Lần đầu làm… mẹ chồng

Minh họa: samantha-gades-unsplash

Tôi mở khóa cửa phía sau nhà để mời cô bạn bước vào. Hôm nay tôi đưa cô bạn trẻ người Việt làm cùng sở đến chơi cho biết và ở lại ăn cơm tối. Nơi tôi làm lúc đầu tiên chỉ có một mình tôi là người Việt, giám đốc cho chi nhánh ngân hàng trong một nhà thương công khá nổi tiếng ở Montreal.

Tôi không khó khăn lắm khi lấy lòng cấp dưới vì tính tôi rất chan hòa và cởi mở với mọi người nên ai cũng thương mến; khoảng năm năm sau thì Khánh Hòa mới vào làm, thay thế cô thư ký của tôi người Ý. Khánh Hòa còn trẻ, linh hoạt, ngành chính của nàng là luật sư, vừa ra trường chưa tìm được việc nên cô xin tạm chân thư ký trong ngân hàng với tôi.

Vừa bước vào nhà, như mọi khi tôi lên tiếng gọi to:

-Bê Bê có ở nhà không? Đã ăn uống gì chưa? Hôm nay thế nào?

Khánh Hòa cười nói với tôi:

-Con chị chắc còn nhỏ lắm hả? Cháu bao nhiêu tuổi?

Vừa nói xong, thằng con trai của tôi xuất hiện ngay ngưỡng cửa bếp, cao 1.80m, 25 tuổi, đầu tóc rối bù, nụ cười tươi trên môi, tay cầm một quyển sách dầy cộm đang đọc. Thấy có người lạ, cháu cúi đầu “chào cô”. Khánh Hòa quay lại nói với tôi:

-Trời ơi, thấy chị gọi Bê Bê em cứ tưởng thằng nhóc nào đó, ai ngờ là anh chàng bự hơn mẹ nữa! Hahaha. Thật dễ thương quá!… Bê Bê đang học ngành gì vậy chị?

-Tên ở nhà gọi quen rồi, bây giờ đổi không được nữa, tên thật của cháu ngoài xã hội là Alex. Cháu học về ngành physio, đã ra trường và đi làm rồi, dưới mắt mình lúc nào cũng chỉ là thằng bé con!

-Đi làm rồi mà sao như còn sinh viên vậy! Thấy… bấm ra sữa!

Alex chải lại mái tóc bằng mười ngón tay, nói chen vào giữa chúng tôi:

-Hình như chị Khánh Hòa có tham dự những buổi chèo thuyền “Dragon boat” phải không? Thấy chị quen quen?

-Ừm đúng rồi! Alex cũng vậy hả? Alex ở đội áo blue phải không? hình như mình cũng… thấy quen quen đó! Đội này lúc nào cũng đoạt giải nhất hết vì mọi người có kỹ thuật chèo thuyền rất giỏi, lại ăn ý với nhau, hợp nhất nên chèo thật nhanh…

Khánh Hòa và Alex bỗng nhiên trở thành hai người bạn xa xưa, nói chuyện thật vui, cười như bắp nổ với những kỷ niệm của các chuyến chèo thuyền chung mà họ vừa nhận ra nhau. Ngoài ra bọn họ còn khám phá ra đã chung đội múa lân với nhau khi còn trẻ hơn; cô bé Khánh Hòa lúc 16 tuổi ấy đã làm cái đuôi con rồng còn Alex thì làm cái đầu, nhảy lên thật cao để giựt những gói quà có giải thưởng lớn về cho chùa. Khánh Hòa hơn Alex 2 tuổi, nhưng trông không có sự khác biệt nào.

Buổi chiều hôm đó, Khánh Hòa giúp tôi làm cơm chiều cho cả nhà. Chúng tôi cùng nhau ăn tối và lần đầu tiên tôi thấy Alex, Bê Bê của tôi, đòi khui chai rượu đỏ uống mừng ngày gặp lại người bạn gái xưa Khánh Hòa; còn cô bạn nhỏ của tôi thì hình như quên mất là người bạn đồng nghiệp với tôi, mà quấn lấy Alex nói chuyện, về việc làm, sinh hoạt bên ngoài và những cuộc chèo thuyền thú vị trong tương lai…

Khánh Hòa làm trong nhà băng với tôi chừng một năm, vừa vặn để tôi biết tánh tình hoạt bát, linh động của cô ta, vừa để cho tôi hiểu nhân phẩm của một cô gái trẻ bắt đầu một cuộc đời mới. Nàng rời đến một chỗ làm khác đúng với nghề nghiệp về luật sư của nàng hơn; trước khi đi, Khánh Hòa đã ôm hôn tôi và nói rằng:

-Con xin gọi cô bằng cô vì con quen với Alex, là bạn của Alex từ hồi đó đến giờ… Cô ở lại làm việc thật tốt, giữ gìn sức khỏe và nhớ ăn uống đúng bữa nhé, đừng vì công việc mà bỏ bữa sẽ hại cho sức khỏe… Con mãi mãi cảm mến, nhớ ơn cô đã cho chúng con gặp lại nhau…

Chúc Khánh Hòa nhiều sức khỏe và thành công trong việc cháu sắp nhận nhé!… Chừng nào tiện hãy đến cô chơi!

***

Chưa được bao lâu thì xảy ra đại dịch Covid làm chúng tôi điêu đứng. Alex bị triệu tập vào nhà thương giúp những bác sĩ làm việc tuy là không cùng ngành, mà vì thiếu nhân lực. Trong quá trình theo dõi các bệnh nhân cũ và mới, Alex đã gặp mẹ của Khánh Hòa nhập viện khẩn cấp vì không thở được, may là Alex đã làm hô hấp, kéo máy trợ thở kịp lúc giúp bà vượt qua cái chết trong gang tấc!

Một buổi trưa thứ bảy, bất ngờ, tôi nghe tiếng chuông vang ngoài cửa, mở cửa ra, một giỏ trái cây, thức ăn, bánh mì… Khánh Hòa vẫy tay chào tôi từ đàng xa với chiếc mask che mặt, hai con mắt híp lại như đang cười:

-Cô ơi, cháu đi chợ cho nhà, nhân tiện gởi cô ít đồ và mọi người luôn!

-Cám ơn Khánh Hòa! Đừng mất công nhé, cô đi được mà…

-Dạ không có chi cô ơi, cháu đi cái vù nhanh lắm… Bye cô nhé, take care!

Chỉ chừng đó câu, Khánh Hòa nhảy lên xe lái đi mất, tôi đứng một mình trước cửa tần ngần, đúng là duyên số run rủi cho chúng tôi gặp gỡ, quen biết và yêu mến cô gái có trái tim đầy nhiệt huyết này! Cũng như những bà mẹ khác, có con làm việc ở tuyến đầu trong nhà thương, chúng tôi lo lắng không ngừng mỗi lần nghe tin có thêm số người chết vì thiếu máy trợ thở hay dịch Covid lan tràn làm số ca tử vong ngày càng cao. Khánh Hòa phone lại trấn an tôi:

-Cô ơi, hôm nay con có vô nhà thương thăm mẹ, không được vào phòng, nhưng con có thấy mẹ đã bớt nhiều, vẫy tay với con từ cửa sổ… Con có gặp cả Alex, ảnh vẫn mạnh khỏe dù rất bận… cô đừng lo!

-Oh cám ơn Khánh Hòa cho cô biết tin nhé!

Còn Bê Bê Alex chỉ được về thăm nhà một lần trong một tháng. Biết cu cậu thích ăn chả giò, tôi vội vàng làm chừng chục cái rồi xách một túi ra bỏ trước thềm nhà, nó đứng rất xa nói vọng vào:

-Nhà thương nhiều bệnh lắm, con không đứng gần mẹ được đâu! Con có gặp Khánh Hòa, có cho con nhiều chả giò tôm lắm, mẹ không cần phải làm gì nữa nhé!

-Con gìn giữ sức khỏe, nhớ đeo mask và gants khi làm việc, cẩn thận nhe!

-Biết rồi! con thăm mẹ, rồi đi đây!

***

Minh họa: chuttersnap-unsplash

Ba năm Covid vừa hết, cuộc sống dần trở lại bình thường, ngoài những ngày đi làm Alex và Khánh Hòa gặp lại nhau mỗi cuối tuần tập kỹ thuật chèo thuyền sao cho nhanh nhất để thi đua với những tỉnh bang khác. Tình bạn ngày càng gắn kết đến không thể tách rời. Một hôm tôi đang làm việc trong sở, nhận được text của Alex:

-Con muốn mời mẹ đi ăn tối nay…

-Oh! Sao con dễ thương thế? Tự nhiên lại mời mẹ đi ăn? Chỉ có hai mẹ con thôi sao?

-Dạ… còn có Khánh Hòa nữa; đã lâu cô ta chưa gặp mẹ, cô ấy muốn nhân dịp này gặp mẹ luôn!

-Ok con, vậy chiều nay khi ra khỏi sở, mẹ sẽ đến thẳng resto nhé, mẹ sẽ về vào 5:00 và đến đó là vừa.

-Để con sẽ text cho mẹ địa chỉ nhà hàng nhé.

Tôi ngạc nhiên không hiểu sao hôm nay thằng Bê Bê của tôi lại dễ thương và hiểu chuyện thế, biết mẹ đi làm về trễ đói bụng nên mời đi ăn nhà hàng. Tôi vui vui trong bụng, nghĩ sẽ gặp được Khánh Hòa, sẽ cám ơn cô bé về những giỏ trái cây, thức ăn thường hay đem đến nhà tôi trong thời đại dịch mà chưa có dịp nói.

Đến nơi, tôi thật ngạc nhiên khi thấy nhân viên nhà hàng dắt tôi vào một phòng nhỏ private ở trên lầu, vừa mở cửa ra thì bao nhiêu confetti đủ màu rơi xuống từ trần nhà, bài hát Happy Birthday vang lên từ máy hát với sự cổ võ của Alex và Khánh Hòa…

Hôm nay sinh nhật tôi sao? Thế mà vì bận rộn quá, tôi đã quên! Trước những năm Covid thì gia đình bao giờ cũng làm cho tôi, cũng chúc tụng tôi vào buổi sáng trước khi đi làm, nhưng từ những năm Covid trở lại chúng tôi đã thực sự quên cả sinh nhật của chính mình, mà lúc nào cũng lo lắng đến số ca tử vong, sự lây lan v.v…, không còn đầu óc nào nhớ đến ngày tháng gì của riêng mình nữa.

Tôi vô cùng cảm động, ôm hôn Alex và Khánh Hòa. Chúng tôi cùng nhau ăn, uống rượu và kể chuyện thật nhiều về sinh hoạt thường ngày của nhau. Ăn gần xong, Alex bỗng nhiên nói với tôi:

-Mẹ ơi, mẹ thường nói với con là sau này con có thương “ai” thì mẹ sẽ thương người đó… đúng không?

Tôi nhìn thẳng trong đôi mắt con trai, một chút ranh mãnh hòa lẫn với sự hạnh phúc đang tỏa ra trong ánh nhìn của nó, đôi má trắng hồng của thằng bé chưa trưởng thành hoàn toàn đang muốn tuyên bố một điều thật hệ trọng của cuộc đời nó đây!

Tôi nắm bàn tay mềm và ấm của nó:

-Hãy nói cho mẹ nghe đi!

-Con… Con và Khánh Hòa đã hứa hôn với nhau rồi!

Cả hai bàn tay của Alex và Khánh Hòa đan chặt vào nhau, đưa lên cho tôi xem trên ngón tay áp út của Khánh Hòa một chiếc nhẫn kim cương nhỏ lấp lánh. Đôi mắt rực sáng hy vọng và hạnh phúc của cả hai nhìn chầm chầm vào tôi như chờ đợi một sự chấp thuận. Tôi mỉm cười đặt tay mình lên tay của cả hai:

-Dĩ nhiên mẹ rất vui nhận được tin báo hỷ này, chắc hai con đã nói chuyện với bên gia đình của Khánh Hòa rồi chứ? Mẹ cũng sẽ nói chuyện với họ. Congratulations cả hai con!

Khánh Hòa nhìn tôi trong đôi mắt đầy biết ơn:

-Cám ơn cô đã chấp nhận cho chúng con, cám ơn cô đã tạo cơ hội đầu tiên cho chúng con gặp lại nhau, cô là một bà mẹ rất cảm thông, gần gũi. Con rất biết ơn…

Tôi ôm Khánh Hòa vào lòng:

-Cô rất vui có con sẽ là dâu thảo của gia đình, cô không có con gái, con không những là dâu mà là con gái của cô sau này nữa, cô mong sao cho các con thật nhiều hạnh phúc, yêu thương và tin tưởng lẫn nhau.

***

Vào một ngày cuối Tháng Năm, khí trời mát mẻ, mùa Xuân hoa lá nở rộ, tất cả họ hàng nhà trai tề tựu bên ngoài nhà gái, ai nấy cũng súng sính trong những chiếc áo dài cườm đủ màu thật đẹp, những khuôn mặt tươi vui đến từ xa, tay bắt mặt mừng, sáu chàng trai trẻ khỏe, phù rể cho Alex, khệ nệ khiêng những tráp cùng sính lễ qua nhà gái, đánh dấu ngày thành hôn của con trai Alex!

Ngày rước dâu (ảnh: tác giả gửi)

Khách khứa ồn ào chúc tụng, chụp hình với cô dâu chú rể, tiếng cụng ly huyên náo, tôi dõi mắt từ đàng xa, thằng Bê Bê, con của tôi! Nó đã trưởng thành! Một cảm giác khó tả, đong đầy cảm xúc, trọng trách lẫn lộn; tôi là… Mẹ chồng người ta rồi đó!

Hai chữ Mẹ Chồng nghe thật khó khăn, đanh đá và chanh chua, hồi xưa tôi rất sợ làm dâu cũng vì hai chữ “xấu xí” này! Và cũng may là tôi chưa làm dâu ngày nào cả vì vợ chồng chúng tôi dọn ra riêng ngay ngày đầu mới cưới; nên bây giờ tôi tự hứa với lòng sẽ là một người Mẹ Chồng hiểu chuyện, thời đại mới, không bắt bí nàng dâu.

Trước khi gả vợ cho con trai, tôi thiết nghĩ khi con tôi lập gia đình là mình xong bổn phận, nhưng hôm nay đứng giữa bữa tiệc, quan khách hai họ thật đông, tôi mới biết là không phải trách nhiệm đã xong, mà mình đang phải gánh thêm nữa, trách nhiệm làm mẹ chồng! Phải biết cách cư xử để con trai và con dâu vẫn mãi yêu và gần gũi mình.

Alex cùng Khánh Hòa đang sánh đôi nhảy bản valse mở đầu, nhìn dáng thằng bé từ đàng sau, tôi nhớ đã chuyển bụng sanh Bê Bê vào cuối Tháng Mười Một cách đây 28 năm, khi một trận tuyết đầu tiên của mùa Đông bắt đầu đổ xuống Montreal. Sanh nó thật dễ dàng, không chút khó khăn. Nó vừa ra đời thì tuyết chấm dứt rơi và bầu trời thật quang đãng, nên vợ chồng tôi đặt tên nó là Quang Nhật, tên Việt Nam trong khai sinh. Từ khi là cậu bé nhỏ, nó đã rất nhanh nhẹn, vui tươi, yêu thể thao và có lòng giúp đỡ bạn bè đến quên mình, nơi nào có nó là tiếng cười ở đó to nhất!

Minh họa: nathan-dumlao-unsplash

Tôi nhớ có một lần nó đi học về rất trễ, ai cũng lo lắng, mà lúc đó chưa có điện thoại cầm tay để phone về báo; khi về đến nhà, hỏi ra mới biết nó phải giúp đưa một bạn trong lớp đi bằng bus về nhà vì bạn ấy chơi hockey trong trường té gẫy chân. Vì tính hay giúp đỡ yêu bạn bè của nó nên lúc nào cũng được các bạn yêu thương vây quanh. Hôm nay ngày cưới của nó một nửa số khách mời là bạn của Alex và Khánh Hòa. Các cháu ấy đã làm quà cho Alex một màn múa lân thật náo nhiệt, đặc sắc với hai con lân vàng và đỏ nhảy lên thật cao để làm rơi ra từ hai chiếc miệng ngoác rộng, hai câu chúc “trăm năm hạnh phúc – sắc cầm hòa hợp”.

Tôi giấu mình trong một góc phòng, ngắm nhìn thành quả của tôi. Tôi đã nuôi dạy con trai 28 năm nay, đã cho nó sự thương yêu, tin tưởng, từng bước xây đắp một hành trang vững chắc chuẩn bị bước vào đời. Tôi hài lòng có nàng dâu ngoan, Khánh Hòa, là một người con gái sanh trưởng, lớn lên ở hải ngoại, cũng như Alex, cả hai đều có một gia đình thật chuẩn mực làm hậu thuẫn.

Ông bà sui gia bận rộn từ đàng xa, nói nói chào chào quan khách, bố của Alex cũng không ngừng đáp lại những câu chúc tụng của các bạn, họ hàng đến từ xa, rất lâu chưa gặp lại. Chính Khánh Hòa và Alex đã kết hợp hai họ chúng tôi lại với nhau, trước lạ sau quen, chúng tôi tìm những điểm chung để hợp tác, cùng tổ chức lễ cưới cho hai con sao cho hoàn hảo nhất.

Tôi tham dự cuộc vui của đôi vợ chồng trẻ mới cưới trước sự chứng kiến của hai họ và bạn bè, đây không phải là một party bình thường cho vui, mà chính những người tham dự ngày hôm nay đang là chứng nhân sống cho mối tình sẽ là trăm năm của hai cháu!

Một trò chơi của các cháu đặt ra là Alex và Khánh Hòa xem ai là người chụp thật nhiều hình với khách nhất, mỗi người chỉ được chụp một lần với chú rể hoặc cô dâu mà thôi, đây là cách mà cô dâu và chú rể chạy nhanh nhất có thể đến bàn của khách và dùng cell của mình làm selfi giữa mình với người khách tham dự. Trò chơi này thật vui và cũng để một kỷ niệm cho hai vợ chồng trẻ những người khách tham gia mà chưa có cơ hội chụp hình với mình khi vào cửa.

Màn chú rể mời mẹ ra sàn nhảy và cô dâu mời bố ruột của mình, tôi vội vàng nhắn nhủ riêng với con trai :

-Ngày mai hai đứa về nhà cúng gia tiên làm lễ khoảng 12:00 trưa nhé, xong rồi mình cùng nhau ăn…

Con nghĩ Khánh Hòa sẽ mệt lắm vì tụi con sẽ chơi đến khuya 2,3 giờ sáng hôm nay, ngày mai không biết dậy nổi không mà đến mẹ lúc 12 giờ trưa, để còn nói chuyện với Khánh Hòa mẹ nhé!

-Ừm được… Nói mẹ biết nếu đến trễ hơn nhe.

Tôi thầm nghĩ bây giờ tụi nó đã là hai người, làm gì cũng phải có ý kiến của vợ nữa, chứ không phải một mình như xưa! Đây là điều tôi nên nhớ!

Tiệc vui rồi cũng tàn, mọi người từ từ ra về. Tôi sửa soạn đứng lên rời chỗ, tay xách nách mang những đồ cần phải mang về nhà giúp con, gặp Alex ngay ngoài cửa gian phòng:

-Con! Mẹ sẽ giúp con khiêng tất cả bình hoa và chai rượu này về nhà bớt, rồi ngày mai con sang mẹ lấy về sau nhé, vì con và Khánh Hòa sẽ phải khiêng những mâm hoa quả trái cây còn dư ngoài bàn kia nhiều lắm…

-Không đâu mẹ… Khánh Hòa nói với con là cô ấy muốn đem hoa tươi về nhà tụi con, còn mẹ sẽ đem những mâm trái cây và rượu…

-Ừm vậy à… được rồi!

Tôi nhủ thầm “phải rút kinh nghiệm nhé, bây giờ con trai đã có gia đình của riêng nó rồi đấy, nó không còn thuộc về tôi!… Không sao, rồi đâu sẽ vào đấy, rồi sẽ quen thôi”. Tôi lại phải quay vào trong xếp trái cây còn dư chưa cắt đầy trên những bàn cho vào hộp để đem về nhà.

Sáng hôm sau, tôi lau dọn bàn thờ gia tiên, bầy trái cây mâm quả sẵn để đón cô dâu chú rể mới. Tôi cũng dành sẵn một chậu hoa quỳnh tươi mà tôi đã chiết ra một cây đầy những nụ màu hồng fushia thật đẹp, để cho các con đem về nhà trưng bày vào những ngày vui hạnh phúc đầu tiên, như lời chúc phúc của bà Mẹ chồng này.

Trong lòng thật hân hoan, phấn khởi vì con trai tôi đã có nơi có chỗ như người ta thường nói “an cư lạc nghiệp”, con tôi hết những tháng ngày lông bông, đã có một gia đình nhỏ, rồi chúng sẽ có những đứa con ngoan, khỏe mạnh… Chúng sẽ gọi tôi là bà Nội! Bà Nội đấy! Ôi, tôi cứ tưởng khi con trai đi lập gia đình là tôi phủi tay, xong nhiệm vụ rồi, nhưng không phải thế, tôi sẽ phải mang thêm trọng trách đây…

Đôi uyên ương (ảnh: tác giả gửi)

Tiếng phone reng lên bất thình lình kéo tôi về thực tại:

-Allo!

-Thưa mẹ… là con đây, Khánh Hòa đây!

-Các con đã sửa soạn đến mẹ chưa?

-Chúng con hôm qua về trễ quá, đến 3 giờ sáng chúng con mới đi ngủ, nên bây giờ mới dậy và sắp qua mẹ đây ạ!

-Mẹ chờ, các con đi cẩn thận nhé!

Cánh cửa mở ra, Khánh Hòa và Alex khuôn mặt rạng rỡ, hạnh phúc, trên tay Alex ôm một bó hoa tươi thật to:

-Vợ chồng con tặng mẹ đây!

-Cám ơn con, bó hoa đẹp quá, ai cắm vậy?

-Khánh Hòa đó mẹ!

Tôi nắm tay con dâu:

-Cám ơn con thật nhiều, con đã bỏ thì giờ, tỉa lại những cánh hoa tươi của tối hôm qua phải không? Đẹp quá, con thật khéo tay!

-Con mới phải cám ơn mẹ, mẹ đã làm rất nhiều vì chúng con, nghĩ cho chúng con và giúp chúng con xây dựng ngôi nhà tương lai, con thật may mắn có người mẹ chồng hiểu chuyện như mẹ đó!

Tôi ôm con dâu vào lòng:

-Chính con làm cho mẹ cảm thấy gần gũi yêu thương và xem con như con gái của mẹ vây!

Tiếng chuông đảnh lễ vang lên, Alex cùng Khánh Hòa khấn vái gia tiên ngày đầu nhập gia, cầu mong sức khỏe, hạnh phúc và bình an; khói hương nghi ngút như chuyển lời từ tâm của chúng tôi về với tổ tiên, rồi làn khói mờ ấy lại bay trở ngược ra bao phủ lên Alex và Khánh Hòa như một lời chúc phúc chở che…

Trao nhau chiếc nhẫn lứa đôi

Nhìn nhau thầm nói: Nợ rồi buộc nhau

Nợ tiền trả chẳng bao lâu

Nợ tình trả mấy cho nhau vừa lòng

Tình Anh sóng dậy lòng sông

Tình Em nắm muối mặn nồng là bao

Yêu Em mờ nhạt trăng sao

Yêu Em biết đến ngày nào mới nguôi

Yêu thương lẽ sống của người

Tình Em lẽ sống một đời của Anh

(GS Lê Kim Ngân tặng hai cháu)

_________

Montreal, June ’23

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: