Nói cùng điên điển

Bông điên điển sau nhà

-Anh chỉ là thằng rể điên điển, anh có biết không?

Người con trai thấy buồn quá sau tiếng nói ấy, nhưng không dám trả lời, mà chỉ biết buồn cho thân phận, vì nghĩ mình là một người vô tích sự giống như rễ cây điên điển mà người ta vừa gán cho anh.

Đối với mọi người, cứ nghĩ rằng rễ cây điên điển là một loại rễ vô tích sự trong các loại rễ cây, vì nó chỉ sống không đầy năm thì không làm gì được để giúp cho người đời.  Nhưng có ai biết đâu những gì nó đã làm cho mọi người khi mọi người hưởng của nó nhưng đã quên nó ngay. Thôi thì cứ nghĩ rằng thế nào cũng được miễn mình không là một thứ vô tích sự.

Cuộc đời điên điển bắt đầu khi những cơn mưa đầu mùa đến, những hạt mưa làm hạt giống của nó nẩy mầm. Hạt giống điên điển có khi được gieo trồng mà cũng chẳng có ai gieo nữa, tự nó đã có sẵn dưới lòng đất từ mùa trước, sau khi những trái mang hạt chín và rụng xuống. Cây con lớn nhanh do những cơn mưa kế tiếp nuôi dưỡng chúng.  Chúng lớn nhanh như thổi, dường như sợ rằng nếu không như vậy có lẽ sẽ không kịp theo những con nước lũ từ thượng nguồn sông Cửu Long đổ xuống sẽ giết chúng nếu nước ngập ngọn.

Khi lớn được một chút thì đã bị người ta ‘xài’ rồi, mặc dù khi ấy với thân thể chưa phát triển nhiều, cành lá chưa có xum xuê, nhưng với mọi người thì nó đã đủ ‘tiêu chuẩn’.  Vào Tháng Sáu và Bảy âm lịch, nước đã bắt đầu từ thượng nguồn đổ xuống tràn vào đồng.  Trước 1975, những cánh đồng ở các tỉnh Tây Nam như Long Xuyên, Châu Đốc,.v.v… còn làm lúa sạ, giống lúa này thích hợp với những cơn nước lũ từ bên Cam Bốt đổ về, nước lên đến đâu thì lúa sẽ lên đến đó. Có những năm nước thật lớn, cây lúa sau khi gặt xong, gốc rạ có khi đo được hơn 2 mét. 

Như thế có thể hiểu ở những vùng sâu thì mực nước sẽ cao như thế nào. Có lẽ thiên nhiên tạo ra cây điên điển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long để thích hợp với mực nước lớn, và cũng để giúp dân nghèo sinh sống trên vùng đất này.  Khi nước đã tràn đồng, nguồn thực phẩm cá tôm tăng lên, giá lúa gạo cũng theo con nước tăng lên mỗi ngày. Với nông dân nghèo thì đây là khoảng thời gian họ lo sợ nhất, vì viễn cảnh của những trận đói mà năm nào cũng không tránh khỏi.  

Cây điên điển đã bắt đầu có những nụ bông búp, màu vàng của bông còn xen lẫn màu xanh lá thì đã bị người ta hái ăn rồi.  Khẩu vị của những bông búp này có người không ăn được vì nó hơi đắng một chút nếu ăn sống, nhưng khi nấu chín lại rất ngon.  Lúc bấy giờ trên cánh đồng đã có cá linh con, đây cũng là đặc sản, cũng như đặc ân mà thiên nhiên dành cho dân nghèo.  Chỉ cần kiếm đủ tiền mua vài lon gạo để gia đình ăn qua ngày, còn đồ ăn thì không có gì gọi là cao lương mỹ vị, có chăng là nồi canh chua cá linh non nấu với bông điên điển, ăn với cá linh kho mặn là đã xong bữa.

Canh chua bông điên điển

Mùa nước kéo dài đến hơn ba tháng thì cây điên điển trở thành nguồn sống cho những người không việc làm hoặc đông con nghèo khó.  Có những gia đình nghèo chỉ biết ăn cơm độn (đó là rất may), đôi khi họ chỉ nấu cháo ăn và bông điên điển được ‘độn’ vào cho qua ngày qua bữa dù rằng không lâu sau lại đói tiếp.  Năm 1978 gia đình tôi cũng đã trải qua cảnh này rồi, khi những ruộng lúa chìm sâu dưới lòng nước và cả gia đình lúc ấy chỉ biết ăn cháo nấu với bông điên điển và nước tương mỗi ngày.  Nhiều gia đình tôi biết chỉ ăn bông điên điển với cá linh qua ngày.  Đối với họ cơm là một thứ cao cấp không bao giờ mơ có được.

Theo thời gian, điên điển càng lớn mạnh với những nhánh bông nặng trĩu mặc dầu mỗi ngày chúng bị tước hái.  Có nhiều cây bị bẻ nhánh để dùng vào việc giăng lưới, giăng câu. Có gia đình ruộng không thể xử dụng cho canh tác thì họ gieo hạt điên điển vào đó để lấy củi. Nhiều khi nước lớn, những đám ruộng điên điển này trở thành nơi tránh nắng, tránh gió bão trên đồng. Nhiều người thoát chết nhờ những đám điên điển này, lúc mưa gió bất ngờ nổi lên trên cánh đồng đầy ắp nước, chẳng còn biết đâu là bờ là bến, vì đâu đâu cũng là nước, như một biển nước mênh mông.  Trong những tháng nước lớn này, bông điên điển trở nên  nguồn thức ăn dưới mọi hình thức, khi thì canh chua, lúc làm dưa, có khi dùng để đổ bánh xèo (tôi không biết các tỉnh khác có làm như vậy không, nhưng ở quê của bà xã tôi thì lúc nào chúng tôi cũng thích món bánh xèo với bông điên điển).

Nếu được ngày trời trong, khi bơi xuồng ra khỏi bờ khá xa và quay nhìn lại bờ thì một cảnh đẹp vô cùng hiện ra.  Với cành lá xanh ngắt của vườn cây dọc theo những nhà cặp theo bờ làng, bờ kinh hay những vùng đất cao… ta sẽ thấy được màu vàng rực rỡ của bông điên điển càng làm nổi bật vẻ đẹp thiên nhiên.  Khi cơn gió nhẹ thổi qua, những cành bông vàng đong đưa theo chiều gió, hoặc khi ngồi trên xuồng câu cá dưới một đám điên điển thì có lẽ không gì bằng, bởi mùi thơm điên điển nhè nhẹ thoảng qua.  Bông điên điển đôi khi cũng được chở về chợ thị xã để bán có giá hơn.  Tôi còn nhớ những dịp về thăm nhà bên tôi, lần nào tôi cũng mang theo cả giỏ lớn bông để làm quà cho mấy bà chị hay bạn của má tôi – họ thích nhất là bông điên điển.

Theo thời gian và con nước, điên điển bớt trổ bông và bắt đầu có trái như trái dâu, nhưng rất nhỏ, trong đó những hạt giống để chuẩn bị cho một lần tái sinh của giống cây này.  Khi nước rút, trả lại đất cho những vụ mùa, cây điên điển một lần nữa được dùng làm giàn bầu, bí và từ đó lại nuôi sống con người.  Khi cây điên điển già, thân cây lại làm củi đốt.  Dù củi điên điển cháy rất nhanh không đượm lâu, nhưng cũng giúp dân nghèo đỡ tốn tiền mua than củi.  Đến lúc cây điên điển bị đốn hết thì nó bị bứng gốc, gốc rễ điên điển rất dễ bứng vì nó mọc rất cạn, không ăn sâu xuống đất như những cây khác.  Vì thế người ta thường ví những gì tầm thường như là ‘rễ điên điển’.

Điên điển ơi, dù người đời có coi thường bạn như thế nào đi nữa, nhưng trong cuộc đời ngắn ngủi của bạn, bạn đã giúp mọi người từ khi bạn còn nhỏ dại đến khi bạn chỉ còn lại những gốc rễ chẳng ra gì. Bạn đã mang đến cho người nghèo khổ trên mảnh đất quê hương được sống qua ngày, bớt đi nỗi lo lắng. Riêng gia đình chúng tôi rất nhớ đến hương vị của bạn sau bao nhiêu năm xa xứ và đã một lần thưởng thức lại, do người thầy, đã gởi cho chúng tôi sau một đêm gặp lại và nhắc đến bạn. Với chúng tôi, bạn không bao giờ là: Vô tích sự.

Ảnh: Điên điển trên đất Mỹ, ảnh của tác giả

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: