Nếu như Hà Nội bắt đầu mùa thu bằng sự xuất hiện của các món cốm trên khắp phố phường thì mùa thu Đà Lạt lại được báo hiệu bằng sắc hồng cam hoặc đỏ rực như những đốm lửa nhỏ trong các khu vườn hồng.
Nhắc đến mùa thu – mùa hồng Đà Lạt mới nhận ra, Facebook bạn bè những ngày này tràn ngập hình ảnh những quả hồng từ hườm hườm vàng, cam đến chín mọng, đỏ au khiến tôi chợt nhớ năm nay mình lại bị lỡ mất thêm một mùa hồng nơi quê nhà. Nhờ vậy mới biết, mùa thu đã đến tự bao giờ!
Cũng tầm này mọi năm, vào độ tháng chín trở đi là sắc đỏ, vàng, cam của trái hồng đang ở các độ chín khác nhau bắt đầu phủ kín các quầy trái cây lớn nhỏ ở chợ gần nhà hoặc siêu thị, từ các sạp hàng trên cao đến các thúng, mẹt be bé dưới lề đường. Và bao giờ cũng vậy, tôi hay canh để mua bằng được từ những quả hồng giòn đầu tiên, cứ thế lai rai cho đến khi hết mùa.
Tôi thấy nhớ cô bé bán rau củ quả, trái cây nơi góc đường gần nhà không biết có phải người Đà Lạt không mà lúc nào cũng đội chiếc mũ len trên đầu. Chỗ ngồi bán hàng của cô bé không phải một quầy sạp hẳn hòi mà chỉ là một tấm bạt nylon trải dưới đất, trên bày bán đủ thứ nông sản của Đà Lạt, mỗi thứ một chút từ bông cải, khoai tây, củ dền, chuối, xà lách, bông artichoke đến quả hồng mà cô bảo là “của nhà trồng được”. Chẳng biết có đúng như lời cô bé nói không nhưng chỉ cần nghe nói “của nhà trồng” là thấy an tâm rồi.
Món nào cô bé bán trông cũng tươi ngon nhưng tôi chỉ thích mua hồng giòn vì cô luôn có sẵn nhiều bao to, tha hồ lựa. Trong khi những người khác thích chọn những trái hồng to để chưng, cúng cho đẹp thì tôi chỉ thích chọn trái nhỏ để không có hột. Vào mùa hồng, sáng nào cũng vậy, trên đường đi, tôi luôn ghé lại chỗ cô bé, lựa mua một bịch hồng khá to rồi mới đi làm. Thực ra, tôi không ăn nhiều hồng đến thế nhưng vì mấy cô bạn thân toàn “fan” của thứ trái cây giản dị mà dễ bắt ghiền này nên sẵn tiện mua rồi chia cho mỗi người một ít, vừa làm việc vừa lấm lét ăn vụn, cực mà vẫn thấy vui.
Bạn nhắn tin: “Mùa hồng sắp rộ rồi đó, có kịp về ăn không?” nghe gần gụi như thể chúng tôi chỉ đang ở cách nhau có vài chục phút chạy xe máy.
Không thể lập tức chạy ra chợ như mọi năm mỗi khi mùa hồng đến, sà xuống rổ hồng giòn vàng ươm hoặc sổ tung mấy bao hồng mà cô bé bán rau trái Đà Lạt ở một góc chợ chưa kịp mở ra hết, cũng không thể đặt một chuyến xe lên Đà Lạt cùng nhóm bạn thân để được tận tay hái hồng trong vườn, tôi đành lang thang trên các trang mạng xã hội của bạn bè, vừa đọc bài vừa ngắm hình cho đỡ nhớ.
Cô bạn thân của tôi từng tếu táo: muốn biết mùa hồng của Đà Lạt đến chưa thì lên… Facebook mà xem. Quả thực, chẳng cần đi đâu xa, ra chợ, siêu thị hay phải lên tận Đà Lạt để biết mùa hồng đã nhuộm đỏ phố xá chưa, chỉ cần lên Facebook là đủ biết, mùa nào thức nấy, không thiếu món gì. Của những người bán hàng online đã đành, những kẻ nghiện… ăn và ăn theo mùa như tôi với cô bạn thân cũng góp phần làm cho thế giới ẩm thực trên mạng xã hội trở nên rộn ràng, nhộn nhịp hơn bằng những bức ảnh hay bài đăng “theo mùa”.
Tin nhắn của bạn nhắc tôi nhớ tới mùa thu của bốn năm về trước, khi mùa hồng đang chín rộ, cả nhóm bạn thân chúng tôi gồm bốn người đã làm một chuyến lên Đà Lạt chỉ để được tận mắt ngắm những trái hồng đỏ thắm còn treo lủng lẳng trên cây. Những cô gái phố thị trải qua phần lớn thời gian nơi công sở lần đầu tiên được nhìn tận mắt, sờ tận tay những trái hồng chín cây như những đốm lửa trên cành nên ai nấy cứ mắt chữ O mồm chữ A, liên tục xuýt xoa thích thú như những đứa trẻ con lần đầu được ba mẹ dẫn đi chơi vậy.
Đi giữa vườn hồng Đà Lạt, dưới cái nắng vàng ươm như mật, giữa bầu trời xanh trong vắt không một gợn mây xen kẽ qua những cành lá, lâu lâu có một cơn gió nhẹ thoảng qua và tiếng chim ríu rít một góc vườn, cảm nhận không khí của mùa thu đang mơn man trên da thịt mình là một cảm giác “chill chill” thật đặc biệt.
Không như nhiều người thích ăn loại hồng chín mềm, bọn tôi chỉ thích ăn khi hồng vừa chín tới đủ ngọt nhưng còn giòn tan, nhai nghe sần sật, vỏ trái còn căng mướt, ăn nhiều chỉ no chứ không ngán. Thích nhất là lúc cả nhóm được chủ vườn mời ăn thử hồng tại chỗ trước khi mua đem về. Những trái hồng chín cây vừa được hái xuống giòn tươi, ngọt thanh, thơm nhẹ, cắn tới đâu nghe vị giác trỗi dậy đến đó. Ăn xong mỗi người còn mua một bao đem về Sài Gòn.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Vậy đó mà đã bốn năm trôi qua, nhanh như một cái chớp mắt. Bốn đứa chúng tôi giờ tan tác mỗi người một phương. Có đứa vui, đứa buồn, đứa an nhiên tự tại, đứa bận rộn tối tăm mày mặt. Mỗi mùa hồng đến, cả nhóm lại lôi mấy tấm ảnh chụp trong lần đi chơi ở vườn hồng năm ấy ra nhắc nhau với không ít tiếc nuối: biết bao giờ cả nhóm mới được tụ họp lại để làm một chuyến đi cùng nhau như lần ấy? Trải qua nhiều thăng trầm, được mất, dẫu có gặp lại nhưng biết tâm trạng của mỗi người có lại được vui vẻ, vô tư lự như ngày ấy nữa không?
Như hiểu được nỗi nhớ nhà, nhớ bạn của tôi, mới hôm qua đây thôi, mẹ nhắc: “Mùa hồng sắp tới rồi, để hôm nào ghé H-Mart xem có chưa mua về cúng ba”. Nói ra điều này, tôi phải phục lăn mẹ ở sự tinh tế, ý nhị. Ngày còn sống, không phải vì ba thích ăn trái hồng nên giờ khi ba mất đi, mẹ muốn mua hồng về để cúng trên bàn thờ của ba mà là mẹ biết tôi thích hồng. Mẹ còn biết tôi thích loại hồng trứng giòn của Việt Nam chứ không phải loại hồng giòn mắc tiền trong chợ của Hàn Quốc mà mẹ vẫn khen ngon mỗi khi mua về. Mẹ đọc được trong tâm trí đứa con gái nỗi nhớ nhà khi xa quê hương đã lâu mà chưa có dịp về thăm nên chỉ muốn mua cho tôi đỡ nhớ một thức ngon theo mùa nơi quê nhà.
Ở xứ cây trái bạt ngàn này biết tìm đâu ra loại hồng trứng giòn sần sật của Việt Nam mà mẹ vẫn hay trêu tôi “thích trái gì mềm mại, ngọt ngào hơn không thích, thích chi cái trái sống không ra sống, chín không ra chín, cứng cứng giòn giòn dành cho tụi con nít”? Nhớ lần dịch Covid-19 khiến chính phủ ra lệnh giãn cách xã hội có hơn ba tháng thôi, mùa hồng giòn qua gần hết khiến tôi nhấp nha nhấp nhổm vì nhớ. Nay dịch bệnh đã bị đẩy lùi nhưng chẳng biết bao giờ mới về lại quê nhà, nghĩ đến việc được lê la khắp các góc chợ để lựa hồng giòn, lòng tôi lại nôn nao khôn tả. Chẳng biết lúc ấy cô bé bán rau củ quả Đà Lạt năm nào có còn ngồi bán ở chỗ cũ không.
Mùa hồng giòn còn là chỉ dấu của một mùa cuối năm, đánh dấu khoảnh khắc giao mùa với những cơn gió se se lạnh đủ khiến cho một đứa “yếu nên không dám ra gió” như tôi phải cầu viện đến chiếc áo khoác mỗi khi ra ngoài vào buổi sáng sớm.
Mùa hồng giòn không chỉ nhắc nhớ về sự hiện diện của một “món ruột”, “món ghiền” với một người không còn trẻ nhưng lại thích ăn vặt như tôi mà còn nhắc tôi về một kỷ niệm nào đó, như con đường có ngôi nhà cũ, có cô bé ngồi bán hồng giòn với chiếc mũ len mỏng thường trực trên đầu và những người bạn thân cùng tôi đi chơi ở vườn hồng năm ấy mà chẳng biết bao giờ mới được gặp lại.
Nói tiếc thương ngày cũ chắc cũng chẳng phải quá lời. Một chút hoài niệm khi mùa thu đã về bên mấy khóm cúc mẹ trồng tháng trước đủ để nhận ra lòng vẫn còn bồi hồi xúc động khi nỗi lo cơm áo vẫn ngổn ngang ngoài kia.