Người muôn năm cũ

Hình minh họa: Saigon 1960s, François Sully

Trời giữa trưa đứng bóng, có một người đàn ông trạc tuổi năm mươi ngồi xổm ở đầu hè, mình trần để lộ một vết “chàm” màu xanh lợt thật to ở phía sau vai, nước da ngăm ngăm, dang mình dưới trời nắng gắt, thân hình chuyển động đều đều nhích tới nhích lui. Ông ta đang mài một thanh gỗ nhỏ bốn bề cho vuông vức, có người chú ý hỏi để làm gì, ông bảo:

– Cho hết thời giờ.

Ông không quan tâm đến mọi việc chung quanh, cứ lầm lũi mài cho đến khi thanh gỗ không còn có thể mài mòn hơn được nữa. Sau đó ông lững thững đi về buồng ở cuối dãy nhà không có cửa.

Còn buổi chiều sau khi cơm nước xong xuôi, mọi người thường hay đi bộ lên, xuống trên con đường đất nhỏ làm ranh giới giữa các dãy nhà 1, 2, 3, 4 mà anh em đặt tên nghe trầm lắng như cuộc cờ tàn “Đại lộ Hoàng Hôn”. Riêng ông không ra ngoài, nằm im trên lán gỗ không có chân đế, chỉ vừa đủ để trải một manh chiếu nhỏ, bất động nhìn lên trần nhà mà nghĩ ngợi điều gì không ai biết. 

Rồi có những đêm ngay trong phòng này chứa chừng hơn trăm người, ăn ngủ tại chỗ, khi tất cả các sạp gỗ cá nhân đươc chất gọn lại để lấy khoảng trống chính giữa làm sân khấu trệt trên nền gạch bông thì mọi người qui tụ xung quanh, đứng ngồi chật cứng gian nhà để xem ông diễn tuồng, đóng vai tướng Ô Mã Nhi dưới ánh đèn dầu tự chế. Từ hóa trang cho đến điệu bộ, nhất là lúc ngồi trầm tư bên án thư, ông diễn như thật. Người cao to, vai ngang vạm vỡ khi đứng lên chĩa gươm về phía trước, hét to khiến cho mọi người muốn đứng tim, rụng rời. Từ sau đó khi có diễn tuồng, ông luôn đóng vai chính trong các vở kịch thơ dựa theo sử Việt do những người ở chung buồng sáng tác như “Ta thà làm quỷ nước Nam” rất hào hùng, sang sảng… nhưng toàn là vai “bên thua cuộc.”

Trong tuần có vài ngày lên hội trường học tập chính sách của đảng và nhà nước. Hội trường là một gian nhà lợp tôn, nền đất mới dựng, chứa được chừng vài trăm người, chỗ ngồi là những thanh gỗ ngang đóng liền nhau làm thành bốn dãy chật cứng, do mọi người tự xây cất từ những ngày đầu được đưa lên đây, trại Cô nhi Long Thành.

Đi ra ngoài hay lên lớp, ông mang đôi dép nhựa “tổ ong” ngã màu vàng ố, mặc một bộ đồ bà ba đen vải dày của cán bộ xây dựng nông thôn trước đây. Ông đi lắc lư cao hơn mọi người một cái đầu, giữa một đoàn người ăn mặc luộm thuộm, tay cầm một quyển tập viết cuộn tròn. Có người cùng chung tổ đội thấy dáng đi của ông xệch xạc, khó khăn nên đề nghị đổi cho ông một đôi dép râu có quai hậu cho dễ di chuyển nhưng ông cám ơn và bảo không quen.

Thường nhật ngoài sinh hoạt cá nhân, thời gian còn lại mọi người rập theo tiếng kẻng, ngồi tại chỗ viết bản” tự khai”, kéo dài hằng tháng trời. Ban đầu theo hướng dẫn của cán bộ quản lý nhà, rất đơn giản chỉ là tên tuổi, quê quán, cấp bậc và chức vụ… nhưng lâu dần sau kiểm tra, cán bộ bắt buộc một số người phải khai lại… cán bộ nói rõ khai giống như là “tiểu sử” cho nên những người giữ chức vụ cao thì hầu như bị khai đi, khai lại, khai hoài không bao giờ chấm dứt. 

Vietnam 1991

Buổi tối đêm về, sau khi ca hát chung một số bài ca do các nhạc sĩ miền Bắc sáng tác trong thời kỳ kháng chiến “chống Mỹ” là đến phần kiểm thảo các bản tự khai trước tổ, đội. Có hôm cán bộ đến ngồi dự thảo luận chung, bấy giờ mọi người ngồi nghe hướng dẫn của cán bộ thế nào là một bản tự khai “thành khẩn” để được nhà nước khoan hồng, sớm cho về đoàn tụ với gia đình. 

Nhưng trong chỗ riêng tư ông cho biết là ông đã từng thẩm vấn không biết bao nhiêu cán binh cộng sản, ngay cả với Thượng tá Tám Hà, cho nên ông biết rất rõ là không phải như vậy, sẽ không bao giờ được thả về sớm, trừ phi có bảo lãnh hay can thiệp đặc biệt. Có người hỏi biết thế sao vẫn vào đây?

– Không có lựa chọn nào khác. Ông nói.

Thà không biết mà nuôi hy vọng từng đợt trả tự do, từng năm tháng… cũng có khi ở lại vĩnh viễn nhưng lòng vẫn luôn mong có ngày về, còn hơn là biết rõ sẽ ở lại chốn nầy lâu dài mà không biết có ngày về hay không mới thật là cay đắng. 

***

Ông tốt nghiệp khóa 1 trường Quốc Gia Hành Chánh ở Đà Lạt và được cử làm Quận trưởng quận Cai Lậy, tỉnh Định Tường giống như hầu hết các sinh viên mới ra trường về địa phương lúc bấy giờ, các tân quận trưởng còn rất trẻ, đều trong độ tuổi chừng 25.

Khi mới về địa phương nhận nhiệm sở ông đã vận động, quyên góp để xây dựng và hoàn thành hai công trình còn lưu lại mãi về sau nầy, đó là dãy nhà trệt, tường tráng xi măng kiên cố, trường Tiểu học Cai Lậy (1958) và khu nhà lầu hai tầng, trường Trung học Cai Lậy (1959), tiền thân của trường Đốc Binh Kiều sau nầy.        

Ngoài ra, thành tích nổi bật nhất trong thời gian ông làm việc tại đây là thành lập được các “khu trù mật” thật đúng nghĩa vì đời sống dân cư ở đây có thể tự túc lương thực và dư thừa bán đi khắp nơi nhờ vào kế hoạch đắp đường vào tận nơi đồng thưa, xóm vắng. Hệ thống thủy lợi dẫn nước, xả phèn đem lại năng suất cao cho cây trồng. Nhưng quan trọng hơn hết là huy động được các thành phần dân chúng tự nguyện ở các nơi tụ tập về đây sinh sống kể cả dân di cư từ miền Bắc.

Năm 1959 Tổng thống Ngô Đình Diệm về kinh lý quận Cai Lậy và đi thăm khu trù mật “Hậu Mỹ” đã hết lời khen ngợi. Để rồi sau đó ông được bổ đi làm Tỉnh trưởng tỉnh Vĩnh Bình. Hôm tiễn ông lên đường nhậm nhiệm sở mới, thân hào, nhân sĩ và dân chúng Cai Lậy đã tự động thuê xe đò hơn 20 chiếc đưa ông đến tận bến Bắc Mỹ Thuận.

Tỉnh trưởng tỉnh Vĩnh Bình và gia đình (1960)

Đến đầu thập niên 1960 khi tình hình an ninh ở miền Nam bắt đầu bị quấy rối bởi cộng sản nên lần lượt các vị tỉnh trưởng dân sự được thay thế bằng các sĩ quan quân đội, riêng ông được Tổng thống Diệm ký Nghị định “sĩ quan đồng hóa” phong quân hàm cấp bậc Thiếu tá và vẫn giữ chức vụ Tỉnh trưởng Vĩnh Bình như cũ. Ông là vị Tỉnh trưởng trẻ nhất của VNCH, ông giữ chức vụ nầy năm mới 33 tuổi.

Sau cuộc chính biến ngày 1 Tháng Mười Một năm 1963 ông về Sài Gòn đảm nhận vai trò Tổng Thư ký ở Bộ Nội vụ rồi sau đó lần lượt ở các Phủ, Bộ, Tổng nha khác ở trung ương. Chức vụ cuối cùng của ông trước ngày 30 Tháng Tư là Tổng Quản trị Hành chánh (xếp ngang hàng Bộ trưởng) Phủ Tổng Thống.

Ông có tài ăn nói và đặc biệt có giọng đồng, tiếng nói vang vang nên rất hấp dẫn cử tọa trong những buổi hội họp, thảo luận hay thuyết trình. Hầu như ông là diễn giả chính về chính trị hay cải tổ hành chánh tại các trung tâm huấn luyện dân sự trên toàn quốc hoặc ở địa phương khi có tổ chức đại hội cấp cơ sở. 

Mặc dù có rất nhiều cơ hội tiếp cận với các cấp lãnh đạo quốc gia trong cả hai nền Cộng hòa, và hầu như ai cũng tin cậy và quí trọng, nhưng ông luôn giữ lòng chính trực và sĩ diện của một người trí thức, tận tụy và chu toàn trách nhiệm đúng theo thiên chức của mình, một Đốc sự Hành chánh trong guồng máy công quyền.

Ông được Tổng thống VNCH ký sắc lệnh đặc cách ân thưởng Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương năm 1972. Rất ít viên chức dân sự được gắn huy chương cao quí nầy. 

Trước ngày 21 Tháng Tư năm 1975 Tổng thống Thiệu có đề nghị ông thu xếp gia đình để di tản cùng với ông ấy, nhưng ông đã từ chối. Lần thứ hai, ngày 25 Tháng Tư năm 1975 nhân viên tòa Đại sứ Mỹ đặc cách cấp giấy phép cho người đến chở ông và gia đình ra phi trường, ông vẫn không đi và ở lại Sài Gòn. Kế đến những ngày cuối Tháng Tư trong khi mọi người ào ạt di tản thì ông lại ứng trực tại Phủ Tổng thống, điều hành văn phòng theo lời khẩn khoản của Tổng thống Hương, cho đến khi Dương văn Minh ra lệnh đầu hàng, ông mới rời nhiệm sở.

Sau khi cộng sản tràn vào chiếm thành phố, ông cùng với gia đình rời cư xá công chức ở đường Cao Thắng, di chuyển vào Chợ Lớn, trú ngụ tạm ở nhà ông chủ rạp xi-nê “Đại Nam.” Tại đây nửa đêm mùng 1 Tháng Năm 1975 ông định tự tử bằng súng lục, nhưng cả nhà khóc inh ỏi và người ảnh hưởng nhất là cô con gái lớn của ông đã ngăn cản được ý định nầy và ông còn sống sót.

Một tuần sau, ông ra trình diện chính quyền mới, vừa về nhà được hai hôm, thì mỗi sáng có người lạ đem xe đến rước vào dinh Gia Long làm việc gì, chiều tối chở về, cả nhà không ai biết, được một thời gian ngắn thì họ cho ông tự do và lệnh chờ đi học tập cải tạo.

Cũng giống như bao nhiêu viên chức khác của chính quyền VNCH, ông vào trại cải tạo và bị đưa đi khắp nơi từ Nam ra Bắc, lưu đày lao động khổ sai, ông ở tổ đội khuân vác đá gần 10 năm thì đôi chân của ông không còn đi được nữa. Vợ ông mất sớm sau khi ông vào tù được mấy năm và các con lần lượt vượt biên đi hết ra nước ngoài chỉ còn cô em gái là người thăm nuôi ông thường xuyên. Đằng đẵng 13 năm trời tù đày, ông được tha cho về, ngồi trên chiếc xe “cải tiến” bằng gỗ kéo tay để rời trại. Thật ngậm ngùi.

***

Năm 2005 nhân dịp tham dự tiệc cưới con gái của một người bạn tại San Jose tôi gặp lại nhiều bạn học cùng khóa cũng như một số nhân vật nổi tiếng của chế độ cũ, kể cả cựu thủ tướng cuối cùng của VNCH. Tôi sững sờ khi đứng trước một cụ già người to lớn, mặc một bộ đồ vét đen, gương mặt cương nghị thần thái uy nghi ngồi trên chiếc xe lăn.

– Chào bác, bác có khỏe không?

– Cám ơn em, Qua khỏe.

– Thưa bác, cháu là người Cai Lậy đây.

– Ồ vậy à. Em qua đây lâu chưa?

– Dạ được hơn 10 năm, thuộc diện HO19.

Thế rồi sau đó, suốt trong buổi tiệc, thỉnh thoảng từ xa tôi quay nhìn ông, thật vẫn thần thái ấy vẫn giọng nói ấy mặc dù có hơi lạc hơn xưa vì tuổi tác. Cụ đã 80 rồi còn gì… và biết bao nhiêu hình ảnh xưa cũ lại hiện về.

Vietnam 1991

Năm ấy tôi học lớp Nhất trường Tiểu học Cai Lậy có theo mọi người ra “cua Ông Cọp” vẫy cờ đón Ngô Tổng thống, sau đó tề tựu trước sân dinh quận để xem lễ. Tổng thống Diệm ngồi trên một chiếc ghế bành thật to màu xanh lá cây, chỉ duy nhất một chiếc ghế trước tiền sảnh, còn lại các bô lão và quan chức ngồi phía sau, trước hành lang văn phòng quận. Đó là lần đầu tiên tôi tận mặt nhìn biết ông quận trưởng.

Mãi cho đến khi tôi thi đậu vào học ở trường Quốc Gia Hành Chánh, ông là giảng viên chính thức giảng dạy môn học hành chánh thực hành (case study), nhưng đáng nhớ nhất là kỹ thuật thuyết trình cũng như “vận động nhân dân” để điều hướng dư luận quần chúng. Nói chung ông truyền bá kiến thức và kinh nghiệm quản lý cơ quan chính quyền cho sinh viên chuẩn bị ra trường nhận nhiệm sở tại địa phương.

Thời gian trôi đi, khi chế độ tự do, dân chủ miền Nam sụp đổ tôi gặp lại ông trong trại cải tạo Long Thành, ở cùng nhà. Rồi cùng chuyển trại ra miền Bắc và chia tay nhau trên đất Bắc. Tưởng đâu sẽ vùi thây trên vùng Thượng du Bắc Việt, nhưng “trời cao còn ngó lại” mới còn có ngày gặp nhau trên đất khách, xưa một già một trẻ, giờ hai mái đầu cùng bạc trắng mà vận nước vẫn chưa xoay.

Ông đến Hoa Kỳ năm 1991 theo diện HO và định cư ở thành phố San Jose, California. Ngồi trên chiếc xe lăn hơn hai mươi năm ông vẫn điềm nhiên sống vui cùng với mọi người, không hề kể gì về những ngày tháng cũ, tất cả chỉ như là cơn gió thoảng qua. Đời là một vở tuồng mà mỗi người sẽ diễn một vai, lúc nầy lúc khác, khi thắng cuộc khi thua cuộc dù bên nào cũng vậy, miễn sao khi vãn tuồng, mọi người còn nhớ đến và khen hay. Lịch sử vẫn luôn diễn ra như vậy.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: