Mẹ ơi!…

Ảnh: pexels-couleur

Cứ mỗi mùa mưa đến là tôi nhớ mẹ, bởi mẹ tôi qua đời khi mùa mưa bắt đầu ở Sài Gòn. Mẹ tôi, ngày đêm lặn lội thân cò, làm lụng quanh năm suốt tháng, việc gì cũng chẳng từ nan, miễn là chăm sóc gia đình con cái. Với tôi, mẹ là thiên tài nấu ăn. Món gì mẹ làm cũng ngon, từ món “đại bình dân” là cơm rang ăn với đậu rồng chấm “kho quẹt” cho đến “tuyệt kỹ công phu” trong các món đãi khách những ngày lễ lạc.

Mẹ tôi có học hành bếp núc gì đâu, nhưng với bà, với tấm lòng chăm sóc tuyệt đối cho chồng con, thì mỗi món ăn, dù tầm thường hay mỹ vị; bà đều chăm chút từng chi tiết: Từ chọn gạo, nếp, bột, đường, thịt, cá, rau cải, từng cọng hành ngò… cho đến gia vị tiêu, gừng, tỏi, ớt… rồi nước chấm; và cả đến “canh” lửa – khi thì liu riu, lúc thì sôi cháy rám. Bà để hết tâm trí và tình yêu thương vào chế biến món ăn. Bà tinh tế từng li từng tí – như là một “composer” cân nhắc từng nốt nhạc, cung đàn, quãng cao, quãng thấp. Với bà, việc đem hết tâm hồn vào chế biến món ăn cho các con chỉ để là “… ăn ngon học giỏi nghen mấy đứa…”. Anh em chúng tôi đã lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà như vậy – khỏe mạnh cơ thể, sáng tươi tâm hồn.

Biến cố 30 Tháng Tư ụp xuống, mẹ tôi… “đổi đời”, như bao người và gia đình ở miền Nam. Thế nhưng mẹ, thân gầy vóc hạc, vẫn đứng dậy và trở thành trụ cột kinh tế. Bà bươn chải sớm hôm, mưa nắng dãi dầu để lo cho cả gia đình: Cha tôi và tám người con. Thời buổi đó, nhà nhà đều ăn bo bo, khoai lang, khoai mì sượng thay cho gạo nhưng nhờ một tay mẹ, cả nhà tôi đều có cơm ăn.

Sau 30 Tháng Tư 1975, Sài Gòn và miền Nam còn sống “lây lất” vài tháng; bởi vẫn còn xài tiền VNCH và còn lương thực hàng hóa trong các kho cũ. Đến 22 Tháng Chín 1975 thì thời thế chuyển “bại” thành “xụi” vì đổi tiền, vì phải san sẻ lương thực hàng hóa từ Nam ra Bắc, vì “trả nợ” cho Nga Xô, Trung Cộng, vì chính sách ngăn sông cấm chợ, vì đủ thứ tầm bậy… Đời sống dần kiệt quệ. Không đủ gạo mà ăn, không có xăng mà chạy, không có thuốc men trị bệnh. Những thứ tối cần thiết cho cuộc sống đều khan hiếm…

Ảnh: pexels-mateusz-broniek

Dân từ mọi nơi, từ những vùng chiến sự cũ và cả người miền Bắc đổ vào Sài Gòn; đơn giản bởi Sài Gòn “đất lành chim đậu”. Có người có chợ, vài chợ nhỏ mọc lên ở những vùng dân cư mới, có chợ mới Văn Thánh gần Tân Cảng… Một tuần sau khi mở, chợ còn có hai sạp, rồi dần dần chỉ trụ lại một sạp chỏng chơ của mẹ tôi suốt hai mùa mưa nắng. Thế mà mẹ vẫn bươn chải, vẫn cố trụ lại. Thân thể bà ngày càng hao gầy qua dầm mưa dãi nắng. Mẹ tôi, có học hành gì đâu, nào biết gì đến “triết lý kinh doanh” hay “nghệ thuật bán hàng”… Mẹ chỉ nghĩ: Có người là có chợ, có kẻ mua có người bán, lấy hàng ở chợ lớn bán ở chợ nhỏ; mua cái người này dư, bán cho người nọ cần. Chỉ vậy thôi mà bà nuôi sống cả gia đình 10 người những năm khốn khó; còn giúp đỡ bà con họ hàng khi họ tìm đến.

Tôi “theo” mẹ tôi suốt năm lớp 12 và những năm sinh viên. Sáng dậy sớm từ 4g30, chở mẹ ra chợ Bà Chiểu lấy hàng tươi – rau cải, đậu, củ quả – chất lên xe ba bánh, đạp lên chợ Văn Thánh, bày hàng ra sạp, rồi đi học. Trưa đi học về phóng ào ra dọn sạp, chở mẹ tôi về nhà nấu ăn trưa. Về khoản này thì mẹ tôi vô địch. Chưa đến 20 phút đã có cơm ngon với đủ canh, rau, xào, mặn; không cao lương mỹ vị nhưng tươi, sạch, nóng hổi, bằng những thứ đơn giản mà mẹ chưa bán hết trong buổi chợ. Hôm thì khúc cá khô hầm vĩ, bữa thì mắm cá lóc bọc ba rọi bằm đem chưng, ngày nọ canh thơm nấu tôm khô, khi thì cải con và khế xắt ăn với mắm chưng hột vịt… Toàn những món dân dã rẻ tiền mà – chao ôi, ngon đến kỳ lạ. Sau này, không bao giờ tôi được nếm thứ gì có thể ngon bằng, dù là yến tiệc!

Xong buổi trưa, ôn bài và nghỉ một chút, tôi lại đạp xe chở mẹ đi lấy hàng ở chợ Cầu Muối đến 6, 7 giờ chiều. Vừa đi học vừa cực “lây” theo mẹ, tôi cũng đen thui gầy gò. Cân nặng chỉ 33 kg! Một buổi trưa Hè lên chợ dọn sạp, tôi báo tin đậu tốt nghiệp phổ thông, điểm thuộc “top 10” cả thành phố, mẹ tôi vừa cười vừa rơm rớm nước mắt, vuốt đầu tôi: “Tội nghiệp con tui, ngày xưa mà đậu cao như vậy thì con đã được học bổng đi Mỹ du học rồi, chớ đâu cực như vầy”. Vậy đó, mẹ đâu nghĩ đến cực khổ vô vàn của mẹ, mà chỉ tội cho con mình không được sung sướng.

Một ngày Tháng Chín 1978, mẹ tôi cảm nặng do mưa nắng dãi dầu, nằm liệt hai ngày, phải chích thuốc. Sau này mới biết mũi chích đó đã ủ mầm bạo bệnh siêu vi gan. Tôi phải đi lấy hàng, bán hàng thay mẹ để có sở hụi hàng ngày. Một hôm chiều về nhà, tôi nhận thư báo đậu vào Bách Khoa Điện. Thời đó đậu đại học khó lắm vì phải cạnh tranh, không phải cạnh tranh với học sinh thường, mà phải điểm thật cao để vượt qua đám con cháu cán bộ cao cấp, con em thương binh liệt sĩ, cán bộ bộ đội đi học… Họ chỉ cần vài điểm là đậu. Bà nói tôi đọc thư báo cho bà nghe, xong bà lồm cồm dậy, bảo tôi đi tắm thay đồ để “mẹ nấu cho ăn”.

Một dĩa thịt bò xào thơm lừng nóng sốt kèm dĩa xà lách trộn dầu giấm. Tôi ăn ngon lành như chưa bao giờ được ăn. Nhìn mẹ, tôi hỏi “sao mẹ không ăn với con”; mẹ nói “mẹ mừng quá, vui quá, mẹ hết bệnh rồi, con mẹ giỏi quá, phải chi ngày trước…”. Tôi hiểu câu “phải chi ngày trước” của mẹ: Mẹ con mình đâu phải cực nhọc, và… tương lai huy hoàng lắm! Tôi nhìn mẹ. Ôi khuôn mặt hiền từ, mỉm cười nhìn tôi ăn mà rạng ngời niềm vui sướng – nét rạng ngời mãi mãi tôi không bao giờ quên. Có người mẹ nào không rạng ngời hân hoan khi con mình, nuôi nấng bao năm, giỏi giang và đỗ đạt?

Ảnh: pexels-skitterphoto

Mẹ tôi hiền lương, chân chất, nhẫn nhịn. Hàng xóm láng giềng đều nhắc đến mẹ bằng hai từ yêu thương: “Bà Tám”. Mẹ sống chan hòa tình làng nghĩa xóm, không khi nào đôi co với ai, không biết cao ngạo là gì; chỉ ánh lên thoáng rạng ngời khi nghe râm ran xì xào “con bà Tám học giỏi lắm nghen…”. Mẹ tôi nhân đức thương người. Hồi tản cư Mậu Thân 1968, dù nhà nghèo con đông, mẹ vẫn đem đồ ăn thức uống san sẻ cho bà con chạy giặc…

Gần 10 năm thân cò lặn lội, cho đến khi các con ra trường có nghề, có việc làm, có đứa lập gia đình, mẹ tôi đã 60. Chỉ lúc ấy bà mới nghỉ ngơi. Rồi 10 năm sau, mẹ qua đời, vì lao lực tích tụ từ thời một nắng hai sương, vì bệnh ủ mầm từ hàng chục năm trước. Mẹ tôi bị nhiễm siêu vi gan từ mũi chích lần đó. Thời đó, kim tiêm được sử dụng nhiều lần! Ngày mẹ tôi ra đi, mây đen vần vũ, mưa ầm ào như thác. Lòng tôi tan nát như bầu trời sụp đổ…

Tôi thích câu thơ của ai đó: “Ai đã làm thơ cho bao người con gái. Có bao giờ thơ cho mẹ ta chưa? Thưa Mẹ, con không biết làm thơ nhưng hôm nay, nhân ngày “Mẹ” trên khắp thế gian, con xúc cảm viết bài này, như một nén hương lòng dâng Mẹ! Mẹ ơi, nếu con có một điều ước thì “Ước gì con đổi thời gian được – Đổi cả thiên thu dáng mẹ cười”!

Tháng Năm 2022

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: