Mùa xuân tắm rừng với Shinrin-Yoku

Ảnh: tomoko-uji-unsplash
Share:
Văn Hóa - Văn Nghệ
Văn Hóa – Văn Nghệ
Mùa xuân tắm rừng với Shinrin-Yoku
/

Người Việt hình như không mấy thiện cảm với rừng bởi vậy chúng ta thường nghe nói chốn “rừng thiêng nước độc” hay “sơn lam chướng khí.” Rừng là chỗ lưu đày, nơi trốn tránh của những người vì lý do gì đó phải xa lánh xã hội. Người lính trấn giữ tiền đồn giữa rừng sâu thường mang nỗi buồn nhớ thành phố như trong câu hát “Lá rừng che kín đường về phồn hoa” (Rừng Lá Thấp, Trần Thiện Thanh). 

Nhạc Việt Nam đa số bài nào cũng buồn. Nhắc đến rừng, chỗ chim kêu vượn hú biết nhà má đâu càng buồn hơn. Vậy mà, lạ ghê, khi nghĩ tới rừng, tôi lại nhớ đến bài hát Sáng Rừng của Phạm Đình Chương. Rừng xanh lên bao sức sống, ú u ú u. Ngàn cây xôn xao đón hương nồng của vầng thái dương hồng bừng lên trời đông. Phạm Đình Chương thật là một nhạc sĩ đa dạng. Thật khó mà tưởng tượng một nhạc sĩ viết bản nhạc buồn chết người Nửa Hồn Thương Đau lại cũng là tác giả của Sáng Rừng, một bài hát toàn những lời reo vui hạnh phúc.

Trong bài hát của ông tôi nhìn thấy rừng của mùa xuân. Đầu xuân lá thưa, rừng nhiều ánh sáng. Mùa hè lá mọc dầy che bớt ánh sáng rừng hơi âm u. Đầu xuân, rừng có màu xanh của lá non. Thiên đàng, nếu có, chắc phải mang hình ảnh của mùa xuân. Cây lá tươi non, hoa nở muôn màu sắc, chim hót vang trời, không khí trong lành. Người ta bảo rằng xuân du phương thảo địa. Để ngắm cảnh xuân tôi mời bạn đi tắm rừng.

Ảnh: june-wong-unsplash

Tắm rừng là gì?

Tắm rừng dịch từ tiếng Nhật của cụm từ shinrin-yoku. Shinrin là rừng, yoku là tắm, ráp lại nghĩa là tắm rừng. Tôi tí toáy với cụm từ shinrin-yoku cố dịch nó ra tiếng Việt. Muốn có vẻ thanh tao hơn, tôi nghĩ đến tắm gội hương rừng, rồi bóng bẩy hơn với thấm nhuộm hương rừng. Nhưng cuối cùng tôi trở lại với hai chữ tắm rừng, đơn sơ và mộc mạc, nhưng sát nghĩa, hợp với tôi hơn. Chúng ta quen với khái niệm tắm thì phải dùng nước xối gội hay ít ra cũng phải được thấm đẫm bằng hơi nước. Khái niệm tắm bằng cây rừng xem chừng xa lạ, ít được nói đến trong cộng đồng người Việt. Nhưng tại sao lại tắm rừng? Tắm rừng mang lại lợi ích gì cho chúng ta?

Có thể bạn không hề để ý đến chuyện tắm rừng, nhưng thế nào bạn cũng từng nghe nói đến lợi ích của việc đi bộ và ảnh hưởng của cây cối đến sức khỏe con người. Dr. Qing Li, Chairman of the Japanese Society For Forest Medicine (Hội trưởng Hội người Nhật nghiên cứu tính chất dược thảo của cây rừng), đưa ra vài kết quả sau cuộc nghiên cứu bằng phương pháp khoa học theo dõi ảnh hưởng của cây rừng lên sức khỏe con người.

Năm 2004, ông Li thành lập Forest Therapy Study Group (Nhóm nghiên cứu tính cách trị liệu bằng rừng cây) với sự cộng tác của cơ quan chính phủ và giới học thuật. Ông Li đưa mọi người đến rừng Iiyama, nơi có những cây beech khổng lồ, và suối do tuyết tan chảy từ núi Chikumagawa. Nơi đây cũng là bối cảnh hữu tình trong bài dân ca Oborozukiyo (Đêm Trăng Sáng). Ông Li cho đo mức độ cortisol, loại kích thích tố xảy ra khi cơ thể trải qua tình trạng căng thẳng độc hại của ‘stress’, trong máu của những người tham gia cuộc nghiên cứu, trước và sau khi được tắm rừng. Kết quả cho thấy tắm rừng có thể làm giảm cortisol, giảm huyết áp, và làm tăng mức thay đổi nhịp tim đập. Những nghiên cứu tiếp theo cho thấy tắm rừng có thể giúp cho dễ ngủ và ngủ sâu hơn do đó có thể giảm bớt những chứng bệnh có liên hệ đến giấc ngủ như bệnh tim, thận, tiểu đường, và vỡ mạch máu.

Làm gì để tắm rừng?

Bạn không cần phải nhọc nhằn gì cả. Chỉ cần bạn đến một nơi có nhiều cây, như công viên chẳng hạn, và thả cho tâm hồn hòa nhập với thiên nhiên với tất cả giác quan của bạn. Hãy đi một đoạn đường. Thong thả đi và nhìn ngắm chung quanh. Trước nhất là ngắm nhìn vẻ đẹp của cây.

Cây cối luôn có một vị trí quan trọng trong đời sống hằng ngày nhưng nhiều khi chúng ta quên đi, hoặc không để ý. Đức Phật khi nhập Niết Bàn, ngài đã ngồi dưới cội Bồ Đề. Người Việt mình, khi trong nhà có người qua đời, cây cối chung quanh nhà cũng được cột cho một giải khăn tang. Mỗi cái cây có một câu chuyện của nó. Sau bao nhiêu năm quan sát, có thể nó đã giữ một số kỷ niệm nào đó. Một gia đình ăn picnic dưới gốc cây. Gia đình chim làm tổ khuất đâu đó trong nhánh lá.

Không cần số liệu nghiên cứu khoa học gì bạn cũng biết là cây thở ra dưỡng khí cho chúng ta hít vào, và cây sẽ hít vào thán khí chúng ta thở ra.

Hít vào và nghĩ
Ta vững chắc
Thở ra và nghĩ
Ta tự do

Với mỗi bước đi mặt đất chữa lành chúng ta, và với mỗi bước đi chúng ta chữa lành mặt đất.[1]

Với tôi, mùa Xuân bắt đầu vào ngày đầu tiên của Tháng Năm sau khi tôi tưởng niệm ngày 30 tháng Tư. Thật ra, ngày bắt đầu mùa Xuân tùy theo mỗi người. Với Đỗ Phủ, mùa Xuân bắt đầu từ Tháng Ba. Ông viết trong bài Tuyệt Cú Mạn Hứng kỳ 4.

Nhị nguyệt dĩ phá, tam nguyệt lai,
Tiệm lão phùng xuân năng kỷ hồi.
Mạc tư thân ngoại vô cùng sự,
Thả tận sinh tiền hữu hạn bôi.

Trần Trọng San dịch như sau:

Tháng hai đã hết, tháng ba rồi,
Già gặp xuân còn được mấy hồi?
Cái việc ngoài thân đừng nghĩ nữa,
Chén đời có hạn, cạn đi thôi!

Phương thảo địa của tôi vẫn là con đường trail nằm giữa, một bên là kênh đào Delaware and Raritan, bên kia là dòng sông Millstone nối tiếp sông Raritan. William Blake nhìn thấy mùa Xuân như thiên đàng trải rộng trong các loài hoa dại. Cuối Tháng Hai, hoa xuyên tuyết bẽn lẽn cúi đầu, từng cụm lá xanh hoa trắng dưới chân những bụi cây chưa ra lá. Vài cụm hoa crocus nhụy vàng kín đáo chen trong đám cỏ xanh mới mọc lưa thưa.

Ảnh: tomoko-uji-unsplash

Tháng Ba anh đào trổ hoa thành những cánh rừng trắng xóa. Tháng Tư, thủy tiên mọc khắp nơi, những đóa hoa như những cái chung trà hai màu, vàng và trắng, vàng và cam. Đầu Tháng Năm thấp thoáng bên kia bờ kênh là màu hồng của Eastern redbud và mộc lan trắng điểm hồng, forsythia còn sót lại làm thành một hàng rào vàng rực như mặt trời trốn vào trong ấy.

Ở khuôn viên nhà thờ Pillar, mấy cây đào cherry blossom cánh kép nở xum xuê làm trĩu cả cành. Băng qua cây cầu South Bound Brook men theo đường trail là mấy cây crab apple mặt dưới cánh hoa màu hồng, mặt trên cánh hoa màu trắng, hương hoa ngan ngát nương theo gió. Dưới đất mọc đầy các loại hoa hoang dại, màu tím thì có Blue Virginia Bell, và viola (hoa biểu tượng của tiểu bang New Jersey), màu vàng bên cạnh dandelion có golden rod và buttercup, màu xanh có lưu ly hay còn gọi là forget-me-not, màu trắng thì có vô số hoa của cỏ dại, có tên là Spring Beauty.

Sau vài hôm mưa nhiều, nước sông dâng lên tràn vào vùng đất trũng, trước kia là cánh rừng khô, sau khi nước rút, cả một cánh đồng, dưới chân những cây cổ thụ, phủ kín một loại hoa vàng. Hoa bloodroots, sở dĩ có tên này vì rễ của nó là một loại củ màu cam đậm gần như là màu đỏ.

Hãy lắng nghe lời tự tình của mùa Xuân qua tiếng gió lùa rì rào trong cây. Tiếng chim ríu rít, tíu tít, líu lo với những âm điệu khác nhau. Loài quạ với tiếng kêu quang quác thường làm người ta giật mình kinh sợ trong mùa Đông, nhưng vào mùa Xuân chúng rủ rỉ rù rì với nhau, con này kêu quà quà, con kia đáp dạ dạ nghe rất dịu dàng như những lời tự tình của hai kẻ yêu nhau.

Ảnh: sergio-rola-unsplash

Nói về âm thanh của mùa Xuân, xin cho phép tôi kể bạn nghe một âm thanh đã làm tôi kinh ngạc, nếu tôi không được nghe bằng chính tai của tôi chắc là tôi không tin. Cuối Tháng Ba, đôi khi có một ngày ấm, nắng lên. Lá khô vẫn còn phủ đầy hai bên vệ đường, nơi trước kia là cỏ. Đang đi tôi bỗng nghe thấy tiếng rì rào rất lạ, không phải tiếng nước chảy, mưa nhỏ giọt, hay lá reo. Âm thanh xuất phát ngay từ dưới chân của tôi. Cúi người lắng nghe tôi nhận ra âm thanh ấy phát xuất từ bên dưới những chiếc lá khô. Nó như là tiếng chuyển động của mầm lá chọc thủng đất vẫn còn đóng băng để trồi lên, hay của côn trùng vỡ da mọc cánh. Rì rầm. Lách tách. Cựa quậy, xôn xao. Tôi chỉ nghe thôi, tránh không động đến những chiếc lá khô, tôi không muốn quấy phá sự chuyển mình của mùa Xuân.

Ảnh: jelleke-vanooteghem-unsplash

Nắng đầu Tháng Năm vàng tươi, xuyên qua những chiếc lá non, nắng biến thành màu xanh như ngọc, được diễn tả đơn giản bằng một chữ của Nhật, komorebi. Hãy thong thả mà đi, mà ngắm, mà hít thở không khí của rừng. Hãy cảm nhận mùi của đất của rừng sau cơn mưa nhỏ hôm qua. Người Việt mình thường gọi là cây thông dùng chung cho loại cây vạn niên thanh có hình tháp có chóp nhọn (conifers). Thông, hay tùng, vì vậy gồm chung nhiều loại, pine, cedar, spruce, và fir.

Dọc đường tôi đi có khá nhiều loại tùng, suốt năm màu xanh nhưng mùa Xuân mọc thêm nhánh thêm lá. Mùi của những cây này rất thơm, một mùi thơm nhẹ nhàng khiến chúng ta nghĩ đến những mùi thanh sạch của một dòng suối trong do tuyết tan từ trên núi chảy xuống. Có thể bạn không thể nhận ra một mùi nào cả nhưng chắc chắn bạn sẽ nhận thấy sự tinh khiết của không khí trong rừng. Mùi của cây, là một trong những yếu tố làm người ta cảm thấy yên tĩnh thư thái hơn.

Khái niệm tắm rừng, shinrin-yoku, cũng nhấn mạnh đến khía cạnh vị giác và xúc giác nhưng tôi cố tình làm ngơ, bởi vì đi rừng tôi tránh không đụng đến cây lá lạ, vì sợ cây lá độc như poison ivy và sumac có thể gây ngứa ngáy. Tháng Năm, những cây dương xỉ bắt đầu mọc lá non cuốn lại như hình trôn ốc. Những đọt cây dương xỉ này là món ăn hiếm quí (delicacy) của nhiều người sành ăn các món khai vị. Tháng Năm cũng là lúc những cây tỏi hoang (ramp) mọc đầy trail ở Watchung Reservation.

Ảnh: bogomil-mihaylov-unsplash

Lá tỏi hoang non chiên với trứng (scramble egg) cũng là một món ăn độc đáo. Lá tỏi hoang được các nhà hàng mua với giá khá cao, nghe nói hai chục đồng một pound, còn cao hơn cả nấm đông cô. Nói chuyện nghe chơi chứ tôi chưa hề thử những món ăn này. Tôi cũng không khuyến khích các bạn ăn trái cây rừng hay hái nấm rừng. Có rất nhiều loại cây lá người ta bảo rằng có thể chữa được bệnh nhưng tôi chưa bao giờ tìm hiểu xa hơn.

Đi dạo rừng ban đầu vì hiếu kỳ, dần dần dẫn đến sự kinh ngạc, và niềm kính trọng thiên nhiên trong tôi. Thiên nhiên thật diệu kỳ. Mùa xuân, sự sống vươn dậy trong cây cỏ và thú vật. Dọc hai bên bờ kênh và bờ sông, từ cuối Tháng Ba đầu Tháng Tư, ngỗng Canada bắt đầu ấp trứng. Ngỗng mái nằm ổ, ngỗng trống đứng canh. Có khi ngỗng làm tổ trên cây cao, ấp trứng nở được đàn con, ngỗng mẹ bay ra khỏi tổ, đứng bên dưới gọi con táo tác. Đàn ngỗng con lần theo tiếng mẹ kêu, lần lượt nhảy ra khỏi tổ bằng một niềm tin tuyệt đối gần như là mù quáng. Chưa con nào biết cuộc đời là gì, chỗ mình nhảy bao xa, bao cao.

Tôi nhìn thấy sự kỳ diệu của thiên nhiên, của đấng Tạo Hóa trong cách ngỗng mẹ ấp ủ đàn con; ngỗng bố bằng hết sức mình bảo vệ che chở gia đình; và niềm tin tuyệt đối vào cha mẹ của đàn ngỗng con. Sao thú vật mà cũng khôn ngoan tử tế như loài người; không, có khi còn hơn cả loài người nữa chứ. Thật là kỳ diệu! Bên cạnh ngỗng còn vô số rùa. Bọn rùa chỉ chờ có chút nắng là tranh nhau leo lên một khúc cây nhô ra khỏi mặt nước duỗi “tay” duỗi “chân” phơi mình tìm hơi ấm làm tăng năng lượng trong cơ thể.

Ảnh: alfred-boivin-unsplash

Đi tắm rừng, cũng là một cách để bạn nhận ra tính cách hai mặt của cuộc đời. Có nhiều nét của mùa Xuân cũng giống như mùa Thu. Mấy cây phong đỏ, red maple, vào mùa Xuân lá non và hoa của nó cũng có màu đỏ như lá mùa Thu. Bên cạnh nhựa sống tràn trề trong cây là những cây đã chết, đã mục, và dọc theo thân cây là những cái nấm thật to, thật trắng. Nấm rồi cũng sẽ cứng như cây. Những sợi dây leo quấn quít theo cây sau một thời gian cũng trở thành những cái cây tuy uốn éo mềm mại nhưng vẫn cứng cáp không kém những cây đứng thẳng chung quanh.

Tôi quên dặn, đi tắm rừng, bạn nhớ hãy để bên ngoài rừng những mối bận tâm tranh chấp hằng ngày, nhất là cuộc chiến tranh giữa Ukraine với Nga. Người ta còn khuyên là đừng mang theo điện thoại và máy chụp ảnh (nhưng tôi không nghe bởi vì tôi không tin vào bất cứ khái niệm nào một cách tuyệt đối cả). Hãy xem tắm rừng là một buổi đi dạo trong rừng hay trong công viên, một cách vận động nhẹ, và có thể giúp bạn thư giãn, hưởng thụ mùa xuân mà chẳng tốn kém gì.

Ảnh: june-wong-unsplash

Trong cuộc sống xô bồ, trong cố gắng để đạt đến thành công về tài chánh, nhiều người Nhật bị căng thẳng đến độ lăn ra chết, bất đắc kỳ tử. Khái niệm shinrin-yoku giúp họ tìm lại phần nào sự cân bằng cuộc sống bằng cách hưởng thụ thiên nhiên. Người Navajo, dân bản địa Hoa Kỳ, tự bao đời cũng đã dùng thiên nhiên tưới gội lên người. Họ thấm nhuộm hương rừng qua một bài kinh tụng như sau:

Núi non, tôi trở thành một phần của nó
Cỏ thơm, thông xanh, tôi trở thành một phần của nó
Sương sớm, mây mù, nước suối và sông,
Tôi trở thành một phần của nó
Thiên nhiên hoang dã, mưa mềm, phấn hoa…
Tôi trở thành một phần của nó.

Ở bên trên Đỗ Phủ đã viết và Trần Trọng San đã dịch. Chén đời có hạn, cạn đi thôi. Nào, xin mời các bạn cạn chén mùa Xuân, cho phép tâm hồn mình về với thiên nhiên bằng cách thấm nhuộm hương rừng.

______________

[1] Hannah Fries, Forest Bathing Retreat, trang 39, tác giả ghi chú câu nói trên của Thích Nhất Hạnh. NTHH dịch từ bản tiếng Anh.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: