và cầu siêu cho người đã khuất trong gia đình hay oan hồn uổng tử, các ông lục tức là các vị sư sãi trong chùa Khơ me có lời nguyện cứu rỗi linh hồn người đã khuất.

Ban ngày, các sãi ra đồng, tìm đến những mồ mả xiêu lạc không người cúng kiến để dùng nhánh lau sậy đánh dấu. Sáng hôm sau, họ trở lại nơi mả hoang đó, đọc một thời kinh. Theo phép tắc nhà Phật thì họ chỉ được dùng cơm một lần duy nhất ngoài đồng nhưng họ không thể chuẩn bị cho mình. Vì vậy, các cô thiếu nữ Khơ me gần đó giúp các sãi một bữa ăn làm phước. Đêm trước lễ cầu siêu, các cô dùng xuồng nhỏ, mỗi xuồng có hai cô, một cô lo việc chèo chống trên ruộng đưa cô kia đến các gốc cây điên điển có bông hoa đang trổ nhiều. Họ dùng tay kéo nhánh hoa tươi, nhúng chùm hoa ấy vào vịm bột trộn như đã nói trên, cho hoa thấm thật nhiều một hỗn hộp gồm nước, bột, đường và trứng vịt trộn sẵn.

Hoa Pansee. (ảnh: Unsplash)

Sau đó, họ kéo chảo mỡ nóng, nhúng bông điên điển đã bao bột vào để cho thật chín, vàng lườm. Xong, buông nhẹ nhánh hoa trở về vị trí cũ. Các vị sãi đến gần trưa đói bụng sẽ đến vít cành lấy bẻ bánh ấy xuống ăn. Đôi khi đám con nít gần đó cũng tìm cách bẻ trộm bánh nên các cô có khi phải ở lại canh chừng.

Câu chuyện về loại bánh này hết sức lạ lùng và lý thú. Những bánh hoa điên điển treo đầu cành, như một thứ lai giữa bánh và thực vật, khiến không khỏi liên tưởng đến đông trùng hạ thảo, lai giữa sâu và cỏ. Đều là những sản vật kỳ lạ.

Sinh ra và lớn lên ở thành phố, hoa cỏ đối với tôi rõ rệt hình tượng qua thơ nhạc, đó là Những đồi hoa sim, Cánh mù u, Bông hồng cho tình đầu, Ngọc Lan, Quỳnh Lan, Hoa Pensée… Những loài hoa đẹp thật sự được thấy chỉ trong ngày Tết. Ngày hăm ba Tết, ra cổng số 8, nhảy lên xe lửa là ra thẳng Dĩ An để xin mai cành trong vườn của ông cậu về chưng, ra chợ Phú Nhuận mua chậu Vạn thọ cúng trên bàn thờ…

Nhà bình dân không chưng hoa ngày thường vì đó là thú chơi xa xỉ, ngoại trừ một chậu bông Vạn thọ, cúc. Đám con nít lang thang biết được hoa vú sữa bé li ti, hoa khế đo đỏ, hoa mận trắng xóa, hoa bông bụp có cuống dài, hoa phượng đỏ ối trên đầu… những thứ hoa nở ra để kết trái, tự nhiên và không dùng để chưng.

(ảnh: Unsplash)

May thay, trong các hẻm nhỏ, nhiều nhà có một góc chưng hoa của mình, đúng hơn là chưng các chậu cây có hoa. Những năm 1960 kéo đến hết những năm 1980, mỗi nhà ở Sài Gòn – Gia Định trong các hẻm nhỏ thường có một “hàng ba”. Hàng ba là khoảng sân nhỏ xíu trước mặt tiền nhà, sâu chỉ khoảng hai mét, rộng bằng bề ngang căn nhà, thường để xe đạp hay xe máy vào ban ngày.

Hàng ba được bao bọc bằng vách tường xi măng, cao khoảng một mét rưỡi và thường có bông gió, có cổng sắt nghịch vị trí với cửa chính để chận những cặp mắt tò mò nhìn vào nhà. Trên đầu vách hàng ba, thợ xây đặt gạch nằm ngang cho bề mặt rộng ra rồi tô lại, quét vôi. Nơi đó sẽ là nơi đặt các chậu hoa. Nhớ lại, các chậu hoa trên đó khá tầm thường, như cây sống đời, kiến cò, lá lốt, lá cẩm… Sang hơn là sứ Thái Lan, lài, nguyệt quế, dạ lý hương. Cây nào cao quá thì đưa chậu xuống đất, thành một lớp chậu cây thứ hai bên ngoài vách tường.

Nhà tôi như mọi nhà ngày xưa cũng có hàng ba như vậy. Những đêm hè Tháng Tư quá nóng bức, tôi xin ba má trải ghế bố ngủ trong khoảng sân đó, không sợ sương xuống vì có mái tôn. Trong đêm có trăng hay không, tôi nằm trong mùng nghe thoang thoảng hương nguyệt quế và thiếp đi trong giấc ngủ mộng mị, cảm nhận “Đêm thơm như một giòng sữa…”. Tôi lẩm nhẩm mấy câu thơ trong tập Vạn diệp tập, thơ cổ của Nhật Bản đọc trong một tạp chí văn học. Những câu thơ về một tình yêu nào đó ở tương lai mà tôi chưa từng chạm tới:

Trong những cánh hoa anh tặng em

Có những lời không dám nói

Em là cánh hoa không chịu nổi

Sức nặng của tình anh!

Có đêm, thức dậy khi trời lặng gió. Ra khỏi mùng, tôi đứng ngoài sân hít sâu bầu không khí thanh khiết ban đêm và bứt chùm nguyệt quế đặt cạnh gối, chìm dần vào giấc ngủ. Mùi hương đó, tôi đâu biết sẽ đi theo mình rất lâu và âm thầm, khi tình cờ nhớ về những tháng năm sống trong ngôi nhà cũ của cha mẹ, về thời thanh xuân và khi tưởng nhớ những người thân yêu, có vài người đã đi xa bên kia cuộc đời.

Khi gõ bài viết này trong một đêm khuya Tháng Tám nóng bức, mùa hương cũ ấy lại quay về với tôi. Sau này lớn lên và già đi, tôi có lúc chơi một ít hoa kiểng. Nhưng giống như so sánh một món ăn đắt tiền ở nhà hàng với món ăn tuổi nhỏ, tôi vẫn xem các loại hoa thân thuộc, đơn sơ hồi bé thơ mới là thứ hoa cỏ dễ đưa mình vào những phút bồi hồi lắng đọng, thứ cảm xúc càng lúc càng hiếm có của những người nhiều tuổi và đã lăn lóc trường đời.

Đọc thêm:

-Mùi của quán

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: